Banner trang chủ

Sự tham gia của các Bộ, ngành trong công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học ở Trung Quốc

11/05/2020

    Hiện nay, Trung Quốc phân cấp quản lý môi trường theo mô hình tập trung và quy định chung cho quản lý nhà nước về đa dạng sinh học (ĐDSH). Các luật liên quan đến ĐDSH bao gồm: BVMT (2014); Rừng (2019), BVMT biển (1999); Nông nghiệp (2013);  Nước (2002); Quản lý đất (2004); Bảo vệ động vật hoang dã - ĐVHD (2004); Thủy sản (2004); Hạt giống (2015); Sáng chế (2008); Phòng chống và kiểm soát sa mạc hóa (2001); Phòng chống dịch bệnh động vật (2007); Đồng cỏ (2002); Nhập cảnh và kiểm dịch động vật và thực vật năm (2009); Bảo tồn đất và nước (2010).

    ĐDSH là lĩnh vực rộng và bao trùm, xen kẽ vào các lĩnh vực khác của hệ thống nền kinh tế. Chính vì vậy, trong việc quản lý và bảo tồn ĐDSH cũng cần có sự tham gia của các lĩnh vực liên quan để giá trị ĐDSH được bảo vệ và phát triển bền vững. Tại Trung Quốc, ngoài Luật BVMT, còn có 15 luật chuyên ngành liên quan. Với mỗi Bộ/ngành, ngoài chức năng, trách nhiệm chính của ngành về ĐDSH thì đều được phân cấp, phân công trách nhiệm tham gia quản lý nhà nước về ĐDSH.

 

Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọa Long, Trung Quốc

 

    Bộ Sinh thái và Môi trường (được đổi tên từ Bộ BVMT từ tháng 3/2018) là cơ quan đầu mối trong quản lý nhà nước về ĐDSH và trách nhiệm cụ thể như: Xây dựng và ban hành hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý ĐDSH; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về bảo tồn ĐDSH, khu bảo tồn thiên nhiên, khu chức năng sinh thái, an toàn sinh học, tài nguyên sinh vật, công nghệ sinh học và an toàn môi trường;  xây dựng, giám sát và thực hiện các kế hoạch bảo tồn hệ sinh thái của các vùng trọng điểm quốc gia và lưu vực nước, kế hoạch bảo tồn thiên nhiên và kế hoạch bảo tồn ĐDSH; tổ chức đánh giá các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và khu chức năng sinh thái; để cung cấp đề xuất cho các loại khác nhau của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và khu chức năng sinh thái; theo dõi và quản lý trữ lượng tự nhiên quốc gia; giám sát các vấn đề BVMT trên các loại khác nhau của khu bảo tồn thiên nhiên, khu danh lam thắng cảnh, các bộ phận rừng, du lịch sinh thái; đánh giá quản lý xuất nhập khẩu về bảo tồn ĐDSH, ĐVHD bảo vệ và các loài có giá trị và có nguy cơ tuyệt chủng; phối hợp và giám sát việc thực hiện bảo tồn môi trường; chịu trách nhiệm quản lý an toàn sinh học, tài nguyên sinh học và an toàn môi trường của công nghệ sinh học.

    Ngoài Bộ Sinh thái và Môi trường thì các Bộ/ngành khác cũng được phân cấp trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung quản lý nhà nước liên quan đến ĐDSH thuộc phạm vi và chức năng quản lý, như Cục Lâm nghiệp nhà nước có trách nhiệm xây dựng dự thảo, thực hiện và giám sát các hướng dẫn, chính sách và quy định về ĐVHD, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các khu vực, bảo tồn đất ngập nước (ĐNN) và các chính sách quản lý xuất nhập khẩu ĐVHD; xây dựng và đánh giá các chiến lược, kế hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo tồn ĐVHD, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các khu vực và bảo tồn đất ngập nước; thành lập và quản lý hệ thống bảo vệ ĐVHD quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn các khu vực; giám sát về nhân giống ĐVHD quốc gia, nhân giống cây hoang dã và buôn bán và sử dụng tài sản, các kế hoạch săn bắn quốc gia. Đồng thời, tổ chức khảo sát, theo dõi, thống kê và tài liệu về tài nguyên ĐVHD quốc gia, vùng ĐNN tài nguyên và trữ lượng tự nhiên; lập danh sách tên ĐVHD quan trọng quốc gia, vùng ĐNN quan trọng quốc tế; kế hoạch săn bắt ĐVHD và thực vật hoang dã trọng điểm quốc gia; đánh giá xuất khẩu cấp quốc gia về ĐVHD và các sản phẩm của nó; xây dựng giá xuất khẩu ĐVHD (không bao gồm ĐVHD cấp một quốc gia); đánh giá kế hoạch nhập khẩu của loài ngoại lai; xây dựng danh sách tên các loại cây có giá trị cấm và hạn chế xuất khẩu; đánh giá và giám sát kế hoạch xuất khẩu cây có giá trị; giám sát các vườn thực vật quốc gia, các bộ phận ĐVHD, các khu vực cấm bảo tồn quốc gia và các khu vực bảo tồn quốc tế; thực hiện quản lý ĐVHD và quản lý khu bảo tồn thiên nhiên và thống kê, phân tích các trường hợp thể chế; tổ chức hợp tác quốc tế và truyền thông liên quan đến ĐVHD, khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực cấm, ĐNN...

    Bên cạnh đó, còn có Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm quản lý ĐDSH trong nước và các vấn đề quốc tế liên quan đến cá, thủy sản (xây dựng chính sách pháp luật quản lý, giám sát, xây dựng tiêu chuẩn, biện pháp và phương tiện đánh bắt; giấy phép khai thác; xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nuôi trồng, khai thác, chất lượng và an toàn; thực hiện phòng chống dịch bệnh động vật và thực vật thủy sinh,…). Hay Bộ Xây dựng có trách nhiệm giám sát vấn đề bảo tồn ĐDSH tại khu vực quy hoạch đô thị; Bộ Tài nguyên đất có nhiệm vụ tăng cường bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên; và phát triển chính sách trong quản lý, bảo tồn và sử dụng đất hợp lý, khoáng sản và biển; xây dựng cân bằng tài nguyên nước và tiết kiệm kế hoạch, và kế hoạch bảo tồn sinh thái và BVMT…

    Nhờ có sự phân công này, Trung Quốc đang thực hiện tốt “Kế hoạch hành động và chiến lược bảo tồn ĐDSH của Trung Quốc giai đoạn 2011 - 2030”, trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược và kế hoạch hành động ưu tiên. Đồng thời, kế hoạch hành động đề xuất các khu vực ưu tiên cho bảo tồn ĐDSH với sự xác định rõ ranh giới lần đầu tiên ở Trung Quốc và đã xác định được 32 vùng nội địa, 3 vùng biển để ưu tiên bảo tồn, với 885 khu vực tại 27 tỉnh, chiếm khoảng 24% diện tích đất của Trung Quốc.

    Năm 2015, Trung Quốc cũng đã ban hành Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 và tuyên bố việc ưu tiên bảo tồn, phục hồi tự nhiên, xây dựng hành lang sinh thái và ĐDSH, mạng lưới bảo tồn. Trong Kế hoạch năm năm lần thứ 14 (2021 - 2025), Trung Quốc đã lồng ghép và tăng tầm quan trọng và bảo vệ ĐDSH, tái lập và thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH giai đoạn 2020 - 2030; đẩy nhanh xây dựng luật pháp quốc gia về bảo tồn ĐDSH; tiến hành khảo sát và đánh giá ĐDSH; phục hồi theo hệ sinh thái núi, sông, rừng, đất nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện cơ chế kết hợp củng cố, tăng cường sản xuất, nâng cao mức sống của người dân ở các vùng nghèo đói, trong khi vẫn duy trì và nâng cao mức độ bảo tồn đa dạng sinh học.

    Để cải thiện hơn nữa cơ chế bù đắp sinh thái, từ năm 2016, Chính phủ Trung Quốc đề mục tiêu đến năm 2020, tiến hành bảo hiểm những khu vực quan trọng để đền bù sinh thái như rừng, đồng cỏ, đất ngập nước, sa mạc, biển, sông, đất nông nghiệp và khu vực quan trọng khác. Việc thực hiện bồi thường sinh thái là công cụ quan trọng để huy động sự tham gia của tất cả các bên vào BVMT sinh thái. Mặt khác, Chính phủ cũng thành lập “Vành đai bảo tồn sinh thái”. Hệ thống vành đai bảo tồn sinh thái dựa trên hệ sinh thái cung cấp dịch vụ, kiểm soát giảm nhẹ thiên tai và bảo tồn. Tháng 2/2018, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã phê duyệt Kế hoạch phân định vành đai bảo tồn sinh thái tại 15 tỉnh, chiếm khoảng 25% tổng diện tích đất của Trung Quốc…

 

Gấu trúc trong Khu bảo tồn gấu trúc Tứ Xuyên, Trung Quốc

 

    Có thể thấy, sự phân cấp, phân công trách nhiệm trong quản lý ĐDSH của Trung Quốc chi tiết, phù hợp với chức năng, phạm vi quản lý của các Bộ/ngành, tránh sự trùng lặp và chồng chéo. Bộ Sinh thái và Môi trường xây dựng, giám sát và thực hiện các chính sách, luật pháp và tiêu chuẩn quốc gia tập trung vào bảo tồn ĐDSH, khu bảo tồn thiên nhiên, khu chức năng sinh thái, bảo tồn ĐDSH, an toàn sinh học, tài nguyên sinh vật, công nghệ sinh học, an toàn môi trường và theo giám sát cả các hoạt động liên quan đến bảo tồn ĐDSH. Các Bộ/ngành khác tiến hành thực thi chính sách pháp luật chung và tiến hành các hoạt động để quản lý các nội dung cụ thể về ĐDSH được giao. Sự phân công trách nhiệm quản lý, bảo tồn ĐDSH Trung Quốc đã đề cao vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các Bộ/ngành. Với cách phân cấp, công quản lý nhà nước về ĐDSH ở Trung Quốc sẽ phát huy hiệu quả về nhân lực và kinh phí cho công tác quản lý ĐDSH, đồng thời thu hút sự quan tâm của đông đảo thành phần xã hội cho công tác quản lý nhà nước về ĐDSH.

    Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện phân cấp quản lý ĐDSH giữa các Bộ/cơ quan ngang Bộ, giữa Trung ương và địa phương phù hợp với chức năng, thẩm quyền quản lý. Việc nghiên cứu và học tập việc phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về ĐDSH của Trung Quốc góp phần huy động các Bộ/ngành tham gia vào quản lý ĐDSH hiệu quả tại Việt Nam.

 

Phạm Văn Lợi – Viện trưởng

Nguyễn Thị Thu Hoài

Viện Khoa học Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)

Ý kiến của bạn