02/10/2017
Năm nào cũng vậy, vào dịp đất nước thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, mỗi ngày có đến hàng vạn đồng bào trong và ngoài nước về thăm Quảng trường Ba Đình lịch sử, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Khách đến Khu di tích không chỉ là đến với một chứng tích lịch sử để biết về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam mà còn đến với một vùng sinh thái hấp dẫn, vừa đẹp, vừa đa dạng.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Trước hết, từ những công trình kiến trúc, cảnh quan, hiện vật trong Khu di tích Phủ Chủ tịch đều toát lên giá trị văn hóa nhân văn. Đó là một cuộc sống bình dị như ý tưởng của Bác Hồ: “một cái nhà nho nhỏ nơi non xanh nước biếc” để ngoài giờ làm việc thì “câu cá trồng rau”, làm bạn với trẻ, trò chuyện với các cụ già, không màng tới danh lợi. Bao trùm lên tất cả là cách ứng xử của Bác đối với con người, nhà cửa, đồ vật, cây cối. Với tư cách là Chủ tịch nước, Chủ tịch một đảng cầm quyền, nhưng Bác Hồ không ở Phủ toàn quyền cao sang mà dựng một cái nhà sàn nhỏ, khiêm nhường như nhà của đồng bào vùng cao, lấy chỗ ở và làm việc. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đón các cháu thiếu niên vào vui chơi với Người tại Phủ Chủ tịch (xưa là Phủ Toàn quyền) hay Người cho xây bể cá vàng ở ngôi nhà sàn khẳng định Người muốn trao cho các cháu vị thế làm chủ đất nước.
Khi đoàn đại biểu các anh hùng lực lượng vũ trang miền Nam ra thăm miền Bắc, vào Phủ Chủ tịch, Người không từ Phủ Chủ tịch ra đón, mà xuất hiện từ đường xoài, để tạo sự gần gũi như người cha, người bác đón con cháu trở về trong một không gian lịch sử. Mỗi cây cối trong vườn Bác đều như có tâm hồn và mang những ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Từ “cây xanh bốn mùa” gợi nhớ sự thông cảm của Người đối với chị lao công đêm đông quét rác; “cây cọ dầu” gợi nỗi ưu tư trước đời sống khó khăn, vất vả của nhân dân; “cây vú sữa”, “dừa miền Nam” là biểu hiện tình cảm của Người đối với đồng bào miền Nam “đi trước về sau”. Hàng cây dâm bụt “đỏ hoa quê” là biểu hiện của tình yêu quê hương tha thiết với “bao nhiêu tình” của Người. Mối quan hệ giữa con người với con người quy định mối quan hệ của con người đối với tự nhiên và ngược lại. Tinh thần văn hóa nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thiên nhiên cũng nằm trong quan hệ đó. Người từ căn cứ địa Cao Bằng đến chiến khu Việt Bắc về đến Thủ đô Hà Nội, “trở lại” với thiên nhiên, cũng vườn cây, ao cá, hoa thơm, trái ngọt một cách thanh tao, tĩnh lặng.
Tinh thần nhân văn hay đạo đức môi trường của Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch không chỉ hòa quyện, gắn bó với thiên nhiên, mà còn cải tạo tự nhiên, thích ứng tích cực với hoàn cảnh tự nhiên. Bác Hồ thường xới đất, làm cỏ, chăm sóc cây, nuôi cá như một người nông dân thực thụ. Đặc biệt, đến nay, sau gần 50 năm “đi xa”, nhiều hiện vật trong phòng ở và làm việc, cây cối, lối đi... từ thời Bác còn sống vẫn được giữ nguyên vẹn. Cùng với sự giản dị, khiêm nhường, đạo đức cách mạng trong sáng thì môi trường sinh thái, cảnh quan di tích Phủ Chủ tịch ngày càng thu hút nhiều đồng bào và khách thập phương đến tham quan. Đây là một biểu tượng về tương quan giữa yếu tố lịch sử, văn hóa và môi trường sinh thái. Có thể nói, Khu di tích Phủ Chủ tịch là hình mẫu về một Di tích lịch sử - văn hóa - môi trường sinh thái ở nước ta hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng (ảnh tư liệu) |
Hiện nay, ở nước ta có nhiều di tích lịch sử, bao gồm các di tích lịch sử, văn hóa và tâm linh, trong đó có không ít di tích lịch sử ghi lại những dấu ấn sinh thời Bác Hồ sống, hoạt động, làm việc, ghé thăm. Ở đây không đề cập đến các khu di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh cũng như không nói đến những quảng trường mang tên Bác Hồ, những tượng đài mang tên Hồ Chí Minh mà chỉ nói đến di tích về Người. Tuy nhiều di tích được bảo vệ, tôn tạo, tu bổ tốt, nhưng từ Di tích Phủ Chủ tịch, đối chiếu và soi vào các di tích khác về Bác thì thấy có một số vấn đề nổi lên, nhất là về cảnh quan môi trường.
Thứ nhất, đã là di tích lịch sử về Bác, tiêu chuẩn đầu tiên phải phản ánh và giữ được nguyên vẹn những gì như thời người đã từng sống, làm việc, hoạt động ở đó;
Thứ hai, những di tích lịch sử về Bác cần phản ánh, thể hiện được cốt cách con người của Bác, nhất là đức tính khiêm nhường, tác phong quần chúng, giản dị, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, không muốn mình cao hơn, tách biệt và khác biệt đối với mọi người.
Thứ ba, sinh thời Bác Hồ sống hòa hợp với thiên nhiên, nâng niu, chăm sóc, coi trọng thiên nhiên. Do vậy, việc tu bổ sửa sang, tôn tạo hoặc xây dựng mới các khu di tích về Bác cần rất chú ý đến cảnh quan môi trường, sinh thái, thể hiện cho được đạo đức môi trường của người, tức là chú trọng việc trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, sinh thái tại nơi đó.
Thứ tư, Bác Hồ là người rất quan tâm đến con người, ngay cả khi sắp “ra đi” Người căn dặn rất kỹ việc “hỏa táng” để lấy tro cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. Người dặn trong Di chúc là “nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mộ, không có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”. Như vậy, Bác không muốn biến cái chết thành cái đau thương mà muốn nơi chôn cất mình thành nơi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, thư giãn, yên ả, thanh bình. Nếu thế thì cần trồng nhiều cây xanh.
Nhà sàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch |
Trong xu hướng thương mại hóa các hoạt động du lịch, bê tông hóa, ở nhiều nơi, người ta đã tôn tạo di tích bằng cách “làm mới” thay vì tôn tạo, chặt cây, kè đường, làm trụ cáp treo, xây lều quán, mở bãi đỗ xe ô tô... đón khách du lịch khiến môi trường sinh thái bị hủy hoại, cảnh quan thay đổi. Tâm lý muốn công trình sau phải hơn cái trước, đồ sộ hơn cái trước đã tạo ra sự ganh đua nhiều khi phá vỡ cảnh quan và không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Để bảo vệ các di tích trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến BVMT. Vì di tích luôn luôn gắn với môi trường sinh thái nên phải nghiên cứu để gìn giữ, không tôn tạo một cách tùy tiện, phá vỡ điều kiện tự nhiên của di tích. Việc giữ gìn môi trường sinh thái, nơi di tích tọa lạc là điều vô cùng quan trọng. Đó cũng là mong muốn của Bác Hồ khi còn sống.
Mỗi khi cần tu bổ, nâng cấp, mở rộng hay xây mới một di tích về Bác, cần vận dụng tri thức của nhiều ngành chuyên môn khác nhau như tri thức lịch sử, những nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh, môi trường sinh thái, địa lý, nhân văn, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học; có sự giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người dân. Trên cơ sở đó, cần đưa ra những kiến giải cho từng Khu di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với môi trường sinh thái.
Vũ Ngọc Lân
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017