Banner trang chủ

Đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường trong khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng

08/12/2021

    Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại Dự thảo Nghị định quy định phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản, thay thế Nghị định số 164/20116/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ.

    Theo thông tin từ Bộ Tài chính, thực hiện thu phí BVMT đối với khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 164/20116/NĐ-CP đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; tăng cường quản lý, khai thác khoáng sản; khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ, khai thác hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản gắn liền với công tác BVMT; góp phần phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường. Đồng thời, số thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản hàng năm đã góp phần tích cực để địa phương bổ sung nguồn đầu tư cho BVMT tại nơi khai thác. Số thu phí năm 2017 là 3.029 tỷ đồng; năm 2018 là 3.448 tỷ đồng; năm 2019 là 3.737 tỷ đồng; năm 2020 là 3.576 tỷ đồng.

    Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị định đã phát sinh một số vấn đề như một số quy định tại Nghị định chưa bảo đảm rõ ràng, không tạo sự thống nhất trong thực hiện. Nhiều địa phương đã phản ánh vướng mắc về người nộp phí, trường hợp không phải nộp phí, phương pháp tính phí, mức phí, kê khai nộp phí, quản lý tiền phí BVMT đối với khai thác khoáng sản... Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 164/20116/NĐ-CP là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách hiện hành về phí BVMT cũng như tác động xấu đến môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

(Ảnh minh họa)

    Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 164/20116/NĐ-CP quy định khung mức phí đối với sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường là 1.500 - 6.000 đồng/m3.

    Việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gây sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi. Hiện phí BVMT đối với khai thác sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường còn thấp, chưa khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế các khoáng sản này. Từ năm 2011 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 42%, lương cơ bản tăng khoảng 80%. Từ năm 2016 đến nay, giá tối đa tính thuế tài nguyên đối với cát đen tăng 100%. Do vậy, để hạn chế khai thác manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả; khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường… Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng: Mức phí tối thiểu bằng mức phí tối đa hiện hành; mức phí tối đa bằng 200% mức phí tối đa hiện hành.

    Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản phát sinh khối lượng lớn đất đá bốc xúc, nếu bỏ đi sẽ gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng khối lượng đất đá này là một trong những giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường; giảm tác động xấu đến môi trường, tránh khai thác đất đá ở nơi khác để cải tạo, phục hồi môi trường; giảm chi phí và phù hợp xu hướng kinh tế tuần hoàn. Do vậy, nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sử dụng đất đá bốc xúc thải ra để cải tạo, phục hồi môi trường, Bộ Tài chính đề xuất quy định miễn thu phí đối với việc sử dụng đất đá bốc xúc để cải tạo, phục hồi môi trường và bổ sung Điều 5 như sau:

    - Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.

    - Tổ chức, cá nhân khai thác đất đá để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự; phòng chống thiên tai, khắc phục thiên tai.

    - Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản sử dụng đất, đá bốc xúc thải ra để cải tạo, phục hồi môi trường tại nơi khai thác theo phương án cải tạo phục hồi môi trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức, cá nhân tự khai và tự chịu trách nhiệm về số lượng đất, đá bốc xúc sử dụng cải tạo, phục hồi môi trường”.

    Xem toàn văn Dự thảo và góp ý tại đây.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn