07/05/2019
Ngày 3/5/2019, Trung tâm Nghiên cứu vùng và Đô thị (CRUS) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) tổ chức Tọa đàm Hệ thống xe đạp công cộng: Sự cần thiết và tiềm năng phát triển tại TP. Hồ Chí Minh.
Hệ thống xe đạp công cộng bắt đầu từ thập niên 1960 tại Amsterdam và liên tục phát triển cùng với sự tiến bộ của kỹ thuật cũng như nhu cầu của người dân trong quá trình phát triển đô thị. Người sử dụng hệ thống xe đạp công cộng sẽ trả phí để thuê một chiếc xe có sẵn trong hệ thống để sử dụng với khoảng cách ngắn, theo một lộ trình nhất định. Nhờ internet và kỹ thuật số, việc lấy xe, trả xe cũng như trả phí sử dụng được thực hiện đơn giản.
Việc sử dụng hệ thống xe đạp công cộng giúp khắc phục một số bất cập trong sử dụng xe đạp, như chỗ đậu và cất xe, bảo trì, khoảng cách, chi phí, sự an toàn, tiện lợi... Một cách tổng quát, hệ thống xe đạp công cộng góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông và môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời, tạo điều kiện rèn luyện sức khỏe và thư giãn, giải trí cho người dân. Bên cạnh đó, hệ thống xe đạp công cộng còn thúc đẩy các hoạt động kinh tế chia sẻ trên nền tảng mô hình đi lại thông minh.
Từ khi xuất hiện, hệ thống xe đạp công cộng đã trải qua 4 thế hệ:
- Thế hệ thứ nhất: Bắt đầu vào năm 1965 tại Amsterdam (Hà Lan) với hệ hống xe đạp công cộng không có khóa phục vụ miễn phí trong một số khu vực đô thị (Shaheen et al., 2010).
- Thế hệ thứ hai: Bắt đầu vào năm 1995 ở Copenhagen (Đan Mạch), vẫn miễn phí, tuy nhiên, người sử dụng phải bỏ một đồng xu (deposit money) để mở khóa (ITDP, 2018).
- Thế hệ thứ ba: Bắt đầu vào năm 1998 tại Rennes (Pháp) với việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến hướng tới tự động hóa (thẻ tín dụng, thẻ thông minh, công nghệ GPS, …) để sử dụng hệ thống xe đạp có trạm cố định (stationbased bike system) và theo dõi lộ trình (Shaheen et al., 2010).
- Thế hệ thứ tư - thế hệ hiện nay (Christopher et al, 2019):
Xe đạp được khóa điện tử (không cần trạm cố định) và được cung cấp năng lượng; các trạm được trang bị hệ thống năng lượng mặt trời để cung cấp cho xe đạp.
Một số công ty đầu tư hệ thống xe đạp công cộng không cần trạm cố định với công nghệ khóa U-lock (sử dụng dây khóa xe vào một vật cố định).
Xe điện bắt đầu được giới thiệu cùng với hệ thống xe đạp công cộng không cần trạm cố định.
Toàn cảnh Tọa đàm
Tại TP. Hồ Chí Minh - Thị trường rộng lớn với hơn 10 triệu dân (chưa kể một lượng lớn khách vãng lai), thì hệ thống xe đạp công cộng có tiềm năng để phát triển, với các lý do sau:
- Ngày 27/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 148/TTg-KTN về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại những TP lớn, trong đó yêu cầu UBND các trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án Thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm TP.
- Hệ thống giao thông công cộng đang trong quá trình hình thành và phát triển (chưa phủ kín các khu vực đô thị), cần được hỗ trợ ở đoạn đầu và cuối của mỗi chuyến đi (“last-mile” trip).
- Ý thức BVMT, rèn luyện sức khỏe và thư giãn, giải trí của người dân đô thị đang ngày càng tăng.
- TP. Hồ Chí Minh đang trong quá trình thực hiện Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025” theo Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 của UBND TP với các mục tiêu: Hướng đến nền kinh tế số; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc,trong đó, giao thông là một lĩnh vực được chú trọng.
Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống xe đạp công cộng tại TP. Hồ Chí Minh có các thách thức liên quan đến: Điều kiện khí hậu bất lợi (nắng nóng, mưa nhiều); Điều kiện hạ tầng giao thông dành cho xe đạp còn nhiều hạn chế; Việc sử dụng xe đạp (tốc độ thấp) có thể gây cản trở giao thông nếu lưu thông cùng xe mô-tô, xe gắn máy; Thói quen sử dụng xe máy của người dân đã hạn chế việc sử dụng hệ thống giao thông công cộng và sử dụng xe đạp (cả xe đạp công cộng lẫn cá nhân).
Các giải pháp quan trọng nhất nhằm phát triển hệ thống xe đạp công cộng tại TPHCM:
- Đưa chủ trương phát triển hệ thống xe đạp công cộng (xe, trạm đỗ, làn/tuyến đường dành cho xe đạp, …) bổ sung vào Quy hoạch chung TP. HCM cũng như Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM.
- Học tập kinh nghiệm ở các đô thị khác trong phát triển xe đạp công cộng, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
- Khắc phục nhược điểm của điều kiện khí hậu: tăng cường cây xanh che nắng, các điểm trú mưa, …
- Cải thiện điều kiện hạ tầng giao thông dành cho xe đạp:
Dành các làn riêng cho xe đạp trên lòng đường (làn trong cùng sát vỉa hè).
Tổ chức làn riêng trên vỉa hè (mô hình Đài Loan).
- Phát triển mô hình trung gian (xe đạp điện) trước khi chuyển từ xe mô-tô, xe gắn máy qua xe đạp.
- Thúc đẩy việc sử dụng xe đạp nói chung và xe đạp công cộng nói riêng của người dân đô thị:
Khuyến khích: cho phép và miễn tiền thuê vỉa hè để xây dựng các trạm (đối với hình thức dock-based), tạo điều kiện cho việc lắp đặt các trạm.
Tuyên truyền: tuyên truyền bằng việc sử dụng hình ảnh của những người có ảnh hưởng trong xã hội (chính khách, lãnh đạo, nghệ sĩ, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội, ...).
Tại TPHCM, đã có những bước đi ban đầu liên quan đến việc phát triển hệ thống xe đạp công cộng:
- Từ tháng 7/2017, Công ty TNHH Công nghệ IOT Thông minh Việt Nam đã đề xuất Dự án đầu tư hệ thống xe điện (2 bánh) công cộng; quy mô giai đoạn thí điểm (03 năm): 1.000 xe bố trí tại 74 vị trí trên địa bàn Quận 1 với tổng đầu tư 15,5 tỷ đồng; quy mô giai đoạn triển khai rộng rãi (sau 3 năm hoạt động thí điểm): 50.000 xe trên toàn bộ địa bàn TP. HCM với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 300 tỷ.
- Ngày 22/12/2017, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã làm việc với lãnh đạo UBND TP. HCM để bày tỏ mong muốn triển khai mô hình xe đạp thông minh Mobike với mục đích giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại TP. HCM.
- Từ tháng 4/2018, Dự án giao thông công cộng Easy Move tại Khu đô thị Đại học quốc gia TP. HCM do Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Tân Kỷ Nguyên triển khai vận hành thử nghiệm với 100 xe đạp công cộng thông minh và 5 trạm (Ký túc xá Khu A, Ký túc xá Khu B, Thư viện trung tâm, Đại học Công nghệ thông tin và Đại học Khoa học tự nhiên).
Hiện nay, với xu hướng tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại TP. HCM theo đề xuất của Đề án được Sở Giao thông vận tải TP. HCM phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải - TDSI (Bộ Giao thông vận tải) thực hiện từ năm 2017, việc phát triển hệ thống xe đạp công cộng có nhiều ý nghĩa thực tiễn.
Thu Hà (Nguồn: CRUS)