Banner trang chủ

UNIDO đồng hành với Việt Nam trong phát triển công nghiệp bền vững

21/08/2018

     Năm 2018 đánh dấu 40 năm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) (1978 - 2018). Trong những năm qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của UNIDO trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, giáo dục và đào tạo...

     Để tìm hiểu về những hoạt động, chiến lược hợp tác của UNIDO với Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc UNIDO Li Yong nhân dịp ông đến Đà Nẵng tham dự Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6).

 

Tổng Giám đốc UNIDO Li Yong

 

PV: Là một trong những cơ quan phối hợp tổ chức các sự kiện bên lề tại Kỳ họp GEF6, ông đánh giá thế nào về kết quả của Kỳ họp?

Ông Li Yong: Theo tôi, GEF6 là một kỳ họp thành công và Việt Nam đã tạo ra được một bước tiến mới khi đăng cai tổ chức sự kiện về môi trường quan trọng này. Tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam, Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan đã nỗ lực phối hợp với GEF tổ chức thành công Kỳ họp này. Kỳ họp đã đạt được mục tiêu đề ra là tăng cường và mở rộng hợp tác trên phạm vi toàn cầu để giải quyết các vấn đề môi trường. Đây là một cơ hội tốt để giúp các quốc gia thực hiện Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu trong thời gian tới, đồng thời, góp phần giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu.

PV: Trong 40 năm qua, UNIDO đã triển khai những dự án gì nhằm giúp Việt Nam phát triển một nền công nghiệp bền vững, thưa ông?

Ông Li Yong: UNIDO là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc có nhiệm vụ phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở các nước đang phát triển, cũng như các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. UNIDO bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1978 với vai trò hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn chính sách, chiến lược tổng thể cho các dự án phát triển công nghiệp.

     Trong 40 năm qua, UNIDO đã thiết lập quan hệ đối tác với các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, TN&MT, các hiệp hội doanh nghiệp, trường đại học tại Việt Nam và triển khai nhiều dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau nhằm phát triển công nghiệp, chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực thương mại, phát triển nguồn nhân lực, BVMT, năng lượng bền vững… với số tiền giải ngân lên đến hơn 100 triệu USD. Các dự án đã được thực hiện hiệu quả, nhằm giúp Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội bền vững và công bằng.

     Đối với lĩnh vực môi trường, UNIDO ưu tiên thực hiện các dự án sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu. UNIDO đã hỗ trợ tư vấn chính sách, cung cấp thông tin, triển khai các chương trình xúc tiến công nghệ sạch, cũng như kiểm toán môi trường và năng lượng; hỗ trợ Việt Nam đánh giá trước khi phê chuẩn Công ước Minamata về kiểm soát thủy ngân trong sản xuất để tránh những tác động nguy hại đến con người và môi trường; triển khai Dự án Trình diễn áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời, nhằm thực hiện Công ước Stốckhôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)... Đặc biệt, một trong các dự án đạt được kết quả tích cực trong thời gian gần đây là Dự án Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái (KCNST) hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam. Hiện Dự án đã kết thúc giai đoạn 1 và sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2.

 

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp Tổng Giám đốc UNIDO Li Yong ngày 27/6/2018 bên lề Kỳ họp GEF6

 

 

 

PV: Theo ông, để đạt kết quả trên con đường phát triển bền vững, Việt Nam cần phải quan tâm đến vấn đề gì? Thời gian tới, UNIDO có kế hoạch gì để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển nền công nghiệp toàn diện và bền vững?

Ông Li Yong: Tại Kỳ họp GEF6 lần này, tôi rất hân hạnh được gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong cuộc gặp, Thủ tướng đã nhấn mạnh đến một nền kinh tế ít phát thải khí nhà kính, nền kinh tế tuần hoàn. Đây là một chiến lược đúng đắn, tuy nhiên, con đường hướng tới phát triển bền vững đối với Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Theo tôi, để thực hiện thành công phát triển bền vững, Việt Nam cần phải quan tâm đến việc phát triển công nghiệp và BVMT. Hai vấn đề này có mối quan hệ chặt chẽ và phải song hành với nhau. KCNST chính là công cụ để hỗ trợ phát triển công nghiệp bền vững.

     Thời gian tới, UNIDO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển nền công nghiệp toàn diện và bền vững, trong đó tập trung hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất của các ngành công nghiệp mũi nhọn (tự động hóa, cơ khí điện tử) và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, UNIDO sẽ hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ sáng tạo; đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với GEF, UNIDO sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi hướng tới kinh tế tuần hoàn thông qua sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, áp dụng mô hình KCNST, quản lý hóa chất và rác thải một cách bền vững. Tôi tin tưởng rằng, đến năm 2035, nền kinh tế của Việt Nam sẽ là một nền kinh tế toàn diện, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng hiệu quả và cạnh tranh công bằng trên thị trường hội nhập toàn cầu.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Phương Linh (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)

Ý kiến của bạn