Banner trang chủ

Đất ngập nước và vấn đề quản lý, bảo tồn

10/03/2022

    Đất ngập nước (ĐNN) rất đa dạng, có ở mọi nơi và là cấu thành quan trọng của các cảnh quan trên mọi miền thế giới. Hàng thế kỷ nay, con người và các nền văn hóa nhân loại được hình thành, phát triển dọc theo các triền sông hoặc ngay trên các vùng ĐNN. ĐNN có vai trò quan trọng đối với đời sống của các cộng đồng dân cư. Hiện nay, khoảng 70% dân số thế giới sống ở các vùng cửa sông ven biển và xung quanh các thủy vực nước ngọt nội địa (Dugan, 1990). ĐNN là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao và là nơi sinh sống của một số lượng lớn các loài động vật và thực vật, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm.

1. Hiện trạng ĐNN Việt Nam

    Theo kết quả kiểm kê ĐNN trong khuôn khổ Dự án ĐNN năm 2016 của Tổng cục Môi trường (Tổng cục Môi trường, 2017), tổng diện tích ĐNN Việt Nam là khoảng hơn 12 triệu ha. Các kiểu ĐNN nội địa gồm: châu thổ ngập nước thường xuyên; lạch nước; sông suối chảy thường xuyên, tạm thời; hồ nước ngọt; than bùn; đầm lầy; hồ nước mặn; ĐNN trên núi; ĐNN địa nhiệt; đầm nuôi thủy sản; ao lớn hơn 8 ha, đầm lầy… ĐNN biển và ven biển phân bố rộng khắp vùng bờ biển Việt Nam bao gồm ĐNN cửa sông, bãi triều, ĐNN đầm phá và vùng nước biển có độ sâu dưới 6 m khi triều kiệt. Rừng ngập mặn (RNM) và bãi sình lầy tập trung chủ yếu ở các vùng châu thổ, vùng cửa sông và vùng triều. Các đầm phá cũng tập trung ở vùng bờ biển miền Trung (từ Huế đến Ninh Thuận). Các rạn san hô (RSH) và hệ rong tảo - cỏ biển phân bố nhiều ở vùng bờ biển Nam Trung Bộ. Trong đó, có 5 vùng ĐNN quan trọng ở Việt Nam hiện nay là: ĐNN vùng cửa sông đồng bằng sông Hồng (ĐBSH); ĐNN các đầm phá ở miền Trung; ĐNN châu thổ sông Cửu Long; ĐNN các hồ và một số kiểu ĐNN khác.

Các mối đe dọa ĐNN ở Việt Nam

Các mối đe dọa do thiên nhiên

- Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng trở nên hiện hữu ở Việt Nam. Cùng với nước biển dâng, thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa, mùa mưa.., các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, lũ lụt, hạn hán... sẽ là những mối đe dọa không nhỏ của thiên nhiên đối với các vùng ĐNN.

- Khi mực nước biển dâng, đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu tác động nhiều nhất, có thể bị mất phần lớn diện tích. Nước biển dâng có thể sẽ gây nên những rủi ro xâm nhập mặn  cao đối với các dòng sông và nguồn nước ngầm, dẫn đến những thiệt hại về kinh tế và xã hội. Do đó, BĐKH được dự đoán sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái ven biển như RNM và đầm phá.

- Lửa rừng (tự nhiên) ở các vùng rừng tràm vào mùa hè (nắng nóng) thường gây hủy hoại diện tích rừng nhưng là điều kiện để hệ sinh vật phát triển theo quy luật tự nhiên.

Các mối đe dọa do con người

    Nguyên nhân trực tiếp của sự suy giảm và suy thoái các vùng ĐNN ở Việt Nam hiện nay là do mất sinh cảnh và suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) do thay đổi mục đích sử dụng đất, bao gồm sự chuyển đổi hoàn toàn và phân mảnh các vùng ĐNN, cũng như thay đổi hệ sinh thái do các loài ngoại lai, ô nhiễm và khai thác quá mức các loài sinh vật và tài nguyên nước.

    Sự phân mảnh và suy giảm sinh cảnh: Sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam liên quan đến việc mở rộng nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng (đường, cầu, đập, cảng, đường dây điện, hệ thống cấp thoát nước) đã tạo nên sự chuyển đổi sinh cảnh tự nhiên một cách nhanh chóng, trong đó chuyển đổi ĐNN thành các dạng sử dụng đất khác. Các vùng ĐNN tự nhiên có tính nhạy cảm rất cao đối với việc chuyển đổi sang mục đích nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và thậm chí là trồng rừng. Ví dụ, trong giai đoạn từ năm 1943 đến năm 2006, Việt Nam đã bị mất ít nhất 200.000 ha RNM, tương đương một phần ba diện tích RNM do chiến tranh, suy thoái rừng và phát triển nuôi trồng thủy sản.

    Nhiều vùng ĐNN ven biển như đồng bằng cửa sông và đầm phá đã chịu tác động do việc xây đê chắn sóng, ngăn lũ. Việc tư hữu hóa các đầm phá đang ngày một tăng với hệ thống lưới rào vây quanh để nuôi trồng thủy sản đã ngăn cản dòng nước và làm giảm nguồn cá ở nhiều vùng ĐNN - như vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Một ví dụ khác là những con đường qua vùng Đồng Tháp Mười ở vùng sông Cửu Long. Hồ chứa là một nguyên nhân quan trọng khác gây suy giảm hệ sinh thái, ảnh hưởng đến các khu bảo tồn như Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang.

    Sự phân mảnh và suy giảm sinh cảnh không tránh khỏi những tác động dây chuyền lên tính ĐDSH liên quan. Ví dụ, ở vùng Tây Nam Cà Mau, xấp xỉ 20 loài động vật đáy đã biến mất chỉ một năm sau khi vùng RNM được chuyển thành các ao nuôi tôm và một số loài chim từ Bạc Liêu đến Đầm Dơi đã di cư sang các vùng khác. Sách Đỏ của IUCN đã nhấn mạnh rằng loài ngan cánh trắng (Cairina scutulata) và loài rái cá (Lutra sumatrana) có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu đang chịu những ảnh hưởng do chuyển đổi vùng ĐNN sang các mục đích sử dụng khác.

    Nạn phá rừng, xây dựng đập và các cơ sở hạ tầng khác ở thượng lưu gây nên các tác động tiêu cực cho vùng ĐNN ở hạ nguồn. Các vùng ĐNN đặc biệt nhạy cảm đối với những thay đổi trên dòng chảy của sông do xây dựng đập, hoạt động này cũng làm giảm tính đa dạng các loài cá và sản lượng thủy sản do cản trở dòng di cư khi sinh sản và thay đổi mô hình dòng chảy, nhiệt độ nước, đôi khi khó nhìn thấy được và có nhiều biến thể. Ngoài ra, việc thay đổi sử dụng đất do mất rừng, nông nghiệp, đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tác động đến mô hình dòng nước mặt, giảm khả năng thấm, xâm nhập của nước và tăng dòng chảy bề mặt. Nạn phá rừng ở thượng lưu cũng làm tăng lượng phù sa dòng chảy trong lưu vực.

    Để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh chóng của thủy điện ở Việt Nam, đến nay đã có khoảng 2.000 hồ chứa đã được xây dựng trên cả nước. Nếu không được thi hành và quy hoạch hợp lý, sự suy giảm và suy thoái các lưu vực này cùng với sự thay đổi dòng chảy có thể tác động tiêu cực lên cả ĐDSH ĐNN và sinh kế của con người cũng như phúc lợi ở các khu vực hạ lưu (Tổng cục Môi trường, 2017).

    Khai thác quá mức tài nguyên sinh vật bao gồm các loài thực vật ĐNN, đánh bắt quá mức, săn bắt trái phép các loài chim và một số loài sinh vật khác là những mối đe dọa chính đối với nhiều loài sinh vật ở các vùng ĐNN. Điều đó gây nên các tác động lên một số loài đang bị đe dọa trên toàn cầu như loài rái cá bị săn bắt cho mục đích mua bán động vật hoang dã trái phép, lấy thịt và sử dụng làm dược phẩm. Khai thác quá mức cũng là mối đe dọa lớn đối với loài rùa mai mềm châu Á (Amyda cartilaginea), loài động vật thân mềm đặc hữu (Protunio messageri) (bị đe dọa trên toàn cầu) và loài rồng biển (Phyllopteryx taeniolatus). Việc sưu tập các loài cá biển, cụ thể nuôi làm cảnh cũng là mối đe dọa cho số lượng cá thể của những loài này vì hầu hết chúng không thể phát triển trong điều kiện nuôi nhốt và là các loài hoang dã trong tự nhiên. Đối với những loài cá được sử dụng làm thực phẩm, các phương pháp có tính hủy diệt như thuốc nổ, chất độc (xyanua) và sốc điện thường được sử dụng. Kết quả của việc khai thác quá mức thủy sản đã khiến suy giảm tổng lượng đánh bắt, kích thước cá, đặc biệt đối với nguồn hải sản. Một số đặc sản biển như tôm hùm (Panulirus), bào ngư (Halioles), các loài sò ốc (Chalamys) và mực ống (Loligo) đã bị suy giảm nghiêm trọng (Tổng cục Môi trường, 2017).           

    Khai thác quá mức nguồn nước: Cả hai nguồn nước mặt và nước ngầm hiện đang bị suy giảm do sự khai thác quá mức của các lĩnh vực khác nhau, gồm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và sinh hoạt. Nhu cầu về nước của các lĩnh vực trên đang ngày một tăng và có dấu hiệu cho thấy sự suy giảm ngày càng nghiêm trọng của tầng nước ngầm do nhu cầu sử dụng nước. Ở miền Bắc Việt Nam, nước ngầm được khai thác chủ yếu cho mục đích sinh hoạt, trong khi ở miền Nam và Tây Nguyên, nước ngầm được sử dụng cho canh tác nông nghiệp là chính. Theo khuyến nghị, tỷ lệ khai thác nên dừng lại ở khoảng 30% lượng dòng chảy, nhưng thực tế đã ghi nhận tỷ lệ lớn hơn: ví dụ, miền Trung Việt Nam và Tây Nguyên đã khai thác hơn 50% lượng dòng chảy và tỉnh Ninh Thuận sử dụng trên 70%. Nước mặt và dòng phù sa cũng đang chịu tác động do sự phát triển trên thượng nguồn, đáng chú ý là việc xây dựng các loại đập và khai thác nước liên quan (Tổng cục Môi trường, 2017).

    Ô nhiễm: Hóa chất nông nghiệp, chất thải công nghiệp và đô thị là hai nguồn ô nhiễm chính đối với các vùng ĐNN. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới về ô nhiễm các dòng sông ở Việt Nam đã cho thấy sản xuất công nghiệp, nước thải từ khai thác mỏ và khai khoáng, thậm chí nước thải sinh hoạt, đô thị và làng nghề thủ công góp phần vào sự ô nhiễm các dòng sông và vùng ven biển. Dòng nước mặt tăng lên là kết quả của quá trình thay đổi sử dụng đất cũng làm tăng vận chuyển các chất ô nhiễm. Ô nhiễm nước ngày càng nghiêm trọng đã gây nên tác động trực tiếp cho sức khỏe con người, cũng như đánh bắt thủy sản và bảo tồn ĐDSH. Hiện tượng phú dưỡng gia tăng đã dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa có tính chất độc hại. Ví dụ, năm 2012, hiện tượng tảo nở hoa, còn gọi là “thủy triều đỏ” đã diễn ra ở Bình Thuận và Nha Trang đã khiến cá chết trên diện rộng và gây thiệt hại kinh tế đáng kể. Đồng bằng sông Hồng là nơi chịu ô nhiễm hóa chất nông nghiệp lớn. Một số loài có ý nghĩa toàn cầu đã bị ảnh hưởng do ô nhiễm ĐNN ở Việt Nam, bao gồm nhiều loài cá bản địa và có nguy cơ tuyệt chủng cao (Schistura spiloptera), loài động vật thân mềm bản địa có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu (Cristaria truncate) (Tổng cục Môi trường, 2017).

    Du nhập các loài ngoại lai: Việc đưa vào các loài ngoại lai xâm lấn một cách vô ý hoặc cố ý đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho các vùng ĐNN, trong đó có ĐNN ở Việt Nam. Đến nay, 94 loài ngoại lại, trong số đó có 42 loài xâm lấn, đã được ghi nhận ở Việt Nam, ví dụ như ốc bươu vàng nước ngọt (Pomacea canaliculata), rùa tai đỏ (Trachemys scripta) và mai dương đầm lầy (Mimosa pigra). Loài xâm lấn như cây mai dương ở Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim (khu Ramsar) là mối đe dọa lớn nhất đối với ĐDSH ở đây bởi chúng thay thế thảm thực vật đồng cỏ, nơi cư trú của Sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpie) và loài Ô tác (Houbaropsis bengalensis), là những loài có nguy cơ tuyệt chủng. Ước tính cây mai dương sẽ xâm lấn hơn 4.000 ha, tương đương 50% diện tích Vườn Quốc gia Tràm Chim nếu chúng không được kiểm soát. Năm 2009, Bộ NN&PTNTđã báo cáo danh sách 48 loài thủy sinh ngoại lai ở Việt Nam. Trong số đó, có 14 loài được xác định và rất nguy hiểm đối với ĐDSH nguồn nước và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam, bao gồm rùa tai đỏ, ốc bươu vàng và cá hoàng đế (Cichla ocellaris) (Tổng cục Môi trường, 2017).

Cò thìa ở VQG Xuân Thủy (Ảnh: Hoàng Văn Thắng)

2. Công tác quản lý nhà nước về ĐNN tại Việt Nam

 Ở cấp Trung ương

    Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN (thay thế cho Nghị định số 109/2003/NĐ-CP) là văn bản quy định chi tiết công tác quản lý nhà nước về ĐNN. Theo đó, Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN trên phạm vi toàn quốc, chủ yếu tập trung quản lý các vùng ĐNN quan trọng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định này và Bộ NN&PTNT được phân công phối hợp với Bộ TN&MT quản lý các hoạt động bảo tồn và sử dụng các vùng ĐNN quan trọng (Khoản 1 và 2 Điều 31).

    Năm 2008 và được hợp nhất năm 2018, Luật ĐDSH được ban hành và quy định Bộ TN&MT có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ĐDSH trên phạm vi cả nước (Điều 6). Theo đó, Bộ TN&MT (trực tiếp tham mưu là Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường) có trách nhiệm quản lý và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng ĐNN tự nhiên, cụ thể là quản lý khu bảo tồn cấp quốc gia vùng ĐNN và chỉ đạo, hướng dẫn việc lập hồ sơ đề cử công nhận và quản lý các khu ĐNN có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar.

    Tuy nhiên, công tác quản lý các vùng ĐNN vẫn có sự chồng chéo bởi ở cấp Trung ương, mỗi Bộ, ngành tùy theo chức năng được Chính phủ phân công thực hiện việc quản lý theo lĩnh vực, ngành, đều có liên quan đến các vùng ĐNN. Ví dụ,  Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về ĐNN trong phạm vi đất canh tác lúa nước, làm muối, mặt nước nuôi trồng thủy sản nội địa và ven bờ biển; các khu bảo tồn thuộc hệ thống rừng đặc dụng trên các vùng ĐNN và các công trình thủy lợi, các hồ chứa; Bộ Giao thông vận tải quản lý các hoạt động giao thông thủy trên các dòng sông; Bộ Quốc phòng có tham gia quản lý các hoạt động an ninh trên các vùng ĐNN ven biển là biên giới biển...

Ở cấp địa phương

    UBND các tỉnh là cơ quan hành chính cao nhất của tỉnh, dưới UBND tỉnh có các cơ quan cấp sở được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ cấp Trung ương. Vì vậy, tình hình quản lý ĐNN ở cấp tỉnh cũng tương tự như ở cấp Trung ương, nghĩa là mỗi sở, ngành sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực của mình trong đó có vấn đề liên quan ĐNN theo quy định của pháp luật và sự phân công của UBND tỉnh. Sở TN&MT là cơ quan chính chịu trách nhiệm quản lý ĐNN.

Thể chế, chính sách, quy định pháp luật quản lý ĐNN

    Việt Nam đã tham gia từ rất sớm các Công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực ĐNN trong đó sớm nhất (1989) là Công ước về những vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar, 1971). Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên của một số công ước khác có liên quan đến các vùng ĐNN như: Công ước ĐDSH, 1992; Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp (CITES); Công ước Born về bảo tồn các loài động vật di cư hoang dã; Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (1982); Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông.

    Cùng với việc tham gia các Công ước và Hiệp định quốc tế, hệ thống các văn bản pháp luật trong nước liên quan đến ĐNN cũng đã được xây dựng và dần hoàn thiện. Một số luật và văn bản liên quan trực tiếp đến quản lý ĐNN, gồm: Luật Đất đai (2013) và các văn bản hướng dẫn Luật; Luật ĐDSH (2018), văn bản pháp lý đầu tiên về ĐDSH có tính hệ thống, tổng thể trên cả nước và đánh dấu một cột mốc về công tác quản lý nhà nước về ĐDSH ở Việt Nam, bao gồm cả vấn đề quản lý các vùng ĐNN; Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14;Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14; Luật Thủy sản số 18/2017/QH14. Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN quy định chi tiết về công tác quản lý ĐNN trên cả nước; Thông tư số 07/2020/TT-BTNMT quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP; Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 về Ban hành kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN giai đoạn 2021-2030.

Một số mô hình về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐNN

    Ở Việt Nam, một số mô hình đã được triển khai khá thành công như: Bảo tồn và quản lý ĐNN dựa vào cộng đồng (ví dụ như quản lý RNM dựa vào cộng đồng ở xã Đồng Rui, Tiên Yên, Quảng Ninh, hoặc bảo vệ Rừng dừa nước tại Cẩm Thanh, Quảng Nam...);

    Đồng Quản lý và chia sẻ nguồn gen (sản phẩm của ĐNN) như ở các VQG/ Khu Ramsar Xuân Thủy (Nam Định), Tràm Chim (Đồng Tháp)...; Đồng quản lý VQG U Minh Hạ thông qua việc cho phép cộng đồng vào trồng một số cây ăn quả xung quanh vườn quốc gia (chuối, cam...) để vừa thu hái và chia sẻ lợi ích cho Vườn, cộng đồng, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái trong VQG, kịp thời phát hiện và thông báo các vi phạm về săn bắt, khai thác trái phép tài nguyên sinh vật trong VQG. Kết quả mô hình đã huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng sống xung quanh VQG và hạn chế được khai thác tài nguyên cũng như bảo vệ được các giá trị ĐDSH của VQG U Minh Thượng.

    Từ các mô hình nêu trên có thể rút ra các bài học kinh nghiệm đó là: Xác định rõ mục tiêu, nội dung quản lý và bảo tồn cũng như sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái của các vùng ĐNN; Có sự tham gia ngay từ đầu của các bên liên quan (kể cả cộng đồng dân cư địa phương) từ khi xây dựng dự án cho đến lúc triển khai thực hiện; Có sự đồng thuận và ủng hộ của chính quyền, nhân dân địa phương; Quản lý hay bảo tồn một vùng ĐNN được đặt trong toàn bộ các hệ sinh thái liên quan (liên kết), đặc biệt là đặt trong bối cảnh quản lý lưu vực (từ thượng nguồn đến rạn san hô); Cần nâng cao nhận thức, kiến thức và làm rõ trách nhiệm, quyền  lợi và chia sẻ lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương.

    Vì vậy, xin đề xuất một số nội dung chủ yếu đối với công tác quản lý và bảo tồn ĐNN Việt Nam: Thống kê, kiểm kê các vùng ĐNN và điều tra, xác lập Danh mục các vùng ĐNN quan trọng; Thành lập mới các khu bảo tồn ĐNN và mở rộng Mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam; Phục hồi các vùng ĐNN quan trọng bị suy thoái; Xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng ĐNN quan trọng; Quan trắc, giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng ĐNN; Xây dựng nguồn lực (nhân lực và vật lực), tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thống nhất quản lý nhà nước về ĐNN và bảo tồn ĐDSH.

KẾT LUẬN

    Để quản lý hiệu quả các vùng ĐNN, đặc biệt là các khu bảo tồn ĐNN, cần có các cách tiếp cận phù hợp và có những biện pháp hiệu quả từ cấp Trung ương đến địa phương. Tiếp cận liên ngành, bảo tồn dựa vào cộng đồng, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái... là những cách tiếp cận được nhiều nước cũng như nhiều tổ chức quốc tế và trong nước sử dụng để xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động quản lý.

    Việc tiếp tục hoàn thiện các chính sách cũng như kế hoạch quản lý phù hợp và hiệu quả, xây dựng cơ sở dữ liệu là rất quan trọng, đặc biệt là ở cấp Trung ương. Song song với việc triển khai quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, việc nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của các bên liên quan thông qua truyền thông, giáo dục môi trường là một trong những hoạt động cấp thiết. Trong quá trình triển khai công tác quản lý cũng như xây dựng và triển khai các dự án phát triển liên quan đến ĐNN, đạo đức  môi trường – hay đạo đức ĐNN là không thể thiếu không chỉ đối với những người làm công tác trực tiếp mà còn đối với những người liên quan và cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các vùng ĐNN hoặc khu bảo tồn ĐNN. Trước mắt, cần thực hiện tốt Nghị định 66//2019/NĐ-CP và Quyết định số 1975/2021/QĐ-TTg của Chính phủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ CHXHCN Việt Nam, 2019. Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN. Ban hành ngày 29/7/2019.

2. Thủ tướng Chính phủ, 2021. Quyết định số 1975/QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN giai đoạn 20210-2030. Hà Nội, ngày 24/11/2021.

3. Tổng cục Môi trường (Chuyên gia tư vấn: Hoàng Văn Thắng) (2017), Tài liệu đào tạo về tăng cường năng lực quản lý, bảo tồn ĐNN. Pp 84.

4. Dugan, P.J. (ed.) (1990), Wetland Conservation: A Review of Current Issues and Required Action. IUCN. Pp 96.

5. Isozaki, H., M. Ando and Y. Natori (ed.) (1992), Towards Wise Use of Asian Wetlands, Asian Wetland Symposium. International Lake Environmental Committee Foundation, pp 285.

6. Keddy, A.P.(2000), Wetland Ecology: Orinciples and Conservation, Cambridge University Press.614p.

7. Millennium Ecosystem Assessment (2005), Ecosystem Services and Human Wellbeing: Wetland and Water, Synthesis, World Resources Institute, Washington D.C, 2005. 155p.

8. Mitsch, J.W., J.G. Gosselink (1986), Wetlands, Van Nostrand Reinhold Company Inc. Pp 539.

9. Mitsch, J.W., J.G. Gosselink (1993), Wetlands, Second edition. Van Nostrand Reinhold Company Inc. Pp 543.

10. TEEB (2011), The Economics of Ecosystems and Biodiversity in National and International Policy Making, Edited by Patrick ten Brink, Earthscan, London and Washington, 390 p.

11. Zinn, S.W. and Copeland (1982), Wetland Management, Congress Research Service, The Library of Congress, Washington, D.C., 149p.

TS. Hoàng Văn Thắng

Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học quốc gia Hà Nội

Hội Đất ngập nước Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2022)

 

Ý kiến của bạn