Banner trang chủ

Chiến dịch giảm nhu cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã “Thịt rừng kề miệng, Nguy cơ chực chờ”

22/12/2022

    Ngày 21/12/2022, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thực hiện, chính thức khởi động chiến dịch truyền thông giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã (ĐVHD) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các nguy cơ liên quan tới nạn tiêu thụ thịt ĐVHD.

    “Thịt rừng kề miệng, Nguy cơ chực chờ” là thông điệp chính của chiến dịch. Chiến dịch nêu bật ba nguy cơ chính gắn liền với hành vi tiêu thụ thịt ĐVHD bao gồm nguy cơ sức khỏe cộng đồng, nguy cơ lao lý và nguy cơ tác động tiêu cực tới thiên nhiên. Chiến dịch được triển khai từ ngày 21/12/2022 và xuyên suốt dịp Tết Quý Mão 2023 với nhiều hoạt động truyền thông trực tuyến và tại các tỉnh dự án như Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng.

    Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học với mục tiêu giảm cầu tiêu thụ thịt ĐVHD thông qua thay đổi hành vi và quan niệm xã hội về thịt thú rừng như tê tê, chồn và các loài khác. Đây là một trong bốn chiến lược chủ chốt nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam là một trong số các nước châu Á sử dụng thịt và các sản phẩm khác từ thú rừng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh trong suốt nhiều thế hệ. Nhu cầu liên tục đối với các sản phẩm này dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài trong tự nhiên tại Việt Nam, đồng thời tạo áp lực đến quần thể ĐVHD ở các nước láng giềng. Nhu cầu này đặc biệt tăng cao trong các dịp lễ quan trọng, trong đó có cuối năm và Tết Nguyên đán. Khảo sát về tiêu thụ thịt ĐVHD do WWF-Việt Nam thực hiện năm 2021 cho thấy điểm đến của 90% thú rừng bị săn bắt trái phép chính là các nhà hàng và các kênh tiêu thụ khác ở khu vực thành thị, và chỉ có 10% được tiêu thụ bởi những cá nhân sống gần khu vực săn, bẫy.

    Là một trong các quốc gia đa dạng sinh học bậc nhất thế giới, nhưng Việt Nam đã trải qua những sụt giảm mạnh về ĐVHD. Sự tham gia của cộng đồng có vai trò sống còn cho sự thành công của công tác bảo tồn nhằm giảm nhu cầu về mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã. Quần thể động vật hoang dã của Việt Nam đang suy giảm ở mức báo động, phần lớn là do nhu cầu thịt rừng và kết quả của nạn săn, bắt bẫy trái phép. Để đạt được mục tiêu giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng, phải có một sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của từng cá nhân, và chuẩn mực, quan niệm xã hội. “Hành vi tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã phải được coi là không thể chấp nhận được trong xã hội. Chúng ta cần tất cả người dân chấm dứt hành động trên để ngăn ngừa các nguy cơ đại dịch và rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời đảm bảo cơ hội sinh tồn cho quần thể các loài động vật trong tự nhiên” ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học (Dự án VFBC), WWF-US cho biết.

    Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, WWF thực hiện, với sự điều phối từ Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước triển khai, nhằm duy trì và tăng cường chất lượng tại 21 vùng rừng đặc dụng và phòng hộ, bảo vệ và duy trì ổn định quần thể ĐVHD tại những tỉnh có giá trị đa dạng sinh học cao Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng, Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), và Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng, Đồng Nai).

Nam Việt

Ý kiến của bạn