07/09/2021
Chiếm trên 50% dân số, phụ nữ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể quan trọng của công tác BVMT. Từ nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của môi trường đối với đời sống, sức khỏe con người, nhiều năm qua, công tác BVMT đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, được các cấp Hội quan tâm, thực hiện với nhiều cách làm, mô hình hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả, thiết thực, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên và cộng đồng.
BVMT thông qua tổ chức nhiều hình thức truyền thông hiệu quả
Với thế mạnh hệ thống 4 cấp của Hội từ Trung ương tới cơ sở, cùng mạng lưới cán bộ Hội tới tận chi, tổ, Hội LHPN Việt Nam luôn quan tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động cả về bề rộng lẫn chiều sâu nhằm cung cấp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về BVMT, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ Hội các cấp và hội viên. Thông qua các hoạt động, sự kiện, chiến dịch truyền thông được các cấp Hội tổ chức hàng năm gắn với những vấn đề môi trường của đất nước và địa phương, hội viên, phụ nữ và người dân được tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành vi BVMT. Đặc biệt, chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường và Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” hàng năm đã được các cấp Hội triển khai trên diện rộng, từ cấp Trung ương tới địa phương. Trong 3 năm từ 2017 - 2019, Hội đã tổ chức 6 cuộc mít tinh cấp Trung ương, thu hút sự tham gia của trên 6.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân cộng đồng (tại các tỉnh, thành: Đắk Lắk, Hà Giang, An Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng). Cùng với đó, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Trung ương Hội đã chủ động thay đổi hình thức truyền thông phù hợp, sử dụng mạng xã hội để lan tỏa các thông điệp, hành động BVMT như sự kiện trực tuyến “Tử tế vì môi trường” (năm 2020) và cuộc thi trực tuyến “Phụ nữ chung tay phục Hồi hệ sinh thái” (năm 2021). Các sự kiện đã huy động đông đảo cán bộ, hội viên cả nước tham gia, với 3.000 bài dự thi, 4.400.000 lượt người tiếp cận, trên 2.6 triệu lượt tương tác trên trang fanpage của TW Hội.
Không chỉ hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng, Trung ương Hội còn xây dựng nhiều sản phẩm, ấn phẩm truyền thông đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm hỗ trợ cho công tác tuyên truyền BVMT tại cộng đồng như: phim hoạt hình, các sản phẩm trò chơi tương tác, sách lật, bộ tranh thực hành, sổ tay, cẩm nang dành cho tuyên truyền viên, tờ rơi/tờ gấp dành cho hộ gia đình, quạt/túi/mũ... mang thông điệp về BVMT. Đây không chỉ là tài liệu hỗ trợ tích cực cho đội ngũ tuyên truyền viên, hội viên phụ nữ trong các buổi sinh hoạt nhóm, tổ mà còn là tài liệu giúp các hộ gia đình tiếp cận được thông tin, kiến thức cơ bản liên quan đến nước, vệ sinh, BVMT, chống rác thải nhựa… hướng tới thay đổi hành vi. Ngoài ra, Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng. Năm 2020, Hội đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng 3 phóng sự, 1 tọa đàm chương trình “Cafe sáng” (VTV3) giới thiệu về các mô hình, cách làm hay trong phong trào chống rác thải nhựa của các cấp Hội; 4 tâm điểm chương trình “Việt Nam hôm nay” (VTV1) tập trung vào vấn nạn rác thải vùng ven biển, thực hành “Sống xanh”, nâng cao trách nhiệm phân loại rác thải tại nguồn, làm sạch bãi biển của các hội viên, phụ nữ vùng ven biển; Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng và phát sóng 4 câu chuyện truyền thanh chủ đề “Phụ nữ với công tác BVMT”...
Hội LHPN xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng ra mắt mô hình “Phụ nữ sống xanh”, tặng 30 sọt rác để chị em phân loại rác tại nhà, ngày 24/6/2021
Đa dạng các mô hình BVMT
Trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức BVMT thông qua việc đưa nhiệm vụ BVMT gắn với các phong trào thi đua, Đề án, Cuộc vận động lớn của Hội. Tiêu biểu như Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (được phát động từ năm 2010) với các tiêu chí đều hướng tới cấp hộ gia đình và trực tiếp góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), đã được Ban Chỉ đạo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ đưa vào nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, tạo cơ chế tốt để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới. Hay phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được Hội LHPN Việt Nam triển khai mạnh mẽ từ năm 2018 với cam kết tích cực, quyết tâm thực hiện các hoạt động “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” trong toàn hệ thống Hội và hội viên, phụ nữ cả nước, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi ni lông khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần; chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tổ chức Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp không rác thải nhựa...
Hiện nay, hầu hết các cơ sở Hội đều có ít nhất 1 mô hình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường như: “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Dùng làn đi chợ”, “Thôn phụ nữ xanh - sạch - đẹp”, “Nhà tôi xanh - sạch - đẹp”, “Hộ gia đình không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn” “Phụ nữ sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”, “Ngày thứ 7, chủ nhật xanh”, “Gạch sinh thái”, “Phụ nữ xử lý rác thải văn minh - biến rác thành tiền”, “Phụ nữ không sử dụng rác thải nhựa một lần trong sinh hoạt”; “Sử dụng túi, ống hút thân thiện với môi trường”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật”... Điển hình như Hội LHPN tỉnh Thái Bình với 1.655 tổ thu gom và xử lý rác thải và 9.460 thành viên; Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa với mô hình “Đội phụ nữ xung kích BVMT”, Câu lạc bộ “Phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm”, “Phụ nữ với vệ sinh môi trường”; Hội LHPN tỉnh Điện Biên với mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu BVMT... Điều đặc biệt, các cấp Hội luôn chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng, giám sát, phản biện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích khi tham gia các hoạt động BVMT. Trong quá trình tổ chức hoạt động, Hội LHPN Việt Nam đã làm tốt việc nghiên cứu nhu cầu, khảo sát và lấy ý kiến của cán bộ, hội viên và nhân dân trước khi tiến hành hoạt động hoặc triển khai các mô hình BVMT để việc tổ chức thực hiện đáp ứng đúng nhu cầu của hội viên. Bên cạnh đó, Hội còn tham gia góp ý các văn bản liên quan đến lĩnh vực BVMT, Luật BVMT để kiến nghị với Nhà nước bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách, luật pháp có liên quan đến vấn đề môi trường cho phù hợp, đảm bảo lồng ghép giới.
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Chính phủ, Bộ TN&MT phát động, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng mô hình điểm “Phụ nữ sống xanh” tại cộng đồng và các chợ, siêu thị thuộc 6 tỉnh/thành: Hải Phòng, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bắc Giang và Thừa Thiên - Huế nhằm giúp hội viên, phụ nữ và cộng đồng nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi về giảm thiểu túi ni lông và rác thải nhựa một lần khi đi chợ. Trang fanpage “Phụ nữ sống xanh” do Hội xây dựng, đăng tải các gương điển hình trong công tác BVMT, đã thu hút hơn 7 nghìn người theo dõi, qua đó nhiều hành động đẹp, cách làm hay về BVMT được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Có thể khẳng định, với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, các cấp hội phụ nữ đã và đang tạo nên phong trào BVMT có sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân. Các hoạt động không những góp phần giữ gìn môi trường sống, mà còn xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp thiết thực trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Trong những ngày vừa qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước. Trước yêu cầu của công tác BVMT và tình hình dịch bệnh, thời gian tới, bên cạnh việc tham gia vào công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân khai báo y tế, ứng trực tại các điểm kiểm soát, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động trong sự nghiệp BVMT, sáng tạo, đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi BVMT và vận động phụ nữ tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT. Trong đó, duy trì các hoạt động thu gom rác thải, vệ sinh ngõ hẻm, đường phố, khai thông cống rãnh phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh; làm cỏ, trồng hoa, cây xanh ven các tuyến đường… Hội cũng đề xuất các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các điểm nóng về môi trường; nghiên cứu, xây dựng phương thức phương tiện vận chuyển, phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ (từ thu gom, phân loại rác tại hộ gia đình tới các điểm tập trung phân loại rác thải); có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần...
Nguyễn Hoàng Anh, Vũ Thị Ngọc Loan
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2021)