Banner trang chủ

Quỹ Môi trường toàn cầu và định hướng ưu tiên tài trợ trong giai đoạn 2018 - 2022

31/05/2018

     Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 6/2018. Đây là sự kiện quốc tế về môi trường có quy mô và tầm quan trọng lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức từ trước đến nay, đồng thời là Diễn đàn thảo luận và thông qua những quyết sách vĩ mô về nguồn lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) toàn cầu trong thời gian tới. Hội nghị sẽ có khoảng 1.500 đại biểu từ 183 quốc gia thành viên, nhiều tổ chức quốc tế lớn và phi chính phủ về môi trường trên khắp thế giới. Hội nghị cấp cao được tổ chức 4 năm/lần của Đại hội đồng GEF sẽ thảo luận và thông qua chính sách, kế hoạch ngân sách và chương trình hoạt động cho Chu kỳ 7 từ tháng 7/2018 - 6/2022. Trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế cho các hoạt động môi trường ngày một hạn hẹp, các nguồn lực hỗ trợ từ GEF càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

     GEF - 25 năm đồng hành hỗ trợ BVMT toàn cầu

     Là tổ chức cung cấp viện trợ môi trường lớn nhất trên thế giới, GEF được thành lập ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường và phát triển năm 1992 để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Với 183 quốc gia thành viên, GEF là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp các khoản viện trợ trong các lĩnh vực: đa dạng sinh học (ĐDSH), giảm thiểu biến đổi khí hậu (BĐKH), hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững, cách tiếp cận tổng hợp, hoạt động hỗ trợ việc thực hiện các công ước quốc tế về môi trường. Đến nay, Quỹ đã chuẩn bị kết thúc Chu kỳ hoạt động 6 (GEF 6, giai đoạn từ tháng 7/2014 - 6/2018). Đại hội đồng GEF tổ chức vào tháng 6/2018 tại Đà Nẵng sẽ thảo luận và thông qua kế hoạch ngân sách cũng như chương trình hoạt động giai đoạn từ tháng 7/2018 - 6/2022.

     Hội đồng GEF gồm 14 nước viện trợ và 18 đại diện các nước nhận viện trợ tham gia theo chế độ luân phiên. Hội đồng GEF họp 2 lần/năm, thảo luận và thông qua các chương trình, dự án cụ thể.Ban Thư ký GEF có vai trò giúp Đại hội đồng và Hội đồng GEF điều phối các hoạt động phát triển Quỹ, xây dựng, phê duyệt và thực hiện dự án. Ban Tư vấn khoa học và kỹ thuật (STAP) GEF cung cấp, hỗ trợ về kỹ thuật khoa học đối với các chính sách và dự án.Văn phòng thẩm định độc lập giúp Đại hội đồng và Hội đồng GEF giám sát, đánh giá, thẩm định các hoạt động của GEF. Các tổ chức đối tác của GEF gồm 18 cơ quan: UNDP, UNEP, UNIDO, WB, ADB, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO); Ngân hàng Phát triển (NHPT) châu Phi (AFDB), Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD); NHPT Liên  Mỹ (IADB), Quỹ quốc tế về phát triển Nông nghiệp (IAFD); NHPT Mỹ La tin, NHPT Nam Phi (DBSA), NHPT Tây Phi (BOAD), Quỹ ĐDSH Brazil (FUNBIO), Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Tổ chức Bảo tồn thế giới (CI) và Văn phòng hợp tác kinh tế đối ngoại, Bộ Môi trường Trung Quốc. Bên cạnh đó là sự đồng hành của mạng lưới các tổ chức phi chính phủ và khối tư nhân tham gia BVMT.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT, Trưởng Ban chỉ đạo GEF Việt Nam Trần Hồng Hà và Chủ tịch

Quỹ Môi trường toàn cầu Naoko Ishiee tại Đại hội đồng GEF lần thứ 5, Mêhicô năm 2014

 

     GEF đóng vai trò là cơ chế tài chính cho 5 công ước lớn về môi trường: Công ước ĐDSH, Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH, Công ước Stockhom về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, Công ước Chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc và Công ước Minamata về thủy ngân.

     Sau hơn 25 năm hoạt động, GEF đã viện trợ trực tiếp hơn 20 tỷ USD cho công tác BVMT trên toàn cầu, đồng thời gián tiếp hỗ trợ hơn 88 tỷ USD thông qua các dự án đầu tư phát triển do doanh nghiệp và cộng đồng thực hiện. Với vai trò là cơ chế tài chính toàn cầu lớn nhất về BVMT, GEF đã đạt được những thành tựu nổi bật:Viện trợ 4.586 dự án BVMT trong tất cả các lĩnh vực; Tạo lập hơn 3.300 khu bảo tồn, với diện tích hơn 860 triệu hecta; Xây dựng cơ chế quản lý thân thiện với bảo tồn thiên nhiên cho hơn 352 triệu hecta canh tác trên đất liền và đại dương; Hỗ trợ 790 dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần giảm 2,7 tỷ tấn khí nhà kính; Hỗ trợ quản lý bền vững 34 lưu vực sông xuyên biên giới của 73 quốc gia; Đẩy mạnh hợp tác và quản trị 1/3 các hệ sinh thái biển chủ chốt trên toàn cầu; Quản lý và tiêu hủy 200.000 tấn chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy độc tính cao; Hỗ trợ thích ứng và giảm rủi ro của BĐKH cho hơn 15 triệu người ở 130 quốc gia.

     Ngay từ khi GEF mới thành lập, Việt Nam đã tham gia tích cực và đã nhận viện trợ cho 107 dự án, với tổng kinh phí khoảng 450 triệu USD (chưa kể gần 5 tỷ USD hỗ trợ từ các dự án liên quan GEF). Việc được lựa chọn là nước đăng cai tổ chức Đại hội đồng GEF sắp tới ghi nhận những đóng góp tích cực của Việt Nam với cộng đồng GEF quốc tế, đồng thời tạo lập cơ hội để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức về môi trường,BĐKH và suy thoái tài nguyên.

     Định hướng ưu tiên của GEF trong giai đoạn 2018 - 2022

     Thông qua 4 vòng đàm phán về Kế hoạch hoạt động của GEF giai đoạn 2018-2022, đến nay các nước tài trợ đã cam kết đóng góp ít nhất là ngang mức trong chu kỳ 6, vào khoảng 4 tỷ USD cho chu kỳ 7 của GEF. Theo đó, định hướng hoạt động của GEFgồm:

     Về chính sách chung: Các dự án do GEF tài trợ sẽ tập trung giải quyết các nguyên nhân cơ bản của suy thoái môi trường thay vì giải quyết các hậu quả, nhờ vậy sẽ tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài trợ.

     Tiếp tục duy trì hệ thống phân bổ nguồn lực minh bạch cho các nước (STAR), theo đó các nước nhận viện trợ sẽ được phân bổ một nguồn vốn nhất định dựa trên các trọng số về hiệu suất giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu, mức GDP và kết quả thực hiện các dự án trước đây. Đồng thời, GEF 7sẽ nâng trọng số GDP trong việc tính STAR, nghĩa là nước GDP thấp sẽ nhận STAR nhiều hơn nước có GDP cao.

     Nâng mức linh hoạt chuyển đổi giữa các lĩnh vực trọng tâm với những nước STAR trên 7 triệu, nhưng mức linh hoạt không quá 30% tổng số STAR.Tỷ lệ đối ứng kỳ vọng trong chu kỳ 7 sẽ nâng từ 5:1 lên 7:1 (nghĩa là 1 USD viện trợ của GEF sẽ có 7 USD đối ứng từ các nguồn khác, bao gồm: Chính phủ, các tổ chức quốc tế đối tác, khối tư nhân, cộng đồng; Tăng sự tham gia khối tư nhân thông qua các khoản hỗ trợ vay lãi suất ưu đãi).

     Về các lĩnh vực ưu tiên cụ thế: Trong chu kỳ hoạt động 7 của giai đoạn 2018 - 2022, GEF tiếp tục tập trung giải quyết các nguyên nhân cơ bản của suy thoái, ô nhiễm môi trường qua cách tiếp cận tổng hợp với những dự án có quy mô lớn. Các trọng tâm ưu tiên được duy trì thông qua 6 lĩnh vực (ĐDSH, BĐKH, suy thoái đất, các vùng nước quốc tế, hóa chất và chất thải và quản lý rừng bền vững). Ngoài ra, GEF 7 sẽ tiếp tục 3 Chương trình tổng hợp và đã triển khai từ GEF 6 (lương thực và sử dụng đất, thành phố bền vững, lâm nghiệp bền vững). Các mục tiêu cụ thể của từng lĩnh vực như: Gắn kết bảo tồn sinh học vào tất cả các lĩnh vực, sinh cảnh đất liền và trên biển; xử lý các nguyên nhân trực tiếp gây suy giảm nơi cư trú và số loài; xây dựng chính sách bảo tồn ĐDSH; Thúc đẩy sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng bền vững; trình diễn các phương án giảm nhẹ phát thải có tác động hệ thống; gắn kết chính sách giảm phát thải vào các hoạt động phát triển bền vững chung; tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các sáng kiến phòng chống suy thoái đất; Tăng cường cơ hội phát triển kinh tế biển; quản lý các khu vực biển ngoài quyền tài phán quốc gia; đảm bảo an ninh nguồn nước tại các hệ sinh thái nước ngọt.

     Đồng thời, hỗ trợ các đảo quốc và các nước phát triển thấpthực hiện các công ước quốc tế về hóa chất và chất thải; Triển khai các hoạt độngphục hồi và sử dụng đất; hướng tới triển khai thành phố vàlâm nghiệp bền vững…

     Những định hướng ưu tiên tài trợ nói trên sẽ tiếp tục được thảo luận và thông qua tại Hội nghị Đại hội đồng vào cuối tháng 6/2018 tại Đà Nẵng. Đây sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm cũng như vận động tài trợ để xử lý các vấn đề môi trường, đặc biệt là một số lĩnh vực đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm như BVMT và quản lý tài nguyên trong quá trình phát triển kinh tế biển; quản lý rác thải biển; BVMT và thích ứng BĐKH tại các thành phố/đô thị đông dân cư; quản lý rừng bền vững và bảo vệ thượng nguồn các lưu vực sông.

 

TS. Đỗ Nam Thắng

Quỹ Môi trường toàn cầu

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)

 

 

 

Ý kiến của bạn