Banner trang chủ

Tăng cường xử lý các loại tội phạm liên quan đến động vật hoang dã

15/09/2015

     Trong hai ngày 29 - 30/5/2015, tại tỉnh Ninh Thuận, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) - (WCS) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng cường xử lý các tội phạm liên quan đến ĐVHD” với sự hỗ trợ của Cơ quan quản lý nghề cá và ĐVHD Mỹ (USFWS), nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố và xử lý các tội phạm liên quan đến ĐVHD, đặc biệt là sừng tê giác và ngà voi.      Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải cho biết, từ năm 2010 đến đầu năm 2015, Việt Nam đã phát hiện, khởi tố điều tra 33 vụ án hình sự đối với 26 bị can (số liệu cập nhật của Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thê về mức độ vi phạm; định giá để xác định trị giá của ĐVHD; hậu quả của việc săn bắt, vận chuyển, mua bán trái phép ĐVHD cũng như số lượng hàng phạm pháp... nên các vụ vi phạm chỉ bị xét xử với mức hình phạt khá nhẹ, chưa đủ tính răn đe để ngăn ngừa tội phạm. Mặc dù Việt Nam đã có một hệ thống các quy định về ĐVHD khá hoàn thiện với nhiều chính sách, luật và 20 văn bản dưới luật bao gồm các nghị định của Chính phủ; thông tư, quyết định của các Bộ, song các văn bản này chưa cân đối, chỉ tập trung chủ yếu vào các loài động vật hơn là thực vật. Bên cạnh đó, việc xây dựng Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ trong thời gian qua thiên về ý nghĩa khoa học hơn là việc buôn bán và khai thác quá mức các loài động vật. Đặc biệt, các cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc xử lý tang vật thu giữ từ hoạt động buôn bán bất hợp pháp do tình trạng thiếu chuồng trại, trang thiết bị, nhân sự và kinh phí...          Tại Hội thảo, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan quản lý Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chia sẻ về các trường hợp vi phạm; Khó khăn trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm liên quan đến ĐVHD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng như trên cả nước. Các đại biểu đã đi đến thống nhất kiến nghị Quốc hội bổ sung một số điều luật liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD trong Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) được ban hành năm 2016.      Cũng tại Hội thảo, liên quan đến vấn đề Tòa án nhân dân tối cao đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Tòa Môi trường ở Việt Nam theo sự phân công của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các đại biểu cho rằng, hiện nay các tranh chấp về môi trường được giải quyết bằng nhiều con đường khác nhau như hành chính, dân sự, kinh tế, hình sự. Do đó, các hành vi vi phạm về môi trường không được giải quyết triệt để, mới chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính. Kết quả thống kê công tác xét xử đối với các tội phạm về môi trường cho thấy, số vụ án được đưa ra xét xử chủ yếu tập trung vào 2 tội danh hủy hoại rừng và vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD quý, hiếm.      Theo báo cáo chỉ số Công lý do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện năm 2012 (kết quả hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển & Hỗ trợ Cộng đồng và UNDP), gần 31% người được phỏng vấn cho biết, họ đang sống trong môi trường bị ô nhiễm, song chỉ có 12% trong số đó có khiếu kiện, hoặc kiện tới chính quyền để yêu cầu khắc phục và bồi thường thiệt hại và trong số 12% này chỉ có 30% được giải quyết, 48% chưa giải quyết xong, 22% không được giải quyết hoặc không nhận được sự phản hồi từ các cấp quản lý.      Do đó, việc thành lập Tòa môi trường là biểu hiện của sự chuyên nghiệp hóa trong việc xét xử các vụ án liên quan đến môi trường; Là bước đi cụ thể để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT đã được ghi nhận tại các văn kiện quốc tế, nhằm khắc phục trở ngại trước mắt của công tác BVMT, giải quyết tranh chấp, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường truy cứu trách nhiệm, thúc đẩy cải cách vấn đề môi trường.   Hồng Nhự
Ý kiến của bạn