Banner trang chủ

Đánh giá tính bền vững của hệ thống thông tin đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và cấp tín chỉ các bon tại Việt Nam

03/01/2023

    Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT - XH), môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế về PTBV và ứng phó với BĐKH mà Việt Nam đã ký kết. Sau năm 2021, Việt Nam cũng như các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH “bắt buộc” phải giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK). Tuy đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK, nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với các vấn đề như thiết lập hệ thống quốc gia về kiểm kê KNK, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) các cấp.

1. Tổng quan

    Phát triển bền vững nói chung và ứng phó BĐKH nói riêng là vấn đề toàn cầu đang thu hút nhiều sự quan tâm của các quốc gia, các tổ chức cũng như các cá nhân trên toàn thế giới. Đến nay, khoa học đã chứng minh rằng, các hoạt động của con người đã làm cho nhiệt độ Trái đất tăng lên khoảng 10C so với thời kỳ trước công nghiệp (IPCC, 2018). Một trong những nguyên nhân chính của sự nóng lên của Trái đất xuất phát từ việc phát thải KNK. Theo ước tính, giá trị hiện tại ròng của thiệt hại ước tính do phát thải KNK lên tới 2,7 nghìn tỷ đô la (Trucost Plc, 2013). Để giải quyết các rủi ro liên quan đến khí hậu đối với các hệ thống tự nhiên và con người, các quốc gia tiếp tục đặt ra các chính sách và khuyến khích phát triển kinh tế theo hướng giảm các bon.

    Tại Hội nghị COP26 tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và tác động ngày càng gia tăng của BĐKH, đòi hỏi loài người phải hành động khẩn cấp trước khi quá muộn. Trong bối cảnh đó, Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả đặc biệt quan trọng như giảm phát thải KNK: 147 quốc gia chiếm gần 90% lượng phát thải NKN và trên 90% GDP toàn cầu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ.

    Trong thời gian qua, hệ thống cơ sở pháp lý của Việt Nam cũng đã chỉ ra sự cần thiết để thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải KNK Việt Nam nói chung và phát triển thị trường các bon nói riêng tại Việt Nam. Thêm vào đó, phát triển KT - XH theo hướng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và kinh tế các bon thấp, nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH nhằm đạt được các mục tiêu PTBV của quốc gia đã được thể chế hóa trong Luật BVMT 2020. Trong đó, Luật đưa ra yêu cầu về tổ chức và phát triển thị trường các bon trong nước cùng với các nghĩa vụ về kiểm kê phát thải KNK (Điều 91), phân bổ hạn ngạch phát thải KNK và quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các bon trong nước của các cơ sở được phân bổ hạn ngạch, các cơ sở tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 139). Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn với các điều khoản hướng dẫn kiểm kê và hệ thống đo đạc, báo báo và thẩm định phát thải KNK. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng thị trường các bon; nghiên cứu và xây dựng hệ thống giám sát, thẩm tra và báo cáo (MRV) cho giảm nhẹ và kiểm kê KNK, hệ thống giám sát và đánh giá vùng với các chỉ số tương ứng cho các hoạt động thích ứng, hệ thống giám sát và đánh giá cho huy động nguồn lực. Dự kiến đến năm 2025, thị trường các bon sẽ được chính thức hoạt động. Thị trường này được kỳ vọng sẽ thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp liên quan tham gia, là một trong những chính sách hữu hiệu nhất trong cuộc chiến ngăn chặn BĐKH toàn cầu.

    Để có những hành động giảm nhẹ BĐKH hiệu quả yêu cầu phải có những hiểu biết về phát thải KNK, nguồn phát thải và giám sát thường xuyên các hoạt động giảm nhẹ, các tác động của những hoạt động đó. Kể từ năm 2014, SBI ngày càng tập trung vào việc thúc đẩy Hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) như được nêu trong khuôn khổ Cancun. Do cắt giảm phát thải KNK là nội dung quan trọng nhất trong các cuộc đàm phán về khí hậu giữa các quốc gia tham gia Công ước khí hậu nên bên cạnh yêu cầu báo cáo về các nỗ lực giảm phát thải của các nước cũng nảy sinh nhu cầu cần phải minh bạch hóa các nỗ lực này. Đây là cơ sở để đưa ra yêu cầu là các báo cáo về những nỗ lực giảm phát thải của các quốc gia cần thể hiện sao cho có thể đo đạc, báo cáo và thẩm tra được (measurable, reportable and verifiable) - gọi tắt là MRV. MRV được xác định là nền tảng cần thiết cho các hoạt động toàn cầu nhằm ứng phó với BĐKH. Trong đó, lượng phát thải được theo dõi một cách chính xác, nhất quán (M), được báo cáo cho cơ quan quản lý (R) và được xác minh (V).

    Thuật ngữ MRV xuất hiện lần đầu tiên trong bối cảnh chính sách giảm nhẹ BĐKH là một phần trong Kế hoạch hành động Bali (2007) với ý nghĩa là “giám sát/đo đạc, báo cáo và thẩm định những cam kết hay hành động giảm nhẹ thích hợp”. Theo đó, MRV cần “được hỗ trợ bởi công nghệ, tài chính và xây dựng năng lực, theo hướng đo đạc được, báo cáo được và thẩm định được” (UNFCCC, 2007). Từ  COP13 (2007) đã được tiếp tục với dấu mốc quan trọng tại COP16 (2010), đó là bổ sung các thành phần và các yếu tố của MRV (Quyết định 1/CP.16). Hệ thống MRV là một yếu tố thiết yếu của chính sách khí hậu vì sự minh bạch cho các bên liên quan về hiện trạng và hỗ trợ nâng cao tham vọng. Do đó, MRV được coi là một đặc trưng chung của kinh tế khí hậu, được tính đến trong bối cảnh giao dịch khí thải, thuế các bon, dán nhãn môi trường hoặc xác định dấu chân các bon.

    Hệ thống MRV sẽ là thành phần quan trọng trong việc theo dõi và cải thiện hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu và chính sách giảm nhẹ theo “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (INDC) (CDKN Global, 2016). MRV được tích hợp 3 quá trình độc lập nhưng liên hệ với nhau là đo đạc (Monitoring/measurement), báo cáo (reporting) và thẩm định (verification) (Ninomiya, 2012) (Hình 1).

Hình 1. Các bước MRV (JICA, 2017)

i) Đo đạc

    Giám sát/đo đạc bao gồm biện pháp đo lường, thu thập dữ liệu hoạt động năng lượng sử dụng, phát thải KNK, chi phí cũng như lợi ích môi trường và KT - XH cho mỗi biến thành phần của phương trình để ước lượng phát thải cho các dự án giảm nhẹ. Kết quả đo đạc có thể tính toán từ phép đo trực tiếp của nồng độ khí sử dụng máy đo khí để ghi lại thông số, ví dụ chỉ số tiêu dùng nhiên liệu dựa trên hóa đơn được cung cấp. Các thông số này được sử dụng khá phổ biến, thông qua một phương trình chung:

    Dữ liệu hoạt động x Chỉ số phát thải = Lượng phát thải KNK.

    Trong đó, dữ liệu hoạt động là các thông số (proxy- ví dụ tiêu dùng nhiêu liệu, số lượng gia súc) và chỉ số phát thải là những chỉ số chuyển đổi (tấn CO2 trên 1 lít nhiên liệu đốt cháy, tấn CO2 - tương ứng với 1 gia súc một năm). Cả dữ liệu hoạt động và chỉ số phát thải đều thay đổi theo thời gian và cần được giám sát. Mặt khác, dữ liệu hoạt động biến đổi thường xuyên hơn so với chỉ số phát thải.

    Theo quy định của Việt Nam, đo đạc phải được thực hiện theo quy trình đo đạc, báo cáo, thẩm định do cơ quan có thẩm quyền ban hành, đảm bảo độ chính xác, tính minh bạch, liên tục và nhất quán của kết quả đo đạc. Phương pháp đo đạc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành trên cơ sở các quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

ii) Báo cáo

    Báo cáo thường bao gồm phần quản lý điều hành của quá trình. Báo cáo có liên quan đến tổng số lượng và số liệu lịch sử, giải thích làm thế nào các công ty đạt được những yêu cầu, truyền đạt kết quả đến những cấp quản lý có liên quan, ví dụ bên giám sát thường xuyên hoặc người quản lý cao nhất của Công ty. Báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK phải thể hiện đầy đủ, chính xác thông tin về phương pháp đo đạc, số liệu hoạt động, hệ số phát thải áp dụng, giải pháp công nghệ, phương thức quản lý để giảm phát thải KNK và kết quả giảm nhẹ phát thải KNK. Báo cáo phải bảo đảm tính toàn diện của các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK; được xây dựng theo các quy định về biểu mẫu, phương thức và thời gian quy định tại quy trình đo đạc, báo cáo, thẩm định được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Dữ liệu ở cấp độ dự án sẽ được quản lý ở cấp Bộ. Sau đó sẽ được trình lên Bộ TN&MT nhằm xây dựng các báo cáo quốc gia.

iii) Thẩm định

    Mục đích của thẩm định là để kiểm tra và phát hiện lỗi gây ra do những sai phạm không mong muốn, hoặc cố ý báo cáo sai lệch. Thẩm định thường được bên thứ ba không liên quan đến bên báo cáo và bên giám sát thực hiện, bên thẩm định kiểm tra hai bước trên cần cam kết thực hiện theo đúng những hướng dẫn. Thẩm định báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK do đơn vị đủ điều kiện thực hiện theo trình tự do Bộ TN&MT quy định, tuân thủ các hướng dẫn chi tiết. Kết quả giảm nhẹ phát thải KNK được cơ quan có thẩm quyền công bố.

    Tính đến nay, các hướng dẫn chung về quy trình thực hiện MRV trong quốc gia đang trong giai đoạn đàm phán, thảo luận và chưa có một định nghĩa cụ thể nào được đưa ra (Wartmann et al., 2013). Ở cấp quốc gia, các quy trình thẩm định cần được thực hiện trong quá trình kiểm kê KNK theo yêu cầu về đảm bảo chất lượng/quản lý chất lượng và thẩm định (Quality Assurance/Quality Control and Verification) được đưa ra trong Hướng dẫn của IPCC về kiểm kê KNK (IPCC, 2006, 2019). Theo đó, quá trình thẩm định sẽ hỗ trợ cho việc nâng cao khả năng đánh giá lượng phát thải/hấp thụ KNK và đánh giá lại quá trình xử lý kết quả kiểm kê và phân tích tính không chắc chắn của kết quả.

2. Phương pháp nghiên cứu

    Đánh giá tính bền vững vòng đời (LCSA) là một khung đánh giá phổ biến và thành công trong việc đánh giá các tác động kinh tế, môi trường và xã hội từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc vòng đời (cradle-to-grave) của một hệ thống sản phẩm. LCA đề cập đến các khía cạnh môi trường và các tác động tiềm ẩn. Ví dụ: sử dụng nguồn tài nguyên và hậu quả môi trường của các phát thải, trong suốt vòng đời của sản phẩm từ khi thu thập nguyên liệu thông qua các quá trình sản xuất, sử dụng, xử lý cuối vòng đời sản phẩm, tái chế và thải bỏ. Một số nghiên cứu của việc sử dụng LCS có thể kể đến như sau:

    Ví dụ, Burcin et al., 2016 đã đánh giá tính bền vững vòng đời tổng hợp của ngành điện ở Thổ Nhĩ Kỳ và kết luận rằng, thủy điện là lựa chọn bền vững nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp theo là điện địa nhiệt và điện gió (https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S030142151630091). Jingzheng et al., 2015 đã đánh giá tính bền vững vòng đời của ba kịch bản sản xuất cồn sinh học thay thế (dựa trên lúa mì, dựa trên ngô và dựa trên sắn) và kết luận, kịch bản dựa trên sắn là bền vững nhất (https://sci-hub.se/https://doi.org/10.1007/s11367-015-0877-8), Zhi et al., 2020 đã sử dụng phương pháp đánh giá tính bền vững của vòng đời để so sánh thủy điện tích năng dưới đất sử dụng các khu mỏ bỏ hoang (UPHES) với thủy điện tích năng truyền thống (CPHES) và cho thấy, CPHES có hiệu quả kinh tế - môi trường tốt hơn UPHES do có lợi thế kinh tế nhờ quy mô, trong khi UPHES có ít tác động xã hội hơn do không có các giai đoạn đào và lấp đất (https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/er.4890). Ali et al., 2021 cũng đã đánh giá tính bền vững vòng đời của nhiều công nghệ xây dựng khác nhau và kết luận, công nghệ xây dựng đúc tiền chế (PPVC) là công nghệ bền vững nhất trong các công nghệ được nghiên cứu (https://link.springer.com/article/10.1007/s11367-021-01938-6).

    Dựa trên các nghiên cứu trước, có thể thấy, đánh giá tính bền vững vòng đời (LCSA) là một khung đánh giá phổ biến và thành công trong việc đánh giá các tác động kinh tế, môi trường và xã hội từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc vòng đời (cradle-to-grave) của một hệ thống sản phẩm.

    LCSA là một công cụ hỗ trợ ra quyết định dựa trên cách tiếp cận có hệ thống hướng tới đánh giá tổng thể các tác động môi trường, kinh tế - xã hội từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc vòng đời của một sản phẩm (UNEP/SETAC, 2011). Khung khái niệm phổ biến cho Đánh giá tính bền vững của vòng đời (LCSA) như sau:

    LCSA = LCA + LCC + SLCA

    Trong đó, LCA là đánh giá vòng đời (môi trường), LCC là chi phí vòng đời, và SLCA là đánh giá vòng đời xã hội (S-LCA). Ba tham số trong công thức này đại diện cho ba vấn đề chính của việc đánh giá tính bền vững, bao gồm tác động môi trường, tác động KT - XH và chúng cần được thực hiện song song.

2.1. Đánh giá vòng đời môi trường (LCA)

    Trong số ba phương pháp, LCA là phương pháp xử lý các khía cạnh môi trường và đã được sử dụng rộng rãi như để hỗ trợ việc lập các kế hoạch quản lý môi trường (Finkbeiner và cộng sự, 2010). LCA là một công cụ để đo lường "các tác động môi trường tiềm ẩn trong suốt vòng đời của sản phẩm". Khung của nó đã được tiêu chuẩn hóa trong ISO 14040: 2006 và ISO 14044: 2006 (ISO, 2006a, 2006b) và sau đó đã được mở rộng để áp dụng trong các nghiên cứu LCC và S-LCA với một số sửa đổi nhất định. Về đánh giá tác động trong LCA, LCIA có mục đích định lượng các tác động môi trường tiềm ẩn của toàn bộ hệ thống vòng đời sản phẩm. Ví dụ, các thành phần chính của LCIA bao gồm xác định phạm trù tác động, chỉ thị của phạm trù tác động và mô hình đặc tính, gán kết quả tác động vòng đời (LCI) vào các loại phạm trù tác động đã chọn (phân loại) và tính toán kết quả chỉ thị của phạm trù tác động (đặc tính hóa). Nhiều phương pháp khác nhau được phát triển, sử dụng phương pháp tiếp cận điểm giữa hoặc điểm cuối hoặc kết hợp cả hai phương pháp và cả trong các phạm trù tác động cụ thể (JRC, 2010).

    Một số phương pháp LCIA phổ biến là CML 2002, Eco-indicator 99, ReCiPe và MEEuP từ Hà Lan, Impact 2002 và Swiss Ecoscarcity 07 từ Thụy Sĩ, LIME từ Nhật Bản, TRACI từ Hoa Kỳ và ESP 2000 từ Thụy Điển (tham khảo JRC (2010) để biết thông tin chung của từng phương pháp. Nhìn chung, các phương pháp này hầu hết xem xét các tác động đến BĐKH, sức khỏe con người, chất lượng môi trường tự nhiên và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, mỗi mô hình áp dụng các cách tiếp cận khác nhau và phát triển một bộ chỉ số khác nhau. Một số áp dụng mô hình điểm giữa (midpoint modeling) (định hướng vấn đề) bao gồm, ví dụ, CML 2002, MEEuP và TRACI; một số sử dụng mô hình điểm cuối (định hướng tổn thất) bao gồm Eco-indicator 99 và EPS 2000; một số kết hợp cả hai bao gồm Impact 2002, LIME và ReCiPe, chẳng hạn (JRC, 2010). Việc lựa chọn mô hình hầu hết phụ thuộc vào mục đích của nghiên cứu và địa điểm nghiên cứu của nó.

2.2. Chi phí vòng đời (LCC)

    Chi phí vòng đời là một công cụ để đánh giá các khía cạnh kinh tế của một sản phẩm trong vòng đời của nó. LCC tính toán tổng chi phí và lợi ích của một sản phẩm trong vòng đời của nó. LCC bao gồm các yếu tố khác nhau, bao gồm chi phí vốn ban đầu, tuổi thọ của tài sản, tỷ lệ chiết khấu, chi phí vận hành và bảo trì, chi phí xử lý, thông tin và phản hồi, phân tích độ không chắc chắn và độ nhạy. Huppes và cộng sự. (2004) đã áp dụng phạm trù chi phí bốn cấp để tổng hợp các loại chi phí phức tạp khác nhau, từ chi phí chung (ví dụ: cấp 1: phí tổn ngân sách và chi phí thị trường) đến các chi phí cụ thể (cấp 4: vật liệu, phòng ốc, thuế, và xử lý nước thải, ...). Các chi phí đó có thể được suy ra từ các nguồn tư nhân hoặc xã hội, từ hạch toán trực tiếp hoặc gián tiếp, từ các chi phí hữu hình hoặc vô hình. Để tránh hạch toán kép giữa LCA và LCC, phương pháp LCC chỉ xem xét đầu vào (chi phí) và đầu ra (doanh thu) tiền tệ của mỗi quy trình đơn vị trong một ranh giới hệ thống cụ thể (Kloepffer, 2008). Do đó, trong LCSA, các chi phí vô hình không được định lượng, chẳng hạn như chi phí thay thế và chi phí xã hội. Vì LCC xem xét toàn bộ vòng đời của một sản phẩm, nên các chi phí liên quan có thể là khoản thanh toán một lần, chẳng hạn như đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mua phương tiện và thiết bị, hoặc chi phí hàng năm, chẳng hạn như chi phí lao động, chi phí vật liệu và thuế. Để gộp những chi phí đó lại, một số phương pháp đã được đề xuất, ví dụ, giá trị hiện tại ròng của chi phí (NPV), lợi nhuận, thời gian hoàn vốn, chi phí trạng thái ổn định (steady state costs) và chi phí trung bình hàng năm, lạm phát cùng tỷ lệ chiết khấu (Huppes và cộng sự, 2004). Các nghiên cứu trước đây chủ yếu đề xuất và sử dụng chi phí trạng thái ổn định/chi phí trung bình hàng năm cho chi phí vòng đời theo đánh giá vòng đời. Tuy nhiên, bài viết khuyến nghị sử dụng giá trị hiện tại ròng hoặc tỷ lệ chiết khấu kết hợp với thời gian hoàn vốn để thu được kết quả chính xác hơn về khía cạnh kinh tế.

2.3. Đánh giá vòng đời xã hội

    Thành phần thứ ba gây tranh cãi nhất trong LCSA là SLCA, đây là mô hình đánh giá các tác động xã hội và KT - XH trực tiếp của một sản phẩm và dịch vụ trong suốt quá trình phát triển của nó (UNEP/SETAC, 2009). Các tác động xã hội và KT - XH sẽ thay đổi theo từng trường hợp và theo từng địa điểm. Các chỉ thị và phương pháp đánh giá của LCSA đang ở giai đoạn đầu và chưa được chuẩn hóa. Sự tham gia của các bên liên quan có thể là công nhân/nhân viên, cộng đồng địa phương, xã hội (quốc gia và quốc tế), người tiêu dùng (người dùng cuối hoặc trong chuỗi cung ứng), các bên tham gia chuỗi giá trị và các nhóm khác, chẳng hạn như các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các cơ quan công quyền/nhà nước (UNEP/SETAC, 2009). Các phạm trù tác động phổ biến theo S-LCA (ví dụ, quyền con người và quyền của người bản địa, điều kiện làm việc, di sản văn hóa, nghèo đói, sức khỏe và an toàn, xung đột quản trị và chính trị (Eason và cộng sự, 2011; UNEPf/ SETAC, 2009)). Việc đánh giá các tác động xã hội rất phức tạp và dễ bị trùng lặp với các tác động môi trường (ví dụ như tác động đến sức khỏe con người), tác động kinh tế (tạo việc làm và thu nhập lao động). Do đó, việc lựa chọn các chỉ thị S-LCA theo LCSA phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

3. Kết luận

    Ở Việt Nam, các nghiên cứu về hệ thống hệ thống thông tin đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRVIS) giảm nhẹ phát thải KNK và cấp tín chỉ các bon tại Việt Nam đã có nhiều. Trong đó, xây dựng hệ thống MRV quốc gia là một trong những nhiệm vụ trong “Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các bon ra thị trường thế giới” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1775 ngày 21/11/2012. Tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, một trong những nhiệm vụ bắt buộc là thiết lập hệ thống Hệ thống MRV cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK ở cấp quốc gia, hướng tới đạt được các mục tiêu giảm phát thải KNK trong NDC và hệ thống MRV đã được quy định cụ thể trong Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn vào ngày 7/1/2022. Cùng với đó, các quốc gia đang phát triển trên thế giới đã và đang tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống MRV quốc gia cho hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK. Bên cạnh những giá trị và lợi ích đem lại từ hệ thống MRV như đã phân tích ở trên, thì việc đánh giá một cách định lượng tác động và tính bền vững của hệ thống này cũng rất cần thiết. Trên thế giới và ở Việt Nam cũng đã có một số các nghiên cứu về đánh giá tính bền vững vòng đời trong PTBV môi trường, chủ yếu cho một hệ thống sản phẩm. Tuy nhiên, việc đánh giá tính bền vững của hệ thống thông tin đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRVIS) giảm nhẹ phát thải KNK và cấp tín chỉ các bon lại hầu như chưa có trên thế giới và cả ở Việt Nam. Vì vậy, bài viết dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất một hướng tiếp cận hệ thống sử dụng LCA để đánh giá tính bền vững của hệ thống MRVIS giảm nhẹ phát thải KNK và cấp tín chỉ các bon tại Việt Nam. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu này cần được nghiên cứu chuyên sâu và triển khai thực tiễn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S030142151630091

2. https://sci-hub.se/https://doi.org/10.1007/s11367-015-0877-8

3. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/er.4890

4. https://link.springer.com/article/10.1007/s11367-021-01938-6

ThS. Phùng Thị Thu Trang, TS. Phạm Thanh Long, KS. Vũ Văn Thịnh

Viện KTTVBĐKH

TS. Chu Thị Thanh Hương

Cục Biến đổi khí hậu

TS. Nguyễn Tú Anh

Viện Khoa học Tài nguyên nước

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2022)

Ý kiến của bạn