30/08/2016
Khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, hoạt động kiểm toán đã chính thức ra đời, ngày càng phát triển và có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp đổi mới và phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, có một loại hình kiểm toán cần được quan tâm hơn nữa ở Việt Nam, đó là kiểm toán môi trường.
Thực tế, kiểm toán tác động môi trường không còn xa lạ ở các nước có nền công nghiệp hiện đại, song cũng còn khá mới mẻ ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Khái niệm kiểm toán tác động môi trường bắt đầu xuất hiện vào những năm đầu của thập kỉ 80, sau hàng loạt các thảm họa môi trường xảy ra tại Anh và Mỹ.
Theo đó, kiểm toán tác động môi trường là việc kiểm tra có hệ thống các tác động môi trường thực tế của một doanh nghiệp đang hoạt động, dựa trên cơ sở các số liệu quan trắc môi trường, nhằm giảm thiểu các rủi ro về môi trường. Kiểm toán tác động môi trường liên quan đến việc so sánh các tác động được dự báo trong một báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc tương tự) với những tác động xảy ra thực tế do hoạt động của doanh nghiệp để giám sát các cam kết đã chỉ ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và những vấn đề cần quan tâm khác.
Quá trình kiểm toán có thể được thực hiện đối với toàn bộ quy trình hoạt động của một nhà máy/doanh nghiệp hoặc chỉ đối với một giai đoạn nào đó của quy trình sản xuất. Trọng tâm của kiểm toán tác động có thể bao gồm tất cả các thành phần môi trường chịu tác động của các hoạt động thực tế tại doanh nghiệp hoặc các môi trường thành phần như môi trường không khí, nước, đất, sinh học, xã hội, sức khỏe con người… tùy thuộc vào mục tiêu cụ thể của cuộc kiểm toán.
Toàn cảnh Hội thảo
Quy trình kiểm toán tác động môi trường được thực hiện qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, hoạt động chuẩn bị kiểm toán sẽ xây dựng kế hoạch kiểm toán tại hiện trường và các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện cuộc kiểm toán nhằm tối đa hóa hiệu quả thực hiện; Giai đoạn 2, thực hiện cuộc kiểm toán thực chất là quá trình kiểm toán tại hiện trường, các hoạt động trong giai đoạn này là những bước quan trọng nhất của thủ tục kiểm toán; Giai đoạn 3, hoạt động sau kiểm toán bao gồm các hoạt động như chuẩn bị báo cáo kiểm toán cuối cùng, công bố báo cáo kiểm toán, xây dựng kế hoạch hành động tập trung vào các giải pháp khắc phục và hiệu chỉnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, cải thiện vấn đề môi trường cho doanh nghiệp.
Do đó, nếu thực hiện tốt kiểm toán môi trường, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư, tiêu hao nguyên liệu, mà còn giúp Nhà nước quản lý tốt hơn trong việc kiểm soát về mức độ tuân thủ và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa thực sự có một văn bản hướng dẫn cụ thể về kiểm toán tác động môi trường. Vì vậy, Tổng cục Môi trường đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng hướng dẫn kiểm toán môi trường tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, áp dụng thí điểm cho một doanh nghiệp ngành dệt may.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng hướng dẫn quy trình kiểm toán tác động môi trường là rất cần thiết và Dự thảo do Tổng cục Môi trường xây dựng đã đưa ra được khái niệm, mục tiêu tương đối rõ ràng. Nhưng các bước thực hiện còn chung chung, khó áp dụng được cho các ngành, cần có những ví dụ cụ thể cho một số bước, đưa vào những kinh nghiệp sẵn có mà Việt Nam cũng như quốc tế đã làm. Đồng thời, cần có sự kết nối với các hoạt động kiểm toán khác như: kiểm toán chất thải, kiểm toán khí thải…
Thay mặt nhóm tác giả, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và đề nghị nhóm tác giả tổng hợp và chỉnh sửa hoàn thiện Dự thảo. Phó Tổng cục trưởng cũng cho biết, bước đầu kiểm toán tác động môi trường sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện, sau đó, khi đã hoàn thiện và hoạt động ổn định, kiểm toán tác động môi trường sẽ là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện ở doanh nghiệp.
Theo VEA