07/11/2018
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế thì vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT), đặc biệt trong những năm gần đây, hầu hết các điểm nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, ao, hồ trên địa bàn tỉnh đều bị ô nhiễm do nước, rác thải, làm giảm năng suất thu hoạch, chất lượng thủy, hải sản, gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế và đời sống người dân địa phương.
Theo Sở TN&MT tỉnh, hiện mỗi ngày, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát sinh khoảng 761 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó tỷ lệ thu gom đạt khoảng 90%.Tuy nhiên, tình trạng rác thải vứt bừa bãi, tồn đọng vẫn xảy ra ở một số khu vực,đã tạo thành những “điểm nóng” gây ÔNMT. Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở đã xác định hàng chục “điểm nóng” về ÔNMT nghiêm trọng. Trong đó, kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu); khu vực Cửa Lấp, ao Hải Hà (huyện Long Điền)… xếp vào nhóm ô nhiễm chất thải cấp bách cần được ưu tiên khắc phục trong giai đoạn 2018-2020.
Kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu) dài khoảng 2,6 km, nằm trên địa bàn các phường 5, 9, Thắng Nhì. Theo UBND TP.Vũng Tàu, khu vực kênh Bến Đình vẫn chưa được đầu tư hạ tầng hệ thống thoát nước mưa, nước thải đô thị. Trong khi đó, mỗi ngày, kênh gánh một lượng rác khổng lồ và nước thải sinh hoạt từ hơn 500 hộ dân ven kênh. Trên kênh còn có hơn 1.000 ghe, tàu đánh cá neo đậu; 62 cơ sở kinh doanh, hoạt động đóng tàu, cảng cá, chế biến hải sản… có nguồn thải ra kênh. Để khắc phục ô nhiễm kênh Bến Đình, từ năm 2010, UBND TP đã giao cho Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị TP. Vũng Tàu (VESCO) thực hiện việc thu gom rác trên kênh, sau đó đưa vào tập kết trên bờ và đưa lên xe về xử lý tại Công ty TNHH Kbec Vina (huyện Tân Thành). Tuy nhiên, do ý thức kém nên lượng rác thải sinh hoạt của người dân 2 bên bờ kênh và trên ghe, tàu xả thẳng xuống kênh quá lớn nên 20 công nhân của Công ty VESCO vớt rác liên tục nhưng vẫn không hết.
Khu vực Cửa Lấp, nơi giáp ranh giữa TP. Vũng Tàu và huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), là một nhánh của sông Dinh, chảy qua TP. Vũng Tàu, huyện Long Điền rồi đổ ra biển. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của tỉnh và là khu vực tiếp giáp với bãi biển của các khu du lịch TP .Vũng Tàu nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng ô nhiễmdo nguồn nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản trong khu dân cư thải ra sông.
Nước thải của các cơ sở chế biến thủy, hải sản thải trực tiếp ra sông Cửa Lấp, khiến nguồn nước mặt bị ô nhiễm
Bãi biển khu phố Hải Hà (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền), hơn 20 năm qua là nơi tích tụ rác thải và nước thải từ hoạt động chế biến thủy sản của khoảng 50 trại cá xung quanh nên mọi người gọi là “ao Hải Hà”.Mặc dù, huyện Long Điền đã nhiều lần ra quân dọn dẹp nhưng hiện nay, tình trạng ô nhiễm tại đây vẫn chưa được khắc phục.
Trước tình trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 về công tác quản lý, BVMT. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu xử lý dứt điểm các “điểm nóng” về ÔNMT. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xử lý ÔNMT trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2017- 2020 nhằm khắc phục chất lượng môi trường tại một số khu vực đang bị ô nhiễm. Trong đó, có 19 dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn, gồm: đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo với công suất xử lý 20 tấn/ngày; cải tạo kênh Bến Đình; đầu tư hạ tầng 2 khu chế biến hải sản tập trung tại huyện Long Điền và TP. Vũng Tàu… Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 8.255,28 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh đã có phương án xử lý các điểm ÔNMT trọng điểm;sắp xếp lại các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao để quản lý. Theo đó, một trong những chủ trương lớn của tỉnh là di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Tỉnh đã quy hoạch Cụm công nghiệp (CCN) Hòa Long, với quy mô 50 ha, (tổng mức đầu tư 151 tỷ đồng, phục vụ việc di dời 141 cơ sở sản xuất gây ÔNMT trên địa bàn TP. Bà Rịa) và CCN Phước Thắng, với quy mô 40 ha (tổng mức đầu tư 746 tỷ đồng, phục vụ việc di dời 351 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn TP.Vũng Tàu). Trong lĩnh vực chế biến hải sản, tỉnh đã quy hoạch 2 khu chế biến hải sản tập trung 38ha tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) và 22,5ha tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang khảo sát địa điểm đầu tư xây dựng khu chế biến hải sản tập trung 75ha ở khu vực Phước Cơ (phường 12, TP.Vũng Tàu) và ấp An Thạnh (xã An Ngãi), diện tích khoảng 20ha.
Ngoài ra, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về công tác BVMT; nâng cao hiệu quả thu hút các dự án đầu tư bảo đảm các yêu cầu về BVMT; ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; kiên quyết không thu hút các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, phát thải lớn, có nguy cơ gây ÔNMT cao.
Trong thời gian tới, để công tác BVMT đạt hiệu quả, các Sở ngành, địa phương cần tập trung bảo vệ nghiêm ngặt các nguồn cấp nước sinh hoạt; chú trọng tăng cường công tác phòng ngừa, cải thiện, khắc phục ô nhiễm đối với hoạt động nông nghiệp; đẩy mạnh công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn; tăng cường công tác BVMT trong khu dân cư, đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường... Về tình trạng ÔNMT do hoạt động chăn nuôi gây ra, tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi và quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo đảm việc chăn nuôi thành vùng tập trung, không gây ảnh hưởng đến thượng nguồn các hồ cấp nước; đồng thời thực hiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi… di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất để chủ động phòng chống dịch bệnh và BVMT.
Nguyễn Trung Dũng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)