Banner trang chủ

Sớm giải quyết tình trạng hàng nghìn công-ten-nơ rác tồn đọng tại các cảng biển

22/06/2018

     Tại các cảng biển khu vực Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… hiện có gần 28 nghìn công-ten-nơ, hầu hết chứa hàng phế liệu như dây cáp điện, máy móc thiết bị cũ, giấy, nhựa… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và có thể tác động xấu đến môi trường, làm giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng, ảnh hưởng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

     Lượng công-ten-nơ tồn đọng lớn

     Tính đến cuối tháng 5/2018, số lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam lên tới 27.944 công-ten-nơ, trong đó, riêng khu vực cảng biển TP. Hồ Chí Minh có 14.658 công-ten-nơ; cảng biển Hải Phòng 6.753 công-ten-nơ; cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu 6.533 công-ten-nơ. Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 cho biết, số hàng tồn đọng nhập khẩu về các cảng rải rác từ nhiều năm nay, nhưng chủ hàng không đến làm thủ tục thông quan hàng hóa. Hàng hóa chứa trong các công-ten-nơ gồm: ống sắt, xe ô tô, tôn, phế liệu nhựa, hàng bách hóa… Nhiều công-ten-nơ hàng hóa các loại đã quá hạn 90 ngày (kể từ ngày hàng cập cảng), nhưng chủ hàng vẫn chưa đến nhận. Theo phân tích của các đơn vị hải quan, nguyên nhân khiến hàng hóa tồn đọng nhiều tại cảng do một số DN thua lỗ, nợ đọng thuế, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, từ bỏ hàng hóa sau khi đã nhập khẩu về cảng. Mặt khác, có một số chủ hàng, khi biết không thể làm thủ tục nhập khẩu được đã bỏ hàng, hoặc DN nước ngoài gửi nhầm hàng về Việt Nam, không chịu tái xuất trở lại nước sở tại do chi phí quá lớn. Ngoài ra, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu, DN trong nước cũng chối bỏ luôn tại cảng…

     Mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp thị sát và làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) liên quan việc giải quyết hàng hóa công-ten-nơ chậm luân chuyển, có nguy cơ tồn đọng tại khu vực bến cảng Cát Lái. Tại buổi làm việc, Chuẩn đô đốc Nguyễn Ðăng Nghiêm, Tổng Giám đốc Tổng công ty TCSG kiến nghị Bộ GTVT nhiều vấn đề về đầu tư hạ tầng để khai thông “điểm nghẽn”. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trước mắt của TCSG chính là tình trạng hàng công-ten-nơ phế liệu nhập khẩu tồn đọng ở cảng Cát Lái. Lý giải nguyên nhân, Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho hay, trong thời gian gần đây, chính sách thương mại của các cường quốc kinh tế thế giới có nhiều thay đổi với diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Ðơn cử như việc Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế từ ngày 1/1/2018. Do chính sách này, một số lượng lớn mặt hàng phế liệu từ các nước phát triển như Mỹ, Ôxtrâylia hoặc châu Âu... sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc mà buộc phải “lách” vào các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Số công-ten-nơ có nguy cơ tồn đọng này chủ yếu là dây cáp điện, máy móc thiết bị cũ, phân bón, hàng nông sản, nguyên liệu may mặc, nhôm nguyên liệu, phế liệu nhựa, giấy, xe ô tô...

 

Cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đang tồn đọng hàng nghìn công-ten-nơ rác

 

     Theo thông tin tìm hiểu được từ các hãng tàu, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy… trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu, đang trên đường vận chuyển. Ðiều này có nguy cơ gây ra hậu quả nặng nề do ô nhiễm môi trường, tốn kém chi phí để tiêu hủy, gây ách tắc tại các cảng biển khi hàng hóa không thể giải phóng được. “Hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam, dẫn tới các DN cảng phải luân chuyển nhiều lần vị trí các công-ten-nơ trong bãi cảng hoặc có nhu cầu vận chuyển giữa các bến cảng, ICD khác để chứa. Bên cạnh đó, việc đòi hỏi các cơ quan chức năng tháo gỡ về thủ tục sẽ làm gia tăng chi phí cho các cảng, khách hàng, hãng tàu và giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng; ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của DN Việt Nam” - Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhận định.

     Gỡ vướng thủ tục, siết chặt quy định

     Việc xử lý các công-ten-nơ tồn đọng phải thực hiện theo Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính với nhiều thủ tục, từ thông báo tìm chủ hàng để xác định chính xác là hàng vô chủ; thành lập hội đồng xử lý; phân loại, kiểm đếm, bán đấu giá... Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước lại phải chi trả tất cả các khoản chi phí, gồm đăng thông tin tìm chủ hàng, thuê tổ chức giám định, thẩm định giá trị hàng, thuê đơn vị thực hiện tiêu hủy đối với hàng độc hại, hết giá trị; bồi dưỡng cho các thành viên hội đồng (tối đa mỗi người 100 nghìn đồng/ngày); trả phí lưu kho, lưu bãi cho đơn vị kinh doanh cảng... Ngân sách sau đó sẽ được bù đắp bằng tiền thu lại từ việc bán hàng trong các công-ten-nơ tồn đọng (trong trường hợp hàng còn bán được). Tuy nhiên, thông thường tiền thu về ít hơn cả số đã chi. Trong khi đó, Thông tư số 203/2014/TT-BTC giao Cục Hải quan chủ trì, xử lý hàng tồn đọng nhưng đơn vị này chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về hải quan, không có chức năng kinh doanh cho nên gặp khó khăn trong việc tạm ứng, thanh toán thu, chi, thuê các dịch vụ liên quan trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng. Trong thời gian qua, các cục hải quan địa phương đã chỉ đạo các chi cục thường xuyên rà soát, thống kê, soi chiếu, thực hiện phân loại đối với những công-ten-nơ hàng có dấu hiệu nghi vấn, thực hiện khóa công-ten-nơ, xếp vào một khu vực riêng để theo dõi, giám sát chặt chẽ. Nếu chủ hàng làm thủ tục nhận hàng, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra chi tiết, xử lý nghiêm nếu sai phạm. Trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, khi quá hạn 90 ngày, sẽ xử lý, giải quyết kịp thời hàng còn giá trị, tránh lãng phí, những lô hàng ảnh hưởng đến môi trường, kiên quyết tiêu hủy.

     Hàng chục nghìn công-ten-nơ hàng nhập khẩu đang bị “bỏ quên” tại các cảng biển không chỉ làm cơ quan chức năng mất nhiều thời gian theo dõi, xử lý mà còn tiềm ẩn hàng lậu, hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường. Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cũng thừa nhận khó khăn trong quá trình thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng. Ðơn cử, theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC: “Trường hợp chưa có nguồn kinh phí để thực hiện chi trả Hội đồng tạm ứng kinh phí từ tài khoản tạm giữ, dự toán ngân sách thường xuyên của Cục Hải quan hoặc của DN quản lý hàng hóa tồn đọng để thực hiện chi trả từ nguồn ngân sách”. Ðiều này đã gây khó khăn, làm chậm quá trình thanh lý hàng hóa tồn đọng. Ngoài ra, đối với hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng dưới 90 ngày, hiện nay chưa có quy định cụ thể. Các DN cảng đã chủ động có biện pháp hạn chế các mặt hàng phế liệu nhựa, giấy nhập khẩu qua cảng như Tổng Công ty TCSG chỉ tiến hành dỡ hàng từ tàu, sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể; từ ngày 1/6 - 30/9/2018, cảng ngừng tiếp nhận toàn bộ hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp.

     Ðể kịp thời có biện pháp xử lý hàng hóa chậm luân chuyển, có nguy cơ tồn đọng theo quy định của pháp luật và tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài chính, Công Thương, TN&MT có giải pháp kịp thời, xử lý hàng hóa chậm luân chuyển nguy cơ tồn đọng tại cảng biển Việt Nam để hạn chế các lô hàng nhựa, giấy phế liệu đã về đến nước ta nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu. Ðồng thời, đề xuất Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc xử lý các mặt hàng nhựa, giấy phế liệu và các mặt hàng lưu bãi hơn 90 ngày tại các cảng biển; Tiếp tục hỗ trợ các DN phối hợp với hãng tàu và khách hàng chủ động chuyển các lô hàng này về cảng khác, trước khi tàu cập cảng biển Việt Nam, tránh kéo dài thời gian giải phóng tàu làm phát sinh chi phí cho các bên liên quan. Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét sửa đổi Thông tư số 203/2014/TT-BTC để chủ động xử lý hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại cảng biển.

 

Hồng Điển (Theo nhandan.com.vn)

Ý kiến của bạn