Banner trang chủ

Tăng cường nguồn lực khắc phục ô nhiễm các làng nghề tại Thừa Thiên - Huế

03/05/2018

 

     Những năm gần đây, các làng nghề ở Thừa Thiên - Huế đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, các chất thải phát sinh tại nhiều làng nghề đã và đang gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), ảnh hưởng đến đời sống, cũng như hoạt động sản xuất của địa phương, làm giảm sức hấp dẫn của loại hình du lịch làng nghề ở Huế.

     Khó khăn về nguồn lực xử lý ÔNMT làng nghề

     Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 84 làng nghề, trong đó có 25 làng nghề truyền thống, được chia thành 6 nhóm theo sản phẩm: nhóm sản phẩm mây tre đan, nón lá, tranh giấy và hoa giấy, gốm nung, mộc mỹ nghệ, đúc đồng. Đa số các cơ sở sản xuất trong làng nghề là những hộ gia đình, quy mô sản xuất nhỏ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, sản xuất thủ công nên chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nên  gây ÔNMT nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm không khí… Để giải quyết vấn đề ÔNMT tại làng nghề, một số địa phương có làng nghề ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động, vận dụng nguồn hỗ trợ từ các chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT); Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Nguồn vốn khuyến công; Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường…Tuy nhiên, các nguồn vốn này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải tại các làng nghề. Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải làng bún Vân Cù (Hương Toàn, thị xã Hương Trà) được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường năm 2017, với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, nhưng vì vốn đối ứng của địa phương và nhân dân đóng góp không đủ nên công trình này vẫn chưa được hoàn thiện. 

     Tại làng nghề chế biến thủy sản Phú Thuận (huyện Phú Vang), thông qua Đề án hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMTNT, xã đã quy hoạch 3,2 ha đất xây dựng khu sản xuất tập trung để đưa các cơ sở chế biến thủy hải sản về sản xuất tập trung, với kinh phí dự kiến hơn 3 tỷ đồng, gồm: xây dựng hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải, trong đó các hộ dân cam kết sẽ đầu tư 2 tỷ đồng vốn đối ứng xây dựng nhà xưởng.Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, nên đến nay, Đề án vẫn chưa được triển khai…

      Theo Quyết định số 64/2003 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, trong đó lộ trình xử lý đối với làng nghề gạch ngói ở xã Hương Vinh và Hương Toàn (thị xã Hương Trà) là phải di chuyển địa điểm, hoàn thiện công nghệ từ năm 2003 - 2004; Riêng đối với làng nghề đúc đồng (phường Đúc, TP Huế) phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải và hiện đại hóa công nghệ sản xuất từ năm 2003 - 2006. Hiện đã quá thời hạn phải xử lý triệt để ÔNMT, nhưng đến nay, các cơ sở này vẫn chưa được di dời và xử lý, khiến môi trường tiếp tục bị ô nhiễm nghiêm trọng.

     Ngoài ra, tại TP. Huế hiện có 52 lò đúc đồng thuộc địa bàn 2 phường Thủy Xuân và phường Đúc. Tất cả các lò đúc đồng trên đều nằm xen lẫn trong khu dân cư. Kết quả khảo sát thông số không khí tại làng nghề phường Đúc cho thấy, nồng độ bụi cuối hướng gió vượt tiêu chuẩn cho phép gấp 2 lần, các khí độc nằm dưới tiêu chuẩn, nhưng nồng độ vẫn tương đối lớn. Vào thời điểm làng nghề hoạt động, nồng độ bụi và các khí độc đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 5 lần. Môi trường không khí bị ô nhiễm có tính cục bộ tại nơi trực tiếp sản xuất, đặc biệt là ô nhiễm bụi vượt tiêu chuẩn cho phép do sử dụng nhiên liệu là than, củi đốt lò. Theo yêu cầu, các lò đúc đồng ở đây phải xây dựng hệ thống xử lý khí thải và hiện đại hóa công nghệ sản xuất để không gây ô nhiễm. Hiện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa vào triển khai hệ thống xử lý khí thải cho một số cơ sở sản xuất và gia công đúc đồng. Mô hình này sử dụng hệ thống máy hút bụi thông qua chụp hút khói, bụi, khí thải bằng inox, đưa vào bể sục khí, kết hợp với hóa chất để làm sạch khí thải... Đây là giải pháp đem lại hiệu quả cao, nhưng do chi phí đầu tư lớn nên đến nay chỉ thực hiện được ở 3 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở được Nhà nước hỗ trợ.

     Đối với làng nghề gạch ngói Hương Vinh và Hương Toàn, dù đã quá thời hạn di dời 10 năm, nhưng nhiều lò gạch thủ công vẫn nhóm lò để sản xuất. Do các lò gạch nằm xen kẽ trong khu dân cư, lò chủ yếu được làm bằng đất và nung gạch bằng củi, nên gây ÔNMT nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề ÔNMT và việc làm cho lao động tại làng nghề gạch ngói trên địa bàn, thị xã Hương Trà đang chờ phê duyệt Dự án quy hoạch chi tiết cụm làng nghề gạch ngói, gốm Hương Vinh. Trong khi đó, chính quyền sở tại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nghề mới cho người dân nên đến nay làng nghề vẫn chưa di dời.

     Đẩy mạnh xã hội hóa BVMT làng nghề

     Trong thời gian tới, để tăng cường công tác BVMT làng nghề, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các mô hình xã hội hóa (XHH) trong xử lý ÔNMT làng nghề, tạo ra môi trường pháp lý cần thiết, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công tác BVMT làng nghề. Đồng thời, huy động cộng đồng đóng góp nguồn lực để xử lý ÔNMT làng nghề; triển khai những mô hình XHH BVMT, cụ thể đối với từng loại làng nghề, gắn với các hoạt động kinh tế - xã hội và văn hóa của cộng đồng làng nghề, từ đó, nhân rộng mô hình XHH xử lý ÔNMT làng nghề tại địa phương.

     Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục tập trung chỉ đạo việc bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án xử lý nước thải làng nghề; xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ để tiếp tục từng bước cải thiện chất lượng môi trường tại các làng nghề trên địa bàn; thực hiện các hoạt động tham vấn cộng đồng trong BVMT làng nghề; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh gây ÔNMT; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi để xảy ra tình trạng ÔNMT, gây bức xúc trong nhân dân. Đồng thời, chuyển giao công nghệ sạch, xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý môi trường hiệu quả; thực hiện lồng ghép Đề án BVMT làng nghề vào các chương trình, đề án có liên quan; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào xử lý chất thải rắn, nước thải. Song song với đó, cần tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, lạc hậu tại các làng nghề gây ÔNMT; giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác BVMT.

 

Môi trường làng nghề đúc đồng ở phường Đúc (Thừa Thiên - Huế) bị ô nhiễm nghiêm trọng do sử dụng nhiên liệu là than, củi đốt lò

Nguyễn Thủy

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)

Ý kiến của bạn