Banner trang chủ

Tăng cường quản lý và thu thuế tài nguyên trong khai thác khoáng sản

02/03/2017

     Hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động, đóng góp quan trọng cho nguồn thu cho ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, hoạt động này cũng làm phát sinh ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động, thất thu ngân sách nhà nước... nên cần phải có những giải pháp tăng cường công tác quản lý và thu thuế tài nguyên.

     Kết quả thu thuế tài nguyên và những bất cập trong công tác quản lý và thu thuế

     Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú với gần 40  loại khoáng sản như dầu khí, kim loại, than, vật liệu xây dựng… Hiện nhiều loại khoáng sản được được khai thác với quy mô lớn nên đang đối mặt với quy mô cạn kiệt trong tương lai gần. Trong khi, đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản rất hạn chế. Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí đạt 0,9 - 1,1% tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2013. Trong năm 2015, số thu thuế tài nguyên đạt 11.129 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,22% tổng số thu ngân sách nhà nước.

     Tại nhiều địa phương, tình trạng thất thu thuế đã và đang diễn ra. Điển hình như huyện Quỳ Hợp, Nghệ An có trên 240 doanh nghiệp, trong đó hầu hết hoạt động khai thác chế biến khoáng sản. Nhiều năm qua, lĩnh vực thu thế tài nguyên khoáng sản rất khó khăn. Tổng số nợ thuế tài nguyên khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn Quỳ Hợp tính từ năm 2005 đến tháng 10/2016 là hơn 29 tỷ đồng. Năm 2016, huyện đã xử lý, truy thu được hơn 10 tỷ đồng.

      Nguyên nhân thất thu thuế ở nhiều địa phương là do chính sách thu thuế tài nguyên trong khai thác khoáng sản thực tế còn vẫn còn một số vướng mắc như nhiều tài nguyên có giá trị cao chưa có quy định thu thuế tài nguyên, các loại đá granite cao cấp vẫn có mức thuế suất như đá thông thường. Chính sách thuế cũng chưa quy định rõ việc thu thuế tài nguyên với hộ gia đình, cá nhân khai thác tài nguyên, vật liệu xây dựng thông thường. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ chế để giám sát sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp (DN). Điều này dấn đến những rủi ro thất thu do DN khai báo số liệu thấp hơn thực tế hoặc không thực hiện các nghĩa vụ đóng góp như cam kết ban đầu. Ngoài ra, nhiều trường hợp DN chỉ xuất hóa đơn khi người mua yêu cầu để trốn sản lượng và giá tính thuế. Mặt khác, việc quản lý  khai thác ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, nên vẫn còn hiện tượng khai thác trái phép gây thất thu sản lượng.

     Mặt khác , chính sách thuế chưa quy định rõ việc thu thuế tài nguyên đối với hộ gia đình, cá nhân khai thác tài nguyên, vật liệu xây dựng thông thường trên khuôn viên đất ở bán cho đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng, nên cần quy định rõ vào Luật. Đối hoạt động khai thác nhỏ lẻ, người mua gom tài nguyên không có cam kết giữa người bán tài nguyên nhỏ lẻ nộp thay thuế tài nguyên thì không phải kê khai nộp thuế dẫn đến lợi dụng trốn thuế.

     Trong khi đó vẫn chưa có cơ chế để giám sát sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến những rủi ro thất thu do doanh nghiệp khai báo số liệu thấp hơn thực tế, hoặc không thực hiện các nghĩa vụ đóng góp như cam kết ban đầu. Hàm lượng, chất lượng tài nguyên khai thác lên cùng tạp chất không đồng đều, nên khó khăn trong việc xác định khối lượng tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên và khó bảo đảm có giá tính thuế tài nguyên đối với một loại tài nguyên nhất định thống nhất trên toàn quốc.

 

Nhà nước cần ban hành chính sách khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên trong nước

 

     Bên cạnh đó, thực tế còn phát sinh hiện tượng chuyển giá gây thất thu về giá tính thuế tài nguyên. Đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thuỷ điện, Luật quy định giá tính thuế là giá bán điện thương phẩm bình quân trên thị trường do Nhà nước công bố. Tuy vậy, trong cơ cấu giá bán điện bình quân trên thị trường không chỉ riêng giá bán thuỷ điện, mà bao gồm cả giá bán điện từ nhiệt điện, giá bán điện nhập khẩu dẫn đến những thắc mắc của doanh nghiệp trong xác định giá tính thuế tài nguyên đối với trường hợp này.

     Ngoài ra, vẫn còn một số tồn tại khác, số lượng, chủng loại tài nguyên tại một số địa phương không nhiều, số thuế tài nguyên có thể thu được thấp không đủ bù đắp chi phí quản lý thu nên địa phương chưa quan tâm chú trọng. Chi phí đầu tư chế biến tài nguyên khoáng sản lớn chưa thực sự hấp dẫn việc đầu tư chế biến sâu, nên các doanh nghiệp khai thác có xu hướng xuất khẩu, kinh doanh tài nguyên thô, gây thất thoát tài nguyên. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý cấp phép khai thác tài nguyên và cơ quan thuế chưa chặt chẽ; hệ thống thông tin về trữ lượng, chủng loại tài nguyên tại địa phương chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện thu thuế tài nguyên.

     Đề xuất một số giải pháp

     Trước thực trạng trên đặt ra yêu cầu cần thiết phải tăng cường quản lý hiệu quả về tài nguyên, khoáng sản phù hợp với chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, từ đó bảo đảm chính sách thu thuế hợp lý các nguồn lợi từ tài nguyên thiên nhiên. Để làm được điều đó, cần thực hiện một số giải pháp mang tính khả thi cao. Đó là đẩy mạnh giáo dục ý thức công dân trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là đối với tài nguyên không tái tạo được. Việc nâng cao nhận thức về vai trò của tài nguyên và chính sách thu đối với khai thác tài nguyên cũng góp phần khuyến khích các địa phương lựa chọn phương thức đầu tư khai thác, chế biến tài nguyên hợp lý và lựa chọn đường lối phát triển, điều kiện địa phương mình.

     Đồng thời, tăng cường công tác quản lý và cấp phép khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản, lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện, tiềm lực để khai thác, chế biến tài nguyên; có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị tài nguyên. Từ đó, tài nguyên ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường.

     Nhà nước cần có cơ chế quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cấp phép khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Thực hiện kiểm tra tại địa bàn (kê khai thuế điện tử của doanh nghiệp tại cơ quan thuế) để xác định sản lượng khai thác hàng quý, tập hợp bảng kê bán lẻ hàng ngày, đối thoại với các doanh nghiệp. Gửi công văn cho đơn vị quản lý để đôn đốc nợ đọng thuế. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các dự án, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn hoạt động kinh doanh, khai thác không kê khai, nộp các loại thuế, phí theo quy định, trường hợp không chấp hành đúng kiên quyết cưỡng chế, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép.

     Thống nhất thực hiện người được phép khai thác tài nguyên phải nộp thuế theo quy định của Luật Thuế tài nguyên. Nếu khai thác nhỏ lẻ không nộp thuế được thì người mua gom phải nộp thay, bảo đảm đúng đối tượng khai thác là người nộp thuế, tăng cường quản lý, tránh trốn thuế. Bảo đảm việc khai thác khoáng sản được thực hiện bởi đơn vị có đủ năng lực về khai thác, quản lý hoạt động và môi trường, tăng cường quản lý để ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá.

     Nghiên cứu cơ chế chính sách về thuế tài nguyên đối với tài nguyên đã qua chế biến, quy định những căn cứ cụ thể để phân biệt sản phẩm đã qua chế biến vẫn ở dạng nguyên, hoặc đã thành sản phẩm khác, để xác định sản lượng và giá tính thuế đối với tài nguyên khai thác và sản phẩm khác chế biến từ tài nguyên khai thác cho đồng bộ với chính sách hiện hành để khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên trong nước. Sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng thực tế khai thác trong kỳ. Cần tăng cường quản lý sản lượng tài nguyên khai thác từ khâu cấp phép, cho đến quá trình tổ chức khai thác, tiêu thụ để chống thất thoát, trốn sản lượng tính thuế.

     Cùng đó, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế để người nộp thuế tiếp cận thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời với những thay đổi của chính sách thuế tài nguyên ở mỗi thời điểm, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh giáo dục ý thức công dân trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn tài nguyên không tái tạo. Nâng cao kiểm soát về thuế đối với khai thác tài nguyên sẽ góp phần khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp lựa chọn phương thức đầu tư công nghệ khai thác, chế biến hợp lý, phù hợp với điều kiện của địa phương, hạn chế xuất khẩu thô, tăng giá trị tài nguyên.

     Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thuế; có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế kê khai, nộp thuế; kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, qua đó đánh giá chính xác các nội dung thông tin kê khai trong hồ sơ thuế như sản lượng khai thác, sản lượng tiêu thụ, giá thành, giá bán... giúp cơ quan thuế nắm được khối lượng, chủng loại khoáng sản có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp; tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác quản lý thuế.
 
 

Nguyễn Thị Ngọc Thùy

Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2017

Ý kiến của bạn