Banner trang chủ

Sự tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường

04/04/2017

   Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một quy trình nhằm xác định, dự đoán, đánh giá và giảm thiểu các tác động tiêu cực tiềm năng từ các dự án phát triển đối với môi trường trước khi đưa ra những quyết định và cam kết quan trọng. Về pháp lý, ĐTM là công cụ pháp lý đảm bảo việc tuân thủ của các nhà đầu tư trong BVMT. Quy trình xây dựng báo cáo ĐTM phải tuân thủ nhiều giai đoạn với các bước cụ thể, trong đó tham vấn cộng đồng người dân ở địa phương và các bên liên quan là một điều kiện bắt buộc. Tham vấn cộng đồng với mục tiêu là đảm bảo người dân có hiểu biết đầy đủ thông tin về dự án và được quyền tham gia các ý kiến cho dự án.

Phụ nữ tham gia tham vấn cộng đồng tại Dự án chôn lấp chất thải rắn TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc 

   Việt Nam là một trong những nước có Luật Bình đẳng Giới (ban hành năm 2006). Luật quy định những nguyên tắc và biện pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, bao gồm cả lĩnh vực BVMT. Điều 19 của Luật yêu cầu thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có biện pháp quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia và thụ hưởng. Với nền tảng pháp luật rõ ràng như vậy, một số câu hỏi được đặt ra: Phụ nữ có được tham gia vào tất cả các bước của quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không? Những khó khăn và thách thức mà phụ nữ phải đối mặt khi tham gia vào quá trình ĐTM là gì? Những lợi ích của việc phụ nữ tham gia vào quá trình ĐTM?

   Để trả lời các câu hỏi này, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã tiến hành nghiên cứu “Đánh giá sự tham gia của phụ nữ trong ĐTM tại Việt Nam: Những khuyến nghị về chính sách và sự tham gia của cộng đồng trong ĐTM” do Chương trình Đối tác Mê Công về môi trường tài trợ. Nghiên cứu được thực hiện trong năm 2015 tại Dự án Thủy điện Trung Sơn (thực hiện ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và Sơn La) và Dự án Bãi chôn lấp rác đô thị Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc).

   Sự tham gia của phụ nữ trong ĐTM tại Dự án Thủy điện Trung Sơn và Dự án Bãi chôn lấp rác đô thị Hòa Phú

   Tham vấn cộng đồng, công khai thông tin, lập kế hoạch có sự tham gia, thực hiện, giám sát và đánh giá các kế hoạch quản lý môi trường và tái định cư là các bước bắt buộc trong quá trình ĐTM giúp tạo ra một môi trường thuận lợi cho phụ nữ tham gia. Tuy nhiên, sự tham gia của phụ nữ trong tham vấn cộng đồng ở cả hai dự án khảo sát trên đều mới ở mức sơ khai, thiếu sâu sắc và chưa phát huy tiềm năng đóng góp của người phụ nữ.

   Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cuộc họp tham vấn ở Dự án thủy điện Trung Sơn là 40%. Mặc dù số lượng các đại diện nữ tương đối lớn, nhưng hầu hết họ không đưa ra ý kiến của mình. Trong quan niệm của cộng đồng miền núi phía Bắc, như những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi Nhà máy thủy điện Trung Sơn, tham dự các cuộc họp là công việc của người đàn ông. Vì vậy, phụ nữ không tự tin đưa ra tiếng nói của mình. Đối với Dự án bãi chôn lấp chất thải rắn và biện pháp giảm thiểu có 112 người tham gia họp tham vấn, bao gồm đại diện của UBND tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ và các tổ chức khác, trong đó có khoảng 30% là phụ nữ, tuy nhiên các đại biểu nữ đã không bày tỏ ý kiến cá nhân, do đó họ có rất ít ảnh hưởng trong các thỏa thuận chính thức.

   Mặt khác, trong quá trình tham vấn với cộng đồng bị ảnh hưởng, phụ nữ thường có mối quan tâm đến vấn đề sinh kế và môi trường như nước uống, ô nhiễm nguồn nước, không khí và các tác động tới sức khỏe. Đây là những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện các vai trò sinh sản và chăm sóc gia đình của người phụ nữ. Phụ nữ ở các cộng đồng chịu ảnh hưởng của Dự án bãi chôn lấp chất thải rắn tại TP. Buôn Ma Thuột phàn nàn về bụi, ô nhiễm nước, mùi hôi phát thải từ bãi chôn lấp và sự ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc kinh doanh nhỏ. Đối với Dự án Thủy điện Trung Sơn, phụ nữ đã tham gia tham vấn cộng đồng và góp phần quan trọng để xác định các khu tái định cư phù hợp hơn những khu ban đầu do chủ dự án đề xuất. Trong khi đó, đàn ông lại có các mối quan tâm khác như giao thông, bồi thường và nhà ở. Do đó, số lượng tham gia của nam giới trong cuộc họp về đất đai và bồi thường cao hơn so với phụ nữ.

   Các rào cản đối với việc phụ nữ tham gia trong quá trình ĐTM ở Việt Nam

   Tiếp cận thông tin: Phụ nữ và nam giới tiếp cận thông tin qua các kênh khác nhau do họ có vai trò giới và không gian xã hội khác nhau. Người phụ nữ thường ít có cơ hội tiếp cận với thông tin chính thống hơn của nam giới.

   Chủ đầu tư và nhóm tư vấn thiếu kiến thức về phong tục địa phương: Am hiểu các yếu tố văn hóa của từng dân tộc là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự tham gia hiệu quả của phụ nữ. Trong một số dân tộc chưa có sự bình đẳng giữa nam và nữ, vì vậy phụ nữ được xem là thấp kém hơn nam giới như đồng bào dân tộc H'Mông, Kinh, Hoa so với một số dân tộc khác như Thái, Tày. Cụ thể, đối với dân tộc Thái trắng (Tây Thanh Hóa, gần Sơn La), phụ nữ tham gia tích cực vào các cuộc tham vấn và thể hiện ý kiến của mình trong các cuộc họp, mặc dù, trình độ học vấn của họ không cao. Trong khi đó ở một số nhóm dân tộc H'Mông, hầu hết phụ nữ không tham gia và họ giao tiếp ít hơn. Ngoài ra, trong một số nhóm dân tộc, đàn ông và phụ nữ thường ngại giao tiếp và chia sẻ ý kiến với người lạ đến từ bên ngoài cộng đồng, đặc biệt khi họ chưa xây dựng được niềm tin. Như vậy, sự hiểu biết về kiến thức và văn hóa địa phương sẽ cho phép chủ dự án và tư vấn khai thác và thu nhận ý kiến của người dân một cách hiệu quả mà không làm họ cảm thấy e ngại.

   Các định kiến đối với vị thế và kiến thức của phụ nữ: Phụ nữ thường ngại chia sẻ ý kiến của mình tại các cuộc tham vấn, vì cho rằng có vị trí xã hội thấp hơn so với nam giới. Ngoài các rào cản về vai trò và vị thế truyền thống của phụ nữ, thì trình độ học vấn và các mối quan tâm ưu tiên của phụ nữ (chăm sóc con cái, làm ruộng, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trồng sắn và măng tre) cũng là một trong những lý do tại sao phụ nữ không được mời tham gia vào quá trình ra quyết định của cộng đồng. Hơn nữa, phụ nữ từ các nhóm dân tộc thiểu số thường nghĩ rằng, sau khi kết hôn, họ không có nhu cầu tiếp tục tham gia vào các hoạt động học tập chính thức. Với thành kiến như vậy, phụ nữ thường bị bỏ quên trong các cuộc tham vấn.

   Một số khuyến nghị

   Điều chỉnh khung pháp lý quốc gia về ĐTM và sự tham gia của cộng đồng dựa trên Luật Bình đẳng giới: Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định đánh giá tác động xã hội và giới trong phạm vi của ĐTM và đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). Hiện nay, Luật chỉ mới tập trung vào việc đánh giá tác động của dự án đến môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng mà bỏ qua các tác động của biến đổi môi trường lên an sinh, văn hóa và sinh kế của các cộng đồng bị ảnh hưởng. Do đó, Luật cần xem xét đến các tác động về giới trong ĐTM và Kế hoạch quản lý môi trường cũng như các biện pháp để giải quyết những tác động đó.

   Mặt khác, cần xây dựng hướng dẫn chi tiết về quá trình ĐTM để đảm bảo phụ nữ và người dân tộc thiểu số có thể tiếp cận đầy đủ thông tin của dự án và các tác động tiềm năng đối với cộng đồng và an sinh xã hội, giúp người dân thảo luận một cách hiệu quả. Hướng dẫn cần quy định tỷ lệ phần trăm tối thiểu số lượng phụ nữ tham gia; các phương thức tiến hành tham vấn với phụ nữ và dân tộc thiểu số cần chú ý sự nhạy cảm về văn hóa.

   Nâng cao vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong ĐTM và tham vấn cộng đồng: Là cơ quan đại diện của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nên phát huy vai trò trong việc rà soát và cung cấp thông tin phản hồi về dự thảo báo cáo ĐTM cũng như giám sát việc thực hiện các kế hoạch quản lý môi trường. Hội phải chủ động trong việc đảm bảo phụ nữ được tiếp cận đầy đủ với thông tin của dự án, tập hợp và đại diện cho tiếng nói của phụ nữ trong các cuộc tham vấn.

   Xây dựng các công cụ kỹ thuật giúp các chuyên gia và các bên liên quan thúc đẩy sự tham vấn cộng đồng. Để đưa ra hướng dẫn lồng ghép giới trong tham vấn cộng đồng ĐTM ở Việt Nam, năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã xây dựng Sổ tay Hướng dẫn sự Tham gia của phụ nữ trong ĐTM như một công cụ kỹ thuật nhằm giúp các chuyên gia về ĐTM, giới và xã hội, các nhà quản lý, các nhà đầu tư… từng bước triển khai đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong tham vấn ĐTM.

Nguyễn Ngọc Lý - Đào Thị Thanh Thủy

Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn