29/11/2022
Dán nhãn chứng nhận sản phẩm xanh, Nhãn môi trường hay Nhãn sinh thái (NST) là việc thực hành dán nhãn sản phẩm dựa trên các cân nhắc về môi trường như cảnh báo sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, sản phẩm này đã có chứng nhận liên quan đến môi trường hay nhãn công bố thông tin. Những thông tin mà nhãn dán cung cấp có thể ảnh hưởng đến những quyết định mà người mua hàng đưa ra khi lựa chọn một sản phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng có thể so sánh các sản phẩm với nhau thông qua những thông tin trên nhãn dán này, từ đó lựa chọn ra các sản phẩm có ít tác động đến môi trường nhất. Bên cạnh những công cụ chính sách khác như công cụ pháp lý, kinh tế (giảm thuế, giảm phí..), dán NST được coi là một công cụ hữu ích trong việc thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh trong dân cư cũng như hoạt động mua sắm công của chính phủ (Stenbæk Hansen et al., 2011). Ngoài việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, NST cũng có nhiều ích lợi đối với phía sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Công nghệ sản xuất hàng hóa, dịch vụ cần phải đạt một mức chuẩn nào đó để nhận được chứng nhận sản phẩm, dịch vụ xanh. Đặc biệt, cần chú ý đến cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, sao cho không lãng phí nguyên vật liệu, tiết kiệm được năng lượng và đảm bảo lượng xả thải an toàn ra môi trường. Vì vậy, dán NST là một chương trình rất thiết thực để thúc đẩy những hành vi mua sắm và tiêu dùng thân thiện hơn với môi trường của cư dân. Bài viết đưa ra kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về chương trình dán nhãn sinh thái và khuyến nghị một số giải pháp thực hiện NST ở Việt Nam.
1. Khái niệm và phân loại NST
Khái niệm: NST là nhãn hiệu được dán trên các sản phẩm, dịch vụ hoặc trên các danh mục điện tử để giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng, nhanh chóng xác định những sản phẩm đó đáp ứng được với các tiêu chí hiệu suất môi trường cụ thể (Global Ecolabelling network, 2022). Nhãn xanh hay hệ thống NST của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thậm chí là công trình xây dựng được dán hay được chứng nhận bởi một số tổ chức phi chính phủ hoặc tổ chức chính phủ để khuyến khích việc tiêu dùng các sản phẩm xanh, sản phẩm có ít tác động đến môi trường (Brilhante & Skinner, 2015). Việc dán NST hoặc cấp chứng nhận sinh thái cho sản phẩm, dịch vụ, thường được tổ chức thành các chương trình tự nguyện hoặc bắt buộc, tùy theo cơ quan ban hành nhãn dán đó. Khi một nhãn dán là bắt buộc, chẳng hạn nhãn dán liên quan đến sản phẩm năng lượng, các nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất sản phẩm được dán nhãn này phải thể hiện chứng nhận trên sản phẩm gồm mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm.
Phân loại NST: ISO (Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế) là cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế, đưa ra các tiêu chuẩn thương mại và công nghiệp trên phạm vi toàn thế giới. Trong đó, Tiêu chuẩn ISO 140001 là bộ tiêu chuẩn quốc tế nhằm hỗ trợ cho các tổ chức giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, tuân thủ những quy định và các chính sách liên quan đến môi trường. Hiện nay, bộ ISO 14020 (14020, 14021, 14024 và 14025) được thiết kế để hỗ trợ các doanh nghiệp đo lường và thể hiện những nỗ lực hướng tới môi trường của các doanh nghiệp. ISO phân loại 3 loại NST/ nhãn môi trường theo bảng sau:
Bảng 1. Nhãn môi trường theo tiêu chuẩn ISO
Loại nhãn dán |
Số hiệu ISO |
Định nghĩa |
Cơ quan ban hành |
Loại 1 (nhãn sinh thái) |
ISO 14024 |
Chương trình tự nguyện, dựa trên nhiều thuộc tính nhằm trao giấy phép hoặc con dấu, hoặc chấp thuận dán nhãn môi trường trên các sản phẩm, cho biết mức độ ảnh hưởng đến môi trường chung của sản phẩm trong danh mục dựa trên đánh giá vòng đời sản phẩm |
Cần có bên thứ ba chứng nhận |
Loại II (Tự tuyên bố) |
ISO 14021 |
- Loại nhãn môi trường này cũng là tự nguyện. - Các tuyên bố môi trường này chỉ có thể xác định ảnh hưởng môi trường của một vấn đề như tiêu thụ năng lượng, khí thái hoặc tái chế. |
Tự tuyên bố của nhà sản xuất Hoặc/và có thể tìm kiếm sự xác minh của bên thứ ba. |
Loại 3 (Tuyên bố môi trường) |
ISO 14025 |
Đây cũng là một loại chứng nhận tự nguyện, bao gồm thông tin sản phẩm đủ chất lượng dựa trên vòng đời sản phẩm (năng lượng sử dụng, lượng khí thảo tạo ra,..). Bên thứ ba đủ điều kiện xác định các thông số môi trường, doanh nghiệp thu thập những thông tin được yêu cầu vào định dạng báo cáo, sau đó những dữ liệu này sẽ được xác minh độc lập |
Chứng nhận này cần sự xác minh của bên thứ ba. |
Nguồn: Brilhante & Skinner, 2015
Ngoài ra, nhãn dán Loại I – Like, nằm trong cùng nhóm và có quy trình xác minh và chứng nhận tương tự loại 1 (NST) nhưng chỉ tập trung vào 1 lĩnh vực duy nhất (lâm nghiệp, công nghiệp hóa chất…) và chỉ giải quyết 1 vấn đề môi trường duy nhất (chất lượng không khí, tiết kiệm năng lượng hoặc nước), đồng thời cũng chỉ xem xét một giai đoạn trong vòng đời sản phẩm (sử dụng sản phẩm, thải bó hoặc tái chế…). Loại nhãn sinh thái này đã được thiết kế và thực hiện để giải quyết và nhận biết nhiều hơn các khía cạnh của hoạt động môi trường (Brilhante & Skinner, 2015).
2. Kinh nghiệm dán NST một số nước trên thế giới - Phân loại theo 3 loại chứng nhận của ISO
Nhãn sinh thái Châu Âu, Nhãn Môi trường Trung Quốc, Nhãn dấu chân các bon Hàn Quốc và Nhãn ngôi sao năng lượng Hoa Kỳ
Loại I - Nhãn sinh thái tự nguyện ISO 14024
Nhãn sinh thái châu Âu
NST châu Âu (EU) là một chương trình dán nhãn môi trường tự nguyện, tháng 12/1991, Hội đồng Bộ trưởng môi trường của EU đã thông qua Chương trình cấp nhãn sinh thái EU (gọi tắt là Chương trình) theo Quyết định số 880/92 ngày 23/3/1992, hiệu lực vào tháng 10/1992, để thúc đẩy thiết kế, sản xuất, bán và sử dụng sản phẩm/dịch vụ xanh, giảm nhẹ tác động đến môi trường trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm (từ lúc sử dụng nguyên, nhiên liệu sản xuất đến lúc loại bỏ sản phẩm), cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm xanh. Chương trình gồm 18 nước trong đó 15 nước là thành viên của EU và 3 nước Na-uy, Ai-xơ-len, Liechtenstein. Chương trình được sửa đổi 3 lần vào các năm 1996, 2000, 2005, từ hàng hoá đã mở rộng đến dịch vụ, cho phép cấp nhãn cho đại lý, đưa ra cách tính lệ phí mới với sự miễn giảm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng tính minh bạch và sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng tiêu chí kỹ thuật. Đây là một phần trong chiến lược “thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững”, là công cụ tự nguyện dựa trên nguyên tắc thị trường.
Các sản phẩm được chứng nhận bởi nhãn dán này đảm bảo được các tác động nhỏ nhất đến môi trường. Khi được dán NST châu Âu, hàng hóa và dịch vụ sẽ đáp ứng được những yêu cầu rất cao liên quan đến môi trường trong suốt vòng đời của chúng: từ việc sử dụng nguyên liệu thông qua sản xuất và phân phối đến sử dụng và thải bỏ. NST này cũng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, đổi mới các sản phẩm sao cho bền hơn, dễ sửa chữa và tái chế hơn. Thông qua nhãn sinh thái châu Âu, ngành công nghiệp có thể có những lựa chọn sản xuất thân thiện với môi trường hơn, trao quyền cho người tiêu dùng trong lựa chọn và chuyển đổi sang các sản phẩm xanh. Nhóm sản phẩm được lựa chọn để cấp Nhãn Hoa môi trường EU, bao gồm: Máy giặt, máy rửa bát, tủ lạnh, đèn ống và máy hút bụi; vô tuyến, máy tính cá nhân, máy tính xách tay; giấy lụa, giấy in và đồ hoạ; sản phẩm dệt, đệm, các loại giày, dép bằng vải; chất tẩy, bột giặt, các thiết bị vệ sinh, nước rửa bát bằng tay; thảm, sơn và vécni…
Nhãn môi trường Trung Quốc
Chương trình nhãn môi trường Trung Quốc được xây dựng vào năm 1994 do Bộ Sinh thái và Môi trường của quốc gia này chủ trì. Đây là chương trình chứng nhận sản phẩm xanh quốc gia đầu tiên và có được nhiều thành công cũng như tầm ảnh hưởng nhất trong số các chương trình dán nhãn sinh thái. Nhãn môi trường Trung Quốc dựa vào Tiêu chuẩn ISO 14024, nhằm định hướng sự phát triển xanh của các doanh nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Các sản phẩm được dán nhãn theo nhãn Môi trường này bao gồm: in ấn, đồ nội thật, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, sản phẩm điện tử, ô tô, sản phẩm hóa chất, bao bì… Đến cuối năm 2021, Nhãn Môi trường Trung Quốc đã có 109 tiêu chí hợp lệ, hơn 5.100 đơn vị được cấp phép và gần 1.500.000 sản phẩm được chứng nhận.
Từ năm 2006, hoạt động mua sắm của Chính phủ đã bắt đầu thực hiện Chương trình mua sắm công xanh Trung Quốc (GPP) và thông qua các sản phẩm được dán nhãn Môi trường Trung Quốc. Với việc thực hiện GPP, hoạt động mua sắm của chính phủ đối với các sản phẩm được chứng nhận nhãn môi trường từ 856 lên 1 triệu tệ. Số lượng sản phẩm và dịch vụ đã từ từ 14 - 90, bao gồm thiết bị văn phòng, hàng tiêu dùng văn phòng, phương tiện đi lại, vật liệu xây dựng, đồ nội thất, hàng dệt may… Đến nay, số lượng doanh nghiệp tham gia vào GPP tăng từ 81 lên hơn 4.000. Tính đến năm 2020, hoạt động mua sắm các sản phẩm dán nhãn môi trường của chính phủ Trung Quốc đã đạt được 81,35 tỷ tệ, chiếm 85% tổng số mua sắm công của nước này. Ngoài ra, các sản phẩm được dán nhãn môi trường cũng đã xâm nhập sâu rộng hơn trong mọi hoạt động sản xuất, tiêu dùng của cư dân quốc gia này.
Loại III - Tuyên bố Môi trường ISO 14025
Thái Lan - Nhãn giảm các bon
Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu do phát thải khí nhà kinh (KNK) đã ngày càng nỗ lực hơn trong việc giảm tác động của biến đổi khí hậu. Sự hợp tác của các ngành công nghiệp và nông nghiệp với tư cách là bên sản xuất và cung cấp dịch vụ, điều hành hoạt động kinh doanh, và người tiêu dùng là một trong số biện pháp hữu hiệu nhất để phản ứng lại với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong đó, hoạt động tiêu dùng của dân cư được cho là một nhân tố quan trọng. Để hỗ trợ người tiêu dùng thân thiện với môi trường, Tổ chức quản lý KNK Thái Lan, Hội đồng thương mại phát triển bền vững và Viện Môi trường Thái Lan (TEI) đã phối hợp ban hành Chương trình nhãn giảm thiểu các bon (Carbon Reduction Label) từ năm 2019, nhằm khuyến khích sản xuất sản phẩm và dịch vụ cải thiện quá trình sản xuất. Chương trình đề ra 3 mục tiêu chính: (1)Thúc đẩy việc cung cấp thông tin đã được xác minh về giảm phát thải KNK dưới dạng nhãn dán trên các sản phẩm và dịch vụ được tiêu thụ trên thị trường, hỗ trợ người tiêu dùng tham gia vào quá trình giảm phát thải KNK; (2) Sử dụng cơ chế thị trường trong việc nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng về phát thải khí nhà kính, hướng tới giảm phát thải ở Thái Lan; (3) Là một phần trong nỗ lực của cộng đồng thế giới trong việc giảm phát thải KNK. Hiện Chương trình này đã cấp nhãn cho 1.270 sản phẩm của 313 doanh nghiệp.
Hàn Quốc - Nhãn dấu ấn các bon
Năm 2021, Hàn Quốc đã cam kết giảm hơn một nửa lượng khí thải các bon tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow. Nước này đệ trình một khoản đóng góp mới do quốc gia xác định nhằm giảm lượng khí nhà kính (KNK) xuống 40% so với mức năm 2018 vào năm 2030. Cam kết mới được thiết kế phù hợp với cam kết của Seoul về trung hòa các bon vào năm 2050 và sẽ yêu cầu Hàn Quốc giảm lượng khí thải ít nhất 4% mỗi năm.
Để thực hiện được các cam kết đề ra, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm các bon thấp, trong đó có Chương trình cấp nhãn “Nhãn dấu chân các bon - Carbon footprint Labeling” được triển khai từ năm 2016. Chương trình được phát triển và quản lý bởi Viện Công nghiệp và Công nghệ Môi trường Hàn Quốc (KEITI). Chương trình Nhãn dán dấu ấn các bon Hàn Quốc đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm có hàm lượng các bon thấp và khuyến khích doanh nghiệp hướng tới các sản phẩm như vậy, từ đó đóng góp lớn vào nỗ lực toàn cầu trong việc giảm phát thải KNK. Chương trình dán nhãn dấu ấn các bon không phải là một chương trình bắt buộc, nhưng là hệ thống mà các doanh nghiệp có thể tham gia dựa trên cơ sở tự nguyện. Để có được chứng nhận này, các doanh nghiệp cần trải qua 3 giai đoạn: Chứng nhận phát thải các bon (giai đoạn 1); Chứng nhận sản phẩm các bon thấp (giai đoạn 2) và chứng nhận sản phẩm các bon trung tính (giai đoạn 3). Năm 2017, tại Hàn Quốc đã có trên 150 Công ty tham gia sản xuất các sản phẩm các bon thấp trong lĩnh vực đồ uống, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ… và 14.647 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn các bon thấp và tăng mạnh qua các năm. Hiện nay, Hàn Quốc mở rộng cho người tiêu dùng thông qua thẻ tín dụng xanh, thưởng cho 20 triệu người Hàn Quốc đã đăng ký chương trình để chi tiêu cho các sản phẩm được chứng nhận.
Loại I - Like - Chứng nhận môi trường dành cho 1 lĩnh vực duy nhất
Chương trình Ngôi sao Năng lượng - Mỹ
“Ngôi sao năng lượng” là nhãn dán được Chính phủ Mỹ công nhận cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả, cung cấp những thông tin giản đơn, đáng tin cậy và công bằng, theo đó, người tiêu dùng có thể dùng nhãn dán này để có quyết định tốt hơn. Nhiều tổ chức công nghiệp, thương nghiệp, tiểu bang và địa phương ở Mỹ đã hợp tác với Cơ quan BVMT Mỹ (EPA) để cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, bảo vệ khí hậu trong khi cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng.
Chương trình dán nhãn “Ngôi sao năng lượng” được bắt đầu từ năm 1992. Đến nay, Chương trình đã giúp tiết kiệm khoảng 5 nghìn tỷ Kilowatt/h điện, giảm được hơn 500 tỷ USD dùng cho chi phí năng lượng và giảm được 4 tỷ tấn KNK. Chỉ tính riêng năm 2020, nhãn dán này đã giúp người Mỹ tiết kiệm hơn 520 tỷ Kilowatt/h điện, và giảm được 42 tỷ USD chi phí năng lượng.
Nhãn dán “Ngôi sao năng lượng” là một công cụ hữu ích trong việc hỗ trợ chuyển đổi từ một nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế sạch hơn bằng cách thực hiện phát triển kinh tế và việc làm xanh, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh và một môi trường tốt hơn. Ngoài ra, nhãn dán này còn là một công cụ rất quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu, chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
3. Chương trình NST ở Việt Nam và một số khuyến nghị
Ở Việt Nam, Chương trình cấp NST đã được phê duyệt từ năm 2009 theoQuyết định số 253/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT, ngày 5/3/2009. Theo đó, nhãn sinh thái ở Việt Nam được lấy tên là “Nhãn xanh Việt Nam”. Tương tự với các quốc gia khác khi đưa ra các chứng nhận NST, Nhãn xanh Việt Nam cũng được xây dựng để khuyến khích các doanh nghiệp thiết kế sản phẩm và tiến hành hoạt động theo hướng giảm tác hại đến tài nguyên và môi trường; đồng thời hình thành thị trường bền vững cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường qua các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu dùng.
Nhãn tiết kiệm năng lượng và Nhãn nhận biết năng lượng ở Việt Nam
Từ năm 2010, Bộ TN&MT đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng tư vấn chương trình cấp NST và năm 2013, Bộ cũng đưa ban hành thông tư quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận NST có sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện có 17 bộ tiêu chí Nhãn xanh và 112 loại sản phẩm được cấp Chứng chỉ Nhãn xanh Việt Nam.
Luật BVMT năm 2020 cũng quy định về NST trong Điều 145 về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết các điều của Luật BVMT, trong đó, quy định tiêu chí nhãn sinh thái Việt Nam. Nhãn xanh Việt Nam sử dụng Tiêu chuẩn ISO 14024 loại 1 để chứng nhận cho các sản phẩm xanh ở Việt Nam.
Bên cạnh Nhãn xanh Việt Nam, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chương trình dán Nhãn năng lượng cho một số phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Trong đó, có 3 loại nhãn năng lượng chính gồm: Nhãn năng lượng xác nhận, Nhãn năng lượng so sánh và Nhãn năng lượng không sao.
Nhằm thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận NST, ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Chương trình đề ra mục tiêu, giai đoạn 2021 - 2025, Xây dựng chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể: các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất bền vững, thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng cho các ngành sản xuất; các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về NST; các tiêu chuẩn về du lịch bền vững; các tiêu chuẩn về nguyên vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế…
Để thực hiện mục tiêu trên, một số giải pháp thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái cần thực hiện trong giai đoạn tới như: Xây dựng, vận hành hệ thống chứng nhận và dán NST gồm Nhãn xanh, Nhãn năng lượng, Nhãn các bon, nhãn tái chế và các NST khác; áp dụng các phương pháp luận, công cụ đánh giá, tính toán phát thải theo vòng đời sản phẩm, các công cụ tính toán suất tiêu hao nhiên liệu, nguyên vật liệu; xây dựng các tài liệu hướng dẫn, đào tạo phổ biến về nhãn sinh thái; các quy định, yêu cầu về NST của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam; tuyên truyền, cung cấp thông tin, nâng cao năng lực về NST cho các doanh nghiệp, tổ chức và người tiêu dùng; áp dụng và vận hành hệ thống chứng nhận nhãn du lịch bền vững, Nhãn xanh cho cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Nhãn xanh đối với các công trình xây dựng, các cơ sở và trung tâm thương mại.
Ngoài ra, Nhà nước cần phát triển một chiến lược liên quan đến “giáo dục môi trường” để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong quá trình mua sắm. Đối với các doanh nghiệp sản xuất cần cải tiến công nghệ sản xuất, áp dụng các công nghệ tiên tiến giúp giảm ảnh hưởng của dây chuyền sản xuất đến môi trường cũng như tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên liệu.
Các cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp chứng nhận NST, cần đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy chứng nhận, áp dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập và lưu trữ hồ sơ mà nhà sản xuất đăng ký cung cấp chứng nhận. Đồng thời, các tổ chức này cũng cần có những hội đồng thẩm định chuyên nghiệp và trung thực khi thực hiện thẩm định sản phẩm trước khi cấp giấy chứng nhận NST.
Mặt khác, Việt Nam hiện chưa có Chương trình dán nhãn các bon. Vì vậy, Việt Nam cần xem xét, áp dụng bài học về Chương trình dán nhãn của Thái Lan và Hàn Quốc. Cụ thể, áp dụng kinh nghiệm của Thái Lan trong việc thiết lập Nhãn các bon cho các sản phẩm nội địa và Nhãn các bon cho các sản phẩm xuất khẩu; tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc thiết lập cơ sở dữ liệu về dấu chân các bon của sản phẩm (PCF) nhằm so sánh để cấp nhãn các bon thấp các bon thấp cho các sản phẩm có giá trị PCF thấp hơn sản phẩm cùng loại.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai nhãn xanh và nhãn năng lượng, Việt Nam cần xây dựng Chương trình Nhãn các bon quốc gia theo 3 giai đoạn để phù hợp với thực tiễn chính sách và các yêu cầu về kỹ thuật trong việc tính toán phát thải các bon từ các nhóm sản phẩm khác nhau. Trong đó, việc thiết lập cơ sở dữ liệu và cơ chế hỗ trợ trong giai đoạn chuẩn bị là hết sức cần thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alfredsson, E. C. (2004). Green consumption - no solution for climate change. Energy, 29(4), 513-524. https://doi.org/10.1016/j.energy.2003.10.013
2. Barbu, S. F., & Băra, E. (2002). Promoting eco-label to the consumer. FACULTATEA DE MANAGEMENT AGRICOL EU, 23(4), 1-16.
3. Brilhante, O., & Skinner, J. M. (2015). Promote sustainable construction in the EU.
4. Dagher, G. K., Itani, O., & Kassar, A. N. (2015). The Impact of Environment Concern and Attitude on Green Purchasing Behavior: Gender as The Moderator. Contemporary Management Research, 11(2), 179-206. https://doi.org/10.7903/cmr.13625
5. Global Ecolabelling network. (2022). Ecolabels and their role in mitigating climate change.
6. Hwang, J. A., Park, Y., & Kim, Y. (2016). Why do consumers respond to eco-labels? The case of Korea. SpringerPlus, 5(1). https://doi.org/10.1186/s40064-016-3550-1
7. Joshi, Y., & Rahman, Z. (2015). Factors Affecting Green Purchase Behaviour and Future Research Directions. In International Strategic Management Review (Vol. 3, Issues 1–2). Holy Spirit University of Kaslik. https://doi.org/10.1016/j.ism.2015.04.001
8. Stenbæk Hansen, M., McKinnon, D. L., & Watson, D. (2011). Sustainable Consumption and Production Policies: A Policy Toolbox for Practical Use.
9. Young, W., Hwang, K., McDonald, S., & J Oates, C. (2010). Sustainable consumption: green consumer behaviour when purchasing products. Sustainable Development, 18, 20–31. http://dx.doi.org/10.1002/sd.394
Phan Thị Song Thương
Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)