30/03/2016
Trong những năm gần đây, hoạt động khai thác hải sản đã nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập và thiếu bền vững. Sản lượng khai thác tuy ở giới hạn cho phép (2,2 triệu tấn/năm), song nguồn lợi hải sản đã có dấu hiệu tổn thương. Cá nổi nhỏ đã khai thác vượt quá giới hạn 25-30%, làm mất dần khả năng tái tạo, phục hồi mật độ quần thể, ảnh hưởng đến nguồn lợi cá nổi lớn (thiếu thức ăn). Hải sản tầng đáy cũng bị khai thác vượt quá giới hạn cho phép từ 30-35%, trong đó có nhiều loài hải sản có vòng đời dài (cá mú, cá su, hồng…), dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng…
Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác, chế biến của doanh nghiệp (DN) trong ngành thủy sản không được kiểm soát vì chưa có chế tài cho việc áp dụng các “thực hành tốt trách nhiệm xã hội (CSR) về môi trường” trong khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản. Do đó, trách nhiệm của các DN đối với môi trường, sinh thái và nguồn lợi thủy sản còn hạn chế. Việc xả thải chất thải trên biển và tại các cảng cá còn diễn ra phổ biến, ý thức của chủ tàu về BVMT biển còn hạn chế. Môi trường tại các cảng cá, bến cá không được bảo vệ tốt, thêm vào đó cơ sở hạ tầng yếu kém làm ảnh hưởng tới đời sống sức khỏe của người lao động và cộng đồng xung quanh. Để khắc phục tình trạng trên, từ tháng 2-12/2015, với sự hỗ trợ của tổ chức OXFAM Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu về hiện trạng thực hành trách nhiệm xã hội (CSR) trong khai thác thủy sản tại Việt Nam”, nhằm đánh giá hiện trạng các DN thực hiện CSR về môi trường trong khai thác thủy sản, qua đó, vận động các chính sách liên quan và thúc đẩy chuỗi cung ứng thủy sản thực hiện CSR, hướng tới một nghề cá bền vững. Đồng thời, để giúp các DN thực hiện CSR về môi trường, nghiên cứu dựa trên các tiêu chí của tiêu chuẩn ISO 26000:2010 (Hướng dẫn về CSR theo ISO 2600, phiên bản 2010) về trách nhiệm xã hội, đưa ra dự thảo Bộ nguyên tắc thực hành CSR về môi trường trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản tại Việt Nam của ngành thủy sản. Bộ nguyên tắc sẽ giúp các DN khai thác và chế biến thủy sản tăng cường quản lý và kiểm soát hiệu quả các vấn đề liên quan đến môi trường.
Nghiên cứu được thực hiện tại các tỉnh Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Bến Tre, Khánh Hòa, Bình Thuận, với các đối tượng là: Chủ DN; chủ tàu; cán bộ phụ trách; công nhân; thuyền viên; cán bộ quản lý địa phương; chuyên gia trong ngành… Để tìm hiểu hiện trạng việc thực thi vấn đề này tại các DN/chủ tầu trong lĩnh vực khai thác thủy sản, nhóm nghiên cứu đề tài đã xây dựng 4 biến (các chủ đề) để khảo sát 305 người tại 6 tỉnh/ TP nêu trên.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc thực hiện CSR về môi trường của DN khai thác và chế biến thủy sản ở nước ta còn tồn tại nhiều bất cập. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân cơ bản là do các DN chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh sản xuất với vấn đề môi trường.
Bảng. Các chủ đề liên quan trách nhiệm BVMT của DN/chủ tàu
Chủ đề |
Nội dung |
Tỷ lệ % |
1 |
DN/chủ tàu có cán bộ kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường, hóa chất… (thu gom và xử lý) |
37,5% |
2 |
DN/chủ tàu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguyên liệu sản xuất |
76,3% |
3 |
DN/chủ tàu có chính sách liên quan đến việc sử dụng tiết kiệm điện, nước…và nguyên liệu sản xuất |
90,8% |
4 |
Có bố trí nhân viên phụ trách tìm kiếm việc sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững/khai thác bền vững |
46,7% |
Tổng kết các bảng hỏi các đối tượng khảo sát cho thấy, việc thực hiện CSR về môi trường của các DN khai thác thủy sản Việt Nam còn hạn chế, chưa toàn diện. Số liệu trong bảng đã minh họa rõ vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và ý thức trong việc sử dụng nguyên liệu bền vững hầu như không được các doanh nghiệp hay các chủ tàu cá quan tâm. Cụ thể chỉ có 37,5% DN/chủ tàu của họ có cán bộ kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường, hóa chất… và 47% DN/chủ tàu có bố trí nhân viên phụ trách tìm kiếm việc sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững/khai thác bền vững. Từ kết quả này, cho thấy, nhận thức về thực hành trách CSR về môi trường với hầu hết các bên tham gia trong chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản khai thác, đặc biệt là khối tàu thuyền đánh bắt hải sản còn hạn chế, đáng chú ý là khía cạnh trách nhiệm với người lao động (ngư phủ) và cộng đồng ngư dân ven biển. Hầu hết, các DN không áp dụng các tiêu chuẩn về thực hành CSR về môi trường, ngoại trừ một số công ty thuộc các tập đoàn đa quốc gia, công ty có vốn đầu tư, cổ phần từ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc thực hiện CSR về môi trường ở các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản mang tính “đối phó” để đáp ứng các yêu cầu của thị trường (khách hàng), chưa mang tính tự nguyện hoặc trách nhiệm cao; Khung pháp lý và chế tài đối với thực hành CSR về môi trường trong chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ đánh bắt còn thiếu, hạn chế, chưa rõ ràng; Chưa có khuyến khích về việc thực hiện CSR về môi trường trong chuỗi cung ứng thủy sản…
Hạ tầng bến cá nghèo nàn và ô nhiễm môi trường ven bờ từ hoạt động khai thác |
Từ các đánh giá nêu trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy các DN thực hiện CSR về môi trường trong ngành thủy sản, cụ thể:
Tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm, giảm thiểu tác động đến môi trường của các doanh nghiệp khai thác và chế biến thủy sản như: giảm lượng phát thải vào không khí của các tàu, thuyền; kiểm soát hóa chất chặt chẽ; có hệ thống thu gom nước thải và rác thải; giảm tiếng ồn…;
Lựa chọn một số nghề cá (chuỗi) hoặc địa phương để thí điểm thực hiện CSR; Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện CSR về môi trường trong nghề khai thác, chế biến, thương mại thủy sản;
Ưu tiên giải quyết các vấn đề đối với việc đào tạo nghề, cấp thẻ thuyền viên, quản lý thông tin thuyền viên, xây dựng các công cụ quản lý (Cơ sở dữ liệu thuyền viên), minh bạch, rõ ràng và chia sẻ thông tin các văn bản pháp luật về BVMT rộng rãi làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ tàu nắm được thông tin phổ biến cho các lao động khai thác thủy sản; Xây dựng văn bản pháp lý, hướng dẫn về việc thực hiện CSR về môi trường đối với các bên tham gia liên quan trong chuỗi sản xuất - cung ứng thủy sản, quy định về thanh tra, kiểm tra, có chế tài xử phạt, khen thưởng minh bạch…
Hải sản tầng đáy bị khai thác vượt quá giới hạn cho phép từ 30-35%, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài |
Tăng cường công tác truyền thông về thực hiện CSR về môi trường trong ngành thủy sản, BVMT biển; Tổ chức các lớp tập huấn, in ấn phẩm, áp phích, tờ rơi và phát động các phong trào làm sạch bờ biển, cuộc thi tìm hiểu về đa dạng sinh học biển; Lồng ghép vào chương trình giáo dục về hành vi và cách ứng xử đúng đối với môi trường và hệ sinh thái biển.
Đinh Xuân Lập
Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)