Banner trang chủ

Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quản trị tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long

06/03/2019

     Trong những năm qua, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù diện tích chỉ chiếm 11% tổng diện tích lãnh thổ nhưng đồng bằng lại đóng góp tới gần 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hơn 50% sản lượng gạo của Việt Nam, 65% sản lượng thủy sản (gồm cả nuôi trồng và đánh bắt thủy sản) và 70% sản lượng hoa quả đều được sản xuất ở ĐBSCL, đây là những mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam. Đồng thời, ĐBSCL cũng là một vùng giàu đa đạng sinh học (ĐDSH) với hơn 480 loài cá, 400 loài chim, với 4 khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế), 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới giúp đồng bằng trở thành một trong những vùng trọng điểm về cả kinh tế và ĐDSH của cấp quốc gia và quốc tế. Tuy nhiện, hiện nay, ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức:

     Thay đổi dòng chảy, chất lượng nước, nguồn lợi thủy sản do phát triển thủy điện, thủy lợi ở thượng nguồn: Các nước thượng nguồn khu vực sông Mê Kông đã và đang có kế hoạch xây dựng nhiều đập thủy điện trên dòng chính của sông. Điều này tác động tới lượng phù sa, bùn cát xuống ĐBSCL, dẫn đến thay đổi hoàn toàn chế độ thủy văn của vùng hạ lưu và làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của toàn vùng ĐBSCL.

     Sụt lún đồng bằng và xói lở ven sông, ven biển do khai thác cát, sỏi và nước ngầm quá mức: Theo các nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) từ năm 2013 - 2015, phân tích từ hơn 2.000 ảnh vệ tinh ở ĐBSCL cho thấy, ở ven biển Đông (khu vực tỉnh Bến Tre, Trà Vinh) có đến 48% khu vực bờ biển có biểu hiện thoái lui, trong khi chỉ có 22% có biểu hiện lấn ra biển. Trong đó, ở khu vực biển Tây (vùng bán đảo Cà Mau), trước đây có tỷ lệ lấn ra biển cao, thì đến nay đến 70% diện tích có diễn biến thoái lui. Mặc dù khó có thể đo lường chính xác, nhưng toàn bộ vùng ĐBSCL đang bị sụt lún dần với tốc độ từ 0.5 - 2.5cm/năm, các khu vực lún nhanh và nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, và Trà Vinh.

     Ô nhiễm nguồn nước do thâm canh canh tác nông nghiệp, thủy sản và phát triển các khu công nghiệp (KCN), đô thị ven sông: Việc  sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân bón hóa học, gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật hàng năm có thể gây Ô NHIễM NƯớC do tồn dư hóa chất độc hại. Nhiều mô hình canh tác thủy sản khác nhau với quy mô lớn dẫn tới lượng chất thải đổ ra sông Tiền và sông Hậu nhiều, khiến mức độ nguy hại cho môi trường nước ngày càng trầm trọng, gây tác động xấu đến chất lượng nước và làm phát sinh dịch bệnh. Lượng nước thải của 12.700 doanh nghiệp đang hoạt động chưa được xử lý triệt để thải ra sông, kênh, rạch làm suy giảm chất lượng nước mặt, gây nên các dịch bệnh cho nuôi trồng thủy sản và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

     Xâm nhập mặn, ngập lụt do BĐKH và nước biển dâng: Hiện nay, hầu hết các cửa sông tại ĐBSCL bị xâm mặn từ 50 km - 70 km, đặc biệt, sông Vàm Cỏ bị xâm mặn hơn 90 km, làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân. Trong 5 tháng đầu năm 2017, hạn mặn đã gây thiệt hại gần 8.000 tỷ đồng, cụ thể: 11/13 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL buộc phải công bố tình trạng thiên tai; gần 500.000 ha tổng diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại; hơn 82.000 ha đất tôm nuôi bị ảnh hưởng, thậm chí mất trắng; và 390.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt…

     1. Các thách thức trong quản trị tài nguyên nước ở ĐBSCL

     Trong hai năm 2017 - 2018, WWF, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, cùng các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều hoạt động như: nghiên cứu và triển khai một số dự án thí điểm ở các địa phương khác nhau trong khuôn khổ Dự án Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội (TCXH) trong quản trị tài nguyên nước (TNN) ở ĐBSCL. Trong quá trình triển khai các nghiên cứu và hoạt động thực tế, Dự án xin được chia sẻ một số quan điểm về các thách thức mà đang phải đối mặt:

     Các cơ chế, chính sách trong quản lý TNN chưa hiệu quả

     Chức năng quản lý TNN ở cấp Trung ương có sự chồng chéo giữa các Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương và Bộ Y tế. Bộ TN&MT chịu trách nhiệm về quản lý tổng thể TNN, ban hành các quy chuẩn về quản lý nước thải, chất lượng nước mặt, nước ngầm. Cấp nước nông thôn, quản lý hệ thống thủy lợi và các sự cố thiên tai về nước (ngập lụt và hạn hán) lại thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN&PTNT; Cấp nước đô thị do Bộ Xây dựng quản lý; Vận hành và quản lý các hồ thủy điện do Bộ Công thương quản lý; Các tiêu chuẩn nước uống và nước sinh hoạt do Bộ Y tế quy định.

     Việc thực thi pháp luật ở địa phương cũng chưa hiệu quả. Trách nhiệm không rõ ràng giữa các cơ quan quản lý các cấp tạo ra thách thức trong công tác cấp phép, quản lý việc khai thác nước mặt, nước ngầm, hay đấu nối, xả thải vào nguồn nước chung, cũng như công tác giám sát, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Ví dụ, các đơn vị tưới tiêu ở các tỉnh có trách nhiệm cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống thủy lợi, nhưng lại không có khả năng giám sát chất lượng nước tại điểm xả thải. Một số địa phương vẫn ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà chưa quan tâm đến BVMT, nhất là môi trường nước. Do đó, ở ĐBSCL có nhiều KCN, nhà máy chế biến đã có hệ thống xử lý nước thải riêng, nhưng không hoạt động, hoặc hoạt động mang tính đối phó khi có kiểm tra.

 

Xâm nhập mặn, ngập lụt do BĐKH và nước biển dâng đang là một trong những thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt

 

     Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát và kiểm soát ô nhiễm nước thiếu nguồn lực, công nghệ lạc hậu và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng địa phương, dẫn đến ô nhiễm nước trên các con sông, kênh ngày càng gia tăng.

     Thiếu sự tham gia của các TCXH cộng đồng trong quản trị TNN

     Mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng cơ sở pháp lý nhằm huy động sự tham gia của các TCXH và cộng đồng trong quản trị TNN, nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này; đồng thời còn thiếu các cơ chế khuyến khích, động viên, nên việc thực hiện các sáng kiến, hoạt động bảo vệ nguồn nước của các TCXH và cộng đồng vẫn gặp nhiều trở ngại.

     Các mô hình thành công của các TCXH thường diễn ra ở phạm vi địa lý nhỏ (xã, huyện) như: Mô hình “Cộng đồng tham gia quản lý thủy lợi” ở An Giang; “Đoạn sông tự quản” ở Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa. Tuy nhiên do hạn chế về tài chính và nhân lực, các mô hình trên hoạt đọng dù có kết quả tốt, cũng khó tổng hợp để vận động thay đổi chính sách.

     Mặt khác, phản biện xã hội chưa được đưa vào cụ thể trong các văn bản pháp luật về BVMT, quản lý tài nguyên, do vậy các TCXH rất hiếm khi được tham gia vào các quá trình tham vấn và phản biện cho các chính sách, quyết định, hay các dự án ở địa phương và Trung ương.

     Vai trò của phụ nữ và các nhóm yếu thế trong quản trị TNN không rõ ràng

     Ước tính, phụ nữ ở ĐBSCL đóng góp 30% khối lượng công việc vào nông nghiệp và 70% trong chăn nuôi. Họ thường chịu trách nhiệm về các hoạt động trong nhà (dọn dẹp, nấu ăn, chăm sóc trẻ em…), nên ít có cơ hội tiếp cận đào tạo nghề và tham gia các hoạt động cộng đồng/xã hội. Riêng phụ nữ ở các dân tộc thiểu số như Khmer (6% dân số) và Chăm (2% dân số) có nhiều quyền lực hơn trong các vấn đề trong nhà do tính mẫu hệ của cộng đồng. Tuy nhiên, họ vẫn phụ thuộc vào nam giới về các vấn đề liên quan đến phát triển cộng đồng. Họ phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nguồn nước tự nhiên, hoặc đất đai do họ thiếu cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi và vốn đầu tư cho sản xuất.

     Do vậy, các thành viên của Mạng lưới Quản lý TNN cũng đang hỗ trợ một số nhóm yếu thế khác (người khuyết tật, người nhiễm HIV và hộ nghèo) có thể tiếp cận và tác động làm thay đổi các chính sách quốc gia và địa phương, mà có ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế của họ. Mục đích của Mạng lưới nhằm thúc đẩy sự tham gia của các nhóm này vào quản lý nguồn nước.

     2. Khuyến nghị chính sách

     Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và BĐKH diễn ra trong thời gian gần đây, ĐBSCL đang đứng trước những đe dọa. Để giải quyết các thách thức nêu trên, cần tăng cường sự tham gia của các TCXH trong quản lý và bảo vệ TNN ở ĐBSCL, hướng tới khu vực ĐBSCL phát triển bền vững trong tương lai.

     Duy trì hoạt động của Mạng lưới Quản trị TNN ở ĐBSCL với các thành viên nòng cốt tại các tỉnh thông qua đầu mối là MekongNet tại Cần Thơ và Mạng lưới sông ngòi tại Hà Nội. Mở rộng thêm các thành viên là các cá nhân, nhóm cộng đồng địa phương, các TCXH, tổ chức phi chính phủ để tăng cường chia sẻ thông tin, nhân rộng các sáng kiến, mô hình thành công trong quản trị TNN, phát triển sinh kế.

     Hợp tác chặt chẽ với Mạng lưới Môi trường và BĐKH do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật của Việt Nam (VUSTA) mới thành lập, để kết nối với các mạng lưới quản lý và BVMT, tài nguyên hiện nay và thúc đẩy sự tham gia của các Hội, Liên hiệp hội ở các tỉnh trong quản trị TNN và trong giám sát,  phản biện xã hội ở ĐBSCL.

     Tổ chức các diễn đàn và đối thoại ở các tỉnh/huyện để các TCXH và cộng đồng được tham gia chia sẻ ý kiến, đối thoại với các cơ quan quản lý, cũng như các tổ chức quốc tế trong các sáng kiến quản lý và bảo vệ nguồn nước.

     Cần có quy định về vai trò của cộng đồng, các TCXH, cũng như trách nhiệm các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trong việc tham vấn, giám sát của cộng đồng và các TCXH trong công tác quản lý, BVMT và quản trị TNN.

      Cải thiện các chính sách liên quan đến các TCXH, nâng cao năng lực bộ máy hành chính, các tổ chức phụ nữ ở cộng đồng trong quản trị nước có sự tham gia và chọn lựa các mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Nguyễn Thị Phú Hà

WWF tại Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

 

Ý kiến của bạn