Banner trang chủ

Vốn xã hội trong bảo tồn đa dạng sinh học ở Liên minh châu Âu và kinh nghiệm cho Việt Nam

12/01/2017

   Cùng với sự phát triển của nhân loại, cộng đồng các quốc gia ở châu Âu và Việt Nam nói riêng có sự tồn tại, tích lũy và phát triển của nhiều loại hình vốn khác nhau, trong đó có vốn xã hội (VXH). Trong công tác BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), VXH là một trong những yếu tố chính, quyết định đến tính bền vững của hệ sinh thái (HST). Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá có nhiều thành công trong lĩnh vực BVMT, bảo tồn ĐDSH nhờ áp dụng các giải pháp phát huy nguồn VXH sẵn có.

   Khái quát chung về VXH trong BVMT, bảo tồn ĐDSH

   Cho đến nay, VXH đã được đề cập nhiều trong các nghiên cứu trên thế giới, song chưa có một định nghĩa thống nhất. Tuy nhiên, có thể hiểu một cách khái quát theo cách định nghĩa của Francis Fukuyama, VXH là “chuẩn mực” phi chính thức của cộng đồng về BVMT, bảo tồn ĐDSH. Theo đó, VXH sẽ phụ thuộc vào cấu trúc của mỗi nền văn hóa khác nhau, trong cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên. Ví dụ, ở Bắc Âu, mức độ tham gia của cộng đồng vào các hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động BVMT, bảo tồn ĐDSH cao hơn nhiều ở các quốc gia Đông, Tây Âu. Điều này được lý giải xuất phát từ truyền thống văn hóa canh tác nông nghiệp trong lịch sử cần có sự chia sẻ, liên kết của cộng đồng, kết hợp với việc thi hành chế độ phúc lợi cao mà các Nhà nước ở Bắc Âu thực hiện. Ở các quốc gia Bắc Âu những hoạt động mang tính hiệp hội, cộng đồng (NgO, công đoàn) được thể chế hóa rộng rãi nên đã phát huy tốt nguồn VXH.

Azores, Bồ Đào Nha là địa danh du lịch nổi tiếng nhờ lợi thế về thiên nhiên vốn có

   Mặc dù, châu Âu được đánh giá là khu vực có nền văn hóa khá đa dạng, song đặc điểm chung nhất đây là nền văn hóa của những người “sống trên lưng ngựa”, họ tôn trọng tự nhiên và muôn loài. Điều này, góp phần tạo nên “chuẩn mực” đạo đức riêng, luôn thường trực trong ý thức của người châu Âu về bảo vệ, bảo tồn các HST. Chẳng hạn, chuẩn mực “không ăn thịt các loại thú rừng” có ở hầu hết cộng đồng văn hóa phương Tây, trong khi đó người Việt Nam lại coi đây là những món đặc sản và sẵn sàng chi trả để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Ngày nay, chuẩn mực về BVMT còn được người dân châu Âu ý thức rõ và được thể hiện thông qua việc xả rác thải đúng loại, đúng nơi quy định hoặc không hút thuốc lá ở những khu vực công cộng...

   Bên cạnh đó, trong BVMT, bảo tồn ĐDSH có sự phụ thuộc nhất định giữa VXH với khả năng kinh tế và vị trí xã hội của họ. Những người có điều kiện kinh tế, vị thế xã hội thường chấp nhận “hy sinh” lợi ích cá nhân để được sống trong một môi trường trong lành, hài hòa với tự nhiên và các loài.

   Sử dụng VXH trong bảo tồn ĐDSH ở châu Âu

   Ở EU, VXH được đánh giá thông qua một số dấu hiệu cơ bản bao gồm: Thành viên của các hiệp hội bảo tồn, bảo vệ thiên nhiên; chỉ số niềm tin; các chỉ số liên kết VXH (mạng xã hội, hỗ trợ xã hội)...

   Tại khu vực đất nông nghiệp và rừng tự nhiên, người dân EU có nhận thức về mối quan hệ giữa HST nông nghiệp và tự nhiên, vì vậy họ tự nguyện bảo vệ ĐDSH, bằng các quy định, quy tắc bắt buộc do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Ở một số nơi còn xây dựng các nhóm cộng đồng tự nguyện bảo vệ ĐDSH.

Bảng 1. Nhóm cộng đồng tự nguyện bảo vệ ĐDSH ở Anh

Các nhóm xã hội

Các mục tiêu nhằm cải thiện ĐDSH

ĐDSH trong nông nghiệp và đa dạng hóa hệ thống trang trại

ĐDSH tại các vùng đệm

ĐDSH tại các khu vực cần bản tồn nghiêm ngặt

Nhóm bảo vệ và quản lý lưu vực

 

x

 

Nhóm quản lý rừng

 

x

x

Nhóm sử dụng hợp lý nguồn nước

x

 

 

Nhóm quản lý dịch hại tổng hợp

x

x

 

Nhóm quản lý động vật hoang dã

 

x

x

Nhóm quản lý nghề cá

 

x

X

Nhóm nông nghiệp nông thôn và cải thiện môi trường sống

X

x

 

Nguồn: Jules Pretty and David Smith, (2004), “Social Capital in Biodiversity Conversation and Management”, Conservation Biology.No.3, Volume 18, pp. 634.

   Như vậy, những người tham gia vào các nhóm này đều nhận thức được việc bảo vệ ĐDSH sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tập thể và cá nhân. Thực tế cho thấy, vào những năm 1990, ở Anh có khoảng 408 - 478 nghìn nhóm cộng đồng BVMT.

   Nguồn VXH trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH cũng có sự thay đổi tùy thuộc vào mức độ quan tâm của chính quyền dành cho từng khu vực nhằm duy trì, phát triển những chuẩn mực phi chính thức. Ví dụ, hệ thống nuôi trồng, canh tác nông nghiệp truyền thống ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha được duy trì mức độ ĐDSH cao nhờ có các chương trình hỗ trợ bảo tồn truyền thống canh tác của nông dân địa phương. Hoặc tại Pháp đã có nhiều chương trình hỗ trợ tích cực giúp người dân duy trì truyền thống canh tác, xây dựng các trang trại nông, lâm, ngư nghiệp kiểu công viên. Những hỗ trợ này được người dân địa phương hưởng ứng mạnh, từ đó duy trì, phát huy được truyền thống canh tác quý báu. Như vậy, nguồn vốn này không dễ được khơi dậy bởi các chính sách của nhà nước nhưng nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy thông qua giáo dục, tuyên truyền tạo ra thế hệ công dân có trách nhiệm với môi trường. Chẳng hạn, ở Đan Mạch, trẻ em được phân công thành các nhóm học lý thuyết cũng như thực hành về bảo vệ ĐDSH từ đó giúp các em làm quen dần với cách làm việc nhóm.

   Ngoài ra, để bảo tồn ĐDSH thì cộng đồng người dân địa phương phải được hưởng lợi từ việc bảo tồn thông qua việc khai thác các nguồn tài nguyên ở đó cho mục đích thực phẩm, hàng hóa, du lịch sinh thái... Cũng như việc bảo vệ các loài chim ở Tây Ban Nha, ngoài nỗ lực của Chính phủ, phải có những đóng góp của cộng đồng địa phương, thay đổi thói quen canh tác cũ bằng hình thức xây dựng “chuẩn mực” canh tác mới nhằm giữ gìn sinh cảnh sống cho các loài chim. Các khu vực canh tác được thực hiện theo phương thức luân canh vừa tạo ra được lượng thực phẩm thiết yếu hàng ngày vừa duy trì được chỗ trú ẩn cho các loài.

   Thực tế cho thấy, “mạng lưới xã hội” ở châu Âu rất phát triển, trong lĩnh vực BVMT, với sự xuất hiện nhiều tổ chức tình nguyện trong những năm gần đây. Trong một điều tra của Claire Wallace và được Euro Barometer ghi nhận có tới 62,2% số người được hỏi khẳng định họ là thành viên của 14 tổ chức khác nhau, trong đó là thành viên của các tổ chức về BVMT, ĐDSH. Mức độ tham gia của các thành viên cao nhất là các nước Bắc Âu, sau đó giảm dần ở Tây Âu và thấp nhất ở Đông Nam châu Âu.

   Đề xuất những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

   ĐDSH đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng của các chu trình và HST trong tự nhiên, đồng thời là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển đất nước. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng suy thoái ĐDSH do khai thác sử dụng đất bừa bãi, thói quen đánh bắt hủy diệt, xây dựng cơ sở hạ tầng ồ ạt…. Để BVMT và ĐDSH, Việt Nam nên áp dụng các giải pháp về sử dụng nguồn VXH như:

   Giải pháp vĩ mô

   Xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, mạng lưới cộng đồng về BVMT, bảo tồn ĐDSH; Khuyến khích, ưu đãi trong xây dựng, gìn giữ các quy tắc, chuẩn mực về BVMT, bảo tồn ĐDSH; tổ chức tuyên dương, hỗ trợ cho các cá nhân tập thể có sáng kiến hay về bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm.

   Đồng thời, cần có chính sách phát huy VXH. Các cơ quan hoạch định chính sách của Nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế tham gia hiệu quả của cộng đồng, mạng lưới xã hội, nhất là những cộng đồng sử dụng quá mức nguồn tài nguyên ĐDSH; xóa bỏ thói quen ăn thịt các loại động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị đe dọa ...

   Hiện nay, Việt Nam có nhiều tổ chức xã hội phi lợi nhuận về bảo tồn ĐDSH đang hoạt động từ Trung ương đến địa phương như các Hội, Đoàn thể, Hiệp hội ... Do vậy, công tác quản lý cần được Nhà nước chú trọng, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức này tự quản một cách có trách nhiệm theo “điều ước, hương ước” mà tổ chức này đề ra.

   Giải pháp vi mô

   Để nguồn VXH trong bảo vệ ĐDSH phát huy tốt ở cấp độ cộng đồng, cần có những biện pháp duy trì, phát huy thông qua việc giám sát, nhắc nhở cá nhân thực hiện bảo vệ ĐDSH.

   Các hoạt động truyền thông về BVMT, bảo vệ ĐDSH phải tiến hành thường xuyên, đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở các khu bảo tồn thiên nhiên.

   Đẩy mạnh giáo dục đạo đức môi trường, bảo vệ ĐDSH từ gia đình tới trường học; ưu tiên cho học sinh tham gia vào các hành trình khám phá tìm hiểu tự nhiên, tích lũy thêm những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống cũng như khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước.

   Ngoài ra, cần tập trung bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, lãnh đạo, các nhà khoa học có tình yêu sâu sắc với thiên nhiên, am hiểu về ĐDSH để phát huy tốt vai trò của người lãnh đạo tập thể, tham gia vào các phong trào BVMT.

TS. Nguyễn Thị Ngọc

Viện Nghiên cứu châu Âu

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn