23/11/2022
Năm 2017, trước những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ… tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH với sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, đối tác quốc tế, doanh nghiệp để thảo luận, tìm ra giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ cho vùng ĐBSCL. Sau Hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Đây là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương cùng với các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế chung tay phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Đa dạng các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về BĐKH
Tại Long An, thực hiện Nghị quyết, năm 2018, Sở TN&MT tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho công chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh và công chức thực hiện công tác truyền thông về môi trường thuộc các tổ chức đoàn thể, chính trị, nghề nghiệp cấp huyện trên địa bàn tỉnh, thuộc đối tượng phối hợp liên tịch trong công tác BVMT như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp phụ nữ; Hội Nông dân; Hội Người cao tuổi; Hội Nạn nhân chất độc da cam; Liên Đoàn lao động; Tỉnh đoàn; Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật; Hội Cựu chiến binh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với tổng số lượng người tham dự là 380 người.
Mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2022
Năm 2019, tổ chức 4 lớp tập huấn, phổ biến các văn bản pháp luật và công tác BVMT, tài nguyên nước, khoáng sản, BĐKH cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với khoảng 800 người tham dự; 1 lớp tập huấn, phổ biến các văn bản pháp luật và tập huấn công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn (chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng…) tại huyện Châu Thành với hơn 100 người tham dự. Tiếp đó, năm 2020, tổ chức 2 lớp tập huấn về công tác BVMT, tài nguyên nước, khoáng sản, BĐKH cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thu hút khoảng 600 người tham dự; 1 hội thảo kết hợp tập huấn về nội dung trên cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh, thu hút khoảng 300 người tham dự. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6); Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (Từ ngày 1 - 8/6): Đồng loạt tổ chức các hoạt động thuộc “Tháng hành động vì môi trường”, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới trên địa bàn tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện trên tại huyện Đức Huệ để làm điểm với các hoạt động thiết thực, cụ thể như treo băng rôn, áp phích tuyên truyền, trồng 660 cây xanh (cây Sao đen loại lớn, cao 5 m, đường kính thân 10 cm); hỗ trợ 200 thùng rác cho địa phương, nhằm tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải; cung cấp thông tin cho báo, đài đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn: Thực hiện cung cấp thông tin cổ động lên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, internet; thực hiện phóng sự chuyên đề về Chiến dịch; treo băng rôn hưởng ứng tại các trụ sở cơ quan và một số tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Tân An; tổ chức trồng cây xanh trên địa bàn một số huyện, thị trong tỉnh với số lượng 3.350 cây hoàng yến và 6.000 cây sao đen.
Ngoài ra còn phải kể đến một số hoạt động hưởng ứng các ngày kỷ niệm khác như Ngày Trái đất 22/4, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5… bằng hình thức treo băng rôn tại trụ sở các cơ quan và một số tuyến đường chính trên địa bàn Thành phố Tân An;Thực hiện phóng sự và phát sóng trên đài phát thanh, đài truyền hình tỉnh Long An tuyên truyền về ngành TN&MT.
Tập huấn kiến thức về BVMT, tài nguyên và BĐKH cho cán bộ quản lý môi trường cấp huyện
Một số mô hình phát triển bền vững thích ứng với BĐKH đã được triển khai
Mô hình điểm về tưới tiên tiến, tưới thông minh
Nằm trong khuôn khổ Đề án “Xây dựng vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020”, Sở NN&PTNT đã tiến hành khảo sát, xác định và tổ chức hỗ trợ lắp đặt 5 mô hình tưới tiên tiến, tưới thông minh (tưới phun mưa) tại xã Phước Hậu (huyện Cần Giuộc); xã Long Trạch, Long Khê (huyện Cần Đước) và phường Khánh Hậu (TP. Tân An). Ngoài Chương trình Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi còn phối hợp cùng Dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam hỗ trợ 100% chi phí lắp đặt hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt cho 5 hộ dân tại Ấp 1, xã Long Khê, huyện Cần Đước với tổng diện tích thực hiện khoảng 1,0 ha, tổng kinh phí khoảng 105.000.000 đồng.
Các mô hình tưới nước tiên tiến đã phát huy hiệu quả, giúp người dân tiết kiệm được 50 - 80% công tưới và điện năng tiêu thụ, tiết kiệm 10 - 40% lượng phân bón, lượng nước sử dụng nhưng lại tăng hiệu quả hấp thu, hiệu suất phân bón góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người sử dụng. Ước tính khi sử dụng mô hình tưới tiết kiệm nông dân giảm chi phí công lao động, nước tưới, điện năng tiêu thụ, phân bón... khoảng 2 - 4 triệu đồng/ha/tháng.
Mô hình tưới thông minh tại xã Long Khê, huyện Cần Đước
Mô hình thu gom, xử lý bao bì vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật
Nhằm tạo ý thức cho người dân cùng tham gia BVMT trong sản xuất nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản đã phối hợp với chính quyền địa phương, các Đoàn thể phát động thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV trên địa bàn 13 xã, thị trấn của huyện Châu Thành, trong đó đã tổ chức 12 cuộc ra quân ở các xã (mỗi năm tổ chức 6 cuộc). Tổng cộng thu được khoảng trên 1.500 kg rác thải từ vỏ bao bì thuốc BVTV đem đi tiêu hủy theo quy định. Số lượng thùng chứa bao bì thuốc BVTVđã bố trí: 24 thùng. Tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực (BVTV) vật an toàn, hiệu quả, theo nguyên tắc 4 đúng; Tập huấn hướng dẫn “Quản lý an toàn bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng ở Việt Nam”.
Mô hình thu gom, phân loại, tái chế chất thải tại các hộ gia đình
Nhằm nâng cao ý thức và vai trò của phụ nữ trong hoạt động BVMT, khuyến khích việc thu gom, phân loại chất thải rắn trong sinh hoạt hàng ngày, Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát động thực hiện nhiều mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa để gây quỹ với các khẩu hiệu: “Biến rác thành tiền gây quỹ từ thiện”; “Đổi rác thải nhựa lấy giỏ đi chợ”; “Đổi rác thải nhựa lấy hạt giống”; “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”... Bên cạnh đó, để công tác thu gom, phân loại chất thải được thuận lợi, Hội liên hiệp Phụ nữ còn triển khai các hoạt động bàn giao thiết bị, dụng cụ hỗ trợ công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt, thùng ủ rác để thực hiện mô hình biến rác thải thành phân hữu cơ cho hội viên tham gia chương trình, tổ chức các cuộc thi về tái chế chất thải rắn… thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo hội viên, góp phần lan tỏa hiệu ứng tích cực trong công tác BVMT đến các hộ gia đình. Một số hoạt động còn gây được quỹ từ thiện để mua sách vở, dụng cụ học tập, áo quần… tặng học sinh nghèo khó khăn nhân dịp khai giảng năm học mới 2022.
Hoạt động thu gom, phân loại, tái chế rác thải
Mô hình BVMT, ứng phó với BĐKH trong đoàn viên, thanh thiếu niên
Cùng với các tổ chức, đoàn thể, đoàn viên, thanh niên tỉnh Long An cũng phát huy tinh thần sáng tạo, xung kích trong công tác BVMT, thích ứng với BĐKH. Trong đó phải kể đến hoạt động Ngày Chủ nhật xanh, hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo cơ sở triển khai đồng loạt 4 Ngày Chủ nhật xanh với các hoạt động cụ thể: Trồng mới hơn 510.000 cây xanh các loại; dọn dẹp vệ sinh bia truyền thống; thu gom, xử lý rác thải cho người dân; vớt lục bình, dọn dẹp lòng sông, khơi thông kênh, rạch; phát quang bụi rậm; lắp đặt hệ thống đèn đường bằng năng lượng mặt trời; tặng túi xách thân thiện với môi trường… Ngoài ra, các cơ sở Đoàn còn triển khai mô hình Hội nghị xanh không sử dụng chai nhựa, qua đó, tặng 1.350 bình thủy tinh cho đoàn viên, thanh niên tại các huyện: Cần Giuộc, TP. Tân An, Đoàn khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh… nhằm góp phần thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Duy trì Chương trình Hành trình thứ hai của lốp xe, 100% các huyện, thị, thành đoàn đã tạo sân chơi cho thiếu nhi từ lốp xe cũ và vận dụng tái chế tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như: Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa, Châu Thành, Tân Trụ, TP. Tân An.
Bên cạnh những kết quả đã đath được, quá trình thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, địa phương cũng gặp một số khó khăn nhất định, nguồn nhân lực đảm trách công tác về BĐKH ở các sở/ngành, địa phương còn mỏng và chủ yếu là kiêm nhiệm, không chuyên trách, thiếu đào tạo chuyên sâu kỹ năng tập huấn nên các hoạt động truyền thông chưa đa dạng về hình thức, chỉ lồng ghép với các hoạt động truyền thông về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Do vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ quản lý tài nguyên, môi trường cấp huyện và doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng công tác giáo dục, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT, thích ứng với BĐKH, đặc biệt là công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn, không sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, thay vào đó là hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm tái chế, tái sử dụng, thân thiện với môi trường… Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Long An kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục tăng cường hỗ trợ đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đối với nguồn nhân lực đảm trách công tác về truyền thông và BĐKH cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Thu Hằng