Banner trang chủ

Đánh giá nhu cầu tài chính cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học ở việt nam đến năm 2030

05/05/2021

     Báo cáo đánh giá nhu cầu tài chính (FNA) cho đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam là một phần trong Dự án Sáng kiến tài chính cho ĐDSH toàn cầu (BIOFIN), được điều phối bởi UNDP. Mục tiêu của FNA nhằm cung cấp đầu vào cho việc xây dựng kế hoạch tài chính cho ĐDSH, gợi ý các kế hoạch hành động nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra cho bảo tồn ĐDSH. Báo cáo FNA Việt Nam được thực hiện theo hướng dẫn của nhóm BIOFIN quốc tế, với các điều chỉnh phù hợp với điều kiện đặc thù của quốc gia.

     Phạm vi nghiên cứu

     Báo cáo FNA ước tính nhu cầu tài chính nhằm đạt được các mục tiêu đã nêu trong Quyết định số 1250/QĐ-TTg, ngày 13/7/2013 về Phê duyệt Chiến lược ĐDSH Việt Nam, và các văn bản pháp lý liên quan như Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 8/1/2014 về Phê duyệt Quy hoạch cho hoạt động bảo tồn ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thông tư số 1479/QĐ-TTg, ngày 13/10/2008 về Quy hoạch tổng thể đối với Hệ thống khu bảo tồn (KBT) vùng nước nội địa; Quyết định số 742/QĐ-TTg, ngày 26/5/2010 về Phê duyệt quy hoạch cho KBT biển đến năm 2020; Quyết định số 1976/QĐ-TTg, ngày 30/10/2014 về quy hoạch đối với hệ thống rừng đặc dụng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 1107/2015/QĐ-BTNMT, ngày 12/5/2015 về danh sách các KBT.  

     Dựa trên các ý kiến tư vấn của các chuyên gia tài chính và chuyên gia ĐDSH, báo cáo FNA đã thu hẹp phạm vi nghiên cứu nhằm xác định các mục tiêu khả thi, có thể định lượng rõ ràng với nguồn thông tin đầy đủ và đáng tin cậy. Giả định một số mục tiêu khó lượng hóa ở thời điểm hiện tại như: Cải thiện về chất lượng và số lượng quần thể các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo đảm; Không gia tăng số lượng loài bị tuyệt chủng, cải thiện đáng kể tình trạng một số loài nguy cấp, quý, hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng; Kiểm kê, lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen (vật nuôi, cây trồng, vi sinh vật) bản địa, nguy cấp, quý, hiếm, bảo đảm các nguồn gen bản địa, quý, hiếm không bị suy giảm… đã được đáp ứng trong việc duy trì và phát triển hệ thống KBT. Như vậy, báo cáo FNA xây dựng phương pháp tính toán nhu cầu tài chính cần thiết để duy trì và phát triển hệ thống các KBT với các số liệu dựa trên các mục tiêu pháp lý như trong Bảng 1.

     Bảng 1: Thống kê diện tích của các KBT hiện có và thành lập mới theo kế hoạch ở Việt Nam

Đơn vị: ha

Loại hình KBT

2018-2020

2025

2030

KBT trên cạn (KBTC)

Vườn quốc gia do trung ương quản lý

200.114,73

200.114,73

200.114,73

Vườn quốc gia do địa phương quản lý

880.402,50

880.402,50

880.402,50

Khu dự trữ thiên nhiên

1.051.683,11

1.283.912,21

1.303.912,21

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh

74.257,24

107.102,04

112.402,04

Khu bảo vệ cảnh quan

57.986,30

57.986,30

57.986,30

Tổng KBTC

2.264.443,88

2.529.517,78

2.554.817,78

KBT biển (KBTB)

192.552

270.271

290.271

KBT đất ngập nước (KBTĐNN)

Vườn quốc gia do địa phương quản lý

7.100,00

7.100,00

7.100,00

Khu dự trữ thiên nhiên

11.116,60

135.961,30

177.071,30

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh

49,00

100.438,00

100.438,00

Khu bảo vệ cảnh quan

9.478,30

9.918,30

52.218,30

Tổng KBTĐNN

27.743,90

253.417,60

336.827,60

Nguồn: Tổng hợp theo Quyết định số 45/2014/QĐ-TTg; QĐ số 742/2010/QĐ-TTg và các văn bản liên quan

     Phương pháp nghiên cứu

     Báo cáo FNA đánh giá nhu cầu tài chính cho các hoạt động bảo tồn ĐDSH đến năm 2030 bao gồm chi phí quản lý đối với hoạt động bảo tồn ĐDSH tại cấp Trung ương và địa phương cũng như các chi phí cần thiết trực tiếp từ các KBT. Hai phương pháp chủ yếu để ước tính chi phí trong đánh giá nhu cầu tài chính cho ĐDSH đã được áp dụng như tóm lược trong Bảng 2.

     Bảng 2: Tóm tắt các phương pháp được sử dụng trong báo cáo FNA Việt Nam

Nhu cầu tài chính

Phương pháp

Ghi chú/Nguyên tắc

Chi phí quản lý hành chính (cấp Trung ương và cấp tỉnh)

Phương pháp lập ngân sách gia tăng (IBA)

Ước tính tỷ lệ phần trăm gia tăng theo tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến

KBT trên cạn, KBT biển, KBT đất ngập nước

Phương pháp ước tính chi phí dựa trên hoạt động (ABC)

Ước tính nhu cầu tài chính dựa trên những KBT điển hình được khảo sát trực tiếp

     Phương pháp tính chi phí đơn vị và tổng nhu cầu tài chính

     Phương pháp ABC được sử dụng để xác định các mức chi phí cũng như nhu cầu tài chính của KBT nghiên cứu, và được tính toán trên cơ sở chi phí đơn vị (tính trên một héc ta) cho mỗi loại hình KBT. Dựa trên hệ thống cấu phần ngân sách Việt Nam, các chi phí được chia thành 8 nhóm, ký hiệu từ C1 đến C8 như mô tả trong Bảng 3.

     Bảng 3: Mô tả danh mục chi phí được sử dụng trong tính chi phí đơn vị

Chi phí

Mô tả/nội dung hoạt động

Ghi chú

Chi phí quản lý hành chính thường xuyên (C1 + C2)

C1

Lương: Tiền lương phải trả cho một số lượng nhân viên cần thiết làm việc về ĐDSH tại các KBT 

Dựa trên nhu cầu thực tế của các KBT

C2

Chi phí hoạt động hàng năm, đảm bảo duy trì hoạt động của KBT về ĐDSH (điện, vận chuyển, nước,..)

Dựa trên nhu cầu thực tế của các KBT

Chi phí cho hoạt động bảo tồn ĐDSH (C3+C4+C5+C6)

C3

Những chi phí liên quan tới ĐDSH: Mỗi KBT có rất nhiều hoạt động phức tạp và đa chức năng, chỉ những hoạt động liên quan tới việc bảo tồn ĐDSH được tính trong mục này

Dựa trên các hoạt động bảo tồn ĐDSH cụ thể được báo cáo bởi mỗi KBT

C4

Chi hỗ trợ người dân vùng đệm: Chi phí giúp người dân có cuộc sống tốt và ổn định hơn, nhằm giảm thiểu những thiệt hại gây nên trong khu vực bảo tồn ĐDSH

Dựa trên Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg, ngày 1/6/2012

C5

Chi cho giáo dục và truyền thông về ĐDSH: Chi phí được sử dụng nhằm tuyên truyền, giáo dục người dân địa phương nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH

Dựa trên nhu cầu thực tế của các KBT

C6

Chi nghiên cứu khoa học: Chi phí hỗ trợ các nghiên cứu với mục đích bảo vệ, bảo tồn một giống loài cụ thể hoặc nâng cao kết quả ĐDSH

Dựa trên nhu cầu thực tế của các KBT

Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản thường niên (C)

C7

Chi đầu tư cơ sở hạ tầng hàng năm: Chi phí đầu tư hàng năm được sử dụng nhằm hỗ trợ đảm bảo cơ sở hạ tầng cho các KBT (gồm cả KBT hiện đang hoạt động và mới thành lập)

Dựa trên nhu cầu thực tế của các KBT

Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu (C8)

C8

Chi phí đầu tư phát sinh được sử dụng nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho các KBT mới thành lập (bao gồm văn phòng làm việc, phòng họp, thiết bị chống chữa cháy…). Khoản đầu tư ban đầu này được ước lượng dựa trên các định mức kỹ thuật tiêu chuẩn của một KBT ĐDSH trong Quyết định số 2370/QĐ/BNN-KL ngày 5/8/2008 của Bộ NN & PTNT

Dựa trên Quyết định số 2370/QĐ/BNN-KL, Phê duyệt Chương trình đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam giai đoạn 2008 - 2020

 

     Số liệu chi tiết về mỗi nhóm chi phí của từng KBT trong mẫu nghiên cứu được thực hiện thông qua việc gửi bảng hỏi và phỏng vấn trực tiếp tại KBT. Chi phí đơn vị được tính bằng tổng chi phí cần thiết cho hoạt động bảo tồn ĐDSH của KBT được chia cho diện tích của KBT đó.

     Chi phí đơn vị của KBT đã thành lập =  (triệu đồng VND/ha)

     Và Chi phí đơn vị của KBT thành lập mới =  (mil. VND/ha)

     Chi phí đơn vị của KBT trong mẫu nghiên cứu được xem như chi phí tiêu chuẩn, được sử dụng để nhân rộng cho toàn bộ các KBT trong cùng một loại.

     Tổng nhu cầu tài chính của tất cả các KBT sẽ được tính bằng cách lấy mức chi phí đơn vị (có điều chỉnh theo mức lạm phát kỳ vọng 4%/ năm) nhân với tổng diện tích tính cho từng loại hình KBT hiện tại và dự kiến thành lập mới đến năm 2030.

     Lựa chọn mẫu nghiên cứu

     Các KBT được lựa chọn khảo sát dựa trên ý kiến tư vấn của chuyên gia Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Bộ TN&MT), nhằm bảo đảm tính điển hình đối với mỗi loại hình KBTC, KBTB và KBTĐNN, đồng thời đảm bảo sự đa dạng về địa lý và vùng miền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

     Bảng 4: Các KBT trong mẫu nghiên cứu để tính chi phí đơn vị

Loại hình KBT

Khu vực

Tên KBT

Khu bảo tồn trên cạn

Vườn QG do Trung ương quản lý

Đồng bằng sông Hồng

Ba Vì (Hà Nội)

Cúc Phương (Ninh Bình)

Vườn QG do địa phương quản lý

Đông Bắc

Cát Bà (Hải Phòng)

Khu dự trữ thiên nhiên

Nam Trung bộ

Sơn Trà (Đà Nẵng)

Khu bảo vệ cảnh quan

Đông Bắc

Yên Tử (Hải Dương)

Khu bảo vệ loài và sinh cảnh

Đồng bằng sông Cửu Long

Phú Mỹ (Kiên Giang)

Bắc Trung bộ

Sao La (Huế)

KBT biển

KBT biển

Nam Trung bộ

Cù Lao Chàm (Quảng Nam)

KBT đất ngập nước

KBT đất ngập nước

Đồng bằng sông Cửu Long

Tràm Chim (Đồng Tháp)

     Hai kịch bản nghiên cứu

     Tính toán nhu cầu tài chính cho hoạt động ĐDSH của Việt Nam đến năm 2030 thực hiện với 2 kịch bản:

     (1) Kịch bản S1: Nhu cầu tài chính dựa trên hệ thống các KBT đã có đến năm 2018;

     (2) Kịch bản S2: Nhu cầu tài chính dựa trên kế hoạch mở rộng hàng năm của hệ thống các KBT.

     Kịch bản S1 là tình huống “mức tối ưu tối thiểu” khi, vì một lý do nào đó, các KBT nằm trong kế hoạch thành lập mới theo Quyết định số 45/2014 và Quyết định số 742/2010 không thành lập được. Kịch bản S2 là tình huống “tối ưu” hơn, bao gồm tất cả các chi phí quản lý ở cấp trung ương và địa phương, cũng như nhu cầu tài chính trực tiếp từ các KBT đã thành lập đến năm 2018 và các KBT dự kiến thành lập mới trong ngắn hạn (đến 2020), trung hạn (2021-2025) và dài hạn (2026-2030) theo các văn bản phê duyệt của Chính phủ, nhằm đạt mục tiêu diện tích của toàn hệ thống các KBT đạt 9,6% trong năm 2030 như đã nêu trong CLĐDSH.

     Kết quả đánh giá chi phí đơn vị

     Chi phí đơn vị ước tính cho một héc ta đối với chi phí thường xuyên hàng năm nhằm đảm bảo hoạt động bảo tồn ĐDSH tại các KBT Việt Nam trung bình là 3,51 triệu đồng, dao động từ 3.063.700 đồng đối với KBTĐNN; 3.259.260 đồng đối với KBTC, đến 5.188.500 đồng đối với KBTB. Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản đối với KBTB thành lập mới trung bình là 17,52 triệu đồng/ha, cũng có sự khác nhau khá lớn giữa các loại hình KBT (Bảng 5).

     Bảng 5: Chi tiết các cấu phần chi phí đơn vị của các KBT hiện có và KBT mới

Đơn vị: triệu đồng/ha

Danh mục chi phí

Khu bảo tồn trên cạn

KBT biển

KBT đất ngập nước

VQG TƯ

VQG ĐP

KDTTN

KBTLSC

KBVCQ

C1

Chi phí Lương

0,3727

0,5113

0,2857

0,3990

0,3881

1,3021

0,6164

C2

Chi phí hoạt động

0,2893

0,3299

0,0905

0,0177

0,0719

0,4991

0,1295

C3

Chi phí ĐDSH

0,5600

0,1833

0,4000

0,2577

0,3593

0,4255

0,4795

C4

Chi phí hỗ trợ vùng đệm

0,0518

0,0257

0,1429

0,0799

0,0719

0,0681

0,0329

C5

Chi giáo dục và truyền thông

0,0223

0,0229

0,0397

0,0258

0,0359

0,1277

0,0274

C6

Chi phí nghiên cứu

0,0446

0,0458

0,1190

0,0322

0,1078

0,4255

0,1096

C7

Chi đầu tư cở sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị hàng năm

2,0014

2,0014

1,4647

2,8749

2,5692

2,3404

1,6685

 

Tổng chi phí thường xuyên hàng năm (C1 đến C7)

3,3422

3,1203

2,5425

3,6873

3,6040

5,1885

3,0637

C8

Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu (KBT mới)

n/a

n/a

14,6468

28,7495

n/a

18,3404

8,3425

 

Tổng chi hàng năm + chi đầu tư ban đầu (C1 đến C8)

n/a

n/a

17,1893

 

32,4368

 

n/a

23,5289

 

11,4062

 

     Kết quả đánh giá nhu cầu tài chính

     Trong Kịch bản S1, nhu cầu tài chính cần thiết cho hoạt động ĐDSH giai đoạn 2018 - 2030 tại các KBT đã thành lập là 132.399 tỷ đồng, trong đó 113.653 tỷ đồng (86%) cho các KBTC, khoảng 17.276 tỷ đồng (13%) cho KBTB, và khoảng 1.470 tỷ đồng (1%) cho KBTĐNN. Nhu cầu tài chính các KBTC năm 2018 là 6.836 tỷ đồng tăng lên 10.944 tỷ đồng năm 2030; nhu cầu tài chính của các KBTB cũng tăng dần, từ 1.039 tỷ đồng năm 2018 lên 1.664 tỷ đồng năm 2030.

     Trong Kịch bản S2 khi hệ thống KBT được mở rộng, nhu cầu tài chính đến năm 2030 là 167.276 tỷ đồng cho các hoạt động thường xuyên hàng năm và xây dựng cơ bản. Trong đó, 11.368 tỷ đồng là chi phí cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu cho các KBT thành lập mới, 52% của số này là dành cho các KBTC, 30% là cho KBTĐNN, còn 18% cho KBTB.

     Nhu cầu tài chính cho các KBT trong Kịch bản S2 tăng mạnh từ 9.963 tỷ đồng năm 2018 lên 16.694 tỷ đồng năm 2030, do đã tính đến nhu cầu hàng năm của hệ thống KBT mở rộng và nhu cầu cho đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu cho các KBT thành lập mới; phần lớn tài chính vẫn là cho KBTC (73%), sau đó là KBTB (15%) và KBTĐNN (12%).

     Bảng 6: Tổng nhu cầu tài chính cho các mục tiêu của CLĐDSH Việt Nam trong 2 kịch bản

                                                                          Đơn vị: Triệu đồng

 

Kịch bản

2018-

2020

2021-

2025

2026-

2030

2018 - 2030

Nhu cầu tài chính tại các KBT

KBT trên cạn

S1

21.337.836

41.646.418

50.669.236

113.653.490

S2

21.337.836

49.610.841

56.925.124

127.873.801

KBT biển

S1

3.243.400

6.330.350

7.701.839

17.275.589

S2

5.221.259

8.787.171

11.713.396

25.721.827

KBT đất ngập nước

S1

275.946

538.582

655.267

1.469.795

S2

275.946

5.426.172

7.978.174

13.680.292

Tổng nhu cầu các KBT

S1

24.857.182

48.515.350

59.026.342

132.398.874

S2

26.835.041

63.824.185

76.616.694

167.275.920

Nhu cầu cho quản lý tại TƯ&ĐP

S1

2.507.383

6.055.759

9.446.466

18.009.608

S2

2.507.383

6.055.759

9.446.466

18.009.608

Tổng nhu cầu tài chính

S1

27.364.565

54.571.109

68.472.808

150.408.482

S2

29.342.424

69.879.943

86.063.161

185.285.529

Chênh lệch

S2 - S1

1.977.860

15.308.834

17.590.353

34.877.047

 

     Tổng nhu cầu tài chính cần thiết cho việc thực hiện các hoạt động ĐDSH, nhằm đạt được các mục tiêu đã nêu trong CLĐDSH được ước tính từ nhu cầu của hệ thống KBT cộng với nhu cầu tài chính ước tính cho hoạt động quản lý hành chính tại các cấp Trung ương và địa phương được điều chỉnh tăng dần theo tốc độ tăng trưởng GDP và mức lạm phát kỳ vọng. Nhu cầu tài chính cho các hoạt động quản lý hành chính ở các cấp trung ương và địa phương là như nhau trong cả hai kịch bản, dựa trên giả định là các chi phí này vẫn đáp ứng được các hoạt động quản lý ở mức hiện tại hay mở rộng KBT. Đến năm 2030, tổng nhu cầu tài chính cần thiết cho Kịch bản S1 là 150.408 tỷ đồng, nhu cầu hàng năm tăng từ  8.717 tỷ đồng năm 2018 lên khoảng 14.988 tỷ đồng vào năm 2030. Tổng nhu cầu tài chính theo Kịch bản S2 là 185.286 tỷ đồng, tăng thêm 34.877 tỷ đồng (+23%) so với Kịch bản 1, trong đó 32,6% (11.366 tỷ đồng) là cho chi phí đầu tư xây dựng cơ bản đối với các KBT thành lập mới.

     Thiếu hụt tài chính cho bảo tồn ĐDSH

     So sánh tổng nhu cầu tài chính cần thiết theo Kịch bản S1 với các mức chi tiêu cho ĐDSH được phân bổ hàng năm được ước tính trong báo cáo đánh giá chi tiêu cho ĐDSH (BER) đến năm 2030, có thể thấy thiếu hụt tài chính của năm 2018 là khoảng 2.600 tỷ đồng, giảm dần xuống 1.809 tỷ đồng vào năm 2025 và xuống 818 tỷ đồng vào năm 2030 (Bảng 7). Xu thế giảm dần thiếu hụt tài chính qua các năm là do việc phân bổ ngân sách nhà nước cho chi tiêu ĐDSH ngày càng được tăng lên do sự gia tăng GDP và các mức lạm phát, trong khi đó, nhu cầu tài chính cho ĐDSH trong Kịch bản này (chỉ áp dụng đối với hệ thống các KBT hiện có) không gia tăng mạnh vì không có việc thành lập mới các KBT.

     Bảng 7: Thiếu hụt tổng nhu cầu tài chính cho ĐDSH qua các năm

Đơn vị: Triệu đồng

Nhu cầu tài chính

2018

2020

2025

2030

Tổng nhu cầu tài chính Kịch bản S1

8.717.048

9.532.998

11.914.238

14.988.253

Tổng nhu cầu tài chính Kịch bản S2

8.717.048

11.510.857

15.930.286

18.933.404

Ước tính phân bổ tài chính của BER

6.116.667

7.206.057

10.104.979

14.170.107

Thiếu hụt Kịch bản S1

-2.600.381

-2.326.941

-1.809.259

-818.146

Thiếu hụt Kịch bản S2

-2.600.381

-4.304.800

-5.825.307

-4.763.29

     Theo Kịch bản S2, các mức thiếu hụt tương ứng đã tăng hơn gấp đôi, lên 5.825 tỷ đồng năm 2025. Nguyên nhân rất rõ ràng là do sự mở rộng của hệ thống các KBT với khoảng 570.000 héc ta, đặc biệt là nhu cầu tài chính cho đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu, cũng như đảm bảo các trang thiết bị kỹ thuật cho việc vận hành các KBT ngay từ khi mới thành lập. Tiếp theo, trong giai đoạn 2025 - 2030, hệ thống KBT tiếp tục có kế hoạch mở rộng thêm 130.000 héc ta nữa, đồng thời nhu cầu tài chính cho hoạt động ĐDSH hàng năm gia tăng, kết hợp với sự gia tăng nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản các KBT thành lập mới, theo đó, thiếu hụt tài chính cho giai đoạn đến năm 2030 vào khoảng 4.763 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2025.

     Kết luận và kiến nghị

     Kết quả đánh giá cho thấy, thiếu hụt tài chính giữa nhu cầu cho ĐDSH và mức chi tiêu dự báo phân bổ cho ĐDSH trong tương lai sẽ tồn tại trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo đó, nguồn tài chính là không đủ để đạt được các mục tiêu đã nêu ra trong Chiến lược ĐDSH của Việt Nam. Nếu các nguồn lực tài chính không thể tăng cường thông qua các cơ chế tài chính tại các khu vực nhà nước, xã hội và tư nhân, quy mô tài chính trong tương lai cho ĐDSH sẽ chỉ tăng dần từ các mức chi tiêu hiện tại theo mức tăng trưởng GDP, như đã phân tích trong báo cáo BER, có tính đến yếu tố lạm phát kỳ vọng, điều này cũng có nghĩa ĐDSH của Việt Nam có nguy cơ tiếp tục bị suy giảm đáng chú ý.

     Trong bối cảnh ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ cho nhu cầu tài chính cho ĐDSH với các khối lượng được ước tính, cần chú trọng nghiên cứu tăng cường hiệu quả các cơ chế tài chính hiện tại, đồng thời học tập kinh nghiệm quốc tế để xây dựng thêm các công cụ tài chính phù hợp nhằm huy động nguồn tài chính bổ sung cho ĐDSH.

     Theo kết quả nghiên cứu, các mức chi phí đơn vị cho một héc ta đối với hoạt động bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam khá cao so với thông lệ quốc tế. Vì vậy, nghiên cứu tiếp theo cần mở rộng số mẫu nghiên cứu (số lượng KBT được khảo sát) cũng như rà soát kỹ các danh mục chi phí bởi các chuyên gia độc lập, nhằm tránh việc thổi phồng các mức chi phí được cung cấp bởi lãnh đạo của các KBT.

     Cũng theo kết quả nghiên cứu đối với Kịch bản S2, chi phí cần thiết cho ĐDSH tại các KBT là rất cao, do các chi phí đầu tư xây dựng cơ bản cho các KBT thành lập mới. Vì vậy, cần rà soát cơ hội thành lập các KBT mới với mức chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng thấp hơn, trong khi vẫn đạt được các mục tiêu đặt ra trong CLĐDSH.

Nguyễn Thị Minh Huệ, Lê Thu Hoa

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2021)

 

Tài liệu tham khảo

  1. Cục BTTN & ĐDSH, WWF và ĐH Stockholm (2013), ĐDSH, biến đổi khí hậu và bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh thay đổi ở Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam.
  2. UNDP (2016), The 2016 BIOFIN Workbook: Mobilizing Resources for Biodiversity and Sustainable Development, The Biodiversity Finance Initiative, United Nations Development Programme, New York.
  3. UNDP, BIOFIN Vietnam (2018), Rà soát chi tiêu cho ĐDSH ở Việt Nam (Báo cáo BER), Hà Nội, Việt Nam.
Ý kiến của bạn