Banner trang chủ

Vai trò của đa dạng sinh học trong giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu tại Kiên Giang

06/08/2020

    Tỉnh Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam, phía Đông và Đông Nam giáp với các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Hậu Giang, phía Nam giáp Cà Mau, phía Bắc giáp Cam-pu-chia với đường biên giới dài 54 km. Ngoài ra, Kiên Giang còn có hơn 200 km bờ biển và hơn 100 hòn đảo lớn, nhỏ ngoài vịnh bao gồm Vườn quốc gia (VQG) Phú Quốc, VQG U Minh Thượng đã tạo nên nguồn tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH) phong phú. Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra trên quy mô toàn cầu, Kiên Giang cũng đang phải chịu những ảnh hưởng không nhỏ của BĐKH và nước biển dâng tác động tới ĐDSH, các hệ sinh thái và đời sống của người dân địa phương.

 

VQG U Minh Thượng có những giá trị ĐDSH điển hình ở Kiên Giang

 

ĐDSH tại Kiên Giang

    Với diện tích rộng bao gồm cả biển, đảo, đất liền, tỉnh Kiên Giang có nguồn tài nguyên ĐDSH phong phú về nhóm sinh vật biển, sinh vật cạn, điển hình với hệ đa dạng sinh vật ở đảo Phú Quốc trên biển và trong đất liền.

    VQG Phú Quốc có diện tích 31.422 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 8.786 ha; phân khu phục hồi sinh thái là 22.603 ha; phân khu hành chính, dịch vụ 33 ha. Hệ thực vật của VQG có quan hệ mật thiết với hệ thực vật đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), miền Đông Nam bộ và hệ thực vật Đông Dương, cũng như khu vực Đông Nam Á với sự giao nhau của 3 luồng di cư chủ yếu: Từ phía Nam lên là luồng thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật Malaixia - Inđônêxia với đặc trưng là các loài cây họ dầu; Từ phía Bắc là khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Quốc với hàng chục họ thực vật khác nhau, trong đó có các họ đặc trưng như sim, hồng, đại kích, mãng cầu, xoan; Từ ĐBSCL với các loài tiêu biểu như tràm, đước. Bên cạnh đó, hệ động vật cũng rất phong phú và đa dạng với lớp thú có 26 loài; lớp chim có 84 loài; lớp bò sát có 29 loài; lớp lưỡng thể có 11 loài. Trong đó có tới 23 loài động vật, 13 loài lưỡng cư bò sát và 10 loài thú được ghi trong sách Đỏ Việt Nam. Các loài có nguy cơ tuyệt chủng (cấp độ E) bao gồm: Hổ mây, vích, đồi mồi, chồn bay, voọc mông trắng và gấu chó.

    Rừng trên đảo Phú Quốc chiếm tới 60% diện tích tự nhiên và tập trung ở phía Bắc đảo trên dãy Hàm Ninh, dãy Hàm Rồng. Rừng lá rộng ước tính khoảng 32.000 ha với nhiều loài cây gỗ quý như kiền kiền, săng lẻ, chai, vên vên, sao đen, sao đỏ… Ngoài ra, trên đảo còn có khoảng hơn 3.000 ha rừng tràm dọc lưu vực các rạch, khoảng 120 ha rừng ngập mặn chủ yếu ở vùng cửa rạch Cửa Cạn và Dương Đông. Hệ sinh thái biển ở vùng biển quanh đảo Phú Quốc cũng rất phong phú với nhiều rạn san hô, thảm cỏ biển. Theo thống kê, Phú Quốc ghi nhận 89 loài san hô thuộc 37 giống san hô cứng, 1 loài thủy tức, 19 loài san hô mềm và san hô sừng là nơi sinh sống của 132 loài thân mềm có kích thước lớn, 135 loài cá, thuộc 60 giống, 27 họ. Phú Quốc được coi là nơi có diện tích cỏ biển lớn nhất ở Việt Nam, trên 12.000 ha, phân bố chủ yếu từ Bãi Thơm đến Hàm Ninh với 9 loài cỏ biển được xác nhận. Đặc biệt, Phú Quốc là một trong hai vùng biển duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại loài bò biển, theo ước tính đạt tới 120 con.

    Trên đất liền, VQG U Minh Thượng có những giá trị ĐDSH điển hình ở Kiên Giang. Khu vực này nằm ở trong vùng ngập nước bao gồm rừng trên đất than bùn, trảng cỏ ngập nước theo mùa và vùng đầm lầy trống. VQG U Minh Thượng có tổng diện tích 8.053 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 7.838 ha, phân khu phục hồi sinh thái 200 ha, phân khu hành chính, dịch vụ là 15 ha và 13.069 ha vùng đệm. Với tầng đất mặt bao bởi lớp than bùn dầy từ 1 - 3 m, VQG U Minh Thượng là nơi có diện tích rừng trên đầm lầy than bùn đáng kể còn lại của Việt Nam và là một trong ba vùng ưu tiên bảo tồn đất ngập nước ở ĐBSCL. Nơi đây còn là nơi cư trú của hơn 250 loài thực vật, 32 loài thú, 39 loài bò sát và lưỡng cư, 34 loài cá trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Hiện tại có 186 loài chim đã ghi nhận tại U Minh Thượng, bao gồm 9 loài bị đe dọa toàn cầu hoặc gần bị đe dọa toàn cầu như điềng điễng,  bồ nông chân xám, giang sen, già đẫy nhỏ, quắm đầu, quắm, đại bàng đen, diều cá, rồng rộc vàng.

Tác động của BĐKH tới ĐDSH tại Kiên Giang

    Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Trong những năm qua, dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ các thiên tai ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường.

    Cũng như các địa phương khác, tại Kiên Giang, BĐKH đang gây các tác động tới ĐDSH, từ cấp độ loài cho đến hệ sinh thái. Sự gia tăng nhiệt độ và nước biển dâng gây các tác động tới giới hạn các hệ sinh thái, theo đó một số hệ sinh thái sẽ mở rộng diện tích, trong khi một số hệ sinh thái khác sẽ bị thu hẹp, thậm chí biến mất. BĐKH làm gia tăng đe dọa và đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng của một số loài, làm thay đổi hệ sinh thái cả khu vực từ dạng này sang dạng khác. Các tác động của lũ lụt, nước biển dâng, biến đổi thời tiết... làm thay đổi môi trường sống tự nhiên đồng nghĩa với việc các khu vực được thiết kế để bảo vệ loài riêng biệt cũng trở nên không còn thích hợp cho sự lưu trú của các loài nữa.

   Việc cháy rừng để lộ và khô tầng than bùn là hiện tượng diễn ra hàng năm trong mùa khô của VQG U Minh Thượng. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ảnh hưởng tới ĐDSH của VQG. So với thời kỳ năm 1980 - 1999, nhiệt độ trung bình của tỉnh Kiên Giang dự báo tăng trung bình 1,1oC năm 2050 và 2,1oC vào năm 2100. Do ảnh hưởng của BĐKH, nhìn chung, lượng mưa trong mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4) giảm từ 8 - 12%, độ ẩm tương đối trung bình giảm từ 3 - 7%. Vậy trong tương lai, mùa khô sẽ ngày càng khô nóng, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ cháy đe dọa thiêu rụi toàn bộ diện tích rừng tràm tự nhiên còn lại của VQG U Minh Thượng, đe dọa hệ động, thực vật, đặc biệt đe dọa nơi cư trú của các loài chim quý hiếm trong rừng.

    Hệ sinh thái biển, cửa sông ven biển tại Kiên Giang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do các hệ quả của BĐKH. Mực nước biển dâng không chỉ làm tăng độ sâu của biển (làm giảm ánh sáng khuyếch tán xuống nền đáy, ảnh hưởng tới sự quang hợp của cỏ biển, cũng như hoạt động của các sinh vật biển), mà còn gây ra hiện tượng xâm nhập mặn vào đất liền (làm tăng độ muối ở các vùng cửa sông gây ảnh hưởng đến các loài sinh vật, khu rừng ngập mặn). Bên cạnh đó, sự gia tăng nồng độ CO2 trong nước biển gây ảnh hưởng tới độ pH (a-xit hóa) làm vôi hóa rạn san hô (theo nhận định của các chuyên gia 70% rạn san hô trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng do sự axit hóa đại dương gây ảnh hưởng tới sự quang hợp của cỏ biển...

    Như vậy, có thể thấy, tác động của BĐKH với các hệ quả là các hiện tượng thời tiết cực đoan, sự thay đổi các dòng chảy biển, sự lấn sâu của xâm nhập mặn... đã, đang và sẽ ảnh hưởng tới các hệ sinh thái đặc trưng của Kiên Giang, qua đó, tác động trực tiếp đến ĐDSH, đất canh tác, nguồn lợi thủy, hải sản - sinh kế của người dân, nguồn nước ngọt (vai trò lọc và duy trì nguồn nước ngọt của VQG U Minh Thượng), hoạt động du lịch... tại địa phương này.

Vai trò của ĐDSH trong giảm thiểu tác động của BĐKH

    Hệ sinh thái có kích thước càng lớn, tính đa dạng càng cao thì càng đảm bảo được tính đàn hồi và chức năng sinh thái. Bên cạnh các nỗ lực từ con người như xây đê biển, xây dựng hệ thống cảnh báo thì ĐDSH hay cụ thể là hệ sinh thái rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, đất ngập nước... sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc giảm thiểu các mối đe dọa do BĐKH tác động tới cuộc sống con người. Với vai trò đảm bảo nguồn nước, nguồn thủy hải sản, nguồn tài nguyên để phát triển du lịch, ĐDSH trên thế giới nói chung và Kiên Giang nói riêng còn trực tiếp tham gia vào quá trình giảm thiểu tác động của sự gia tăng các tai biến môi trường do ảnh hưởng của BĐKH.

   Các hệ sinh thái nêu trên là lá chắn bảo vệ bờ biển khỏi sự tàn phá của các trận bão, chống xói lở bờ biển... Với đặc trưng cấu tạo thân, rễ neo chặt vào nền đá, phát triển ở độ sâu từ 0 – 20 m so với mực nước biển, thảm cỏ biển và rạn san hô đã thể hiện vai trò giúp làm giảm năng lượng sóng và chống xói lở bờ biển. Theo nghiên cứu của Kono và Tsukuysama (1980) khả năng giảm năng lượng sóng của rạn san hô phụ thuộc vào chiều dài, độ lớn, hình dạng của rạn san hô, trung bình rạn san hô làm giảm 75 - 86% năng lượng sóng. Rừng ngập mặn đóng vai trò trong việc mở rộng đất liền, nuôi dưỡng các động vật vùng triều và bảo vệ đê biển, môi trường, đặc biệt trong tình trạng BĐKH. Nơi nào có rừng ngập mặn còn nguyên vẹn thì thiệt hại rất ít vì rừng ngập mặn có thể làm giảm 50 - 90% chiều cao của sóng và 90% năng lượng của sóng lớn. Kiên Giang với tổng chiều dài 200 km đường bờ biển, khoảng 34% chiều dài bờ biển đã và đang bị xói lở, một số khu vực bị xói lở khoảng 24 m bờ biển mỗi năm, dự đoán tương lai khoảng 23% chiều dài bờ biển có khả năng bị xói lở chủ yếu do mất rừng ngập mặn.

    Cùng với đại dương, thực vật và đất chính là các bể chứa các bon khổng lồ. Việc trồng rừng và tái trồng rừng không chỉ làm tăng khả năng hấp thụ khí thải các bon, mà còn khôi phục lại các chức năng của lưu vực sông, cân bằng hệ thống sinh học... Theo ước tính hiện nay, rừng ngập mặn tại Kiên Giang chứa tới 269.089 tấn các bon, nếu bị tiêu hủy thì lượng các bon giải phóng vào khí quyển từ sinh khối rừng đã lên tới 269.089 tấn các bon; chưa kể đến lượng các bon trong các khu rừng tràm và trong tầng than bùn dưới đất rừng. Một giả thiết khác đặt ra, nếu rừng tại Kiên Giang phát triển tốt, chỉ với diện tích rừng ngập mặn hiện có trữ lượng các bon tích lũy trong sinh khối (biomass) có thể lớn gấp 3,5 lần hiện tại, góp phần vào việc điều hòa khí hậu, phòng tránh thiên tai, đặc biệt là làm giảm hiện tượng hiệu ứng nhà kính.

    Có thể thấy, sự tồn tại của các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn... tại Kiên Giang chính là sự đảm bảo cho cuộc sống của cư dân trong vùng trước các tác động đã và đang diễn ra do BĐKH. Vì vậy, việc bảo vệ ĐDSH, đảm bảo chức năng của các hệ sinh thái tự nhiên là giải pháp hữu hiệu để ứng phó trước những tác động của hiện tượng BĐKH cũng như trước những thay đổi của môi trường cho tỉnh Kiên Giang.

Giải pháp đặt ra cho vấn đề ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH tại Kiên Giang

    Để bảo vệ và giữ gìn các giá trị của ĐDSH cho việc giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, Kiên Giang cần triển khai các giải pháp:

   Duy trì và phục hồi các hệ sinh thái bản địa: Bảo vệ và tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái; Quản lý môi trường sống cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng; Tạo nơi cư trú và vùng đệm cho các loài; Thiết lập mạng lưới các khu bảo tồn biển dựa trên các thay đổi trong dự báo về khí hậu. Bên cạnh vấn đề nâng cao vai trò và sự chủ động thích ứng của cấp quản lý đối với các tác động tới ĐDSH nói chung mà cụ thể là vấn đề BĐKH nói riêng, Kiên Giang cần tích cực triển khai các dự án, nghiên cứu phương thức để bảo vệ nguồn lợi ĐDSH, cũng như ứng phó với BĐKH.

    Thay đổi phương thức phát triển kinh tế: Các nhà quản lý, cơ quan, công ty, tổ chức cần gắn kết phương thức phát triển kinh tế xanh, bền vững để giảm thiểu tối đa các tác động không đáng có của con người đối với các hệ sinh thái tại địa phương bao gồm: Xây dựng các mô hình kinh tế nhỏ phù hợp với quy mô hộ gia đình cho nhân dân, hạn chế sức ép của người dân đến nguồn lợi thủy sản và san hô, cỏ biển, hệ sinh thái rừng. Hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho các hoạt động đào tạo lao động, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển sinh kế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình vay vốn đầu tư vào các hoạt động kinh tế. Xây dựng và triển khai thực hiện các đề án khai thác và bảo vệ cảnh quan khu vực có san hô, cỏ biển, rừng, vườn chim trở thành khu du lịch sinh thái.

    Nâng cao nhận thức cộng đồng: Tổ chức phổ biến các quy định của pháp luật, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau như hội thảo, tập huấn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về BVMT, bảo vệ san hô và cỏ biển, rừng phòng hộ, rừng tràm, hệ sinh thái đất ngập nước… Vận động, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong huyện như Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh phát động các phong trào thi đua BVMT. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cộng đồng và các cơ quan quản lý.

 

TS. Nguyễn Hữu Ninh

Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Môi trường Hà Nội

ThS. Phạm Thị Nhâm

Hội Sinh thái học Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

Ý kiến của bạn