Banner trang chủ

U ám làng chì

10/01/2014

     Không chỉ được biết đến là “thủ phủ” tái chế chì ở miền Bắc, làng Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) còn nổi danh là nơi “cơm trộn chì”, “máu pha chì” với bao ẩn họa đối với sức khỏe con người. Chì “nhuộn đen” tương lai của những đứa trẻ thơ ngây nơi đồng quê yên tĩnh này.

     Ô nhiễm môi trường - Dân làng “lĩnh đủ”

 

“Xây tạm” tường rào bằng vỏ bình ắc quy

 

     Chiều cuối năm, Đông Mai như u ám hơn bởi đầu làng cuối xóm, từ ngoài đồng đến nhà dân, đâu đâu cũng chỉ thấy một mầu xám của chì, màu đen của than, vỏ bình ắc quy cũ vương vãi khắp nơi. “Hướng dẫn viên” Phùng Văn Thành, mồm bỏm bẻm nhai trầu, dẫn tôi đi quanh làng và than phiền: “Ngột ngạt lắm, khó thở lắm!”

     Theo lời ông, Đông Mai là làng nghề đúc đồng truyền thống. Nhưng từ khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, các hộ chuyển sang nghề tái chế chì từ bình ắc quy (BAQ) cũ hỏng.

     Sau khi thu gom từ nhiều nguồn về, BAQ được tháo rút phần axit còn sót lại, rồi được “hẩy”-phá dỡ- để lấy các tấm chì bên trong. Chì thu được đưa vào lò nung để loại bỏ tạp chất và đổ thành từng thỏi. Bước cuối cùng là quét bột khói để tạo mầu phấn phía ngoài các thỏi chì và xuất bán.

     Lượng axit còn sót lại được xúc rửa và đổ thẳng xuống cống, rãnh, ao, hồ. Vỏ bình nhựa màu trắng được nghiền và bán cho các cơ sở tái chế, còn vỏ nhựa đen thì bị bỏ đi, chất đống ở bất cứ nơi nào có thể. Trong quá trình nấu chì, một lượng khói, bụi than và bụi chì, xỉ than, đồ phế thải… không qua bất cứ công đoạn xử lý nào được thải trực tiếp ra môi trường. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển chì và các loại phế thải nhiễm chì… theo các phương tiện vận chuyển không được che chắn phát tán khắp nơi. Đặc biệt, nhân công làm việc không được trang bị đồ bảo hộ lao động, với áo quần nhiễm chì và hóa chất, vô hình trung trở thành nguồn gây ô nhiễm chì cho chính bản thân và những người trong gia đình.

     Những lò luyện chì xen lẫn trong khu dân cư không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn gián tiếp phát tán chì vào nguồn nước và thảm động, thực vật. Một nghiên cứu trước đây cho thấy, hàm lượng chì trong nguồn nước tại các ao, hồ, giếng trong làng đo được đều ở mức trung bình là 0,77 mg/lít nước, trong khi theo tiêu chuẩn Việt Nam, con số này chỉ được phép ở mức 0,05 mg/lít. Đặc biệt, do nguồn nước mặt bị nhiễm chì, nên mẫu bèo tại các ao làng cũng nhiễm chì tới mức trên 430 mg/kg, còn mẫu rau muống trên 168 - 430 mg/kg.

     Ông Trịnh Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo - cho biết, vào những năm 2000, làng nghề có tới cả trăm xưởng tái chế chì hoạt động suốt ngày, đêm. Hàng nghìn người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trong làng hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp bị nhiễm độc chì. Rất nhiều trẻ em đang phải hứng chịu những tác động không mong muốn đến hệ thần kinh cùng những di chứng, như: chậm phát triển trí não, còi cọc… do hàm lượng chì trong máu vượt quá ngưỡng cho phép.

     Năm 2012, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) và trường Đại học Washington (Hoa Kỳ) đã chọn ngẫu nhiên 109 trẻ em dưới 10 tuổi tại Đông Mai để xét nghiệm hàm lượng chì trong máu. Kết quả 100% các em có hàm lượng chì trong máu vượt quá ngưỡng cho phép là 5 ug/dl. Cụ thể, 15 em nhiễm ở ngưỡng nguy hiểm (65 ug/dl); 17 em ở mức báo động (45 - 65 ug/dl); 70 em ở mức quá cao (25 - 44 ug/dl) và 7 em nhiễm ở mức cần quan tâm (10 - 19 ug/dl).

     Chính quyền địa phương “đủng đỉnh”?

 

 

     Trước tình trạng đó, nhiều cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế và các tổ chức phi chính phủ đã đến điều tra, khảo sát, lên phương án hỗ trợ. Đặc biệt, năm 2003, trong Quyết định 64-2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” đã “điểm danh” địa phương này. Nhưng đến nay, các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa có những động thái quyết liệt.

     Gần đây nhất, đầu tháng 5/2013, Viện Blacksmith - tổ chức nghiên cứu môi trường quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ - đã tiến hành khảo nghiệm 236 mẫu đất tại Đông Mai. Kết quả cho thấy, hàm lượng chì ở mức từ 400-5.000 mg/kg, vượt mức tiêu chuẩn cho phép của Hòa Kỳ ở khu vực dân cư là 400 mg/kg. Hàm lượng chì tại các mẫu đo gần các xưởng hoặc nhà ở nơi diễn ra hoạt động tái chế chì trước đây (giờ không còn hoạt động) đều cao trên 5.000 mg/kg, thậm chí có nơi lên đến 20.000 mg/kg. Ngoài ra, với một số mẫu phế thải rơi vãi từ các phương tiện vận chuyển, kết quả đo được cũng cho thấy hàm lượng chì rất cao.

     Trong khi các đơn vị, tổ chức quốc tế “đôn đáo” với nỗi lo tình trạng ô nhiễm chì ở Đông Mai ngày càng nguy hiểm thì lãnh đạo địa phương cho biết, đến nay, ngoài cuộc điều tra nói trên thì chưa có bất kỳ hoạt động khắc phục và xử lý ô nhiễm nào được thực hiện. Dù từ năm 2000, chính quyền địa phương đã có một số hoạt động giúp giảm tác động không mong muốn từ việc phơi nhiễm chì bằng việc xây lát một số tuyến đường, sân vườn và mương tiêu thoát nước, tổ chức một vài lớp tập huấn, đào tạo về tác hại của chì đối với sức khỏe.

     Nhưng, những động thái này không giúp được nhiều trong việc giảm thiểu tác hại ô nhiễm chì đối với môi trường và con người. Vì vậy, trong Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Mục tiêu trước mắt đến năm 2007: Tập trung xử lý triệt để 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” trong đó có làng nghề tái chế đồng, chì, kẽm thuộc xã Chỉ Đạo.

     Thế nhưng, đến tháng 2/2010, UBND tỉnh Hưng Yên mới có Quyết định 491/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề xã Chỉ Đạo với diện tích trên 21,8 ha, cách khu dân cư khoảng 1km. Quyết định này nêu rõ: Chủ đầu tư là UBND huyện Văn Lâm và định hướng một số ngành, nghề công nghiệp chính được phép hoạt động tại đây là: Đúc đồng; tái chế chì; cán rút thép; cán phôi; hàn bấm… Thế nhưng, 10 năm sau Quyết định của Thủ tướng, gần 4 năm sau Quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên, dự án này vẫn nằm trên giấy.

     Ông Đỗ Thế Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm - cho biết, vì không có kinh phí đầu tư nên UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty CP đầu tư Duy Quân làm nhà đầu tư. Thế nhưng, doanh nghiệp này cũng không đủ khả năng tài chính để thực hiện dự án. “Đến nay, Công ty Duy Quân vẫn chưa thực hiện đền bù, thu hồi đất nên dù đã được phê duyệt nhưng dự án vẫn đang“treo”” - ông Phúc nói và cũng chỉ dừng lại ở kiến nghị: “UBND tỉnh tìm nhà đầu tư khác có đủ năng lực tài chính để thay thế Công ty Duy Quân thực hiện dự án”.

 

Theo Baocongthuong.com.vn

 

 

       

 

Ý kiến của bạn