12/06/2020
Trong cộng đồng ASEAN có khoảng 623 triệu người cùng chung sống, tồn tại và trải qua hàng nghìn năm lịch sử dưới sự chở che của Mẹ Thiên nhiên. Nơi đây có núi rừng trùng điệp, biển rộng, sông dài - một vùng đất địa linh nhân kiệt, một lãnh thổ rộng lớn kết nối giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên trong sự tồn tại và phát triển. Thiên nhiên không chỉ là mái ấm che chở các dân tộc trong cộng đồng ASEAN, mà còn là nơi hình thành và phát triển các dạng tài nguyên, trong đó có đa dạng sinh học (ĐDSH). Thiên nhiên cũng tạo nên các nền văn hóa độc đáo của từng dân tộc, trong đó có cả một hệ thống tri thức bản địa đặc sắc biết tựa vào thiên nhiên để sinh tồn và phát triển. Do đó, cộng đồng ASEAN cần nhận thức sâu sắc rằng, sự an lành, phồn thịnh và hạnh phúc của từng thành viên nói riêng và trên hành tinh nói chung đều phụ thuộc vào sự khỏe mạnh của môi trường tự nhiên.
Khu Bảo tồn đất ngập nước Vân Long được Ban Thư ký Công ước Ramsar trao bằng công nhận là khu Ramsar số 2.360 của thế giới và là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam
ĐDSH là tài sản vô giá
Khu vực ASEAN được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một vùng lãnh thổ có tính ĐDSH cao, bởi các cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái (HST) trên đất liền, đất ngập nước và biển đảo vô cùng đa dạng, phong phú, là nền tảng tạo dựng môi trường sống cho loài động vật, thực vật, nấm và vi sinh vật. Diện tích tự nhiên trên đất liền của khu vực ASEAN chỉ chiếm 3% diện tích tự nhiên trên toàn cầu, nhưng lại là ngôi nhà chung của hơn 18% số loài thực vật, động vật, nấm... Đây cũng là vùng có diện tích rừng ngập mặn rộng lớn, chiếm 35% diện tích rừng ngập mặn trên thế giới và có 30% diện tích các rạn san hô. Đặc biệt, trong khu vực có rất nhiều loài thực vật, động vật thuộc diện quý, đặc hữu như: Bò xám, bò rừng, cheo cheo, tê giác một sừng, sao la, hươu cà tông, vượn nhân hình, voọc mũi hếch, voọc đầu vàng, chà vá chân nâu, chà vá chân đen, chà vá chân xám, voọc mông trắng, bò biển… Bên cạnh đó là hàng nghìn, hàng vạn loài cây trồng vật nuôi, trong đó có nguồn tài nguyên cây thuốc, cây cảnh...
Đây là nguồn tài nguyên, thiên nhiên vô cùng giá trị, có ý nghĩa không chỉ đối với cuộc sống của các dân tộc trong cộng đồng ASEAN, mà còn cả đối với nhân loại hiện tại và các thế hệ mai sau. Theo Báo cáo Đánh giá các dịch vụ HST toàn cầu của Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF), ước tính trên thế giới có khoảng 4 tỷ người sử dụng thuốc có nguồn gốc tự nhiên để chăm sóc sức khỏe và có đến 70% các loài thuốc có thể chữa được ung thư có nguồn gốc tự nhiên hoặc các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên...
Giá trị to lớn của ĐDSH không chỉ có ý nghĩa cho cộng đồng khu vực ASEAN, mà còn trên toàn cầu. Chính vì vậy, ĐDSH là tài sản vô giá của loài người ở cả khía cạnh sức khỏe lẫn cuộc sống. Sự tồn tại của mỗi con người và cuộc sống bình yên có chất lượng cao của toàn nhân loại phụ thuộc rất nhiều vào ĐDSH trên Trái đất. Nếu tài sản vô giá này bị suy giảm, hoặc mất đi sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ về môi trường sống, mà còn tác động đến sức khỏe con người, sản lượng cây trồng, vật nuôi và nguồn nước. Theo Liên hợp quốc, khi các HST tự nhiên bị phá hủy thì con người cũng không còn được hưởng những dịch vụ miễn phí như nước, không khí trong lành và được bảo vệ trước những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đang ở mức đáng báo động. Sự suy giảm, nghèo kiệt của các HST trên rừng, dưới biển cùng với vấn nạn săn bắt, vận chuyển buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã dẫn đến nguy cơ nhiều loài động vật hoang dã bị tuyệt chủng. Theo các tổ chức quốc tế, chỉ hơn 40 năm gần đây đã có đến 60% quần thể các loài động vật hoang dã có xương sống bị suy giảm nghiêm trọng (IUCN) và ước tính có khoảng 1 triệu loài thực vật, động vật đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng (UNEP). Thêm vào đó, tình hình biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên không bền vững đã gây ra các cuộc khủng hoảng sinh thái, kinh tế và ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Điều đó sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến cuộc sống hiện nay và mai sau.
Chính vì vậy, sự liên kết về trí tuệ nhân tạo và công nghệ hiện đại trong cộng đồng ASEAN cùng với các dân tộc trên thế giới sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, phát huy sự hiểu biết trong khám phá các điều bí ẩn trong thiên nhiên, trong chu trình của các quy luật cân bằng sinh thái tự nhiên để vận dụng lồng ghép trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và BVMT, bảo tồn ĐDSH.
Cộng đồng ASEAN cùng hành động bảo tồn ĐDSH
Nhận thức được vai trò của thiên nhiên, hơn nửa thế kỷ qua, các nước thành viên ASEAN luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo tồn ĐDSH. Các quốc gia trong khu vực đã kết nối, xây dựng thành một cộng đồng ngày càng ổn định, vững mạnh về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, trong đó có BVMT, bảo tồn ĐDSH thông qua việc xây dựng hệ thống các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) trên đất liền, biển đảo và vùng đất ngập nước. Cho đến nay đã có hàng nghìn các khu bảo tồn (KBT) với mục đích bảo vệ các mẫu chuẩn của thiên nhiên có giá trị khoa học, giá trị kinh tế, các loài đặc hữu quý hiếm, các di sản thiên nhiên có giá trị văn hóa lịch sử. Tiêu biểu trong khu vực có các VQG: Ta Ses Merimbum (Brunei); Kinabulu, Mulu, Taman Nabara (Malaixia); Iglit Baco, MT-APO (Philipin)…
Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cũng hoàn thiện hệ thống pháp luật để đạt hiệu quả công tác quản lý. Ngay từ những năm 1960, Thái Lan đã có Luật Bảo vệ động vật hoang dã và đến năm 1961 có Luật Vườn quốc gia. Cho đến nay, Thái Lan đã có đến 77 VQG và KBT với diện tích 3.937.673 ha chiếm 7,61% diện tích tự nhiên của Thái Lan và dự kiến trong tương lai sẽ nâng số VQG, KBT lên 127 với diện tích là 6.488.062 ha và đề xuất xây dựng KBT xuyên biên giới với Myanma là 12 khu; với Lào là 5 khu; với Campuchia là 6 khu và với Malaixia là 5 khu. Thái Lan cũng là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có quyết định cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 1989 và chỉ cho phép khai thác gỗ rừng trống. Tại Inđônêxia - một đất nước có nhiều hòn đảo nhất (13.667) ở khu vực Đông Nam Á - Chính phủ đã thiết lập 320 KBTTN với tổng diện tích là 17.300.000 ha. Nếu tính cả diện tích KBT biển thì diện tích dành cho bảo tồn ĐDSH lên đến 21.250.000 ha, chiếm 11,1% diện tích lãnh thổ.
Việt Nam bảo tồn ĐDSH góp phần làm phong phú ĐDSH khu vực ASEAN
Ngay từ những ngày đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX, Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đề ra chủ trương BVMT, bảo tồn ĐDSH. Mặc dù trong những năm chiến tranh đầy gian khổ, khốc liệt, nhưng Chính phủ Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã. Đầu xuân năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Tết trồng cây” và đích thân Người đã trồng một số cây ven rừng núi Ba Vì. Đến nay đã trải qua 61 mùa xuân, phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ cây xanh trở thành một hành động văn hóa linh thiêng của toàn thể cộng đồng người Việt Nam, từ miền đồng bằng đến vùng núi và đến tận các hải đảo xa như Hạ Long, Côn Đảo, Phú Quốc, Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần làm phong phú ĐDSH các vùng miền.
Không chỉ trồng, bảo vệ cây, Chính phủ Việt Nam còn ban hành các quyết định cấm săn bắn voi, hổ, các loài thú, chim quý hiếm ở trong rừng, trong thành phố. Tháng 6/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định thành lập khu rừng cấm Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình với diện tích 22.000 ha. Đây là một khu rừng nguyên sinh nhiệt đới ẩm có ĐDSH cao với 2.234 loài thực vật, 669 loài động vật có xương sống, 2.000 loài côn trùng và hàng nghìn loài nhuyễn thể, giáp xác, thân mềm. Đặc biệt đã phát hiện loài voọc mông trắng - một loài thú linh trưởng đặc hữu của châu thổ sông Hồng Việt Nam và rất nhiều loài động vật, thực vật quý, hiếm. Từ đó đến nay, Việt Nam đã xây dựng hệ thống các KBTTN với 167 khu, trong đó có 34 VQG, 58 KBTTN, 14 KBT loài/sinh cảnh, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 16 KBT biển... với tổng diện tích 2.198.774 ha chiếm khoảng 7% diện tích tự nhiên cả nước và dự kiến sẽ nâng diện tích hệ thống KBTTN trong cả nước đạt khoảng 2.940.000 ha sau năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xây dựng được 4 hành lang ĐDSH tại hai vùng Đông Bắc và Nam Trung Bộ với tổng diện tích khoảng 120.000 ha...
Với sự nỗ lực, trách nhiệm cao của Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH - Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), cùng với sự phối hợp hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt các nước trong khối ASEAN - Trung tâm ĐDSH ASEAN, một số KBTTN ở Việt Nam đã được công nhận trên quốc tế và khu vực, đó là 2 khu di sản thiên nhiên thế giới, 8 khu Ramsar, 9 khu dự trữ sinh quyển và 10 vườn Di sản ASEAN. Việt Nam cũng là thành viên có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các Công ước quốc tế về ĐDSH (CBD), Công ước Ramsar, Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) để làm cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn. Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản, quy định pháp luật liên quan đến ĐDSH, trong đó có Luật BVMT (2014), Luật Thủy sản và Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Biển (2014), Luật ĐDSH (2008).
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật ĐDSH đã góp phần to lớn vào quá trình xây dựng, quản lý, bảo tồn ĐDSH Việt Nam. Có thể khẳng định, cho đến nay Việt Nam là quốc gia duy nhất trong các nước ASEAN và là một trong 10 quốc gia trên thế giới ban hành Luật ĐDSH. Đó là sự cố gắng nỗ lực đầy trách nhiệm của Bộ TN&MT, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao làm đầu mối quản lý nhà nước về môi trường và ĐDSH...
Điều này cũng thể hiện các hoạt động bảo tồn ĐDSH trong thời gian qua đã góp phần vào các hành động chung của các quốc gia Đông Nam Á trong sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH. Đây không chỉ đơn thuần phản ánh khách quan khoa học một bức tranh tổng thể về thành tựu của nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH vì sự phát triển bền vững (PTBV) trong khu vực, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của các chính phủ, khu vực ASEAN đối với các nước và nhân dân trên thế giới, vì một thiên nhiên khỏe mạnh để bảo tồn ĐDSH, phục vụ cho sự an bình và hạnh phúc của con người.
Đề xuất một số giải pháp bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam và khu vực
Một trong các vấn đề cần ưu tiên hiện nay là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong việc trao đổi thông tin, dữ liệu, hiện trạng, diễn biến ĐDSH, các kinh nghiệm trong quản trị ĐDSH nhằm ngăn chặn, đề phòng các nguy cơ nghèo kiệt HST tự nhiên, suy giảm hoặc mất các loài, đặc biệt các loài thực vật, động vật hoang dã quý, hiếm, đặc hữu trong khu vực ASEAN.
Phối hợp nghiên cứu xây dựng quy hoạch các KBTTN, các hành lang xanh xuyên quốc gia, tạo sự di chuyển an toàn cho các loài động vật hoang dã.
Tăng cường kiểm soát, quản lý việc khai thác vận chuyển buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trong từng quốc gia thành viên của khu vực ASEAN.
Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về lý luận và công nghệ nhằm quản lý bảo tồn ĐDSH trong PTBV.
Trung tâm ĐDSH ASEAN nên định kỳ tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm quản lý VQG, KBTTN, cũng như đối với các cơ quan quản lý bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH trong khu vực.
Cần có chính sách phù hợp thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp tư nhân tham gia quản lý VQG và phát triển du lịch sinh thái.
Trong hơn 50 năm qua, các quốc gia khu vực Đông Nam Á không những đã kết nối với nhau, mà còn liên kết rộng rãi với các nước trên thế giới để bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH vì sự bình an và hạnh phúc của con người. Với sự nỗ lực của các chính phủ thành viên, sự tham gia của cộng đồng các dân tộc trong đại gia đình ASEAN cùng sự giúp đỡ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên và ĐDSH ở khu vực Đông Nam Á không ngừng phát triển, thể hiện hệ thống các KBTTN, VQG, các khu di sản thiên nhiên, các cảnh quan thiên nhiên mang sắc thái của một thiên nhiên nhiệt đới tươi đẹp, là đầu vào của nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn trong PTBV. Tuy nhiên, các chính phủ và mọi người dân trong cộng đồng ASEAN cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý để là chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong khu vực, góp phần vào sự phong phú, làm giàu nguồn vốn xanh trên toàn cầu.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)