21/11/2019
Việt Nam hiện có trên 63 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm hơn 65,6% dân số cả nước. Mỗi năm, khu vực nông thôn phát sinh một lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), trong đó hầu hết vẫn chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh. Mặc dù, trong thời gian qua, các địa phương trong cả nước đã bước đầu quan tâm, thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý CTRSH nông thôn, nhưng công tác triển khai vẫn ở quy mô nhỏ, manh mún, thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn môi trường. Vì vậy, việc đánh giá tổng quan hiện trạng thu gom, xử lý cùng thực trạng áp dụng các công nghệ xử lý CTRSH tại khu vực nông thôn Việt Nam là cần thiết để có thể lựa chọn được mô hình hiệu quả, khả thi theo định hướng quản lý BVMT và phát triển bền vững.
Tình hình thu gom, phân loại CTRSH khu vực nông thôn
Theo số liệu của UBND, Sở NN&PTNT và Văn phòng nông thôn mới của 50 tỉnh/TP cho thấy, nguồn phát sinh CTRSH nông thôn chủ yếu từ các hộ gia đình, chợ, nhà kho, các cơ quan hành chính, trường học, cửa hàng dịch vụ thương mại, nơi công cộng... trên địa bàn, với khối lượng là 6.731.347,9 tấn/năm và không đều giữa các khu vực, trong đó đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là hai khu vực phát sinh lượng CTRSH nông thôn lớn nhất, chiếm lần lượt là 27,3% và 23,4% tổng lượng CTRSH nông thôn phát sinh. Thành phần chính trong CTRSH nông thôn thường là chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thực phẩm thải, chất thải vườn như: Cỏ, lá cây rụng; xác súc vật, phân động vật…) với độ ẩm thường trên 60%; chất vô cơ (chủ yếu là các loại phế thải thủy tinh, sành sứ, kim loại, giấy, nhựa, đồ điện gia dụng hỏng…) và đặc biệt là túi ni lông xuất hiện ngày càng nhiều. Trong đó, các thành phần dễ phân hủy chiếm tới 55 ÷ 74% trong CTRSH ở nông thôn, cụ thể là: Hưng Yên (60%); Quảng Ninh, Hà Nam tỷ lệ CTRSH hữu cơ chiếm tới 70% trong tổng lượng CTRSH nông thôn phát sinh. Hầu hết, rác thải không được phân loại tại nguồn mà để lẫn lộn, bao gồm cả các loại rác có khả năng phân hủy và khó phân hủy. Vì vậy, tỷ lệ thu hồi các chất có khả năng tái chế và tái sử dụng như giấy vụn, kim loại, nhựa... còn thấp và chủ yếu là tự phát.
Báo cáo của Sở TN&MT 50 tỉnh, TP cho thấy, tỷ lệ CTRSH nông thôn được phân loại tại nguồn chỉ đạt 8,46%, trong đó khu vực ĐBSCL và khu vực miền núi phía Bắc hiện có tỷ lệ phân loại tại nguồn cao, lần lượt là 23,25% và 10,67% so với lượng CTRSH nông thôn phát sinh tại mỗi khu vực. Tuy chưa thực hiện phân loại CTRSH nông thôn tại nguồn trên quy mô rộng nhưng ở một số địa phương đã triển khai phân loại tại nguồn trên quy mô nhỏ như xã Liên Vị (Quảng Yên, Quảng Ninh), xã Lạc Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên), xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)... Bên cạnh đó, với những chất thải như thức ăn thừa, rau, củ, người dân đã tái sử dụng ngay tại gia đình, làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm. Ngoài ra, những chất thải có thể tái chế như kim loại, nhựa, thủy tinh… đã được người dân và công nhân thu gom.
Những năm gần đây, công tác thu gom CTRSH tại nông thôn cũng đã được chú trọng, nhưng cũng chủ yếu tập trung ở các khu vực nông thôn vùng đồng bằng. Còn ở khu vực miền núi, do tập quán sinh hoạt, rác thải sinh hoạt phần lớn vẫn được các hộ dân tự thu gom và xử lý tại nhà (đổ ra vườn), hoặc thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Mô hình thu gom và công nghệ xử lý
Đến nay, hầu hết (> 90%) các thôn, xóm trên địa bàn các tỉnh/TP đã thành lập tổ vệ sinh môi trường để thu gom CTRSH, mỗi tổ từ 3 ÷ 5 người, được trang bị xe thu gom và tổ chức thu gom từ hộ gia đình đến điểm tập kết của xã với tần suất 1 ÷ 3 lần/tuần. Tuy nhiên, công tác thu gom, vận chuyển CTRSH vẫn còn nhiều bất cập, việc thu gom chưa triệt để nên vẫn còn rác thải tồn đọng. Tại một số địa bàn, CTRSH vẫn được vứt bừa bãi ven đường, đê, tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom trung bình là 58,95% lượng phát sinh, trong đó khu vực Đông Nam bộ có tỷ lệ thu gom cao nhất (97,46%), tiếp đến là vùng ĐBSH (79,1%); còn Bắc Trung bộ là khu vực có tỷ lệ thu gom thấp nhất (29,8%). Nhìn chung, có 2 mô hình thu gom và xử lý CTRSH nông thôn đang được áp dụng trên địa bàn các tỉnh khảo sát là: Thu gom và xử lý tập trung do Nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân thực hiện; Xử lý nhỏ lẻ tại các hộ gia đình.
Mô hình phân loại và xử lý CTRSH tại hộ gia đình bằng giun quế
Hiện nay, nước ta đang áp dụng 4 công nghệ xử lý CTRSH nông thôn gồm: Chôn lấp (bao gồm cả chôn lấp hở và chôn lấp hợp vệ sinh: 2.043.376,8 tấn/năm - chiếm 51,5% lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom); đốt tập trung (653.060 tấn/năm - chiếm 16,5%); sản xuất phân vi sinh - compost (203.233 tấn/năm - chiếm 5,1%) và ủ phân kết hợp đốt/chôn lấp tại hộ gia đình (1.068.234,3 tấn/năm - chiếm 26,9%). Trong đó, lượng CTRSH nông thôn đang được xử lý tại 991 bãi chôn lấp (cả bãi hở và bãi hợp vệ sinh); 294 lò đốt và 26 nhà máy sản xuất phân compost. Hầu hết, các công trình xử lý CTRSH có công suất xử lý nhỏ, chỉ có 3,4% số công trình xử lý CTRSH nông thôn có công suất từ 10 ÷ 50 tấn/ngày; 5% có công suất xử lý trên 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, trong số các công trình xử lý CTRSH nông thôn, trung bình chỉ có 69,3% là đang hoạt động hiệu quả; còn 25,6% đã đóng cửa hoặc mới xây dựng, chưa đưa vào vận hành chính thức; tỷ lệ các công trình đang hoạt động cầm chừng là 4% và có 1,1% số công trình đã bị quá tải, cần được nâng cấp, sửa chữa.
Đặc biệt, ở một số địa phương đã xuất hiện các mô hình xử lý chất thải hộ gia đình và thu được nhiều kết quả đáng khuyến khích, trong đó có mô hình xử lý CTRSH nông thôn tại hộ gia đình ở xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Tại đây, Liên hiệp Hội Phụ nữ xã đã phát cho mỗi hộ 2 túi để đựng riêng chất thải rắn vô cơ (được thu gom đến nhà máy để xử lý) và chất thải rắn hữu cơ (các hộ gia đình ủ cùng với phân gia súc, gia cầm và rác vườn, có bổ sung chế phẩm vi sinh để tăng tốc độ phân hủy và khử mùi trong các hầm biogas). Sau thời gian khoảng 20 - 25 ngày, các hộ gia đình có thể trực tiếp sử dụng rác đã phân hủy để làm phân bón cho cây trồng trong vườn và tận dụng được khí gas phục vụ nhu cầu năng lượng quy mô hộ gia đình. Hay một số hộ dân tại thôn Tiên Cầu (Hưng Yên) đã ủ phân bón bằng thùng composit. Mỗi hộ gia đình trang bị một phi nhựa dung tích 200 lít, xung quanh khoan nhiều lỗ tròn đường kính 1,5 cm, bên dưới có một cánh cửa kích thước khoảng 20 cm2 và một gói chế phẩm vi sinh. Hàng ngày, các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại gồm: Lá cây, cỏ khô, cơm thừa, canh cặn và rau quả hư hỏng (rác hữu cơ) được cho vào thùng. Sau đó, tưới chế phẩm vi sinh vào lớp phế thải và đậy nắp, sau 45 ngày, các loại rác thải sẽ được vi sinh vật phân hủy thành phân hữu cơ hay còn gọi là phân compost có lợi cho cây trồng. Ngoài ra, có một số phương án tự xử lý khác như hố đất di động, ủ chua acid lactic, nuôi ruồi lính đen... được các địa phương áp dụng.
Có thể nói, việc thực hiện phương án tự xử lý tại hộ gia đình không chỉ tiết kiệm chi phí thu gom rác mà còn tăng giá trị dinh dưỡng cho nông sản. Các mô hình tự xử lý này đã đi vào hoạt động có hiệu quả, bước đầu tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.
Đề xuất giải pháp
Trong tương lai, mô hình thu gom và xử lý tập trung sẽ được ưu tiên lựa chọn áp dụng, đặc biệt là tại các khu vực đồng bằng, có hệ thống giao thông thuận lợi cho các phương tiện thu gom công suất lớn hoạt động. Để hỗ trợ cho mô hình thu gom và xử lý tập trung, các địa phương cần thực hiện một số giải pháp: Triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; Hỗ trợ thiết bị, phương tiện thu gom (xe), hoạt động thu phí thu gom rác thải; Bố trí hợp lý các điểm tập kết, trung chuyển rác để tránh ô nhiễm; Bố trí tần suất và giờ thu gom phù hợp để đảm bảo thu gom triệt để lượng CTRSH phát sinh; Các địa phương khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất cần bố trí diện tích để xây dựng các khu xử lý rác tập trung; Nghiên cứu áp dụng các công nghệ để thu hồi nhiệt của lò đốt và nghiên cứu sử dụng tro xỉ sau đốt.
Mặt khác, để các mô hình thu gom và xử lý CTRSH ở nông thôn hoạt động hiệu quả cần thực hiện một số giải pháp sau: Quy hoạch mạng lưới thu gom CTRSH ở khu vực nông thôn theo hướng thu gom không tiếp đất; Xây dựng các mô hình thu gom, xử lý CTRSH có quy mô liên xã; Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác thu gom, xử lý CTRSH, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong thực hiện dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật; Đưa thu phí vệ sinh trở thành một tiêu chí để đánh giá gia đình/thôn văn hóa; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT.
Về công nghệ xử lý, trước mắt, hạn chế và từng bước đi đến chấm dứt xây dựng các bãi chôn lấp hở hoặc lò đốt quy mô xã, không đảm bảo vệ sinh. Nâng cấp, cải tạo những lò đốt mà khí thải chưa đạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTRSH, đồng thời đầu tư xây dựng các lò đốt quy mô cấp huyện, đảm bảo yêu cầu môi trường, xử lý triệt để lượng rác thải phát sinh.
Đối với xử lý tập trung, về lâu dài, các địa phương cần đầu tư xây dựng các khu xử lý tập trung quy mô huyện hoặc liên huyện trở lên để có thể áp dụng đồng bộ các công nghệ xử lý: tái chế các chất thải nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh; các chất thải hữu cơ được ủ để sản xuất phân vi sinh; đối với các chất thải vô cơ còn lại đầu tư công nghệ xử lý bằng phương pháp đốt có thu hồi nhiệt. Tro xỉ sau quá trình đốt nên tận dụng sản xuất gạch không nung để hạn chế lượng chất thải phải chôn lấp.
Tại các xã khu vực miền núi, hải đảo, khuyến khích người dân tự phân loại và xử lý CTRSH tại hộ gia đình thông qua các công nghệ đơn giản như: Tái sử dụng thức ăn thừa cho chăn nuôi, đào hố ủ phân hoặc ủ bằng hầm biogas để hạn chế lượng CTRSH cần xử lý tập trung.
Ngoài ra, các địa phương cần triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn để thuận lợi cho công tác xử lý; có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các mô hình thu gom, xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với khu vực nông thôn, ưu tiên đối với các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn theo công nghệ tái chế...
Mặc dù vẫn còn những tồn tại, bất cập nhưng nhìn chung, các mô hình, công nghệ đang áp dụng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý CTRSH trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới hiện nay. Để thuận lợi cho công tác thu gom và xử lý CTRSH nông thôn, trong thời gian tới, các địa phương cần sớm triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên quy mô rộng.
PGS.TS Nguyễn Văn Lâm
Trung tâm Tư vấn và BVMT, Liên hiệp hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Nguyễn Mai Hoa, Phạm Khánh Huy, Trần Thị Thanh Thủy
Trường Đại học Mỏ - Địa chất
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)