14/04/2015
Năm 2013, tại Kumamoto - Nhật Bản, cùng với 96 quốc gia đầu tiên trên thế giới, Việt Nam đã tham gia ký Công ước Minamata về thủy ngân. Để thực hiện Công ước này, ngày 10/3/2015 tại Hà Nội, Cục Hóa Chất - Bộ Công Thương đã phối hợp với Chương trình Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Hội thảo khởi động Dự án “Đánh giá ban đầu Công ước Minamata về thủy ngân tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ dưới dạng dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA. Đây là hoạt động khởi đầu của Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu phê duyệt Công ước Minamata và theo lộ trình của Công ước việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm có chứa thủy ngân hết hạn vào năm 2020.
Đối với sức khỏe con người, thủy ngân sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, thận, gây mất ngủ, trầm cảm, teo cơ, suy giảm thị lực, nói khó, khiếm thính, rối loạn tâm thần… Còn nếu thẩm thấu qua nhau thai thì sẽ gây sảy thai tự nhiên hoặc em bé được sinh ra với các triệu chứng thần kinh năng hoặc ngớ ngẩn.
Hội thảo Khởi động Dự án
Ông Trần Anh Dũng - Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho biết: “Qua khảo sát và thống kê tại các địa phương và cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, trung bình mỗi tháng có 1.629 nhiệt kế thủy ngân bị vỡ và ước tính trên cả nước mỗi năm tại các cơ sở y tế có khoảng 447.588 nhiệt kế thủy ngân bị vỡ. Như vậy ước lượng thủy ngân giải phóng từ nhiệt kế và huyết áp kế bị vỡ trung bình mỗi năm là 550 kg”.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường: “Hiện tại một số mỏ khai khoáng vàng như mỏ Khau Âu, thông qua kiểm tra mẫu nước (2009) hàm lượng thủy ngân đạt 0,0345mg/L cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn nước thải công nghiệp (TCVN 5945:2005), hay tại mỏ vàng Bồng Miêu với sản lượng vàng 600 kg/năm thì mỏ này phát thải ra môi trường 1.800kg thủy ngân/năm. Với trữ lượng ước tính khoảng 300 tấn vàng Việt Nam quy hoạch khai thác trong tương lai thì sẽ có 900 tấn thủy ngân sẽ được phát thải”.
Hướng đi của Việt Nam
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, tại Quyết định số 1811/QĐ-TTg ngày 4/10/2013, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ là Cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Công ước vào thời điểm thích hợp. Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa Chất - Giám đốc Dự án cho biết “Dự án được phê duyệt với mức kinh phí 500.000 USD, trong đó 25.000 USD là từ nguồn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, 22.000 USD từ UNIDO. Dự án sẽ hoàn thành các hoạt động trước khi phê duyệt theo Công ước Minamata để xác định các chính sách, các quyết định chiến lược và các lĩnh vực ưu tiên cần can thiệp trong tương lai. Từ nay đến cuối năm 2016, cơ quan chủ trì sẽ sớm ban hành các cơ chế điều phối của Dự án và xác định các lỗ hổng trong quản lý thủy ngân. Đồng thời rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện có về thủy ngân và xác đinh sự cần thiết về việc đề xuất sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước Manimata…Toàn bộ nội dung này dự kiến được trình Chính phủ vào cuối năm 2016. Sau khi Chính phủ phê duyệt Công ước - Việt Nam sẽ xây dựng Kế hoạch thực thi quốc gia thực hiện Công ước, đáp ứng lộ trình giảm thiểu, tiến tới ngừng sử dụng thủy ngân và các hợp chất chứa thủy ngân.
Theo ông Ngọc, hiện tại đối với các ngành công nghiệp có sử dụng, phát thải thủy ngân hoặc sản phẩm có chứa thủy ngân thì vấn đề là phải thay đổi hoặc cải tiến công nghệ. Ví dụ sản xuất bóng đèn chiếu sáng có sử dụng thủy ngân, hiện nay ở Việt Nam có 3 doanh nghiệp đang sản xuất bóng đèn là: Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Điện Quang và Phillip. Như vậy để thực hiện Công ước Minamata thì chắc chắn thời gian tới các doanh nghiệp này phải có sự điều chỉnh về mặt công nghệ.
Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay đó chính là việc kiểm soát các hoạt động khai thác vàng thủ công. Trên thế giới, đây là ngành chiếm đến 37% lượng thủy ngân phát thải ra môi trường (theo một báo cáo của UNEP vào năm 2010 được Cục Hóa chất công bố tại Hội thảo). “Hiện nay việc khai thác vàng ở Việt Nam chủ yếu là khai thác lậu hoặc giao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác tận thu do vậy để kiểm soát được hoạt động này đối với các địa phương và ngành tài nguyên và môi trường là hết sức khó khăn. Biện pháp trước mắt là chúng ta phải nâng cao nhận thức thông qua đẩy mạnh các công tác tuyên truyền đến xã hội, người dân và doanh nghiệp biết được”. Ông Ngọc cho biết.
Thu Hường
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015