05/08/2015
Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong các hoạt động hợp tác về BVMT. Năm 2015 có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đánh dấu 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Đây cũng là năm các quốc gia ASEAN tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột hợp tác An ninh - Chính trị, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội, hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015.
Nhằm kiện toàn mạng lưới tổ chức quản lý các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường của Việt Nam, thống nhất đầu mối ASOEN với cơ chế hoạt động, phối hợp rõ ràng và hợp lý, ngày 6/7/2015, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành Quyết định số 1806/QĐ-BTNMT về việc kiện toàn Văn phòng Tổ chức các Quan chức Cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam (Văn phòng ASOEN Việt Nam). Văn phòng có nhiệm vụ xây dựng, trình Chủ tịch ASOEN phê duyệt kế hoạch hoạt động hàng năm và các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường; Giúp Chủ tịch ASOEN điều phối hoạt động của các nhóm công tác và cơ quan có liên quan; Tổng hợp nhu cầu hợp tác ASEAN về môi trường để xây dựng kế hoạch, chiến lược hợp tác hàng năm cũng như dài hạn. Đồng thời, là đầu mối liên lạc, tổ chức các chương trình, dự án, nhiệm vụ về môi trường trong khuôn khổ các hợp tác ASEAN, ASEAN+3, cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN và các nước đối thoại; Tổ chức các đoàn công tác tham dự Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3, các cuộc họp ASOEN và sự kiện có liên quan; Xây dựng các báo cáo định kỳ về tình hình hợp tác ASEAN Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, trình Chủ tịch ASOEN, làm cơ sở để báo cáo Bộ trưởng Bộ TN&MT…
Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về thành phố bền vững môi trường lần thứ 13 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày 8/7/2015 |
Những dấu mốc quan trọng trong năm 2014
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về môi trường trong khu vực ASEAN, Tổng cục Môi trường giao Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ và các đơn vị liên quan xây dựng phương án kiện toàn cơ cấu của Tổ chức quan chức cao cấp ASEAN về môi trường Việt Nam (ASOEN Việt Nam) trong tình hình hiện nay.
Đến tháng 3/2014, Tổng cục Môi trường đã xây dựng Đề án tăng cường năng lực cho ASOEN Việt Nam và ngày 15/12/2014, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký Quyết định Kiện toàn cơ cấu tổ chức của ASOEN Việt Nam.
Với mục đích chủ động và tích cực thực hiện các hoạt động thường niên về môi trường theo kế hoạch của ASEAN và đề xuất các sáng kiến của Việt Nam, tăng cường vai trò của Việt Nam trong ASEAN, năm 2014, Tổng cục Môi trường đã hoàn thiện Dự thảo Chương trình Hành động Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN về môi trường giai đoạn 2014 - 2015. Đây là cơ sở pháp lý để đề xuất và xây dựng các hoạt động của Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN về môi trường, hướng tới Cộng đồng ASEAN 2015. Chương trình Hành động đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT ký ban hành vào ngày 31/7/2014.
Trong năm qua, Văn phòng ASOEN Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ TN&MT tổ chức thành công các sự kiện trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và khu vực. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn tham dự các hội nghị, hội thảo và sự kiện ASEAN như: Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về Biến đổi khí hậu lần thứ 5 tại Inđônêxia; Hội nghị đối thoại ASEAN-EU lần thứ 2 tại Malaixia; Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về Biển và Đới bờ lần thứ 16 tại Inđônêxia; Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về thành phố (TP) bền vững môi trường lần thứ 12 tại Thái Lan; Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về môi trường lần thứ 25 (ASOEN 25) và các hội nghị có liên quan; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN phi chính thức lần thứ 15 và các hội nghị liên quan được tổ chức tại Lào.
Cùng với đó, Việt Nam còn tham dự đoàn công tác trong khuôn khổ hoạt động của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB); Hợp tác ASEAN với các đối tác; Hợp tác ASEAN+3 và thực hiện các dự án, hoạt động khác như: Dự án “Phục hồi và sử dụng bền vững đất than bùn ở khu vực Đông Nam Á” (Dự án Peatland); Dự án Đề xuất mạng lưới các TP bền vững môi trường (ESC) trong ASEAN và các nước Đông Nam Á; Đề cử TP được công nhận giải thưởng TP bền vững môi trường ASEAN (TP. Huế của Việt Nam đã được trao Giải thưởng TP bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 3) và Chứng chỉ TP tiềm năng trở thành TP bền vững môi trường ASEAN (TP. Đà Lạt là 1 trong 6 TP của ASEAN đạt được Chứng nhận TP tiềm năng trở thành TP bền vững môi trường lần thứ 2 về không khí sạch); Dự án Xây dựng năng lực nhằm hài hòa việc thực hiện các điều khoản của Công ước Đa dạng sinh học về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích trong khu vực - Hợp phần tại Việt Nam (từ năm 2012 - 2014); Đánh giá kết quả xây dựng cộng đồng ASEAN và kết quả thực hiện của Việt Nam vào thời điểm 31/12/2015 khi hình thành Cộng đồng ASEAN và Hoàn thiện các thủ tục quốc gia để đóng Quỹ đa dạng sinh học ASEAN (ABF).
Đà Lạt đạt Chứng nhận TP tiềm năng trở thành TP bền vững môi trường về không khí sạch |
Nâng hợp tác ASEAN về môi trường lên một tầm cao mới
Năm 2015 đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác ASEAN, hướng tới việc xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015.Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng như các nước thành viên trong khu vực đã và đang tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của Hiệp hội. Cụ thể, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN chính thức lần thứ 13 (AMME 13), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN +3 và chuỗi các hội nghị liên quan. Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối của Việt Nam chủ trì việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN và Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng. Trong Chương trình hành động của Bộ TN&MT tham gia hợp tác ASEAN về môi trường giai đoạn 2014 - 2015 (Quyết định số 1600/QĐ-BTNMT) đã xác định nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức thành công Hội nghị AMME 13 cùng các sự kiện liên quan là nhiệm vụ quan trọng của Bộ TN&MT trong năm 2015.
Để triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị AMME 13 và chuỗi các Hội nghị liên quan, Bộ TN&MT đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức Hội nghị AMME 13 (Quyết định số 760/QĐ-BTNMT ngày 2/4/2015) và quyết định thành lập Ban Tổ chức Hội nghị AMME 13 và chuỗi các sự kiện liên quan (Quyết định số 761/QĐ-BTNMT ngày 2/4/2015). Theo đó, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị AMME 13, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 và các hội nghị liên quan. Trong đó, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về môi trường được tổ chức định kỳ 3 năm/lần trong cơ chế hợp tác môi trường ASEAN, nhằm đánh giá tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác về môi trường trong khu vực giữa 2 kỳ hội nghị; Thảo luận về nội dung hợp tác mới, đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp thúc đẩy các hoạt động hợp tác ASEAN trong thời gian tới.
Được tổ chức liền kề với Hội nghị AMME 13 dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 26 - 31/10/2015 là chuỗi các Hội nghị liên quan gồm: Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14 (14 AMME+3) và các Hội nghị quan chức cao cấp chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng; Hội nghị Ủy ban thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11 (COM 11); Hội nghị các bên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11 (COP 11), nhằm rà soát kết quả thực hiện các chương trình, dự án thuộc 10 lĩnh vực hợp tác về môi trường trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, ASEAN+3.
Tại Hội nghị AMME 13, dự kiến các Bộ trưởng sẽ thảo luận và thông qua những Tuyên bố chung ASEAN gồm: Tuyên bố ASEAN về biến đổi khí hậu (BĐKH) chuẩn bị cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP21); Tuyên bố chung ASEAN về bảo vệ các loài động vật bị đe dọa khỏi nguy cơ tuyệt chủng; Thông cáo chung và kết quả của Hội nghị Bộ trưởng. Đây là chuỗi các hội nghị Bộ trưởng có quy mô lớn, số lượng đại biểu đông, tính chất quan trọng so với các hội nghị khác thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường.
Ngoài ra, năm 2015, Việt Nam còn đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm công tác TP bền vững về môi trường lần thứ 13 tại Đà Lạt, TP vừa được nhận Chứng nhận TP tiềm năng trở thành TP bền vững môi trường ASEAN. Một số hoạt động được tổ chức tại Hội nghị gồm có Lễ vinh danh các TP của Việt Nam đạt Giải thưởng TP bền vững môi trường ASEAN.Giải thưởng được tổ chức 3 năm/lần. Đây cũng là cơ hội quảng bá và giới thiệu với các đại biểu ASEAN về một TP không khí sạch của Việt Nam và thúc đẩy các TP khác của Việt Nam phát triển, hướng tới một TP bền vững về môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tổ chức Hội thảo tập huấn và khởi động Dự án BĐKH tại vùng biển ASEAN “Tác động, Tổn thương và Thích ứng”. Hội thảo là hoạt động triển khai sáng kiến của Việt Nam trong khuôn khổ Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ, đã được ASEAN thông qua năm 2013.
Với mục đích tham gia, đóng góp vào quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN giai đoạn sau 2015 nhằm nâng cao hợp tác ASEAN và liên kết khu vực lên tầm cao mới, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động và tích cực hơn nữa thực hiện những hoạt động thường niên về môi trường theo kế hoạch của ASEAN và đề xuất các sáng kiến của Việt Nam tại các hội nghị. Qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về ASEAN nói chung và hợp tác ASEAN về môi trường nói riêng, cũng như vai trò của Việt Nam trong ASEAN.
Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động phát huy nội lực, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển trong lĩnh vực môi trường của ASEAN, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc để ASEAN đi đến quyết định lịch sử là tăng cường liên kết, tiến tới xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh.
Nguyễn Thị Thanh Trâm
Văn phòng ASOEN Việt Nam, Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7 -2015)