06/02/2018
Hiện nay, vùng biển Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (VB) đang được các cơ quan của Việt Nam phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xúc tiến các hoạt động chuẩn bị hồ sơ tái đề cử Di sản Thiên nhiên thế giới (DSTNTG) Vịnh Hạ Long mở rộng sang Quần đảo Cát Bà. Đồng thời, khu vực biển này cũng đang được Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam nghiên cứu về các điều kiện các khu vực biển đặc biển nhạy cảm theo các hướng dẫn tại Nghị quyết A.982 (24) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).
Những hoạt động trên nhằm bổ sung thêm các công cụ, biện pháp quản lý, giám sát nhằm BVMT, bảo tồn biển khu vực Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà của Việt Nam cũng như quốc tế. Trong khuôn khổ cập nhật tiến độ chuẩn bị hồ sơ tái đề cử DSTNTG Vịnh Hạ Long mở rộng sang Quần đảo Cát Bà, bài viết đề cập đến vấn đề thiết lập khu vực biển đặc biệt nhạy cảm (PSSA).
Vùng biển Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đang được tái đề cử DSTNTG Vịnh Hạ Long mở rộng sang Quần đảo Cát Bà |
Vai trò khu vực biển đặc biệt nhạy cảm
Hiện nay, các quy định về PSSA được một số quốc gia xem là tổng hợp của nhiều Công ước quốc tế về BVMT biển. PSSA là vùng biển có giá trị đặc biệt về môi trường - sinh thái, kinh tế - văn hóa - xã hội và khoa học - giáo dục, có nguy cơ bị tổn thương do hoạt động hàng hải quốc tế. Để có thể đề nghị một vùng biển là khu PSSA, cần phải xét đồng thời 3 yếu tố: Tính quan trọng của vùng biển về mặt môi trường tự nhiên; Mức độ ô nhiễm môi trường vùng biển do các hoạt động hàng hải, đặc biệt là hàng hải quốc tế; Các giải pháp liên quan để ngăn ngừa, giảm thiểu hay loại trừ các mối đe dọa đó.
Khi được công nhận là PSSA, vùng biển sẽ được vẽ ranh giới cụ thể trên bản đồ hàng hải thế giới, được xuất bản và công bố cho các quốc gia thành viên về việc hạn chế hay nghiêm cấm hàng hải bắt buộc đối với tàu thuyền qua vùng biển PSSA. PSSA giúp các quốc gia kiểm soát, hạn chế các loại tàu thuyền một cách hợp pháp và tuân thủ các Công ước quốc tế về hàng hải. PSSA do IMO công nhận là vùng biển có giá trị cao bao gồm 17 tiêu chí về môi trường sinh thái, kinh tế - xã hội, khoa học và giáo dục với chủ yếu là các khu bảo tồn (KBT) biển hay khu đa dạng san hô. Tính đến năm 2012, có 14 PSSA tại hầu hết các vùng biển trên thế giới và đã phát huy tác dụng bảo vệ tài nguyên cũng như chủ quyền lãnh thổ cho một số vùng đảo, quần đảo như Malpelo (Colômbia), Canary (Tây Ban Nha), Galapos (Ecuador), Hawaii (Mỹ)… Hiện đã có PSSA liên quốc gia như Wadden Sea (Hà Lan, Đan Mạch, Đức); Eo Bonifacio (Italia, Pháp), ven biển Tây Âu, biển Baltic tạo ra phương thức đồng kiểm soát quốc tế rất thành công về tài nguyên, môi trường biển và tàu thuyền.
Tiềm năng thiết lập khu vực biển đặc biệt nhạy cảm VB
VB nằm trên nằm trên địa phận tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng của Việt Nam, là nơi có nhiều tàu thuyền qua lại. Tại đây cũng đã có được các biện pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường biển ở quy mô quốc gia và quốc tế với vùng lõi DSTNTG Vịnh Hạ Long của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), rộng 434 km2 và vùng lõi KBT biển quốc gia Cát Bà, rộng 92 km2.
Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh được UNESCO công nhận là DSTNTG (434 km2 với hơn 775 hòn đảo tại vùng lõi của Vịnh) bởi vẻ đẹp độc đáo và địa chất địa mạo. Vịnh cũng vượt qua hơn 400 kỳ quan từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ để trở thành một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo đã khiến Vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học (ĐDSH) của hàng nghìn loài động, thực vật. Trong đó có 102 loài sinh vật quý hiếm với 17 loài thực vật đặc hữu. Vịnh Hạ Long cũng là một khu vực phát triển năng động nhờ những điều kiện và lợi thế sẵn có về tiềm năng du lịch, nghiên cứu khoa học, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, giao thông thủy đối với khu vực vùng biển Đông Bắc Việt Nam nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung.
KBT biển Cát Bà (diện tích 92 km2 và 366 hòn đảo lớn nhỏ) là vùng có tính ĐDSH và tiềm năng bảo tồn thuộc lại cao với 1.140 loài động, thực vật biển, độ phủ san hô trung bình 47,7%. Tuy nhiên, các rạn san hô trong vùng đang bị đe dọa, việc đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt, hiện tượng môi trường biển đang bị ô nhiễm bởi giao thông trên biển, ảnh hưởng từ các bến cảng, công nghiệp và từ vùng sản xuất nông nghiệp ở khu vực lân cận cùng với mức độ hiểu biết thấp về các vấn đề môi trường trong nhân dân địa phương, chưa có một hệ thống mốc ranh giới là các trở ngại đối với công tác bảo tồn biển.
KBT biển đảo Cát Bà có phần chung ranh giới với khu DSTNTG Vịnh Hạ Long và là một bộ phận tiềm năng đối với việc mở rộng ngành công nghiệp du lịch. Việc quản lý tốt ngành du lịch sinh thái sẽ tạo thêm tiềm năng làm giảm bớt sức ép đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng này cũng như tăng thêm thu nhập cho kinh tế địa phương.
Để xem xét VB là vùng biển có giá trị cao cần xem xét các tiêu chí về ĐDSH và sinh thái (11 tiêu chí); kinh tế - xã hội (3 tiêu chí); khoa học và giáo dục (3 tiêu chí). Trong đó, tiêu chí về ĐDSH và sinh thái bao gồm: Tính độc hiếm; Môi trường sống quan trọng; Tính phụ thuộc; Tính đại diện; Tính đa dạng; Năng suất tái sinh; Nơi sinh-đẻ trứng, ấu trùng; Tính tự nhiên hoang dã; Tính nguyên vẹn; Tính dễ bị tổn thương; Giá trị địa sinh học.
Tóm lại, VB đáp ứng các tiêu chí PSSA của Tổ chức Hàng hải quốc tế, cụ thể có ranh giới hành chính khu vực được xác định, thuộc chủ quyền hoàn toàn của Việt Nam. Khu vực này có nguy cơ tác động của vận tải hàng hải quốc tế gây suy thoái môi trường và các hệ sinh thái biển.
Ngoài ra, qua nghiên cứu cho thấy, nhận thức được mối đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, hệ sinh thái, kinh tế - xã hội, sinh kế, văn hóa, khoa học và giáo dục của khu vực VB từ hoạt động hàng hải, căn cứ theo các hướng dẫn lần lượt được sửa đổi của IMO và đề xuất thiết lập PSSA ở khu vực này là cần thiết, nhằm bổ sung thêm các công cụ, biện pháp quản lý, giám sát hoạt động hàng hải về BVMT, bảo tồn ĐDSH, cảnh quan khu vực. Đây cũng là yếu tố góp phần tăng cường công tác quản lý và BVMT khu vực VB khi được UNESCO công nhận DSTNTG Vịnh Hạ Long mở rộng sang Quần đảo Cát Bàn
TS. Dư Văn Toán
ThS. Hoàng Nhất Thống
ThS. Lương Minh Đức
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018