Banner trang chủ

Tăng cường phối hợp ngăn chặn hành vi nhập khẩu trái phép chất thải nguy hại vào Việt Nam

03/03/2016

   Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu sử dụng nguyên liệu tái sản xuất làm gia tăng lượng chất thải nguy hại (CTNH) trong hoạt động sản xuất cũng như nhập khẩu phế liệu vào lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, việc quản lý, kiểm soát CTNH là yêu cầu cấp thiết trong công tác BVMT hiện nay.

   Đối với các quy định về quản lý CTNH, hiện nay có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp về quản lý CTNH và nhập khẩu phế liệu như: Luật BVMT năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT, Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT và một số văn bản liên quan khác được đánh giá là chi tiết và đầy đủ.

Lực lượng chức năng phát hiện CTNH không được lưu giữ theo quy định của Công ty TNHH LongTech Precision Việt Nam 

   Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, việc nhập khẩu trái phép CTNH vào lãnh thổ Việt Nam có xu hướng tăng theo số lượng, các vụ việc đều không xác nhận được chủ lô hàng hoặc sau khi xác nhận được chủ lô hàng thì không xác nhận được địa chỉ, công ty tại quốc gia xuất lô hàng đó. Vì thế, để giải quyết vấn đề nhập khẩu trái phép CTNH vào Việt Nam, ngoài việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và chặt chẽ, việc phối hợp với các lực lượng cảnh sát môi trường, công an điều tra, Văn phòng Interpol là cần thiết và hiệu quả nhằm ngăn chặn việc các doanh nghiệp "ảo" xuất khẩu trái phép CTNH vào Việt Nam.

   Số lượng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam từ năm 2011 - 2013

TT

Chủng loại phế liệu

Số lượng nhập khẩu (tấn/năm)

Quý IV/2011

2012

2013

1

Kim loại

277.430

2.958.495

3.455.943

2

Nhựa

23.980

313.262

1.604.872

3

Giấy/bao bì

36.550

228.600

4.282.131

4

Thạch cao

19.903

33.331

 

5

Xỉ cát

27.250

96.988

56.422

9

Phế liệu khác

 

 

1.466.679

 

Tổng số

385.113

3.630.676

10.866.047

(Nguồn: Tổng cục Môi trường)

   Trong giai đoạn 2013 - 2015, số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động nhập khẩu phế liệu khoảng 200 - 250 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là nhập các loại hình phế liệu như: Sắt, thép, giấy, nhựa, nhôm, đồng...

   Số vụ vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực quản lý CTNH từ năm 2007 - 2013

Năm

Số vụ phát hiện

Đối tượng

Khởi tố, đề nghị khởi tố

Xét xử hành chính

Vụ

Đối tượng

Cá nhân

Tổ chức

Xử phạt và truy thu phí BVMT (tỷ đồng)

2007 - 2008

137

151

0

 

101

50

1.25

2009

322

411

0

 

271

140

1.75

2010

346

423

0

 

270

153

2.1

2011

388

429

0

 

282

147

2.35

2012

422

451

0

 

293

158

2.91

2013

651

596

0

 

235

361

2.15

Tổng cộng

2.176

2.461

0

 

1.452

1.009

12.42

(Nguồn: C49, Bộ Công An)

   Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực quản lý CTNH từ năm 2007 - 2013 tăng nhanh, năm 2007 phát hiện được 137 vụ, đến năm 2013 là 651 vụ.

   Số chuyên án về CTNH được C49 thực hiện

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

2013

Số chuyên án đã thực hiện

4

9

7

5

11

15

(Nguồn: C49, Bộ Công An)

   Qua tổng hợp những vụ việc nhập khẩu trái phép phế liệu, rác thải trong thời gian qua tại các cảng biển trên lãnh thổ Việt Nam cho thấy, nguyên nhân hàng hóa tồn kho, không đủ điều kiện để lưu thông chủ yếu là người đứng tên không nhận hàng do hàng hóa không đúng chủng loại như trong hợp đồng; Doanh nghiệp thực hiện dịch vụ trung gian cho các doanh nghiệp ở nước ngoài không nhận hàng được do không có giấy tờ nhận hàng; Hàng hóa tạm nhập tái xuất sang nước thứ 3, nhưng không xuất sang được nước thứ 3 do không đủ điều kiện để xuất vào các quốc gia đó. Các loại hình hàng hóa tồn đọng tại cảng biển chủ yếu là máy móc, thiết bị cũ, lốp cao su đã qua sử dụng, phế liệu, quần áo cũ, thiết bị điện, điện tử đã qua sử dụng...  

   Trong thời gian qua, hầu hết các vụ việc vi phạm về nhập khẩu trái phép CTNH vào Việt Nam được phát hiện đều có sự tham gia, điều tra của lực lượng cảnh sát môi trường và công an điều tra. Theo C49, Bộ Công An, trong 120 vụ vi phạm thì đối tượng vi phạm là pháp nhân (nghĩa là đối tượng là các doanh nghiệp) 87 vụ, gồm doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh. Đối tượng là pháp nhân chiếm tỷ lệ 72,5% (87/120 vụ), trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 26,4%, doanh nghiệp Việt Nam chiếm 73,6%. Cá nhân gồm 23 vụ với 84 đối tượng, trong đó, công dân Việt Nam là 59 người (chiếm 70,2%), đối tượng mang quốc tịch nước ngoài là 25 người (chiếm 29,8%) chủ yếu là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaixia. Điển hình là việc đã phát hiện và xử lý các vụ nhập khẩu trái phép phế liệu, chất thải vào Việt Nam như Công ty TNHH Longtech Precision 100% vốn Đài Loan (Bắc Ninh), lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với lực lượng an ninh kinh tế (PA81), Công an tỉnh Bắc Ninh xác định xuất xứ và thủ đoạn vi phạm của Công ty, làm rõ hành vi nhập khẩu sắt, thép chưa được làm sạch, phế liệu có chứa nhiều thành phần là CTNH.

   Mặt khác, lực lượng phòng chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với Văn phòng Interpol xác minh các đối tác, công ty ở nước ngoài nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam mà có biểu hiện vi phạm. Từ năm 2008 - 2013, Interpol đã hỗ trợ và phối hợp phát hiện hàng chục doanh nghiệp "ảo" đưa CTNH vào Việt Nam. Qua đó, làm rõ nhiều đối tượng hoạt động trong lĩnh vực quản lý CTNH là đầu mối từ nước ngoài và kịp thời thông báo cho các cơ quan ban, ngành liên quan.

   Cùng với đó, hợp tác quốc tế cũng có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nhập khẩu trái phép CTNH. Trong những năm gần đây, một số vụ, việc điển hình nhập khẩu trái phép CTNH được ngăn chặn như: Công ty TNHH Vũ Hải (Quảng Ninh) nhập 63.040 tấn bản cực ắc quy chì, nhưng khai báo hải quan là quặng chì; Công ty TNHH một thành viên Mega Star và Công ty TNHH Vòng Tròn nhập khẩu 86 công ten nơ (tương đương 1.782 tấn) thép phế liệu có dính dầu nhớt, tạp chất qua các cảng tại TP. Hồ Chí Minh; Công ty Cửu Long Vinashin dưới danh nghĩa nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ Dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hồng đã nhập khẩu máy điện cũ nát được sản xuất từ những năm 1960 ở Hàn Quốc, trong đó có 1 máy biến thế chứa khoảng 4.000 lít dầu pholy Chlorinated Biphennyls (PCB)...

   Có thể nói, hiện nay, ở Việt Nam chỉ xử lý được các sự việc nhập khẩu trái phép khi hàng hóa đã vào cảng chứ chưa tập trung vào thực hiện ngăn ngừa trước khi cập cảng. Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với quá trình xây dựng và thực hiện các văn bản pháp luật thì việc phối hợp giữa các cơ quan cảnh sát môi trường và công an điều tra, Văn phòng Interpol, các ban/ngành hữu quan trong việc ngăn chặn nhập khẩu trái phép CTNH tại Việt Nam là cần thiết.

ThS. Lê Thanh Nga

Viện Khoa học Môi trường

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)

Ý kiến của bạn