Banner trang chủ

Đầu tư tư nhân thực hiện cam kết COP 26 ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

05/12/2022

    Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều xác định rõ xu thế phát triển hậu COVID là tăng trưởng xanh (TTX) và chuyển đổi số. Trong Chiến lược TTX của mỗi quốc gia, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, vai trò của các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân là vô cùng quan trọng. Để thu hút được sự quan tâm của khu vực tư nhân, cần xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, các cơ hội cũng như khó khăn các doanh nghiệp cần phải đối mặt. Bài viết phân tích thách thức và cơ hội cho khu vực tư nhân Việt Nam đầu tư vào các giải pháp xanh trong các lĩnh vực nhằm đạt phát thải ròng (NetZero) bằng “0” vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP 26. Từ đó, chỉ ra các rào cản cho khu vực tư nhân và khuyến nghị các giải pháp giúp các cơ quan Chính phủ, các tổ chức có liên quan cũng như các nhà hoạch định chính sách có các biện pháp kịp thời để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, tăng cường thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cho TTX.

1. Giới thiệu

    Tháng 11 năm 2021, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã diễn ra tại Glasgow để đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris (được thông qua tại COP21 năm 2015) nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào năm 2050 để chung tay với cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu và thay đổi cơ cấu kinh tế giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

    Bài viết phân tích thách thức và cơ hội cho khu vực tư nhân Việt Nam đầu tư vào các giải pháp xanh trong các lĩnh vực nhằm đạt phát thải ròng bằng “0” vào 2050, phân tích số liệu thống kê và các kết quả khảo sát thông qua việc sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như phương pháp diễn giải, phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp phân tích so sánh… Từ đó, chỉ ra các rào cản cho khu vực tư nhân và khuyến nghị các giải pháp giúp các cơ quan Chính phủ, các tổ chức có liên quan cũng như các nhà hoạch định chính sách có các biện pháp kịp thời để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, tăng cường thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cho ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện TTX.

2. Cơ hội và thách thức của khu vực tư nhân tại Việt Nam

a. Cơ hội

    Thứ nhất, cơ hội tham gia thị trường tín chỉ các bon. Tín chỉ các bon là một sản phẩm mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính trong quá trình thực hiện, được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa khác, do đó trao đổi tín chỉ các bon còn được gọi là thị trường các bon. Theo số liệu thống kê, trữ lượng rừng của Việt Nam vào khoảng hơn 990 triệu m3 và có khoảng 23 địa phương có sẵn dịch vụ lưu trữ các bon. Mỗi năm Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ các bon, cho thấy được tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ các bon rất lớn. Trên thế giới, thị trường tín chỉ các bon đang phát triển vô cùng mạnh mẽ khi đang có nhu cầu rất lớn từ các nước phát triển tại các khu vực Châu Âu, Châu Mỹ. Hiện nay, thị trường các bon tại Việt Nam đang ở mức “đang hình thành”, ngoài việc thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý hoàn thiện thể chế thị trường.

    Thứ hai, trong những năm gần đây, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI và đầu tư tư nhân. Năm 2021, việc thu hút được nhiều dự án mới và quy mô lớn với 5,7 tỷ USD, chiếm 18.3% tổng vốn đầu tư đăng ký đã giúp ngành sản xuất và phân phối điện xếp thứ 2 trong số các ngành thu hút FDI. Trong năm 2022, nhận thấy tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đạt được những thỏa thuận hợp tác chiến lược về đầu tư cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nghiên cứu khảo sát đánh giá về năng lượng châu Á của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sách phát điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây có thể được xem là một trong những tiềm năng phát triển lớn với các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, việc thay đổi quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm xanh có thể giúp các doanh nghiệp lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp cận được tới các nguồn vốn đầu tư chất lượng.

Hình 1. Tổng sản lượng điện 7 tháng đầu năm 2022

Nguồn: Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN)

    Thứ ba, Chính phủ cũng đang rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các chiến lược, các chính sách hỗ trợ như ưu đãi về thuế, đất đai cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Theo Quy hoạch điện VIII, Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió với quy mô phù hợp, khả thi, tính toán khai thác tối đa, hiệu quả và hợp lý về giá bán điện. Chính phủ cũng đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy, phát triển năng lượng tái tạo thông qua việc đưa ra mức biểu giá hỗ trợ điện, các chính sách hấp dẫn cho các nhà đầu tư, những gói tín dụng ưu đãi tới các doanh nghiệp phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, các gói tài trợ từ ngân sách nhà nước, từ các tổ chức quốc tế cũng được triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển dự án xanh, thân thiện với môi trường.

b. Thách thức

    Bên cạnh những cơ hội đã đề cập ở trên, quá trình thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân cho kinh tế xanh cũng gặp rất nhiều thách thức.

Hình 2. Các rào cản khó khăn đối với phát triển kinh doanh tuần hoàn theo các doanh nghiệp đánh giá

Nguồn: Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

    Thứ nhất, theo khảo sát được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các doanh nghiệp đang gặp những khó khăn như khung pháp lý chưa đầy đủ, thiếu sự đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành. Nhiều chương trình quốc gia dù có đề cập đến sự tham gia của doanh nghiệp nhưng lại thiếu cơ chế tài chính và sức hấp dẫn về lợi nhuận khi đầu tư như: giá bán điện chưa hấp dẫn nên không khuyến khích đầu tư, chưa có các chính sách ưu đãi về nguồn vốn. Quy trình quản lý quy hoạch không có tính đồng bộ dẫn đến tình trạng thời gian cấp phép đầu tư kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các doanh nghiệp. Mức giá FIT đưa ra cho điện mặt trời (theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg) và điện gió (theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg) đã hết hạn áp dụng khiến nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng nguồn điện mà không bán được điện, các doanh nghiệp mới không đầu tư do tính rủi ro quá lớn. Công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch khai thác vẫn luôn là khó khăn đối với ngành năng lượng tái tạo khi mà Chính phủ chưa hoàn thiện các chính sách về đất đai, quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy định pháp lý về khảo sát, bàn giao mặt biển cho nhà đầu tư.

    Thứ hai, kết quả khảo sát của CIEM cũng chỉ ra, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với việc thiếu các khoản đầu tư quy mô lớn, thiếu nguồn lực về tài chính và đối mặt với nhiều rủi ro tài chính. Để đầu tư cho BĐKH, TTX các doanh nghiệp cần có nguồn vốn lớn trong khi ngân sách còn hạn chế. Các gói tín dụng, gói vay hiện nay chưa có những sự phân biệt rõ ràng với giữa các doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp xanh và khiến các doanh nghiệp xanh gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều doanh nghiệp phải đầu tư 3-5 năm, thậm chí 7-10 năm mới bắt đầu có lợi nhuận.

    Thứ ba, quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất thường đi kèm với áp dụng các công nghệ mới vào quá trình sản xuất, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi do còn thiếu kiến thức cũng như năng lực vận hành doanh nghiệp theo mô hình doanh nghiệp xanh. Tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp chưa có đủ nguồn lực để triển khai các chương trình đào tạo, khóa học giúp cho người lao động nâng cao nhận thức về những tác động của BĐKH và nâng cao tay nghề, kĩ năng để phù hợp với quy mô sản xuất xanh. Chính phủ cũng chưa có những biện pháp cụ thể, đưa ra các chính sách phát triển các mô hình đào tạo, các ngành mới ở quy mô các trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề để thu hút thêm được những nguồn lao động chất lượng cho lĩnh vực TTX.

    Thứ tư, trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu để có thể gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài càng trở nên khắt khe hơn với những yêu cầu về môi trường được đặt lên hàng đầu, các doanh nghiệp cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh. Quy mô, công nghệ sản xuất của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn lạc hậu các doanh nghiệp rất cần có những sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài trong quá trình chuyển giao. Các cơ quan Chính phủ kết hợp các tổ chức như GIZ, USAID cũng đã nỗ lực tổ chức các buổi tọa đàm kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc chia sẻ những rủi ro cũng như khó khăn trong quá trình chuyển giao, một phần vì không muốn đi quá sâu vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp và một phần là các doanh nghiệp cũng không muốn phải đối mặt với rủi ro về việc chia sẻ những điểm yếu và lo ngại những điểm yếu này sẽ bị các công ty đối thủ khai thác.

3. Đề xuất

    Thứ nhất, Chính phủ cần thiết lập các định hướng chiến lược cho việc hình thành các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững. Cần xây dựng bộ máy (trên thực tế không có bộ máy, mà chỉ có hệ thống, quy trình, thủ tục và hệ thống pháp lý) quy hoạch quản lý đạt hiệu quả cao, đồng bộ. Cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào công nghệ để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn nữa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, chuyển giao và áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

    Thứ hai, Việt Nam có rất nhiều nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió chưa được khai thác, có thể được đưa vào đời sống thông qua các công ty có công nghệ phù hợp. Đây là một trong những cơ hội lớn để thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Hoàn thiện, bổ sung hệ thống quy hoạch không gian biển cho điện gió ngoài khơi nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển kinh tế. Xây dựng các chính sách về đất đai, trong đó quy trình phải rõ ràng, minh bạch, có thể chấp nhận được đối với cả chủ đầu tư lẫn người sử dụng đất, cần phân biệt các loại hình đền bù, thu hồi đất vĩnh viễn, đền bù hỗ trợ hạn chế sử dụng đất, đền bù tạm thời trong quá trình xây dựng. Cần xây dựng khung giá mua điện hấp dẫn hơn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, có thể triển khai chuyển đổi từ cơ chế biểu giá điện sang cơ chế đấu giá để có thể phát huy tối đa tính minh bạch dựa vào lợi thế công khai tỷ giá mà cơ chế đấu giá có thể đem lại dẫn đến giá mua điện hấp dẫn và thu hút được thêm nguồn vốn đầu tư chất lượng cao từ khu vực tư nhân cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.

    Thứ ba, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích hệ thống tài chính tài trợ cho phát triển các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững, phát triển các sản phẩm tài chính mới hỗ trợ cho một nền kinh tế ít các-bon. Điển hình là việc kết hợp tài chính công và tài chính tư nhân cũng có thể thu hút được các nhà đầu tư tư nhân chấp nhận rủi ro. Cần phát triển thêm các dự án đối tác công tư (PPP), quan hệ hợp tác này không những sẽ giảm rủi ro đầu tư cho các doanh nghiệp mà còn giúp giảm bớt gánh nặng pháp lý mà các doanh nghiệp gặp phải.

    Thứ tư, từng bước xây dựng nền tảng/cơ chế với hệ thống pháp lý vững chắc để phát triển thị trường trái phiếu xanh. Cần ban hành những quy định đảm bảo sự minh bạch của thị trường. Chính phủ cần ban hành những quy định góp phần cải thiện số liệu thống kê thông tin và công bố dữ liệu trên tất cả các loại tài sản và dịch vụ tài chính xanh. Thúc đẩy xếp hạng đáng tin cậy về môi trường, xã hội và quản trị mà các tổ chức phát hành có thể sử dụng để thu hút các nhà đầu tư. Xây dựng một khuôn khổ pháp lý tạo tiền đề cho đối thoại giữa các cơ quan quản lý và các bên tham gia thị trường; làm cho thị trường trái phiếu xanh hoạt động với sự trợ giúp của các tổ chức bán công sẵn sàng dẫn đường. Qua đó đẩy mạnh quá trình phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam.

    Thứ năm, đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ (các khu công nghiệp, điện, nước, hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, logistics, dịch vụ đi kèm khu công nghiệp...) và giải pháp có tính khả thi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc  tạo ra các ngành đào tạo mới tại các trường đại học, cao đẳng và trường dạy nghề.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Afni, Z., Gani, L., Djakman, C. D., & Sauki, E. (2018). The Effect of Green Strategy and Green Investment Toward Carbon Emission Disclosure. THE INTERNATIONAL JOURNAL OF BUSINESS REVIEW, 93-108.

2. Ali, S., Yan, Q., Ifran, M., Ameer, W., Atchike, D. W., & Acevedo-Duque, Á. (2022). Green Investment for Sustainable Business Development: The Influence of Policy Instruments on Solar Technology Adoption. Energy Research.

3. Baietti, A., Shlyakhtenko, A., La Rocca, R., & D. Patel, U. (2012). Green Infrastructure Finance LEADING INITIATIVES AND RESEARCH. World Bank.

4. Bloom, P., & Ginsberg, J. M. (2004). Choosing the Right Green Marketing Strategy. MIT Sloan Management Review.

5. De Marchi, V., & Grandinetti, R. (2013). Knowledge strategies for environmental innovations: the case of Italian manufacturing firms. JOURNAL OF KNOWLEDGE MANAGEMENT, 569-582.

6. He, L., Zhang, L., Zhong, Z., Wang, D., & Wang, F. (2019). Green credit, renewable energy investment and green economy development: Empirical analysis based on 150 listed companies of China. Journal of Cleaner Production.

7. Hoen, H. W. (2014). GLOBALIZATION AND INSTITUTIONAL CHANGE: ARE EMERGING MARKET ECONOMIES IN EUROPE AND ASIA CONVERGING? Economics, Management, and Financial Markets, 44-66.

8. Laurre, C., Mougenot, A., Lebègue, Q., & AFD. (2022). Dung hòa giữa thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng đô thị: Mô hình nào cho các thành phố Việt Nam chống chịu phục hồi với biến đổi khí hậu? AFD.

9. Liu, P., & Chu, P. (2019). Renewables finance and investment: how to improve industry. Journal of Modern Power Systems and Clean Energy.

10. Makower, J., & Pike, C. (2009). Strategies for the green economy: opportunities and challenges in the new world of business. New York: McGraw-Hill.

11. Ngo, P. A. (2020). Factors affecting the development of green banks in Vietnam. Growing Science.

12. OECD. (2011). Private Sector Engagement in Adaptation to Climate Change. OECD.

13. PWC. (2020). Báo động đỏ - Thời điểm hướng tới hành trình xanh Việt Nam trong ‘Cuộc đua tới Net Zero’. Hanoi: PWC.

14. Sachs, J. D., Woo, W. T., Yoshino, N., & Taghizadeh-Hesary, F. (2019). Handbook of Green Finance: Energy Security and Sustainable Development. Tokyo: ADB.

15. Tang, D. Y. (2021). Green and Social Finance Development around the World. Hong Kong: ADB.

16. Tran, T. T., Do, N. H., Vu, H. T., & Do , M. N. (2020). The factors affecting green investment for sustainable development. Growing Science.

17. UNDP. (2020). The eco system of private investment in Climate action. New York: UNDP.

Nguyễn Đức Thành

Đại học Kinh tế Quốc dân

Nguyễn Đức Trung

Ngân hàng Citi

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)

Ý kiến của bạn