Banner trang chủ

Tham vấn cộng đồng về sử dụng tài nguyên và BVMT ven hồ thủy điện Sơn La

15/09/2015

     Công trình hồ chứa nước thủy điện Sơn La có diện tích gần 225km2, diện tích lưu vực 43.760 km2, dung tích hồ chứa 9,26 tỷ m3, mực nước dâng bình thường 215m đã tạo nên một “Biển hồ”, tác động đến địa hình, cảnh quan, khí hậu, đa dạng sinh học, môi trường vùng Tây Bắc. Ngoài ra, hồ thủy điện còn làm biến đổi không gian cư trú, phương thức canh tác sản xuất, sinh kế truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc trải dài qua nhiều huyện của hai tỉnh Sơn La, Lai Châu.      Năm 2012, Nhà máy thủy điện Sơn La chính thức đi vào vận hành, môi trường khu vực ven hồ thủy điện đi vào ổn định, hình thành một hệ sinh thái mới - hệ sinh thái hồ chứa. Một thực tế là sau khi nước hồ thủy điện Sơn La dâng lên và định hình ổn định đã xuất hiện 3 xu hướng cư dân gắn bó sinh kế với khu vực ven hồ: Một là nhiều hộ dân không di cư đến nơi ở mới mà tìm cách ở lại khai thác diện tích bán ngập ven lòng hồ để tìm nguồn sinh kế mới; Hai là những cư dân thuộc diện tái định cư sinh sống ở gần ven  hồ; Ba là có nhiều cư dân tự do đến sinh sống tìm kiếm nguồn sinh kế mới từ vùng hồ mang lại. Điểm chung của 3 cư dân là hướng đến khai thác nguồn lợi mang lại từ hồ thủy điện Sơn La.   Hồ thủy điện Sơn La        Những cư dân trên đều là những người dân tộc Thái, Laha, Xinh Mun, Kháng, tuy nhiên, người Thái có số dân chiếm tỷ lệ cao nhất, được coi là cư dân bản địa ở vùng Tây Bắc, văn hóa Thái có ảnh hưởng đến các dân tộc khác sinh sống trong vùng. Trong kho tàng văn hóa của người Thái, các tri thức dân gian về đất, rừng, nước được ghi nhận là một hiện tượng độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Thái. Đây là nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của cộng đồng, phản ánh những quy định ứng xử , thích ứng giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội vùng Tây Bắc.      Khi môi trường tự nhiên thay đổi, người Thái phải thích ứng với điều kiện môi trường sinh thái mới. Vận dụng và phát huy vốn tri thức dân gian, cộng đồng người Thái tái định cư ven hồ, sử dụng hợp lý tài nguyên, nguồn lợi vùng lòng hồ mang lại. Đây chính là những nhân tố góp phần bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái ven hồ bền vững. Xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La là điểm được nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia chọn để tham vấn cộng đồng cho nghiên cứu về những biến đổi điều kiện sống, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường các cộng đồng cư dân khu vực tái định cư thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La.      Kinh nghiệm sử dụng tài nguyên và BVMT của cộng đồng người Thái     Mường Chiên có tổng diện tích tự nhiên là 8.233,0 ha. Dân số 1.574 nhân khẩu với 385 hộ, bình quân nhân khẩu toàn xã có 4,45 người/hộ, mật độ dân số bình quân 21 người/km2. Toàn xã có 708 lao động, chiếm 45% dân số, trong đó: Lao động nông nghiệp 659 người (chiếm 93,0% số lao động), 100%  cư dân là dân tộc Thái. Xã Mường Chiên có 5 bản trong đó có 4 bản nằm ven hồ là Bon, Hua Sát, Nà sản, Hé. Mường Chiên cách trung tâm huyện mới Quỳnh Nhai hơn 30km về phía Bắc, giao thông còn nhiều khó khăn, người dân đi lại chủ yếu bằng đường thủy và thích ứng với cuộc sống và sinh kế mới  bằng khai thác, sử dụng các nguồn lợi đất đai, rừng và nguồn nước ven hồ.      Theo kết quả nghiên cứu, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng người Thái thể hiện qua việc sử dụng đất, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và các loài quý hiếm.     Mường Chiên có các loại đất trồng: lúa nước (12,5 ha), lúa nương, ngô, cây ăn quả, đất phi nông nghiệp và đất rừng phòng hộ. 96% người dân nơi đây đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của đất nương rẫy bởi sau khi di cư lên sinh sống ở Mường Chiên, đất trồng lúa nước bị ngập dưới lòng hồ, do vậy ở nơi mới người dân chủ yếu khai thác đất nương rẫy để trồng ngô, sắn phục vụ cho cuộc sống và sinh kế hàng ngày. Tiếp đến, đất rừng (tự nhiên, rừng trồng) đóng vai trò quan trọng thứ  hai 71%. Theo họ, đất rừng mang lại rất nhiều sản phẩm phục vụ sinh kế của người dân như: gỗ, mây, củi, mật ong, thuốc men, tre,  nứa, măng, nấm, thức ăn... Rừng còn có bảo vệ bản làng khỏi lũ lụt và xói mòn, sạt lở đất. Cuối cùng là đất vườn, 46% người dân cho rằng đất vườn đã cung cấp rau, thực phẩm, là nơi phơi ngô, sắn, nuôi gia súc, gia cầm hàng ngày của người dân.      Trước đây, người Thái chủ yếu canh tác lúa nước. Từ năm 2007 thực hiện việc di cư lên nơi ở mới, diện tích đất canh tác lúa nước không còn, người dân chuyển sang làm nương, rẫy, trồng ngô, sắn, chăn nuôi gia súc và trồng rừng. Theo kết quả điều tra, 100%  người dân có ý thức bảo vệ rừng, nhất là rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, hiện tượng chặt phá, đốt rừng là hoàn toàn không có. Để đạt được những kết quả như vậy, người dân thực hiện đầy đủ những điều đã quy định trong luật tục, quy ước bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ rừng phòng hộ thông qua việc ký kết các cam kết thực hiện. Đối với việc đốt rừng làm nương, người Thái cũng có ý thức bảo vệ những khu rừng xung quanh, bằng cách dọn sạch những cành khô, cỏ úa, tạo nên khoảng trống giữa rẫy với các khu vực khác, tránh không để lửa đốt rẫy lan rộng, gây nên cháy rừng, bởi cháy rừng sẽ bị xử phạt theo luật tục, hương ước bảo vệ rừng.      Đối với việc bảo vệ nguồn nước, cuộc sống của người dân trước đây thường gắn với những dòng suối nhỏ (người Thái gọi là Nậm) và sông Đà. Tùy thuộc vào đặc điểm của các khúc sông trên sông Đà, dòng suối, ao hồ mà người Thái có những cách đánh bắt khác nhau như đánh bắt cá nhân, đánh bắt tập thể, câu cá, dùng vó, vợt hay thả lưới quăng chài, dùng lá có vị đắng, độc (lá cơi) đập nát ra thả xuống vũng. Nước lá cơi nhanh chóng hòa tan với nước trong vũng. Cá ngớp phải nước này sẽ bị say nổi lên trên mặt nước.  Khi thực hiện di cư tới nơi ở mới trên khu vực lòng hồ, các con suối, ao, hồ nhỏ không còn, giờ chỉ là hồ nước lớn mênh mông với độ sâu trung bình 150-200m. Người dân dùng vó bè, cần câu để câu cá (mỗi dây có khoảng vài chục lưỡi câu). Dây câu thường được làm từ những loại dây rất chắc và lưỡi câu với các kích cỡ nhỏ, to để câu các loại cá khác nhau như chép, lăng, chiên... Việc đánh bắt cá được quy định trong hương ước của bản là người dân không được dùng thuốc nổ (mìn, bộc phá), hóa chất độc (đất đèn, wofatox), xung điện (ắc quy), bả độc để đánh cá. Nếu ai vi phạm bị xử phạt rất nặng, ngoài ra còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nước sinh hoạt hàng ngày được lấy từ mó nước rồi dùng hệ thống ống nhựa dẫn nước về nhà, người Thái ở Chiềng Lao, Mường Chiên quy định rõ trong luật tục về bảo vệ nguồn nước mó dùng cho cả cộng đồng: cấm thả gia súc gần mó nước, thường xuyên vệ sinh xung quanh mó nước.      Hiện nay, ở Mường Chiên còn những khu rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, đây là vùng sâu, vùng xa giáp danh với các tỉnh Yên Bái, Lai Châu. Trong rừng còn một số loại thú, chim quý, hiếm như gấu, nai, cáo, hoẵng, chim, thú nhỏ. Người Thái rất coi trọng công tác bảo vệ những loại động vật quý, hiếm. Việc bảo vệ các loài thú quý hiếm đã được đồng bào thực hiện từ lâu đời nay thể hiện trong luật tục trước đây và hương ước hiện nay có quy định và xét xử những người săn bắn những loại động vật quý, hiếm, vì họ cho rằng đó là những con vật được thần linh nuôi dưỡng. Ai bắn những con vật đó sẽ bị thần linh trừng phạt, làm cho đau ốm, ngoài ra còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của nhà nước nên người dân có trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ các loại động vật quý, hiếm.      Một số kiến nghị về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên     Người dân tộc Thái có những kinh nghiệm truyền thống về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Những kinh nghiệm đó được quy định trong luật tục, hương ước góp phần điều chỉnh mối quan hệ trong cộng đồng về việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, cần quan tâm, phát huy các quy định trên trong BVMT cộng đồng và địa phương nơi họ sinh sống.      Phổ biến Luật BVMT trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng người Thái nắm bắt, hiểu biết về pháp luật trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm truyền thống, nhân văn có giá trị liên quan đến việc BVMT.      Vận dụng tri thức, kinh nghiệm dân gian trong BVMT để xây dựng “ Sổ tay hướng dẫn BVMT”. Cuốn sổ tay này cụ thể hóa Luật BVMT trên cơ sở kết hợp với luật tục, hương ước. Đây là tài liệu sử dụng cho cán bộ địa phương hướng dẫn kiến thức BVMT cho người dân. Đồng thời in thành các áp phích, lịch, khẩu hiệu, dịch ra tiếng Thái phát cho các hộ gia đình để cùng thực hiện.      Quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc sử dụng tài nguyên đất, bảo vệ rừng phòng hộ ven hồ, bảo vệ động vật quý hiếm và đa dạng sinh học từ nguồn nước lòng hồ mang lại. Đồng thời, tiến hành xây dựng những mô hình sử dụng hợp lý tài nguyên đất, rừng, động vật quý hiếm tại các bản ven hồ. Tuyên truyền, vận động cộng đồng xóa bỏ tập quán còn lạc hậu trong đời sống sản xuất, sinh hoạt, xây dựng bản văn hóa với môi trường xanh, sạch, đẹp. Vận động các già làng, trưởng bản, các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên làm hạt nhân trong công tác vận động cộng đồng bảo vệ sử dụng hợp lý tài nguyên đất, bảo vệ rừng và môi trường nước vùng hồ.      Đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng đến từng hộ gia đình, gắn kết họ với việc bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Hướng dẫn đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất canh tác trên đất dốc, kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản nước ngọt trên hồ, chuyển đổi sinh kế và nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất xây dựng các mô hình sinh kế sinh thái bền vững hướng đến phát triển bền vững vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.   ThS. Đỗ Xuân Đức Đại học Quốc gia Hà Nội Nguồn: Tạp chí MT, số 10/2013  
Ý kiến của bạn