02/04/2020
Theo điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) nêu rõ: “Phát triển các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu. Trong đó, khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các NMNĐ, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các NMNĐ khu vực miền Bắc. Đến năm 2020, tổng công suất khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ 63 triệu tấn than; năm 2025, tổng công suất khoảng 45.800 MW, sản xuất 220 tỷ kWh điện, chiếm 55% điện sản xuất, tiêu thụ 95 triệu tấn than”. Các NMNĐ ngày càng khẳng định vai trò là nguồn điện chủ lực, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện nay, trên cả nước có 25 NMNĐ than đã đi vào vận hành với tổng công suất lắp đặt 18.294 MW. Nguyên liệu sử dụng của các nhà máy bao gồm 2 nguồn chính là than nội địa (than antraxit) và than nhập khẩu (hỗn hợp than bitum, á bitum). Các NMNĐ than đang áp dụng các công nghệ nhằm kiểm soát hàm lượng chất ô nhiễm trong khí thải gồm: Bộ lọc bụi tĩnh điện (ESP) có hiệu suất lọc bỏ bụi tro của than lên tới 99,9%; Bộ khử khí lưu huỳnh SOx (FGD) có hiệu suất khử khí SOx của than lên tới 98,9%; Bộ khử khí NOx (SCR) có hiệu suất khử khí NOx phát sinh trong khí thải lên tới 92,6%. Đối với khí CO2 giải pháp khả thi nhất là áp dụng công nghệ thông số hơi siêu tới hạn hoặc quá siêu tới hạn, nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu, giảm phát thải khí CO2. Ngoài ra, tại miệng ống khói của nhà máy lắp thêm hệ thống giám sát khí thải tự động liên tục (CEMS), truyền số liệu về Sở TN&MT địa phương để giám sát.
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II thuộc Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương đã được chứng nhận quốc tế về quản lý môi trường ISO 45001:2018
Cùng với sự phát triển về số lượng nhà máy và quy mô công suất, công nghệ nhiệt điện cũng ngày càng hiện đại, cho phép vận hành các tổ máy với hiệu suất, độ an toàn và tính kinh tế cao. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của các NMNĐ, một số nguồn thải chính phát sinh như: khí thải, nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt, nước làm mát, tro, xỉ có thể ảnh hưởng đến môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm…
Các tác động đến môi trường từ các NMNĐ
Ngay từ giai đoạn lập quy hoạch, xác định vị trí NMNĐ, những tác động của NMNĐ đến môi trường (đất, nước, không khí) và hệ sinh thái đã được xem xét, dự báo một cách tổng thể. Trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành, các tác động chính được dự báo chi tiết hơn: Tác động từ việc di dời và tái định cư các khu dân cư; Tác động do phát sinh khí thải, nước thải (nước thải sinh hoạt, sản xuất và nước làm mát), chất thải rắn (chất thải rắn sinh hoạt, tro xỉ từ nhà máy); Tác động của nhiệt dư lên môi trường nước nếu không có giải pháp kỹ thuật phù hợp, giám sát thực thi hoạt động BVMT chặt chẽ.
Ô nhiễm không khí từ các NMNĐ được xem là một trong những nguồn chính ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí trong khu vực dự án và có thể đến vùng lân cận. Các tác nhân gây ô nhiễm không khí chính là lưu huỳnh dioxit (SO2), ôxit nitơ (NOx), cacbon monoxit (CO), cacbon dioxit (CO2) và bụi. Sự phát tán và nồng độ tại mặt đất của các tác nhân trên phụ thuộc vào công suất của nhà máy, công nghệ và hiệu quả xử lý các tác nhân, cũng như cấu trúc, độ cao của ống khói, điều kiện khí tượng, địa hình, hiện trạng lớp phủ thực vật trong và xung quanh dự án.
Bên cạnh đó, các NMNĐ cũng có thể gây ra những ảnh hưởng đối với hệ sinh thái thủy sinh. Phần lớn, các NMNĐ lấy nước sông, hoặc nước biển để đưa vào hệ thống làm mát, sau đó lại chuyển khối lượng nước này trở lại sông (biển). Lưu lượng nước làm mát cần cho một NMNĐ, công suất 600 MW (nhiệt điện Phả Lại II, hoặc Ô Môn) khoảng 20 -25 m3/giây; đối với nhà máy 3.000 MW (Nhà máy năng lượng Phú Mỹ) lưu lượng nước làm mát là 80 -90 m3/giây. Nhiệt độ sau khi qua hệ thống làm mát thường cao hơn nhiệt độ nước sông 6 -7oC. Do vậy, việc xả nước làm mát làm tăng nhiệt độ cục bộ tại khu vực xả so với khu vực lấy nước làm mát và xung quanh (theo kết quả mô hình toán dự báo tác động ô nhiễm nhiệt của các NMNĐ ở Việt Nam có thể tăng 3 - 6oC (nơi sát cửa xả), hoặc 1 - 3oC (nơi cách cửa xả khoảng vài trăm mét). Ngoài ra, nguồn nước nơi nhận nước thải có thể bị ô nhiễm dầu mỡ, bụi than (từ cảng chuyên dùng nhập nhiên liệu).
Mặt khác, tình hình phát sinh tro, xỉ tại các NMNĐ than cũng là một trong những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát, tái chế, tái sử dụng tốt. Năm 2018, khối lượng tro, xỉ thải phát sinh tại các NMNĐ đang vận hành khoảng 13 triệu tấn/năm, trong đó, lượng tro bay chiếm từ 80 -85%, lượng tro, xỉ thải tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 65% tổng lượng thải), sau đó là miền Trung (chiếm 23% tổng lượng thải) và miền Nam (chiếm 12% tổng lượng thải). Tổng lượng tro, xỉ lưu giữ tại bãi chứa của các NMNĐ khoảng 34,3 triệu tấn. Hiện nay, tro xỉ, thạch cao phát sinh từ các NMNĐ được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng, làm bê tông và nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, tại một số NMNĐ, lượng tro xỉ, thạch cao phát sinh vẫn còn được lưu giữ tại các bãi lưu giữ, về lâu dài có thể không còn quỹ đất để làm bãi chứa tro, xỉ, thạch cao, dẫn tới các NMNĐ khó tiếp tục hoạt động.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 mở cửa đón chính quyền và nhân dân địa phương đến tham quan, giám sát việc xử lý ô nhiễm và BVMT
Thời gian qua, tại một số NMNĐ, lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh đã được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng, bê tông và nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, lượng tro, xỉ đã tiêu thụ được đạt khoảng 5,06 triệu tấn (chiếm khoảng 38,9% tổng lượng phát sinh), trong đó miền Bắc tiêu thụ khoảng 3,6 triệu (chiếm khoảng 71,1%). Tại NMNĐ Phả Lại được tiêu thụ tốt và là một nguồn thu không nhỏ của Nhà máy. Tuy nhiên, tại các NMNĐ: Vũng Áng (Hà Tĩnh), Vĩnh Tân (Bình Thuận), Duyên Hải (Trà Vinh), lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh lớn được lưu giữ tại Nhà máy và khó tiêu thụ.
Trong quá trình các NMNĐ triển khai hoạt động sản xuất, Bộ TN&MT luôn yêu cầu các chủ dự án tuân thủ nghiêm Luật BVMT, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan, trong đó phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng khí thải đầu ra bảo đảm đạt QCVN 22:2009⁄BTNMT -Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện; toàn bộ nước thải công nghiệp phát sinh phải được thu gom và xử lý, nước làm mát (đối với nhiệt độ, Clo dư) trước khi xả ra môi trường bảo đảm đạt QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp; toàn bộ chất thải sinh hoạt, chất thải xây dựng, công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh phải được thu gom, xử lý, bảo đảm các yêu cầu vệ sinh môi trường, tuân thủ các quy định tại Nghị định số 38/2015/ NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 36/2015/ TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại.
Đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác BVMT đối với các NMNĐ
Nghị quyết số 55-NQ/ TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ “Phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy có công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Rà soát tổng thể và có kế hoạch triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có để đáp ứng yêu cầu BVMT; kiên quyết đóng cửa đối với các nhà máy không thực hiện nâng cấp công nghệ theo quy định”.
Trên cơ sở đó, để đảm bảo việc phát triển nhiệt điện một cách bền vững, gắn với BVMT, trong thời gian qua, công tác phối hợp, phân cấp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương (Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Sở TN&MT địa phương…) trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kiểm tra và xác nhận hoàn thành các công trình BVMT; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đã được phối hợp chặt chẽ; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó tập trung ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật về tro, xỉ sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và ban hành quy định về điều kiện của doanh nghiệp tiếp nhận xử lý chất thải rắn thông thường theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhằm giải quyết triệt để vấn đề tro, xỉ của các NMNĐ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Đối với các NMNĐ, các cơ quan chức năng sẽ thẩm định, kiểm tra, xác nhận, giám sát các hạng mục BVMT; xem xét phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; kiên quyết từ chối đầu tư đối với các dự án có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường; từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để góp phần giảm phát thải, cải thiện môi trường.
Hiện tại, Bộ TN&MT đang nghiên cứu, rà soát các quy chuẩn môi trường hiện hành (trong đó có QCVN 22:2009⁄BTNMT -Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện) để cập nhật, sửa đổi, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về BVMT. Đồng thời, Bộ TN&MT phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành, địa phương tăng cường giám sát hoạt động BVMT đối với các trung tâm, NMNĐ.
Nam Việt
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)