Banner trang chủ

Thành lập Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên: Giấc mơ trở thành hiện thực

18/02/2019

     Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên (GDTNTN) là một giấc mơ trong nhiều năm qua của Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học (ĐDSH) Nước Việt Xanh (GreenViet) - đơn vị được Giải thưởng Môi trường năm 2017. Sau hơn 3 tháng xây dựng (từ ngày 1/9 - 25/12/2018), với nhiều nỗ lực và quyết tâm, cùng sự khuyến khích, ủng hộ từ cộng đồng, ngày 28/12/2018, GreenViet đã tổ chức khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm GDTNTN. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Trang - Phó Giám đốc Trung tâm GreenViet.

     PV: Xin bà cho biết, GreenViet có ý tưởng xây dựng Trung tâm GDTNTN từ khi nào?

     Bà Lê Thị Trang: Ý tưởng thành lập Trung tâm GDTNTN được thai nghén từ cuối năm 2015. Từ đó đến nay, GreenViet đã trải qua nhiều giai đoạn chuẩn bị, cho đến khi có sự chung sức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thì ý tưởng đó đã thành hiện thực. Năm 2018, Trung tâm GreenViệt phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Đà Nẵng cùng đơn vị tư vấn để thiết kế các hoạt động giáo dục trải nghiệm (GDTN). Trong đó, một báo cáo khảo sát đánh giá nhu cầu của học sinh, giáo viên khối 6, 7, 8, 9 đối với Chương trình GDTNTN đã được tiến hành trên 69 học sinh; 15 giáo viên thuộc hai trường THCS Lý Thường Kiệt, THCS Lê Độ; 3 cán bộ thuộc Phòng GD&ĐT Quận Sơn Trà và Phòng GD&ĐT Quận Hải Châu; 1 cán bộ Sở GD&ĐT. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng thành lập 1 tổ công tác chuyên môn gồm 10 thành viên, nhằm hỗ trợ GreenViệt xây dựng Chương trình GDTN.

 

Bà Lê Thị Trang với đam mê nghiên cứu và bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu

 

     Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu học sinh đối với Chương trình GDTN, GreenViệt đã xây dựng đề cương và bài giảng chi tiết cho Chương trình GDTN. Tổ công tác giáo viên từ Sở GD&ĐT đã tham gia thảo luận cho đề cương, bài giảng chi tiết. GreenViệt cũng tổ chức một chuyến trải nghiệm thực tế cho Tổ công tác giáo viên để các thành viên hoàn thiện Chương trình với 4 đề cương và 4 bài giảng chi tiết. Sau khi được xây dựng, góp ý, bài giảng đã được triển khai dạy thử cho học sinh các khối lớp 6, 7, 8, 9 của Trường THCS Lý Thường Kiệt, Quận Hải Châu trong khoảng thời gian từ ngày 23 - 25/1/2018. Tổng cộng có 82 học sinh, 7 giáo viên tham gia thử nghiệm và đóng góp ý kiến để hoàn thiện Chương trình. Bài giảng cũng được sử dụng để nhân rộng và tổ chức 103 chương trình trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà cho gần 1.000 học sinh và du khách. Đặc biệt, trong tháng 5/2018, GreenViet phối hợp Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng tổ chức Chương trình trải nghiệm cho 240 học sinh khuyết tật trên địa bàn TP. Việc nhân rộng đề án GDTNTN là cơ hội để giới thiệu vẻ đẹp của ĐDSH và lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến cộng đồng.

     PV: Bà có thể chia sẻ chi tiết hơn về quá trình khởi tạo cũng như mục đích và các hoạt động trải nghiệm tại Trung tâm?

     Bà Lê Thị Trang: Trung tâm được thiết kế trên diện tích 100 m2 với 5 phân khu chính gồm: Phân khu thứ nhất là nơi giới thiệu chung, cung cấp các thông tin tổng quan về Sơn Trà; phân khu 2 giới thiệu các loài động, thực vật ở Sơn Trà, các đặc điểm thích nghi của giới động thực vật nơi đây; phân khu 3 giới thiệu về đặc điểm, tập tính sinh học, môi trường sống của loài voọc; phân khu 4 cảnh báo các mối đe dọa, tác động đến hệ sinh thái Sơn Trà; phân khu 5 là các giải pháp bảo tồn, cộng đồng chung tay bảo vệ ĐDSH Sơn Trà. Bên cạnh đó, Trung tâm GDTNTN còn tận dụng được diện tích 200 m2 ở bên cạnh để trồng cây và làm sân chơi cho các em nhỏ.

 

Nhiều du khách và trẻ em tham quan Trung tâm GDTNTN đầu tiên tại Đà Nẵng

 

     Trung tâm GDTNTN không chỉ giúp khẳng định vai trò hệ sinh thái tự nhiên của bán đảo Sơn Trà đối với lĩnh vực giáo dục học sinh, mà còn góp phần thúc đẩy cộng đồng có những hành vi thân thiện hơn với thiên nhiên cũng như có những đóng góp cụ thể đổi với công tác bảo tồn tại bán đảo thông qua các hoạt động ưu tiên bảo tồn như: trồng cây phục hồi sinh cảnh sống cho loài chà vá chân nâu, thu gom rác thải tránh lây lan bệnh tật cho động vật hoang dã, thay đổi những hành vi không đúng khi tham quan bán đảo, đặc biệt, tiếp tục giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên trước những áp lực lớn của hoạt động phát triển.

     Do đó, Trung tâm GDTNTN được xây dựng nhằm thực hiện sứ mệnh hình thành lối sống thân thiện với thiên nhiên thông qua các hoạt động học tập, khám phá, trải nghiệm thiên nhiên. Trung tâm GDTNTN sẽ là nơi để trẻ em và người dân học tập các kiến thức về tự nhiên và ĐDSH của bán đảo Sơn Trà; Nâng cao nhận thức về tác động của con người đến thế giới tự nhiên; Xây dựng hành vi sống thân thiện với môi trường. Với ý nghĩa đó, Green Việt cùng cộng đồng chung tay xây dựng Trung tâm GDTNTN đầu tiên tại 70 Lý Tử Tấn, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng - gần chân núi Sơn Trà, nơi mà mỗi năm dự kiến có 3.000 học sinh cấp 1 và cấp 2 của Đà Nẵng đến tìm hiểu về thiên nhiên Sơn Trà.

     PV: Để biến giấc mơ thành hiện thực, Green Việt có nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân yêu thiên nhiên, bà có thể cho biết việc huy động các nguồn lực và hoạt động phát triển của Trung tâm trong thời gian tới?

     Bà Lê Thị Trang: Để xây dựng và thiết kế Trung tâm GDTNTN Sơn Trà, tính đến nay đã có 58 tổ chức, cá nhân đóng góp tài trợ, với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đóng góp 600 triệu đồng; Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA Corporation 100 triệu đồng; Quỹ Cộng đồng bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà 30 triệu đồng... Bệnh cạnh đó, còn có hơn 100 lượt tình nguyện viên đến hỗ trợ công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan. Những đóng góp tích cực và hiệu quả này chứng tỏ cộng đồng, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng tại TP. Đà Nẵng rất quan tâm đến vai trò của GDTNTN. Đặc biệt, thấy được tầm quan trọng của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cho sự phát triển bền vững của TP. Đà Nẵng. Việc đầu tư vào giáo dục thiên nhiên là điều cần thiết tất yếu cho những đô thị mới như Đà Nẵng, tạo điểm nhấn và những giá trị bền vững lâu dài.

     Với sự ủng hộ của cộng đồng, Trung tâm GDTNTN sẽ là một địa chỉ học tập hữu ích cho các em học sinh trên địa bàn TP. Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận, kể cả khách tham quan nước ngoài khi đến với TP. Đà Nẵng. Từ đây, với nhận thức đúng đắn, các hành vi sống thân thiện với môi trường và tài nguyên thiên nhiên sẽ được lan tỏa, để cùng xây dựng một đất nước Việt Nam mãi một màu xanh. Dự kiến trong năm 2019, Trung tâm sẽ tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động như tổ chức cho 3.000 em học sinh tham quan, học tập miễn phí với 100 em/tuần; vẽ tranh chủ đề động, thực vật (1 lần/tháng); trồng cây (1 lần/năm); chăm sóc cây (2 lần/tháng) và nhặt rác tại khu vực Sơn Trà (1 lần/quý) để BVMT.

     PV: Xin trân trọng cám ơn bà!

 

Nguyễn Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)

Ý kiến của bạn