25/07/2016
Sự việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa) xả thải gây ô nhiễm môi trường và để lại hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh miền Trung vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong vấn đề thu hút đầu tư, quản lý môi trường. Đã đến lúc cần phải tăng cường giám sát về môi trường, không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời phóng viên báo chí về vụ việc của Formosa
Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV ngày 20/7/2016 cho biết: “Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận, công bố công khai nguyên nhân và chỉ rõ Công ty Formosa đã vi phạm pháp luật về đầu tư và BVMT, gây ra sự cố môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam. Đồng thời đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt cũng như lâu dài, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương; Giám sát Công ty Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết; Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và BVMT”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí chiều 21/7
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc giám sát Formosa, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao, đưa ra quyết sách pháp luật về những chủ trương lớn. Do đó, sự tham gia của Quốc hội vào việc giám sát, xử lý vấn đề liên quan đến Formosa là phù hợp.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, Formosa là bài học đắt giá về việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Từ sự việc này phải chú ý nhiều hơn đến môi trường vì đây là lĩnh vực ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của người dân, tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Chúng ta không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá, khi nhà đầu tư vào Việt Nam phải kiểm soát để tránh biến Việt Nam trở thành nơi xử lý rác thải.
“Vấn đề do Formosa gây ra không chỉ là ô nhiễm mà điều cần quan tâm là làm sao tập trung giám sát việc khắc phục hậu quả, xử lý ô nhiễm môi trường biển. Tôi cũng đề nghị, trong thời gian tới, Quốc hội cần quan tâm nhiều hơn, giám sát kỹ hơn, có chuyên đề giám sát về môi trường, nhất là môi trường biển. Hơn nữa, qua vụ việc Formosa, phải rút ra bài học kinh nghiệm như khi thu hút đầu tư không quá nặng về kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường. Các Bộ, ngành liên quan phải đánh giá đúng tác động môi trường của các dự án. Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ…” - Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Tại buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí ngày 23/7, trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí liên quan đến Formosa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc lựa chọn các dự án đầu tư phải đảm bảo môi trường sau bài học Formosa. “Chúng ta sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc qua bài học này. Sẽ không có chuyện phát triển kinh tế bằng mọi giá mà phải quan tâm đến công tác BVMT trong phát triển kinh tế và lựa chọn các dự án đầu tư. Quốc hội sẽ có những giám sát độc lập, đảm bảo chặt chẽ việc phát triển kinh tế không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, tiếp tục ban hành các quy định pháp luật trong BVMT; Thực hiện việc giám sát chấp hành chính sách BVMT và phát triển kinh tế trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Phạm Văn Ngọc (Theo Monre)