Banner trang chủ

Xây dựng kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa đại dương cho ngành thủy sản

24/10/2019

     Ngày 20/10/2019, tại TP. Đà Nẵng, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo quốc gia Xây dựng Kế hoạch hành động ngành thủy sản giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, trong khuôn khổ Dự án Bảo tồn bãi đẻ rùa biển có sự tham gia của cộng đồng tại Việt Nam với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Dịch vụ nghề cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ (U.S FWS). Mục đích của Hội thảo là thảo luận định hướng xây dựng Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương của ngành thủy sản giai đoạn 2020 - 2025.

     Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa trên biển là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất trên phạm vi toàn cầu. Theo Báo cáo năm 2018 của Chương trình Môi trường liên hợp quốc (UNEP), hàng năm trên thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, tuy nhiên 79% lượng rác thải nhựa đều thải ra bãi chôn lấp, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, dự tính đến năm 2050, toàn thế giới sẽ có 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra bãi chôn lấp và môi trường tự nhiên. Rác thải nhựa đang gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển, dự tính đến 2050, khoảng 99% loài chim biển sẽ ăn nhựa rác thải nhựa sẽ gây nguy hiểm cho hơn 600 loài động vật biển và 15% trong số đó gặp nguy hiểm do mắc vào rác thải nhựa hoặc bị ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Rùa biển có nguy cơ đáng kể ăn phải mảnh vụn nhựa ở tất cả các giai đoạn trong vòng đời của chúng với những hậu quả có thể gây tử vong. CSIRO (2019) đã phát hiện ra rằng khi một con rùa có 14 mảnh vụn bằng nhựa trong ruột của nó thì khả năng 50% nó bị tử vong. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một con rùa sẽ không chết nếu chúng tiêu thụ ít hơn 14 miếng nhựa.

     Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển dao động trong khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm và đứng thứ 4/20 quốc gia cao nhất (theo nghiên cứu của TS. Jenna Jamback năm 2015). Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường nói chung và các loài sinh vật biển nói riêng, thời gian qua, nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành. Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Nhiều tỉnh, TP ven biển đã đưa vấn đề ô nhiễm và xử lý rác thải nhựa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam chưa có dữ liệu quốc gia xác định các nguồn phát thải nhựa từ đất liền hay từ biển và chưa có nghiên cứu hoặc thống kê định lượng nào về lượng rác thải nhựa tại các vùng biển ven bờ, trong đó có các khu bảo tồn biển là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do ô nhiễm rác thải trên biển.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Trong bối cảnh đó, từ tháng 12/2018 - 7/2019, IUCN đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (Greenhub) xây dựng tài liệu “Hướng dẫn giám sát rác thải nhựa ở bãi biển và ô nhiễm nhựa vùng ven biển”, tổ chức tập huấn và thực hiện phương pháp giám sát rác thải nhựa cho 11 khu bảo tồn biển, vườn quốc gia ven biển ở Việt Nam. Theo báo cáo sơ bộ đợt 1 Chương trình giám sát rác thải nhựa, 92% số lượng rác được thu gom và giám sát là rác thải nhựa. Rác thải nhựa cũng là thành phần chiếm số lượng và trọng lượng nhiều nhất, tiếp đến là thủy tinh, gỗ, cao su, vải và kim loại. Thành phần các loại rác thải nhựa ở mỗi khu cũng rất đa dạng phụ thuộc vào hoạt động phát triển kinh tế và du lịch tại địa phương nhưng số lượng nhiều nhất cả về số lượng và khối lượng vẫn là xốp nhựa và lưới đánh cá, dây thừng cho các hoạt động thủy sản.

     Tại Hội thảo, Tổng cục Thủy sản đưa ra định hướng quản lý rác thải nhựa ngành thủy sản đến năm 2025, thông qua việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương, giảm thiểu 50% rác thải nhựa địa phương, 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mắc hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom… Dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, làm sạch rác thải nhựa tại các bãi tắm biển, 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải.

     Các đại biểu cũng nghe Báo cáo chi tiết về tình trạng ô nhiễm môi trường biển tại 11 khu bảo tồn biển, đây là những thông tin, số liệu quan trọng, góp phần định hướng các hoạt động giảm ô nhiễm nhựa cho ngành thủy sản. Để định hướng các việc làm cụ thể, các chuyên gia đã tư vấn cho Tổng cục Thủy sản một số kế hoạch như: Rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn địa phương về quản lý rác thải nhựa; thực hiện, phối hợp nghiên cứu liên vùng, quốc gia; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể với lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tổ chức diễn đàn hàng năm chia sẻ kết quả, hành động giữa các bên có liên quan, tập huấn, truyền thông cho cộng đồng và điều phối dự án từ các nhà tài trợ. Quản lý rác đối với các tàu, thuyền (tàu đánh bắt hải sản, tàu du lịch, tàu hàng…), xử lý các ngư cụ, giảm thiểu số lượng ngư cụ mắc lại dưới biển trở thành rác…

     Có thể nói, Hội thảo quốc gia là cơ hội để Tổng cục Thủy sản thảo luận trực tiếp với đại diện các khu bảo tồn biển/vườn quốc gia, tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế, các bên liên quan về những hoạt động ưu tiên góp phần giảm ô nhiễm nhựa trong ngành thủy sản. Đây được xem là một trong những nỗ lực tích cực và cụ thể của Tổng cục Thủy sản trong cuộc chiến chống “ô nhiễm trắng” tại Việt Nam.

 

Bảo Bình

Ý kiến của bạn