03/01/2023
Tại Việt Nam, Sáng kiến Thúc đẩy cam kết đa dạng sinh học (BIODEV2030) do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) hỗ trợ tài chính, Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) điều phối, bắt đầu được thực hiện từ tháng 7/2020 dưới sự hợp tác của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường). Một trong những mục tiêu quan trọng của Sáng kiến BIODEV2030 là nghiên cứu phân tích đặc tính kinh tế của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế bền vững, giảm áp lực lên đa dạng sinh học (ĐDSH) tại Việt Nam. Bài viết phân tích những tác động chủ yếu đến ĐDSH của chuỗi cung ứng trong thủy sản; các thách thức về pháp lý trong bảo tồn ĐDSH trong ngành thủy sản và kiến nghị các chính sách trong thời gian tới.
Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có ĐDSH (ĐDSH) cao trên thế giới (Thuaire nnk, 2021). Hiện tại đã xác định được 50.000 loài, bao gồm: gần 7.500 loài vi sinh vật, 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 loài động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt và hơn 11.000 loài sinh vật biển (UNDP, 2021). Kết quả đánh giá trong nghiên cứu của Thuaire và nnk (2021) cho thấy nuôi trồng thủy sản (NTTS) là lĩnh vực sản xuất có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược bảo tồn ĐDSH của Việt Nam. Lĩnh vực này hiện đang khai thác và sử dụng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước) và có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và chuyển đổi nông nghiệp sinh thái nói riêng.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam có rất nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn ĐDSH, nhiều khung pháp lý đã được Chính phủ ban hành như Luật ĐDSH năm 2008, Luật Thủy sản năm 2017, Luật Lâm nghiệp năm 2018, Chiến lược quốc gia về bảo tồn ĐDSH năm 2014, gần đây nhất là quyết định 149/TTg (ngày 28/01/2022) phê duyệt chiến lược hành động quốc gia về ĐDSH,… Bên cạnh đó là các văn bản pháp luật liên quan đến công tác thực thi pháp luật, bảo tồn ĐDSH như Nghị định số 06/2019/NĐ-CP liên quan đến bảo tồn động thực vật rừng, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP liên quan đến bảo tồn thủy sản.
Có thể thấy, tác động đến bảo tồn ĐDSH trong thủy sản chủ yếu xuất phát từ các hoạt động chuỗi tạo ra các hàng hóa chủ lực cho nền kinh tế quốc gia và sinh kế người dân. Các nghiên cứu chỉ ra các chuỗi cung ứng trong thủy sản đang có tác động đến bảo tồn ĐDSH như chuỗi cung ứng cá tra, chuỗi cung tôm nước lợ và chuỗi cung ứng cá biển.
Mặc dù mang đến nguồn lợi kinh tế cao nhưng hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường biển
CÁC TÁC ĐỘNG CHỦ YẾU ĐẾN ĐDSH
Trong thời gian qua, ba chuỗi ngành hàng tôm nước lợ, cá biển và cá tra của ngành thủy sản có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, thu nhập cho các tác nhân trong chuỗi, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các ngành hàng này trong 15 năm qua cũng tạo áp lực và tác động đáng kể đến môi trường và ĐDSH, bao gồm:
Tác động từ quá trình sản xuất giống thuỷ sản như khai thác nguồn giống bố mẹ từ tự nhiên (tôm sú, cá biển); áp dụng kỹ thuật cắt mắt tôm mẹ để kích thích sinh sản cho tôm sú mẹ; nghiên cứu lựa chọn các tính trạng tăng trưởng nhanh và kháng bệnh trong nghiên cứu cải thiện chất lượng con giống cá tra, giống tôm gây ảnh hưởng đến nguồn gen tự nhiên (cá tra, tôm nước lợ); ép cho đẻ nhiều lần trong năm và/hoặc kéo dài thời gian sinh sản dẫn đến chất lượng giống kém, tỷ lệ hao hụt trong sản xuất giống cao;
Tác động trong quá trình nuôi thương phẩm, đặc biệt khi gia tăng mức độ thâm canh đã tạo áp lực từ sử dụng tài nguyên nước; lạm dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh trong NTTS; áp lực đối với nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên xuất phát từ việc sử dụng lượng lớn thức ăn có thành phần chính là dầu cá và bột cá có nguồn gốc từ khai thác tự nhiên, và sử dụng cá tạp từ đánh bắt tự nhiên để làm thức ăn cho các đối tượng cá biển; khả năng lây lan dịch bệnh và ký sinh trùng từ loài nuôi sang các loài tự nhiên;
Nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước từ NTTS do nước thải và bùn thải không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách trước khi thải ra ngoài môi trường, đặc biệt là đối với hoạt động nuôi các đối tượng chủ lực (cá tra, tôm nước lợ).
Hiện tại, trong NTTS cũng đã có các thực hành sản xuất tốt, có tiềm năng nhân rộng. Trong sản xuất giống đã ứng dụng các biện pháp cải thiện dinh dưỡng ở giai đoạn trước thành thục của tôm bố mẹ để thay thế kỹ thuật cắt mắt trong sinh sản nhân tạo tôm nước lợ, gia hóa và chọn giống trong chọn tạo tôm sú bố mẹ để thay thế tôm sú bố mẹ đánh bắt từ tự nhiên; chọn giống cá tra để tăng chất lượng cá tra bố mẹ thông qua cải tiến hệ gen, tăng tỷ lệ sống trong sinh sản và nuôi cá tra thương phẩm.
Trong nuôi thương phẩm, các thực hành, mô hình NTTS bền vững, thân thiện với môi trường đã được triển khai như NTTS kết hợp tôm – lúa, tôm - rừng, NTTS kết hợp đa tầng, đa loài, và nuôi cá biển-nhuyễn thể-rong câu, sử dụng chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh, ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước (RAS) trong nuôi tôm nước lợ, cá tra nhằm giảm lượng nước sử dụng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; áp dụng các tiêu chuẩn NTTS bền vững và/hoặc liên kết với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu (CBXK) trong chuỗi giá trị để thực hiện các mô hình NTTS theo các chứng nhận bền vững (VietGAP, ASC, BAP, Global GAP…) trong nuôi tôm nước lợ; nuôi cá biển công nghiệp theo hướng chứng nhận tiêu chuẩn Cá biển nhiệt đới bền vững (TMFF) của ASC…
Trong chế biến thủy sản, quy trình chế biến thủy sản không phát thải (zero waste) trên cơ sở tận dụng phụ phẩm từ chế biến cá tra và tôm để sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng như collagen, gelatin, chitin, chitosan, dầu cá, thực phẩm chức năng, gia vị, phân bón hữu cơ... Những thực hành tốt này được đánh giá là những biện pháp, giải pháp khả thi về mặt kỹ thuật, quản lý, và có tiềm năng để nhân rộng trên cả nước để ngành NTTS có thể đạt được mục tiêu kép: vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bao gồm cả bảo tồn ĐDSH trong giai đoạn tiếp theo.
Việc nhân rộng các thực hành NTTS tốt hiện nay cũng vẫn còn nhiều hạn chế do nhiều cơ sở NTTS tại Việt Nam là quy mô nhỏ nên hạn chế về năng lực kỹ thuật và tài chính (số cơ sở nuôi tôm quy mô nhỏ chiếm khoảng 65% diện tích tôm nuôi); chuỗi cung ứng có sự tham gia của nhiều nhóm tác nhân. Trong đó, các cơ sở NTTS và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản (DN CBXKTS) là những tác nhân đóng vai trò quan trọng trong chuỗi, đặc biệt trong việc áp dụng các thực hành sản xuất tốt, đảm bảo sản xuất bền vững và giảm tác động đến ĐDSH. Tuy nhiên, các cơ sở NTTS và các DN CBXK quy mô nhỏ hiện gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các thực hành sản xuất có trách nhiệm và bền vững, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường như: hạn chế về trình độ kỹ thuật, năng lực quản lý và vốn đầu tư; hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất cũng như xử lý nước thải, chất thải từ sản xuất…
Vì vậy, rất cần có sự hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính từ các tác nhân chính là các công ty chế biến thủy sản quy mô vừa và lớn, cũng như các bên liên quan khác như cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế cho các hộ nuôi nhỏ như hướng dẫn kỹ thuật hoặc cung cấp các nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng như giống, thức ăn, vi sinh, thuốc, hoá chất...; và thu mua các sản phẩm nuôi theo chứng nhận với giá cao hơn; hoặc ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ phù hợp; trong đó, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chính là những tác nhân quan trọng có vai trò dẫn dắt chuỗi trong quản lý và thực hành sản xuất bền vững. Sự cam kết thực hành sản xuất bền vững, có trách nhiệm của các doanh nghiệp sẽ giúp giảm thiểu tối đa các tác động có hại cho môi trường tự nhiên và ĐDSH, góp phần phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong tương lai.
CÁC THÁCH THỨC VỀ PHÁP LÝ VỀ BẢO TỒN ĐDSH TRONG NGÀNH THỦY SẢN
Luật Thủy sản năm 2017, Chiến lược phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Quyết định 79/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 đã đề cập các nội dung liên quan đến phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành thuỷ sản, tuy nhiên thực tiễn phản ánh còn thiếu chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải tiến công nghệ cho NTTS tại các địa phương, đặc biệt là các “công nghệ xanh”; đồng thời các địa phương cũng chưa có nhiều các cơ chế chính sách đặc thù nhằm huy động nguồn lực hợp pháp đầu tư vào phát triển NTTS, nhất là nuôi tôm công nghệ cao ở những nơi đáp ứng đủ điều kiện để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nhưng vẫn xử lý hiệu quả các chất thải đầu ra để hạn chế tác động đến môi trường và ĐDSH.
Luật Thủy sản năm 2017 (điều 42, 43, 44) đã đề cập về giao quyền sử dụng khu vực biển để NTTS; giao, cho thuê, thu hồi đất để NTTS. Hiện nay, mặc dù đã có Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP) về cấp phép NTTS trên biển và giao mặt nước biển, nhưng việc triển khai giao khu vực biển trên thực tế vẫn phải chờ quy hoạch Không gian biển được phê duyệt và các hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện. Bởi vậy, để tạo thuận lợi cho việc cấp phép và giao mặt nước biển, các địa phương cần lưu ý tích hợp các vùng nuôi vào trong quy hoạch không gian biển để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống chính sách. Ngoài ra, chính sách quản lý chuyển đổi sử dụng đất từ nông nghiệp và các hoạt động khác sang NTTS tại các vùng bị ảnh hưởng bởi BĐKH và xâm nhập mặn; và ngược lại chuyển đất NTTS sang lĩnh vực khác cần được quy định rõ hơn để tạo thuận lợi cho triển khai trong thực tiễn. Việc xây dựng hướng dẫn chi tiết về cách thức thực hiện, cách giao, quy định giao đất hoặc giao khu vực biển cho NTTS là cần thiết, đặc biệt là đối với quản lý sự biến động diện tích NTTS.
Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 đã được ban hành và triển khai từ năm 2018 (Quyết định số 3475/QĐ-BNN-TCTS), tuy nhiên thực tế triển khai vẫn đang tồn tại các bất cập về sự manh mún và thiếu đồng bộ giữa các địa phương khu vực ven biển; việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất; chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung; các giải pháp về xử lý chất thải, nước thải, bảo vệ môi trường vùng nuôi ở một số địa phương chưa được xử lý tốt; tác động của BĐKH đến nuôi tôm nước lợ ngày càng diễn biến phức tạp và khó dự đoán nhưng các địa phương hiện đang thiếu nguồn lực để thực hiện các giải pháp ứng phó (cả giải pháp công trình và phi công trình). Do vậy, trong thời gian tới cần rà soát để bổ sung các hướng dẫn cụ thể về: thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng thông minh với BĐKH cho ngành tôm; khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, đổi mới công nghệ và các mô hình sản xuất mới thích ứng với BĐKH, đổi mới mô hình tổ chức sản xuất và quản lý để hỗ trợ người nuôi thực hiện sản xuất theo các nguyên tắc và quy định trong các tiêu chuẩn chứng nhận bền vững và tham gia vào các liên kết chuỗi; xây dựng danh mục các nghiên cứu khoa học công nghệ và dự án sản xuất thử nghiệm về các công nghệ xử lý các chất thải, bùn thải trong nuôi tôm nước lợ và kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư của các tổ chức phát triển và các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ này; rà soát, điều chỉnh mục tiêu về diện tích nuôi tôm nước lợ của từng tỉnh đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và tỉnh giai đoạn 2021-2030; rà soát và lồng ghép các chỉ tiêu phát triển ngành tôm nước lợ vào quy hoạch phát triển chung toàn tỉnh, làm cơ sở và căn cứ để các địa phương trong tỉnh chỉ đạo điều hành sản xuất.
Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, việc làm thủ tục đăng ký xác nhận để được cấp mã số nhận diện đối với các cơ sở nuôi đối tượng thủy sản chủ lực như tôm sú, tôm chân trắng, cá tra… và nuôi thủy sản lồng bè là bắt buộc đối với người dân, để phục vụ cho việc quản lý bền vững và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi. Tuy nhiên, tại nhiều vùng (ví dụ tôm – lúa), hầu hết người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, làm vườn…nên mặc dù đã nuôi tôm ổn định trong thời gian dài, vị trí nuôi thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh nhưng các cơ sở nuôi vẫn không được xem xét cấp mã số cơ sở nuôi và cũng sẽ không làm được chứng nhận bền vững vì quy định chỉ cấp mã số đối với cơ sở nuôi sử dụng đất đúng mục đích là nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy, các địa phương cần xem xét rà soát lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch và thực tế sản xuất nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai các chính sách khác có liên quan.
Hiện nay, ngành thuỷ sản vẫn đang còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về bệnh, thức ăn, môi trường, xử lý nước thải, bùn thải, cơ sở hạ tầng, điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… đặc biệt là đối với nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Điều này đặt ra nhu cầu ưu tiên xây dựng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật này, đặc biệt là các quy định liên quan đến xử lý nước thải, bùn thải từ ao nuôi tôm nước lợ để vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế bền vững cho nuôi trồng, vừa giảm thiểu áp lực đến môi trường và ĐDSH. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn này sẽ giúp cụ thể hóa các quy định về phát triển bền vững ngành thủy sản tại các chính sách, chiến lược phát triển ngành, từ đó góp phần giảm áp lực lên môi trường và ĐDSH.
KIẾN NGHỊ CÁC CHÍNH SÁCH
Rà soát lại hệ thống các văn bản luật lệ, chính sách về thủy sản nhằm tạo một hành lang pháp lý đầy đủ cho việc phát triển thủy sản bền vững , giảm áp lực lên môi trường và ĐDSH. Lồng ghép bảo tồn ĐDSH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy sản.
Xây dựng chính sách truyền thông cộng đồng, nâng cao nhận thức vàthu hút sự tham gia của cộng đồng và khối tư nhân vào các hoạt động bảo tồn ĐDSH ở mọi cấp độ khác nhau. Củng cố hệ thống thông tin về ĐDSH trong thủy sản.
Đẩy mạnh các chính sách khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, chế biển thủy sản và các thực hành nuôi tốt như nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường (nuôi kết hợp tôm - lúa, tôm - rừng, nuôi kết hợp đa loài) và nuôi theo các chứng nhận bền vững (VietGAP, ASC, BAP, Global GAP,…) kết hợp với mở rộng các hình thức liên kết chuỗi giữa cơ sở nuôi với các công ty chế biến, xuất khẩu thuỷ sản; khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh và ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước trong nuôi tôm, cá tra; nhân rộng kỹ thuật sinh sản nhân tạo giống tôm nước lợ không cắt mắt; mở rộng công nghệ MONNA trong thuần dưỡng tôm sú bố mẹ từ sản xuất nhân tạo để thay thế toàn bộ đàn tôm bố mẹ khai thác tự nhiên vào năm 2030, và áp dụng công nghệ sinh học trong nâng cao chất lượng đàn cá tra bố mẹ.
Kết hợp với việc xây dựng mối liên kết hiệu quả với các công ty chế biến, xuất khẩu thuỷ sản để vừa đảm bảo năng suất nuôi bền vững vừa góp phần bảo tồn ĐDSH /bảo vệ môi trường. ở rộng áp dụng các thực hành tốt trong NTTS là nuôi cá tra, tôm, cá biển theo các chương trình chứng nhận bền vững và các thực hành tiềm năng khác để vừa đạt được tốc độ tăng trưởng kỳ vọng vừa giảm áp lực lên ĐDSH vào năm 2030.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc sử dụng các nghiên cứu và các công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng và phát triển thủy sản, các công nghệ về xử lý chất thải, bùn thải trong nuôi tôm nước lợ theo hướng thân thiện với môi trường, bền vững và giảm áp lực lên môi trường và ĐDSH.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Thuaire B, Allanic Y, Hoàng Việt A, Lê Khắc Q, Lưu Hồng T, Nguyễn Thế C, Nguyễn Thị T. (2021). Đánh giá ĐDSH ở Việt Nam - Phân tích tác động từ một số lĩnh vực kinh tế. WWF-Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam.
[2] Trần Đại N, Cao Lệ Q, Phan Thị Ngọc D, Trần Thị Thu H. Trịnh Quang T. Lê Trọng H, Hoàng Văn C, Phạm Khánh C, Nguyễn Thị N, Nguyễn Thu H (2022). Báo cáo kỹ thuật Phân tích đặc điểm kinh tế và khả năng tác động lên ĐDSH của hai lĩnh vực Lâm nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản. WWF-Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam.
Nguyễn Hằng
(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2022)