08/11/2022
Từ ngày 6 - 18/11/2022, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã được tổ chức tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập với sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu khác. Đây là Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu có số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình trạng Trái đất ấm lên đã gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt, mưa lớn bất thường đã xảy ra khắp nơi trên thế giới, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người bị mất nhà cửa do thiên tai từ đầu năm tới nay. Các nhà khoa học ước tính rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,150C so với thời kỳ tiền công nghiệp và 8 năm gần đây được ghi nhận là nóng nhất trong lịch sử. Hội nghị xoay quanh các chủ đề chính về phát triển hydro xanh; an ninh nước và an ninh lương thực; chuyển đổi năng lượng và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Tại Phiên khai mạc, ông Sameh Shoukry, Chủ tịch COP27 kêu gọi các quốc gia cùng nhau giải quyết những vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Đồng thời nhấn mạnh, các vấn đề này cần được giải quyết đồng loạt, nhanh chóng, không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Hội nghị cũng đưa ra những cảnh báo về cắt giảm khí thải và kêu gọi nỗ lực đạt mục tiêu cắt giảm 45% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C so với mức cuối thế kỷ 19. Trọng tâm của việc thực hiện là tất cả mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới làm mọi thứ có thể để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Các đại biểu tham dự COP27
Phát biểu tại Phiên họp toàn thể đầu tiên của COP27, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, Trái đất đang tiến nhanh đến các điểm tới hạn có thể khiến tình trạng “hỗn loạn khí hậu” không thể đảo ngược. Theo ông Antonio Guterres, hoạt động của con người là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề khí hậu. Vì vậy, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cần có một hiệp ước giữa các nước phát triển và đang phát triển về giảm lượng khí thải các bon, chuyển đổi hệ thống năng lượng nhằm tránh một thảm họa khí hậu. Một hiệp ước mà trong đó các quốc gia giàu có hơn và các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để giúp các nền kinh tế mới nổi tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của riêng họ.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các mục tiêu đề ra, đặc biệt là vấn đề tài chính khí hậu, tham vọng hành động vì khí hậu, đều là những vấn đề hóc búa trong bối cảnh thế giới đang trải qua những diễn biến địa chính trị không thuận lợi và kinh tế toàn cầu đang đà suy giảm. Trong khi các quốc gia châu Âu đang oằn mình đối phó với một mùa đông giá lạnh do thiếu nhiên liệu, cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực cũng đẩy nhiều quốc gia vào tình thế khó khăn với lạm phát tăng vọt. Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, nếu không có nguồn tài chính cần thiết, các nước đang phát triển không thể đầu tư khẩn cấp cho hành động khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững.
Trần Tân