23/03/2023
Theo thống kê của Bộ TN&MT, tính đến hết ngày 15/3/2023, đã có 7.979 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ, tại địa chỉ https://luatdatdai.monre.gov.vn.
Trong số 7.979 ý kiến, có 10 nội dung nhận được nhiều ý kiến là: Chế độ sử dụng các loại đất (1.209 ý kiến chiếm 15,2%); Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (990 ý kiến chiếm 12,4%); Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (756 ý kiến chiếm 9,5%); Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (667 ý kiến chiếm 8,3%); Quy hoạch, sử dụng đất (645 ý kiến chiếm 8,1%); Thu hồi đất, trưng dụng đất (602 ý kiến chiếm 7,5%); Quy định chung (544 ý kiến chiếm 6,8%); Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai (541 ý kiến chiếm 6,78%); Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (437 ý kiến chiếm 5,5%); Tài chính về đất đai, giá đất (392 ý kiến chiếm 4,9%).
Bên cạnh đó, Bộ đã nhận được 84 ý kiến góp ý bằng văn bản, trong đó 22 ý kiến là của tổ chức, còn lại là cá nhân; 1 tỉnh (Lào Cai) đã gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn về Bộ.
Đến nay, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nhiều Bộ, ngành mặc dù Nghị quyết số 170/NQ-CP không yêu cầu, nhưng cũng đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân để triển khai trong bộ, ngành mình và gửi về Bộ TN&MT.
Trong suốt hơn 2 tháng qua, từ khu dân cư, phường, xã, thị trấn đến cấp quận, huyện, tỉnh, thành phố... đều tổ chức các hội nghị tiếp thu, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những ý kiến của người dân đều được nghiên cứu kĩ lưỡng và gửi gắm rất nhiều tâm huyết đến ban soạn thảo. Cùng với đó là những hội nghị góp ý từ mặt trận Tổ quốc các cấp, các hội thảo góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp, giới luật gia, các nhà khoa học, kiều bào cũng được tổ chức rất nghiêm túc, bài bản. Các ý kiến đa chiều, điểm mặt chỉ tên các nút thắt, bất cập trong chính sách đất đai hiện hành, đồng thời cũng đưa ra nhiều đề xuất giá trị.
Đặc biệt, các hội nghị do Chính phủ tổ chức với sự tham gia của các đại diện địa phương với nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, xuất phát từ thực tế của từng địa phương cũng cho thấy các địa phương đã triển khai việc tiếp thu ý kiến nhân dân hết sức cầu thị và nắm chắc thực tế tại địa phương, soi chiếu vào Dự thảo luật.
Được biết, Bộ TN&MT đã ký Quyết định số 120/QĐ - BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP. Theo đó, Bộ dự kiến hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3/2023; trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4/2023; báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/4/2023. Trên cơ sở các bước thực hiện, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ V, trước ngày 25/4/2023.
Trần Hương