Banner trang chủ

Cung cấp thông tin, số liệu phục vụ xây dựng Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021

24/03/2021

     Bộ TN&MT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cung cấp thông tin, số liệu phục vụ xây dựng Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021.

     Theo đó, năm 2021, Bộ TN&MT lựa chọn chủ đề “Chất lượng môi trường không khí - Thực trạng và giải pháp" cho Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia. Để Báo cáo đảm bảo chất lượng và đầy đủ nội dung theo quy định, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở TN&MT và các đơn vị liên quan tổng hợp thông tin, số liệu về chất lượng môi trường không khí và thực trạng quản lý môi trường không khí thời gian qua tại địa phương và gửi báo cáo về Bộ trước ngày 30/6/2021.

     Cụ thể, đối với thông tin về hiện trạng môi trường không khí tại địa phương, báo cáo phải gồm thông tin, số liệu về diễn biến các thông số quan trắc về ô nhiễm không khí (đô thị, nông thôn, làng nghề, khu/cụm công nghiệp...) trên địa bàn tỉnh/thành phố; Các kết quả quan trắc môi trường không khí (số liệu quan trắc chất lượng không khí định kỳ, trạm tự động, liên tục tại địa phương cần so sánh với giá trị giới hạn theo QCVN 05:2013/BTNMT); Đánh giá chất lượng không khí xung quanh khu vực đô thị (nội đô, trung tâm), khu vực nông thôn, ngoại ô và các khu vực khác; Các điểm nóng/vấn đề nổi cộm liên quan đến ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh/thành phố.

    Tổng hợp, đánh giá các nguồn phát thải chính gồm: Các nguồn điểm: Các nhà máy sản xuất công nghiệp (nhiệt điện, thép, xi măng, hóa chất….), các lò đốt rác; Các nguồn di động: Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: ô tô, xe tải, bus, xe máy… Các phương tiện di động khác: tàu thủy, tàu hỏa, máy bay…; Các nguồn diện: Đốt nhiên liệu; hoạt động sản xuất công nghiệp; các trạm cung cấp nhiên liệu; đốt sinh khối (phế phẩm nông nghiệp); các nguồn hỗn hợp khác (khai khoáng, xây dựng…).

    Báo cáo phải có sự phân tích, nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, bao gồm cả nguyên nhân khách quan từ các yếu tố khí tượng, thời tiết, khí hậu theo mùa, các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới (nếu có)… và các nguyên nhân chủ quan từ hoạt động phát triển kinh tế xã hội, phát sinh các nguồn khí thải gây ô nhiễm không khí (nguồn điểm, nguồn di động, nguồn diện).

     Đồng thời, Báo cáo phải gồm thông tin, dữ liệu về công tác quản lý, giải pháp bảo vệ môi trường không khí tại địa phương, gồm thông tin về thể chế, chính sách, các giải pháp quản lý chất lượng không khí tại địa phương; Cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm quản lý chất lượng không khí giữa các cơ quan hữu quan tại địa phương; Hiệu quả của các giải pháp quản lý chất lượng không khí đang được thực hiện; Hiện trạng áp dụng các công cụ quản lý chất lượng không khí; Cơ chế phối hợp, chia sẻ, công khai thông tin, dữ liệu chất lượng không khí và vai trò của các bên liên quan tại địa phương; Các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát ô nhiễm không khí; Các vấn đề bất cập, tồn tại trong công tác quản lý chất lượng không khí.

     Bộ TN&MT cũng đề nghị địa phương đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm không khí và tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí. ​Trên cơ sở chủ đề Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021 và thực tế các vấn đề nổi cộm về môi trường tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương​ chỉ đạo Sở TN&MT và các đơn vị liên quan lập Báo cáo Hiện trạng môi trường năm 2021 (theo quy định tại của khoản 2 Điều 137 của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về báo cáo hiện trạng môi trường, bộ chỉ thị môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường) và gửi báo cáo về Bộ trước ngày 31/12/2021.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn