Banner trang chủ

Xây dựng chỉ số đánh giá thực hiện tăng trưởng xanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp sản xuất

05/05/2016

   Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có Bộ tiêu chí thống nhất để đánh giá thực hiện tăng trưởng xanh (TTX), mà mới chỉ đưa ra các tiêu chí đánh giá, phân loại doanh nghiệp (DN) xanh, DN phát triển bền vững, DN có trách nhiệm xã hội... Hơn nữa, cách tiếp cận đánh giá DN mới chủ yếu tập trung vào việc sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Điển hình là UNIDO và UNEP đã đề xuất Bộ tiêu chí đánh giá DN thực hiện TTX, chủ yếu áp dụng cho DN vừa và nhỏ vào năm 2010. Bộ tiêu chí đánh giá dựa trên các chỉ số tuyệt đối (định lượng), bao gồm các yếu tố đầu vào (sử dụng nguyên liệu, năng lượng và nước), đầu ra là sản phẩm và các chất ô nhiễm (chất thải rắn, khí thải và nước thải). Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nước chưa thể áp dụng theo tiêu chí mà UNIDO và UNEP đưa ra, vì để làm được điều này đòi hỏi sự hợp tác của DN trong việc cung cấp thông tin và đầu tư nguồn lực của cơ quan nhà nước cũng như DN.

   Trong bối cảnh đó, một số địa phương ở Việt Nam (Bình Dương, Bình Định) đã đánh giá phân loại DN dựa trên 3 nhóm tiêu chí định tính về DN xanh, trong đó chỉ tập trung vào lĩnh vực BVMT, chưa bao gồm các yếu tố như công nghệ, tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi sản phẩm xanh. Các tiêu chí gồm: Tuân thủ pháp luật về BVMT; Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường; Tuân thủ thủ tục hồ sơ quản lý môi trường và các vấn đề liên quan khác. Tuy nhiên, để phản ánh đúng hành động TTX của DN, các tiêu chí cần bao quát về BVMT cũng như việc đổi mới công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm xanh.

   Trong khuôn khổ Đề tài “Các giải pháp chủ yếu đẩy mạnh thực hiện TTX của các DN sản xuất trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã xây dựng chỉ số đánh giá hành động TTX của DN, hay còn gọi là chỉ số DN xanh (GEI). Chỉ số GEI đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch và đặc biệt là giúp DN tự chuyển đổi theo hướng xanh khi được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

   Phương pháp xây dựng GEI

   Công thức tính chỉ số GEI

   Sử dụng hàm tổng số có trọng số dạng Solway như công thức:

   

   Trong đó:

   GEI : chỉ số DN xanh

   qi: điểm của nhóm tiêu chí i (bằng tổng điểm của các tiêu chí thành phần trong nhóm cộng lại)

   wi: trọng số của nhóm tiêu chí i

   a, m: hằng số để điều chỉnh chỉ số về thang điểm 100.

   Bộ tiêu chí

   Để tính chỉ số GEI, nhóm tác giả xây dựng Bộ tiêu chí gồm 4 nhóm chính với 30 tiêu chí thành phần, được tiến hành lấy ý kiến tham vấn của 223 chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, nhà khoa học và DN trên địa bàn Hà Nội. Với thang điểm đánh giá các tiêu chí là 5, trong đó 0: không cần thiết đưa vào đánh giá; 1: không quan trọng; 2: ít quan trọng; 3: quan trọng; 4: rất quan trọng; 5: cực kỳ quan trọng. Các tiêu chí được đánh giá phục vụ tính chỉ số GEI:

- Nhóm thứ nhất, nhận thức và hành động của DN về BVMT. Đây là nhóm tiêu chí quan trọng nhất, vì phản ánh từ nhận thức tới các hành động của DN trong việc tuân thủ các quy định về BVMT với 11 tiêu chí thành phần, đánh giá theo 2 mức “rất quan trọng” và “quan trọng”. Mức “rất quan trọng” gồm 3 tiêu chí là DN thực hiện đo đạc, phân tích các thông số môi trường chính và đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường; DN có kết quả đo đạc và phân loại chất thải rắn đúng quy chuẩn trước khi vận chuyển đến nơi xử lý hoặc lưu kho; DN có thực hiện kê khai, nộp phí BVMT đối với nước thải và có Giấy phép xả thải đúng quy định.

   Các tiêu chí còn lại được đánh giá ở mức “quan trọng”, bao gồm: DN có tinh thần hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương về lĩnh vực quản lý môi trường; DN thực hiện báo cáo giám sát chất lượng môi trường tối thiểu 2 lần/năm; DN có chứng nhận ISO 14.000 về quản lý môi trường; DN có tỷ lệ cây xanh đạt tối thiểu từ 10% diện tích trở lên và vệ sinh tốt; DN có chứng nhận áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong quá trình sản xuất và DN có tham gia các hoạt động cộng đồng về thích ứng với biến đổi khí hậu và BVMT; DN có bộ phận chuyên trách về môi trường; Lãnh đạo DN tham gia các khóa tập huấn, hội thảo về TTX.

- Nhóm thứ hai, hoạt động đổi mới công nghệ của DN theo hướng xanh. Tiêu chí này phản ánh các hành động TTX của DN thông qua các hoạt động đổi mới công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu đầu vào, ít chất thải và BVMT. Theo đó, có các tiêu chí thành phần: DN có kế hoạch/chiến lược đầu tư cho nghiên cứu triển khai công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và BVMT; DN đầu tư đổi mới công nghệ nhằm sử dụng tiết kiệm năng lượng/nguyên liệu đầu vào và DN có đầu tư công nghệ xử lý, giảm thiểu phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính; DN có sản lượng/sản phẩm trên một đơn vị nguyên liệu sử dụng tăng lên so với năm trước; Tổng lượng các-bon trên một đơn vị sản phẩm đầu ra giảm so với năm trước; Tổng lượng chất thải rắn trên một đơn vị sản phẩm đầu ra giảm so với năm trước; Tổng lượng nước thải trên một đơn vị sản phẩm đầu ra giảm so với năm trước; Sản lượng/sản phẩm trên 1 m3 nước sử dụng tăng lên so với năm trước; DN có kế hoạch đầu tư chuyển đổi từ công nghệ tiêu tốn năng lượng/nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường và phát thải nhiều khí nhà kính sang công nghệ sử dụng ít năng lượng/nguyên liệu xanh.

- Nhóm thứ ba, tiêu dùng năng lượng hiệu quả. Đây là nhóm tiêu chí đánh giá các hành động của DN trong quản lý, sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả với các tiêu chí thành phần như DN thực hiện báo cáo hàng năm về kiểm toán năng lượng/kiểm toán môi trường; Tổng lượng các-bon trên một đơn vị năng lượng sử dụng (điện, than, khí, xăng dầu) giảm so với năm trước; Sản lượng/sản phẩm trên một đơn vị năng lượng sử dụng (điện, than, khí, xăng dầu) tăng lên so với năm trước; DN được cấp Chứng nhận ISO 50.001 về quản lý năng lượng; Tổng lượng nước thải trên một đơn vị năng lượng sử dụng (điện, than, khí, xăng dầu) giảm so với năm trước; Tổng lượng chất thải rắn trên một đơn vị năng lượng sử dụng (điện, than, khí, xăng dầu) giảm so với năm trước; DN đạt giải thưởng về tiết kiệm năng lượng.

- Nhóm thứ tư, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Nhóm tiêu chí này phản ánh sự sẵn sàng chuyển đổi sản phẩm, cũng như các nỗ lực của DN để đạt được các chứng chỉ liên quan đến sản phẩm xanh. Trong đó, các tiêu chí thành phần gồm: DN có kế hoạch/chiến lược chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng xanh và cam kết triển khai thực hiện theo lộ trình; DN có các chứng chỉ quốc gia về sản phẩm xanh (nhãn sinh thái, nhãn xanh); và DN có các chứng chỉ quốc tế về sản phẩm xanh (nhãn sinh thái, nhãn xanh).

Nâng cao nhận thức và hành động của DN về BVMT là một trong những tiêu chí để đánh giá DN thực hiện TTX

   Trọng số của nhóm tiêu chí: Ngoài việc cho điểm các tiêu chí thành phần, 4 nhóm tiêu chí được cho điểm riêng theo tỷ lệ phần trăm làm trọng số tính chỉ số GEI. Kết quả cho thấy, nhóm tiêu chí về nhận thức và hành động của DN về BVMT được đánh giá quan trọng nhất, với trọng số là 30,9 điểm phần trăm; tiếp theo là đổi mới công nghệ với 26,6 điểm phần trăm; tiêu dùng năng lượng là 23,1 điểm phần trăm; chuyển đổi sản phẩm là 19,4 điểm phần trăm.

   Điểm đánh giá: Chỉ số GEI có thang điểm 100, với 5 mức xếp hạng khác nhau: Từ 90 - 100 điểm được đánh giá là rất tốt, thể hiện DN có hầu hết các hành động hướng tới TTX; Từ 80 - 89 điểm là tốt, thể hiện DN có nhiều hành động TTX; Từ 70 - 79 điểm được đánh giá là khá, thể hiện DN tuy đã có các hành động TTX, nhưng chưa nhiều; Từ 50 - 69 điểm là kém, thể hiện DN chỉ có một số hành động TTX; Dưới 50 điểm là rất kém, thể hiện DN không có, hoặc có rất ít hành động TTX.

   Ngoài việc đưa ra một chỉ số chung, kết quả tính chỉ số GEI còn thể hiện số điểm tổng của 4 nhóm tiêu chí bao quát toàn bộ các tiêu chí đánh giá, phản ánh đầy đủ nội hàm hành động TTX của DN. Chỉ số GEI sẽ cung cấp thông tin tới cộng đồng, người tiêu dùng và nhà quản lý một cách cô đọng, dễ hiểu và dễ nhớ, tạo sức ép đối với DN tự nguyện thay đổi phương thức sản xuất theo hướng xanh để cải thiện hình ảnh và đảm bảo phát triển bền vững hơn.

   Với chỉ số GEI, các Bộ, ngành và các địa phương trong cả nước có thể áp dụng để đánh giá, phân loại DN theo cấp độ quản lý. Tùy thuộc vào khả năng của mỗi Bộ, ngành và địa phương, việc đánh giá có thể tiến hành hàng năm, hoặc 2 - 3 năm/lần

TS. Hồ Công Hòa

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn