01/12/2017
Gần đây, tôi có dịp về một vùng quê ở đồng bằng Bắc bộ. So với lần trước, cách đây mấy năm, cơ sở hạ tầng, đường thôn ngõ xóm được “cứng hóa” bằng bê tông; trụ sở xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng được xây mới hoặc nâng cấp; đời sống người dân được cải thiện... Theo kế hoạch, trong năm 2017, xã sẽ đạt cả 19 tiêu chí và trở thành “xã nông thôn mới”. Tuy nhiên, khi đi sâu vào từng cánh đồng, xóm làng thì thấy có những vấn đề chưa hợp lý, nhất là tiêu chí về môi trường. Dọc theo con đường nối xóm trên với xóm dưới là một cái mương cạn lộ thiên, rộng chừng hơn 2 m, dài khoảng 400 - 500 m, sâu khoảng 1 m. Dưới đó là dòng nước đen ngòm bởi các ống dẫn nước thải chăn nuôi từ các gia đình hai bên mương thải ra. Ở đầu làng là một khu đất rộng khoảng 100 m2 được bao tường xung quanh cao 50 cm, là nơi tập kết rác của cả xóm, với các bao tải rác thải chồng chất.
Xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn NTM từ năm 2015 |
Trước đây, hàng tuần có đội thu gom rác dọc lối đi của các gia đình và đốt, nhưng hiện nay, do nhiều nguyên nhân nên rác không được thu gom hết, đốt cũng không hết, do đó bãi rác thải ngày càng nhiều. Đặc biệt, dọc các rãnh nước ở ruộng lúa, khu trồng màu, ven đê là những vỏ chai, bình đựng thuốc trừ sâu, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật vất tràn lan. Trong các đường thôn, ngõ xóm mặc dù có rất nhiều cây xanh, kể cả những cây cổ thụ, nhưng từ sáng sớm đến chiều tối, không thấy một tiếng chim kêu, bởi vì người ta đã dùng bẫy dính, súng săn để đánh bắt.
Công bằng mà nói, sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) chúng ta đã đạt được những thành tích đáng kể, tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; nguồn lực, sáng kiến trong người dân được phát huy, cơ sở hạ tầng nông thôn được củng cố, xây dựng mới, bộ mặt nông thôn nước ta đã thay đổi đáng kể, góp phần nâng cao, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của gần 70% số dân cả nước. Nhờ có phong trào xây dựng NTM mà cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể quần chúng đã có thêm bài học về phát huy sức mạnh người dân, rằng khi có một cơ chế phù hợp, sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước thì người dân sẽ tự giải quyết được khó khăn, cản trở, bức xúc đặt ra. Đúng là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số bất cập, trong đó có một số tiêu chí xây dựng NTM cần phải được điều chỉnh. Ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 để điều chỉnh Bộ tiêu chí theo Quyết định số 49/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trong Bộ tiêu chí mới được ban hành, nhiều tiêu chí được điều chỉnh so với Bộ tiêu chí đã được áp dụng trong giai đoạn trước, trong đó tiêu chí về môi trường được điều chỉnh tăng từ 5 lên 8 tiêu chí với nhiều nội dung như: An toàn thực phầm; nhà tiêu; nhà tắm; bể chứa nước, BVMT trong chăn nuôi. Bộ tiêu chí cũng quy định chặt chẽ một số nội dung như: Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định. Sự điều chỉnh tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM thể hiện: Vấn đề môi trường trong xây dựng NTM là vấn đề vừa quan trọng vừa rất cấp bách, lâu dài; Tiêu chí môi trường ở từng địa phương, huyện, xã, khu dân cư luôn luôn thay đổi, xuất hiện những tình huống mới trong quá trình phát triển (khu công nghiệp, làng nghề, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt...); Thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác BVMT trong quá trình xây dựng NTM; Một số tiêu chí được bổ sung đặt ra yêu cầu cao trong thay đổi nhận thức đến hành động của người dân, từ sản xuất, kinh doanh đến trong sinh hoạt hàng ngày; Đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác BVMT, huy động các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường kiểm tra, giám sát trong cộng đồng là việc làm thường xuyên từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài của tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên.
Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM - xa mà gần. Khi nói đến công tác BVMT trong xây dựng NTM, có xu hướng cho rằng, môi trường là việc của tập thể, nhà nước, cộng đồng và ít khi liên quan đến bản thân, gia đình. Đến nay, không phải ai cũng nhận thức được rằng, bầu không khí chúng ta hít thở hàng ngày là không khí chung, nhưng lại cần cho sự sống từng phút, từng giây. Nguồn nước, sông suối, ao hồ, mạch nước ngầm là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi gia đình và mỗi người chúng ta. Việc một số gia đình không có nhà tiêu hợp vệ sinh hoặc phun thuốc diệt cỏ vô hình chung sẽ là nguồn lây nhiễm bệnh dịch, đất nhiễm chất độc hóa học, gây bệnh tật, thậm chí ung thư cho nhiều người. Mặc dù Chính phủ đã bổ sung các tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, nhưng có những tiêu chí chỉ mới định tính chứ chưa định lượng cụ thể, thậm chí mơ hồ (tiêu chuẩn nước sạch, hợp vệ sinh; tỷ lệ chất thải được thu gom; tỷ lệ nguồn lực xã hội cho BVMT; xử lý chất thải trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường). Nếu địa phương, cơ sở xây dựng NTM theo kiểu phong trào, “chạy theo thành tích”, né tránh, thực hiện không nghiêm khắc, dễ bỏ qua tiêu chí thì nhất định sẽ thất bại, riêng tiêu chí môi trường thì sẽ “lợi bất cập hại”.
Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM có khi gần mà cũng xa. Gần là ngay trong tầm của mỗi người nông dân, mỗi hộ nông dân nhưng nếu không nhận thức đầy đủ, sâu sắc, không tích cực chủ động xây dựng thành công một cách bền vững thì sẽ vượt ra ngoài tầm và như vậy mục tiêu từ gần sẽ trở thành xa. Nếu các tiêu chí môi trường rất gần, từ sản xuất, tiêu dùng đến sinh hoạt, ăn, mặc, ở không hợp vệ sinh, không được giám sát chặt chẽ, thường xuyên thì lại trở thành xa xôi, khó thực hiện. Thị trường thế giới hiện nay như là một cái chợ khổng lồ. Trong “rổ hàng hóa” của con người nếu có sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm định về an toàn thực phẩm..., người mua sẽ quay lưng, tẩy chay. Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EU) đã chính thức “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp. Đáng chú ý, sau 6 tháng, nếu chúng ta không khắc phục được sẽ bị “rút thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc hải sản không còn đường vào EU. Đó là bài học mà chúng ta đang khắc phục, tháo gỡ. Do vậy, nâng cao nhận thức, ý thức BVMT, sống hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp của làng quê Việt Nam, truyền thống tốt đẹp của dân tộc chính là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM, góp phần giữ gìn văn hóa Việt cho hôm nay và các thế hệ mai sau.
Phương tiện vận chuyển rác còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thu gom rác thải sinh hoạt hiện nay |
Vấn đề môi trường hiện đã và đang len lỏi vào tất cả các mặt của đời sống xã hội. Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM không như một số tiêu chí khác mà là vấn đề không hề đơn giản, cam go, cần phải cố gắng nỗ lực phấn đấu thường xuyên, liên tục, lâu dài, gian khổ. Do vậy, không chỉ có trong xây dựng NTM mà trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội hôm nay và mai sau, nếu làm tốt công tác môi trường thì tiêu chí xa sẽ trở nên gần gũi, ngược lại, có những tiêu chí rất gần gũi, hàng ngày quanh ta sẽ trở nên xa xôi, khó có thể đạt được như mong muốn.
Vũ Ngọc Lân
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017