16/11/2015
Ngày 13/11/2015, tại Hà Nội, Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ở Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện các Viện, Vụ, Ban ngành thuộc Bộ Nông nghiệp, Bộ TN&MT, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ… Hội thảo tập trung vào một số nội dung chính như: Đánh giá biểu hiện và tác động của BĐKH đến các vùng ở Việt Nam; Đánh giá thực trạng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam cũng như đưa ra các đề xuất, các quan điểm và giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tăng cường liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và BĐKH ở Việt Nam.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH và nước biển dâng và tác động lớn đến kinh tế - xã hội (KT-XH) của nước ta. BĐKH đã làm cho các thiên tai và thời tiết cực đoan, diễn ra ngày càng ác liệt về tần suất và quy mô, chu kỳ lặp lại khó lường, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, giáo dục-y tế và môi trường sống.
Với đặc điểm địa lý - xã hội của Việt Nam, tác động của BĐKH cũng rất đa dạng theo từng khu vực, vùng, miền. Trong khi đó, tồn tại các đặc thù mô hình sản xuất, hoạt động kinh tế và sinh kế theo địa phương là khá rõ, nhưng quy mô, phạm vi ảnh hưởng của BĐKH sẽ vượt quá khả năng ứng phó độc lập của từng địa phương riêng lẻ. Vì vậy sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương và vùng miền là rất cần thiết trong việc ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Ngọc Ngoạn, Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn cho rằng, trong thời gian qua, công tác ứng phó với BĐKH còn bị động, lúng túng. Một trong những nguyên nhân quan trọng của các hạn chế trên là công tác quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ. Đặc biệt, mối quan hệ vùng và liên vùng còn chưa được quan tâm một cách thỏa đáng…Các địa phương hầu như độc lập triển khai các hoạt động ứng phó trong phạm vi địa phương mình. Chính sách vùng của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức nên việc liên kết phát triển giữa các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong mỗi vùng và giữa các vùng trong quản lý, BVMT, ứng phó với BĐKH, thiên tai vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ, các thể chế, chính sách liên kết cũng như hệ thống giải pháp và các hình thức tổ chức quản lý trên phương diện vùng và liên vùng chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều.
Để khắc phục những vấn đề trên, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp như: Mỗi địa phương cử một đồng chí là lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh, trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược liên kết vùng; Thành lập Tổ điều phối vùng và Nhóm tư vấn liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và BĐKH mà thành viên nhóm tư vấn bao gồm những nhà quản lý, nhà khoa học có uy tín.
Mặt khác, cần thành lập Quỹ “Ứng phó với thiên tai và BĐKH cấp vùng” là cần thiết để phục vụ kinh phí hoạt động của Tổ điều phối vùng, công tác nghiên cứu của Nhóm tư vấn và hoạt động chung của vùng. Nguồn tài chính của Quỹ được huy động từ đóng góp của các địa phương, Ngân sách Trung ương, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, và các nguồn xã hội hoá khác.
Định kỳ họp giao ban tại các địa phương để đánh giá tình hình thực hiện các nội dung cam kết liên kết trên các lĩnh vực, thống nhất kế hoạch cụ thể cho thời gian tiếp theo, thông qua các kiến nghị chung đối với Trung ương và các Bộ, ban, ngành. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và sự đồng thuận của lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng, sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước về một số cơ chế tổ chức, chính sách, phân bổ nguồn lực cho thực hiện các Chương trình, dự án mang tính tổng hợp, liên vùng.
Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành các quyết định, chương trình hành động về công tác phối hợp liên tỉnh; giám sát việc thực thi các quyết định; rà soát nhiệm vụ, chức năng, tổng kết kinh nghiệm của Ban Phát triển vùng. Các Bộ, ngành tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng tiến hành xây dựng và kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch kết cấu hạ tầng KT-XH. Các địa phương trong vùng phải nâng cao trách nhiệm trong việc nâng cao tổ chức hoạt động phối hợp liên tỉnh, xây dựng dữ liệu thông tin, cập nhật thông tin nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu vùng; Lồng ghép các quy hoạch về tài nguyên và môi trường, BĐKH với nhau và lồng ghép vào quy hoạch phát triển KT-XH; Xây dựng quy hoạch tổng thể về ứng phó với BĐKH cho từng vùng, trong đó các quy hoạch cần tính đến kịch bản phát triển KT-XH, BĐKH của vùng và các vùng khác.
Châu Loan