Banner trang chủ

Việt Nam cam kết chung tay cùng các nước thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh

14/11/2017

     Ngày 13/11/2017, tại Philippin, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 (ASEAN - 31) đã chính thức được khai mạc.

     ​Tại Phiên họp toàn thể diễn ra ngay sau Lễ khai mạc Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tập trung đánh giá công tác triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; bàn về các biện pháp tăng cường hiệu quả hoạt động ASEAN và trao đổi ý kiến về các vấn đề mà khu vực cũng như quốc tế đang quan tâm.

     Đánh giá cao các kết quả đã đạt được sau 2 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể, các nhà lãnh đạo ghi nhận nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và Ủy ban các phái đoàn thường trực tại ASEAN (CPR), đồng thời tái khẳng định cam kết thúc đẩy tính tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự Liên hợp quốc 2030 về phát triển bền vững.

     Trong trụ cột chính trị - an ninh, các nhà lãnh đạo ghi nhận việc ASEAN đã tích cực triển khai được gần 80% các dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể đề ra, nhưng cũng nhấn mạnh ASEAN đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ các yêu tố khách quan và chủ quan, do đó, cần nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác, bảo đảm phục vụ thiết thực nhất cho người dân và định hướng phát triển cộng đồng.

     Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết chung về duy trì, thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định khu vực cũng như giải quyết hoà bình các tranh chấp, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Hội nghị hoan nghênh việc Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 sẽ chính thức tuyên bố khởi động quá trình thương lượng xây dựng COC, đồng thời  khẳng định cần nỗ lực chung để góp phần đưa Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, ổn định, phát triển.

     Trong trụ cột kinh tế, Hội nghị ghi nhận kết quả khả quan với dự báo tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế ASEAN đạt 5% năm 2017, so với 4,8% của năm 2016 và khả năng tăng lên 5,1% vào năm 2018. Các nước nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục đẩy mạnh liên kết, kết nối thông qua thực hiện các biện pháp thuận lợi hóa thương mại khu vực, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

 

     Đối với trụ cột văn hóa - xã hội, các nhà lãnh đạo hoan nghênh những hoạt động kỷ niệm 50 năm ASEAN đã được tổ chức ở tất cả các quốc gia thành viên trong năm 2017, góp phần quảng bá hình ảnh hiệp hội, tăng cường giao lưu nhân dân và gắn kết trong cộng đồng. Hội nghị nhất trí cần thúc đẩy hơn nữa các biện pháp cụ thể về thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối và cải tiến hơn nữa nền hành chính công.

     Về quan hệ của ASEAN với các đối tác, đặt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực biến động phức tạp với nhiều xu thế trái chiều, Hội nghị ghi nhận nhiều kết quả tích cực sau hai năm triển khai các Chương trình Hành động giai đoạn 2016 - 2020 với các đối tác cũng như sự tham gia, ủng hộ và cam kết ngày càng cụ thể, thực chất từ đối tác trong nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng của ASEAN cũng như khu vực. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc tổ chức và hy vọng sẽ đạt được những kết quả thiết thực phục vụ cho lợi ích người dân Đông Nam Á tại các Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ đối tác với Mỹ, Canađa và EU dịp Hội nghị Cấp cao lần này và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ (hiện Việt Nam đang là nước điều phối quan hệ) vào đầu năm 2018.

     Các nhà lãnh đạo nhất trí ASEAN cần chủ động triển khai các sáng kiến và biện pháp để làm sâu sắc thêm các mối quan hệ này cũng như phát triển thêm quan hệ với các tổ chức khu vực và quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển và các vấn đề liên ngành khác.

     Bên cạnh đó, trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nhà lãnh đạo tập trung bàn về việc ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, các điểm nóng ở khu vực, trong đó có biển Đông, bán đảo Triều Tiên và tình hình ở bang Rakhine, Myanma. Các nước đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ ngày một tăng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, qua đó nhấn mạnh các thành viên cần đoàn kết, thống nhất nhằm củng cố nội lực, tăng cường tham vấn, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ứng phó hiệu quả với các thách thức trên, bảo đảm duy trì môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và cuộc sống an bình cho người dân. Các lãnh đạo ASEAN nhất trí, cần kêu gọi sự hỗ trợ và tham gia của các bên đối tác, đặc biệt trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+ nhằm tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm, đóng góp xây dựng trong giải quyết các thách thức đang nổi lên.

     Nỗ lực làm mới bản sắc ASEAN

     Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ý nghĩa của năm kỷ niệm 50 năm ASEAN thành lập, đồng thời nhấn mạnh 3 trọng tâm hợp tác mà ASEAN cần tập trung trong thời gian tới bao gồm: Tập trung vào lợi ích của người dân, nỗ lực làm mới bản sắc thông qua thúc đẩy những cái chung, đặc biệt là quyết tâm chung xây dựng một ASEAN tự cường, đề cao lợi ích chung cho người dân cộng đồng và đóng góp nỗ lực để tạo dựng thành quả mang tên chung ASEAN; Chú trọng xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sự phát triển của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại nội khối, tăng cường bổ trợ lẫn nhau giữa các nên kinh tế trong cộng đồng; Phát huy vai trò trung tâm và vị thế trên trường quốc tế, phấn đấu vì mục tiêu duy trì hoà bình, an ninh, thịnh vượng ở khu vực. Trên tinh thần đó, trong không khí kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội, Thủ tướng Chính phủ khẳng định quyết tâm và cam kết của Việt Nam sẽ chung tay góp sức cùng các nước thành viên khác xây dựng Cộng đồng vững mạnh.

     Về Biển Đông, Thủ tướng cho rằng những diễn biến gần đây tiếp tục thu hút sự quan tâm của khu vực và quốc tế, hoan nghênh việc các Bộ trưởng đạt thống nhất về lập trường nguyên tắc tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 vào tháng 8 vừa qua tại Manila, Philippin.
     Thủ tướng đề nghị các văn kiện của Hội nghị Cấp cao lần này phản ánh đầy đủ các nguyên tắc, lập trường như thể hiện tại Thông cáo chung Hội nghị AMM 50 (bao gồm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố DOC).

     Thủ tướng Chính phủ cũng hoan nghênh ASEAN, Trung Quốc đã thông qua khung COC và đề nghị sớm đàm phán thực chất COC có tính khả thi, ràng buộc pháp lý.

    Nhiều văn kiện được ký kết
     Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí sẽ ký kết 1 văn kiện, thông qua 11 văn kiện và ghi nhận 11 văn kiện khác. Các văn kiện phản ánh nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân các quốc gia ASEAN.
     Các tuyên bố/văn kiện được thông qua lần này đều mang tính thực tiễn cao, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân trong thời gian gần đây, từ các vấn đề xã hội về quyền của người lao động, cơ hội việc làm, bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ, thanh niên, các vấn đề về sức khỏe như chống kháng thuốc, chấm dứt suy dinh dưỡng, quản lý y tế trong thảm họa đến thuận lợi hóa doanh nghiệp như khuôn khổ kinh doanh toàn diện ASEAN.

     Chiều và tối cùng ngày, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Mỹ, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Liên hợp quốc và Mê kông - Nhật Bản.

 

Phương Linh (Theo chinhphu.vn)

Ý kiến của bạn