30/08/2021
Trong những ngày đầu tháng 8/2021 vừa qua, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện và tịch thu được 24 cá thể hổ bị nuôi nhốt và vận chuyển bất hợp pháp tại 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành. Điều đáng tiếc là 8 cá thể hổ bị chết trong quá trình tịch thu đã đặt ra cho dư luận những câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan đến cái chết của hổ. Tuy nhiên, với góc nhìn của vấn đề bảo tồn, điều cần thiết hiện nay là rút ra bài học kinh nghiệm về công tác cứu trợ, bảo tồn loài hổ, chứ không chỉ dừng lại ở câu chuyện hổ chết.
Cần có cái nhìn công tâm về xung quanh cái chết của 8 cá thể hổ
Trong nhiều năm qua, ba huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu nổi tiếng là những điểm nóng nhất ở Việt Nam về nuôi nhốt và buôn bán hổ trái phép. Sau quá trình điều tra, theo dõi, ngày 1/8, lực lượng công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 7 cá thể hổ con trái phép từ huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh sang Nghệ An để tiêu thụ. Sau đó, ngày 4/8, Công an tỉnh Nghệ An huy động nhiều lực lượng phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra 2 nhà dân ở xã Đô Thành (H.Yên Thành, Nghệ An), phát hiện tại đây đang nuôi 17 con hổ trưởng thành, mỗi con nặng hàng trăm ký. Số hổ này sau khi được gây mê, kiểm tra và lấy mẫu giám định, được vận chuyển đến 2 khu du lịch sinh thái ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) để gửi, nhờ chăm sóc. Tuy nhiên, điều đáng tiếc xảy ra là vào ngày 6/8, cơ quan chức năng xác nhận có 8 con hổ trong số đó đã bị chết. Đây là 2 trong số nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến loài hổ được lực lượng công an khám phá, xử lý tại tỉnh Nghệ An trong thời gian gần đây.
Vụ việc 17 con hổ được "giải cứu" trong nhà các hộ dân nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An
Nguyên nhân dẫn đến việc 8 con hổ chết vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, bước đầu các chuyên gia suy đoán một số nguyên nhân có thể gây ra cái chết của 8 con hổ như: gây mê kéo dài, vận chuyển đường xa trong thời tiết nắng nóng ảnh hưởng sức khỏe của hổ, hổ nuôi có sức khỏe yếu hơn hổ tự nhiên… Quá trình điều tra cho thấy, các cá thể hổ bị tịch thu đã sống thời gian dài trong điều kiện chuồng trại, chăm sóc và thức ăn không phù hợp. Mỗi cá thể trưởng thành với khối lượng trung bình từ 200 kg - 250 kg, nhưng phải sống trong những chiếc cũi chật hẹp, ẩm mốc, thiếu ánh sáng và không được hưởng những quyền sống cơ bản của động vật. Chính những điều kiện sống này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, xương khớp, tim mạch và ức chế thần kinh.
Việc phát hiện 17 cá thể hổ và các đối tượng chuyên nuôi nhốt, buôn bán hổ là một bước tiến lớn của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An nhằm loại bỏ tình trạng nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép đã và đang diễn ra rất phức tạp Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những luồng thông tin và ý kiến trái chiều, có ý kiến không ủng hộ việc nuôi nhốt hổ trái phép và có ý kiến ủng hộ các cơ sở nuôi hổ bất hợp pháp, đổ lỗi cho các cơ quan chức năng về cái chết của 8 cá thể hổ. Tuy nhiên, qua sự việc này chúng ta cần có cái nhìn công tâm hơn về vấn đề này.
Trước tiên cần phải nhìn nhận rõ vấn đề là việc tàng trữ, buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ là hành vi trái phép và bị xử lý hình sự theo pháp luật Việt Nam. Do đó, việc chúng ta đồng tình, ủng hộ các cơ sở nuôi hổ bất hợp pháp đồng nghĩa với việc không tôn trọng hệ thống thực thi pháp luật tại Việt Nam, cũng như tiếp tay cho những hành vi sai trái, gây nên hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho công tác bảo tồn hổ ở Việt Nam và thế giới. Chỉ khi việc sử dụng các sản phẩm từ hổ và hoạt động buôn bán, vận chuyển, nuôi giữ hổ trái phép được ngăn chặn thì hoạt động bảo tồn nhóm loài này mới có kết quả. Nếu không có các vụ bắt giữ nêu trên thì không những toàn bộ 24 cá thể hổ này bị giết mà trong tương lai còn có hàng trăm cá thể hổ khác tiếp tục bị các đối tượng nuôi nhốt rồi giết hại để thu lợi bất chính. Có thể nói đây là vụ bắt giữ số lượng hổ nuôi nhốt và vận chuyển bất hợp pháp lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Việc công an tỉnh Nghệ An quyết liệt trong công tác truy quét và xử lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển, nuôi giữ động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép nói chung và hổ nói riêng trên địa bàn để chung tay bảo tồn ĐVHD Việt Nam thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và được đánh giá cao.
Thứ hai, các cơ sở nuôi nhốt, hoặc nuôi sinh sản hổ với ý đồ cung cấp hổ, các bộ phận và sản phẩm của hổ nhằm phục vụ cho mục đích thương mại, chứ không phải vì mục đích bảo tồn. Những trang trại hổ này không có giá trị bảo tồn và đang tạo ra rào cản lớn cho công cuộc bảo vệ và phục hồi các quần thể hổ hoang dã, thông qua việc kích cầu thị trường hổ và các sản phẩm từ hổ, cũng như bình thường hóa việc buôn bán và sử dụng hổ. Điều này gây khó khăn cho công tác thực thi pháp luật, đồng thời tiếp tay cho thị trường buôn bán ĐVHD trái phép xuyên lục địa. Đây là loại hình tội phạm lớn thứ 4 trên thế giới, chỉ đứng sau buôn bán vũ khí, buôn ma túy và tội phạm buôn bán người. Sự lớn mạnh của loại thị trường buôn bán các loài hoang dã đã đẩy nhiều loài động vật quý hiếm đến bờ tuyệt chủng như tê giác một sừng Java, hổ Đông Dương, voi châu Á, sao la, sếu đầu đỏ…
Thứ ba, những cá thể hổ bị tịch thu lần này được sinh ra hoặc thuần dưỡng trong môi trường nuôi nhốt nên chúng đã mất hết các bản năng hoang dã cùng các tập tính tự nhiên. Có thể khẳng định, hổ trong môi trường nuôi nhốt không có hoặc đã mất khả năng săn mồi và sinh tồn ngoài tự nhiên, dẫn đến cơ hội sống khi tái thả về tự nhiên của chúng là rất thấp. Để tồn tại, chúng rất cần có các kỹ năng chạy, săn, rình mồi và bảo vệ lãnh thổ. Việc tái thả những cá thể hổ này về tự nhiên làm tăng nguy cơ hổ tấn công và gây nguy hiểm cho con người. Không chỉ vậy, các cá thể hổ được tái thả sẽ đem lại những ảnh hưởng tiêu cực đến quần thể hổ ngoài tự nhiên và cả các loài động vật khác. Gen lặn suy thoái trong các cá thể được sinh ra từ giao phối cận huyết có thể tác động và gây nên những biến đổi không mong muốn đối với nguồn gen tự nhiên. Bên cạnh đó, mầm bệnh phát sinh từ quá trình nuôi nhốt, vận chuyển và buôn bán trái phép có thể lây lan các dịch bệnh nguy hiểm đến ĐVHD và con người.
Thứ tư, việc chuyển các cá thể hổ này đến những đơn vị được cấp phép với điều kiện chăm sóc tốt và cơ sở vật chất đảm bảo phúc lợi động vật là sự lựa chọn phù hợp và nhân văn nhất trong thời điểm hiện tại. Bên cạnh việc mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho chúng, hoạt động mở cửa cho khách tham quan chính là một nguồn lực tài chính hỗ trợ việc chăm sóc động vật, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Tuy nhiên trong thực tế, không có nhiều đơn vị đồng ý thu nhận các cá thể này. Đa số các đơn vị vườn thú và safari lớn ở Việt Nam đã nhận đủ số lượng hổ trong giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, chi phí thức ăn, chăm sóc và đảm bảo môi trường sống phù hợp cho hổ rất cao. Đây là gánh nặng lớn thách thức công tác chuyển giao và tiếp nhận các cá thể hổ được tịch thu. Các Trung tâm cứu hộ ĐVHD quản lý bởi Cơ quan Chính phủ hoặc các tổ chức phi lợi nhuận cũng không ngoại lệ. Đa số các trung tâm có diện tích chuồng trại có hạn, chỉ nhận được số lượng động vật nhất định nên không thể tiếp nhận tất cả các cá thể động vật không có khả năng tái thả.
Một số khuyến nghị từ vụ việc bắt giữ hổ ở Nghệ An
Hiện nay, quy định pháp luật liên quan đến hành vi nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển và buôn bán trái phép ĐVHD đã cơ bản hoàn thiện. Cùng với Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học…, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quản lý thực vật, động vật nguy cấp, quý, hiếm cũng đã được phổ biến, tuyên truyền sâu rộng để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi và người dân thực hiện. Mặc dù có những thay đổi tích cực về pháp lý, ý thức của người dân được nâng cao hơn, nhưng thực tế hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo vệ ĐVHD quý hiếm, cần phải có những giải pháp cấp bách, quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng này.
7 cá thể hổ con đang được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm cứu hộ ĐVHD VQG Pù Mát
Từ vụ việc bắt giữ hổ ở Nghệ An, cần rút ra bài học sâu sắc về công tác cứu hộ động vật. Xây dựng các quy trình rõ ràng, đảm bảo tính khoa học về tịch thu, xử lý, quản lý hổ sống bị bắt giữ tại Việt Nam, bao gồm việc chuyển giao chúng cho những trung tâm cứu hộ có uy tín (không cho phép sinh sản), lấy các mẫu nhận dạng từng cá thể để có thể so sánh với cơ sở dữ liệu hiện có, và tiếp tục theo dõi để đảm bảo rằng những cá thể hổ này không bị đưa trở lại thị trường bất hợp pháp.
Tiến hành kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt hổ hiện có. Theo Tổ chức WWF hiện ở Việt Nam có khoảng 300 cá thể hổ đang nuôi nhốt. nhận dạng tất cả các cá thể hổ nuôi nhốt bằng gắn chip điện tử, thu thập mẫu gen và chụp ảnh nhận dạng sọc vằn đặc trưng của từng cá thể để tổng hợp thành cơ sở dữ liệu chung về hổ nuôi nhốt. Bằng cách này, có thể tìm ra nguồn gốc của các cá thể hổ bị tuồn ra ngoài thị trường dựa vào cơ sở dữ liệu, đồng thời đảm bảo rằng các cơ sở nuôi nhốt hổ không phục vụ nhu cầu về hổ và các sản phẩm bất hợp pháp từ hổ.
Cần đóng cửa những cơ sở tư nhân nuôi nhốt hổ, ngoại trừ phục vụ mục tiêu nghiên cứu khoa học, giáo dục và bảo tồn. Bên cạnh đó, cần siết chặt hơn việc cấp giấy phép nuôi thương mại ĐVHD; thu hồi giấy phép đối với các cơ sở nuôi hổ không có đầy đủ bằng chứng hợp pháp; xử lý nghiêm minh đối với các cán bộ địa phương tham nhũng, bao che, cấu kết cho hoạt động nuôi thương mại hổ trái phép.
Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát, quản lý và chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép trên địa bàn. Có bản án nghiêm khắc đối với đối tượng vi phạm Tăng cường đấu tranh với tội phạm trên Internet về buôn bán ĐVHD, bằng các biện pháp đóng cửa những trang thông tin điện tử có chứa các thông tin rao bán, quảng cáo, hoặc mua bán ĐVHD; tăng cường theo dõi và chặn những trang cá nhân trên mạng xã hội được các đối tượng dùng để rao bán ĐVHD trong đó có loài hổ.
Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi các loài ĐVHD trong đó có các loài nguy cấp, quý, hiếm; hoàn thiện pháp luật về ngăn chặn, xử lý để tạo sự răn đe; tăng cường tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Tăng cường nguồn lực cho các khu bảo tồn để ngăn chặn săn trộm và phục hồi quần thể thú mồi của hổ nhằm chuẩn bị môi trường sống đầy đủ và an toàn cho quần thể còn ít ỏi trong tự nhiện cũng như việc tái thả hổ vào tự nhiên tại Việt Nam trong tương lai.
Bảo tồn ĐVHD nói chung và bảo tồn hổ nói riêng là nghĩa cử cao đẹp của con người đối với thiên nhiên trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh
Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2021)