06/10/2017
Theo số liệu từ Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam đã có bước cải thiện quan trọng, tăng 8 bậc, từ thứ 75/141 quốc gia năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia năm 2017. Một số chỉ số được xếp hạng khá cao như nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có (thứ 34), tài nguyên văn hóa (thứ 30) và khả năng cạnh tranh giá cả (thứ 35)... Tuy nhiên, nhiều chỉ số liên quan đến môi trường lại đứng ở gần cuối bảng xếp hạng, như mức độ bền vững về môi trường (129/136), các quy định về môi trường (115/136), mức độ phát thải (128/136), nạn phá rừng (103/136), hạn chế về xử lý nước (107/136)…
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nêu trên là công tác BVMT ở các khu, điểm du lịch nói chung và ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng chưa được quan tâm thỏa đáng. Bản thân các cơ sở kinh doanh du lịch cũng chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh sản xuất với môi trường. Bên cạnh đó, dưới góc độ quản lý nhà nước, ngành du lịch vẫn chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh du lịch.
Khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, ngày 4/9/2013 Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Trong đó, cần thực hiện quyết liệt và áp dụng các biện pháp cụ thể, đồng bộ, hiệu quả để tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là công việc thường xuyên, lâu dài nhằm xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện. Đồng thời, Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Hướng dẫn các địa phương và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch; chỉ đạo thực hiện việc công nhận dịch vụ du lịch đạt chuẩn đối với các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch”.
Từ thực tiễn nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai xây dựng Bộ tiêu chí BVMT đối với cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm công cụ để đánh giá mức độ thực hiện các quy định pháp luật về BVMT, qua đó có thể kiểm soát tốt hơn công tác BVMT của cơ sở du lịch, dịch vụ nói riêng và khu, điểm du lịch nói chung ở Việt Nam.
Dự thảo Bộ tiêu chí BVMT đối với cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch
Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng tiêu chí và quy trình đánh giá đạt chuẩn về BVMT đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch”. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, trên cơ sở phân tích yêu cầu của pháp luật về BVMT, quản lý tài nguyên và du lịch; kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng và ban hành các tiêu chí về BVMT, Viện đã đề xuất Dự thảo Bộ tiêu chí về BVMT đối với 3 loại cơ sở du lịch, dịch vụ (ăn uống; vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm). Mỗi loại tiêu chí có 2 nhóm (Tiêu chí bắt buộc, cụ thể hóa những quy định của pháp luật BVMT tại các cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch; Nhóm tiêu chí khuyến khích, bao gồm những tiêu chí “mềm” tạo điều kiện để cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch tăng chất lượng phục vụ).
Bộ tiêu chí BVMT đối với cơ sở ăn uống bao gồm 45 tiêu chí, trong đó có 33 tiêu chí bắt buộc và 12 tiêu chí khuyến khích. Bộ tiêu chí được chia làm 3 nhóm: BVMT tự nhiên (29 tiêu chí); BVMT xã hội (7 tiêu chí); Thông tin truyền thông và nguồn lực BVMT (9 tiêu chí).
Hình 1: Cấu trúc bộ tiêu chí BVMT đối với cơ sở ăn uống |
Bộ tiêu chí BVMT đối với cơ sở bán hàng lưu niệm bao gồm 43 tiêu chí, trong đó có 34 tiêu chí bắt buộc và 9 tiêu chí khuyến khích. Bộ tiêu chí được chia làm 3 nhóm: BVMT tự nhiên (26 tiêu chí); BVMT xã hội (8 tiêu chí); Thông tin truyền thông và nguồn lực BVMT (9 tiêu chí).
Hình 2: Cấu trúc bộ tiêu chí BVMT đối với cơ sở bán hàng lưu niệm |
Bộ tiêu chí BVMT đối với cơ sở vui chơi giải trí, gồm 47 tiêu chí, trong đó có 38 tiêu chí bắt buộc và 9 tiêu chí khuyến khích. Bộ tiêu chí tiêu chí, được chia làm 3 nhóm: BVMT tự nhiên (29 tiêu chí); BVMT xã hội (7 tiêu chí); Thông tin truyền thông và nguồn lực BVMT (11 tiêu chí).
Hình 3: Cấu trúc bộ tiêu chí BVMT đối với cơ sở vui chơi giải trí |
Đi kèm với Bộ tiêu chí là tài liệu hướng dẫn cụ thể đối với các loại hình cơ sở du lịch, dịch vụ. Đồng thời, Dự thảo Bộ tiêu chí đã lấy ý kiến các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch; các khu, điểm du lịch tiêu biểu trên toàn quốc, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Qua khảo sát trực tiếp và làm việc với nhiều cơ sở du lịch và dịch vụ, một số khó khăn khi thực hiện Bộ tiêu chí gồm:
Đối với cả 3 loại hình cơ sở dịch vụ: Tiêu chí về thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch BVMT, một số cơ sở còn chưa thực hiện đúng.
Tiêu chí về công trình vệ sinh, theo quy định phải có nhà vệ sinh cho người khuyết tật nhưng hầu như các cơ sở quy mô nhỏ và vừa không đáp ứng được.
Đối với các tiêu chí về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và thân thiện với môi trường, mặc dù các cơ sở mong muốn áp dụng đồng bộ nhưng do hạn chế về nguồn lực nên các cơ sở chỉ có thể trang bị các thiết bị tiết kiệm điện, nước còn việc sử dụng năng lượng tái tạo hầu như khó đáp ứng.
Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình |
Tiêu chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá mới chỉ được thực hiện ở một số cơ sở du lịch và dịch vụ cao cấp, số còn lại chưa có biện pháp nhắc nhở hoặc quy định khu vực không được hút thuốc lá.
Đối với cơ sở ăn uống: Hầu hết không nằm trong khách sạn đều là những cơ sở có quy mô vừa và nhỏ, được xây dựng từ lâu nên phần lớn chưa đáp ứng được các tiêu chí về thu gom, xử lý nước thải. Nước thải của các nhà hàng mới chỉ thông qua hệ thống bể lắng hoặc bể tự hoại, chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Đồng thời, hầu hết các cơ sở ăn uống chưa nắm được cách thức phân loại chất thải rắn, đặc biệt là các sản phẩm thải bỏ và chất thải nguy hại. Một số cơ sở chưa đáp ứng được các tiêu chí đặc thù (như lọc mỡ dư thừa, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong quá trình chế biến các món ăn…), do điều kiện cơ sở vật chất và khả năng đầu tư còn hạn chế.
Cơ sở bán hàng lưu niệm: Vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn gặp nhiều khó khăn. Một số các tiêu chí đặc trưng như: Sử dụng bao bì thân thiện với môi trường để gói đựng hàng hóa chưa được thực hiện tích cực do giá thành của các loại bao bì khá cao. Mặt khác, túi ni lông thân thiện với môi trường có độ dai kém, dễ bị bục rách nên không được sử dụng rộng rãi. Tiêu chí về quy định các sản phẩm bày bán và đăng ký nhãn xanh chưa được các cơ sở quan tâm và thực hiện.
Cơ sở vui chơi giải trí: Các thiết bị lưu chứa chất thải rắn chưa đáp ứng được nhu cầu phân loại tại nguồn. Khâu phân loại diễn ra sau khi thu gom và tập kết bởi cán bộ vệ sinh môi trường tại khu du lịch; Nước thải mới được thu gom vào hệ thống chung dẫn đến các bể lắng lọc và xử lý vi sinh tại chỗ.
Đề xuất giải pháp BVMT tại các khu, điểm du lịch
Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang đối mặt với sự ô nhiễm môi trường và suy giảm giá trị tài nguyên, việc xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí nêu trên là hết sức cần thiết. Để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao tính hiệu quả khi áp dụng, Dự thảo Bộ tiêu chí BVMT cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn. Những tiêu chí bắt buộc trong Dự thảo Bộ tiêu chí là các tiêu chí có nội dung cụ thể hóa của các quy định pháp luật về BVMT, do vậy các cơ sở cần phải dần hoàn thiện để đáp ứng. Tuy nhiên, cần có các hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ kịp thời các khó khăn để tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, cần phổ biến, tổ chức tập huấn giới thiệu Bộ tiêu chí một cách rộng rãi hơn nữa để các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên cả nước được tiếp cận. Đồng thời, kêu gọi các cơ sở du lịch, dịch vụ tham gia thực hiện và đánh giá hiệu quả BVMT của Bộ tiêu chí.
Ngoài việc ban hành Bộ tiêu chí nêu trên, việc hình thành mô hình BVMT để thực thi có hiệu quả Bộ tiêu chí tại các khu, điểm du lịch là hết sức quan trọng. Mô hình cần có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương, Ban quản lý các khu, điểm du lịch; chính quyền, cộng đồng và khách du lịch. Ngoài ra, mô hình cũng cần có quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các bên tham gia; quy chế cụ thể làm căn cứ thực hiện. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch đang tiến hành xây dựng thí điểm các mô hình BVMT tại một số khu du lịch trên cơ sở Dự thảo Bộ tiêu chí nêu trên để tiến tới hình thành mô hình khung về BVMT tại các khu, điểm du lịch trên toàn quốc.
TS. Trương Sỹ Vinh, ThS. Nguyễn Thùy Vân
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017