05/11/2018
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ nhân viên y tế trong quản lý chất thải y tế (QLCTYT) đóng vai trò quan trọng. Đây được coi là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa chiến lược trong BVMT y tế với mục tiêu đạt được là phải làm cho từng người dân, nhất là các nhân viên y tế có nhận thức đúng về trách nhiệm trong QLCTYT, BVMT trong cơ sở y tế (CSYT). Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình về việc triển khai Kế hoạch truyền thông về QLCTYT giai đoạn 2017-2021 của Bộ Y tế sau hơn 1 năm thực hiện tại tỉnh Quảng Bình.
PV: Xin ông cho biết đôi nét về thực trạng và công tác QLCTYT trên địa bàn địa phương trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Đức Cường: Trong năm qua, Sở Y tế đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình thường xuyên đôn đốc, theo dõi việc thực hiện công tác BVMT tại các CSYT trên địa bàn tỉnh. Qua theo dõi cho thấy, công tác BVMT tại các CSYT đã từng bước được quan tâm và dần đi vào nề nếp. Hầu hết, các bệnh viện đều thực hiện đầy đủ việc lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, chế độ giám sát môi trường định kỳ. Công tác quản lý chất thải nguy hại và chất thải rắn thông thường tại CSYT được thực hiện khá tốt và báo cáo định kỳ về Sở TN&MT tỉnh theo đúng quy định. Tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, lò đốt chất thải y tế, tuy nhiên do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế nên việc đầu tư các công trình, hạng mục xử lý rác thải y tế, nước thải tại một số CSYT đến nay vẫn chưa được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Bình và các đơn vị liên quan đều tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác BVMT tại các CSYT trên địa bàn. Qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, đồng thời hướng dẫn thực hiện công tác BVMT theo đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, Sở Y tế Quảng Bình sẽ tiếp tục phối hợp với Sở TN&MT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về QLCTYT và BVMT trong các CSYT; thực hiện nghiêm các quy định về QLCTYT từ khâu phân loại thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý; tăng cường công tác quản lý và giám sát nhằm ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Được sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ chất thải bệnh viện (Bộ Y tế), Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình và các bệnh viện tuyến huyện đã lắp đặt thiết bị hấp ướt để xử lý chất thải y tế lây nhiễm. Sau khi hoàn thiện đồng bộ các công trình xử lý môi trường, các bệnh viện sẽ được xem xét chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Sở Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xử lý triệt để các CSYT gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình
Mặt khác, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ TN&MT đã hỗ trợ tỉnh Quảng Bình trong công tác xử lý chất thải y tế, đặc biệt là xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Đến nay, đã có 1/7 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa) được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 6/7 bệnh viện còn lại đang trong giai đoạn nâng cấp, cải tạo, hoàn thiện công trình xử lý nước thải y tế, lò đốt chất thải rắn y tế và làm các thủ tục xin xác nhận hoàn thành. Tất cả các bệnh viện đã được kiểm định đầu ra đảm bảo xả thải môi trường theo quy định.
PV: Để công tác QLCTYT đạt hiệu quả thì công tác truyền thông nâng cao nhận thức đóng vai trò quan trọng. Vậy xin ông cho biết, một số kết quả đạt được của địa phương sau hơn 1 năm triển khai Kế hoạch truyền thông về QLCTYT của Bộ Y tế?
Ông Nguyễn Đức Cường: Sau khi Bộ Y tế ban hành Kế hoạch truyền thông về QLCTYT tại Quyết định số 1119/QĐ-BYT, ngày 13/7/2017, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch truyền thông về QLCTYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021. Ngay sau khi Kế hoạch được ban hành, Sở Y tế đã cung cấp thông tin tham luận tại các hội nghị về thực trạng và kiến nghị giải pháp tăng cường QLCTYT; Xây dựng bộ tài liệu truyền thông vận động các cấp lãnh đạo nhằm tăng cường sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư hợp lý và đảm bảo nguồn lực cho các CSYT thực hiện QLCTYT. Đến nay, 100% CSYT có xây dựng kế hoạch truyền thông QLCTYT tại đơn vị dựa theo kế hoạch truyền thông về QLCTYT tỉnh Quảng Bình.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng triển khai và đánh giá thực hiện tiêu chí chuẩn “Bệnh viện kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp”. Năm 2017, Sở Y tế đã tổ chức đánh giá các bệnh viện theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 15/7/2016 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch triển khai CSYT “xanh - sạch - đẹp”. Theo đó, hầu hết các bệnh viện đều đạt mức từ 80 điểm trở lên. Đồng thời, Sở Y tế cũng tổ chức các hội thảo chuyên đề và tập huấn cho các đối tượng quản lý và chuyên trách QLCTYT của các bệnh viện; tổ chức tập huấn thường xuyên cho các đối tượng nhân viên y tế nhằm nâng cao kiến thức và hướng dẫn thực hành phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTYT. Từ tháng 7/2017 đến nay, Sở Y tế đã tập huấn cho hơn 1.000 nhân viên y tế và 160 nhân viên thu gom vận chuyển chất thải y tế. Đến nay, 100 % cán bộ y tế thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh có phát sinh chất thải y tế đã được tập huấn nâng cao nhận thức về trách nhiệm và cải thiện thực hành phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTYT.
Mặt khác, Sở Y tế cũng tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường thực hành giữ gìn vệ sinh môi trường của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các đối tượng đến sử dụng dịch vụ tại CSYT và cộng đồng xung quanh CSYT. Sở Y tế đã xây dựng 7 cụm pano truyền thông tại 7 bệnh viện, tổ chức dán hơn 600 áp phích truyền thông tại các nơi dễ nhìn, dễ thấy, đông người qua lại tại các CSYT và phát hơn 12.000 tờ rơi cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về nội dung hướng dẫn phân loại, thu gom rác thải y tế. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng (Báo Quảng Bình, Đài Truyền hình Quảng Bình) đưa tin bài, phóng sự để tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng. Đặc biệt, tăng cường sự tham gia giám sát thực hiện QLCTYT của cộng đồng đối với CSYT nhằm đẩy mạnh công tác BVMT y tế.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch truyền thông về QLCTYT, Sở có gặp một số khó khăn như: Lãnh đạo tại một số địa phương - nơi có các bệnh viện đóng trên địa bàn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác QLCTYT đến sức khỏe của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế trong bệnh viện và người dân, cộng đồng sống xung quanh bệnh viện; Một số cán bộ lãnh đạo của các bệnh viện chưa quan tâm đúng mức đến công tác QLCTYT, chưa coi việc QLCTYT là công việc thường xuyên, cần theo dõi và cấp kinh phí thường xuyên để bảo trì và nâng cấp; Người bệnh và người nhà người bệnh vẫn coi việc QLCTYT là việc của cán bộ y tế, chưa phối hợp với nhân viên y tế trong việc giữ gìn môi trường trong bệnh viện; cộng đồng dân cư xung quanh bệnh viện chưa phối hợp với bệnh viện trong công tác giữ gìn môi trường xung quanh, quang cảnh của bệnh viện.
PV: Xin ông cho biết, một số giải pháp và kế hoạch của địa phương trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức Cường: Để đạt được mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch truyền thông về QLCTYT giai đoạn 2017-2021, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm:
Tiếp tục tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo CSYT, nhân viên y tế về công tác QLCTYT, BVMT trong bệnh viện, CSYT; phát động các phong trào thi đua BVMT y tế, thực hiện CSYT xanh - sạch - đẹp tại các bệnh viện, CSYT trên địa bàn.
Huy động các nguồn kinh phí thực hiện truyền thông về QLCTYT, BVMT y tế tại các bệnh viện, CSYT cho người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng dân cư xung quanh; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa bệnh viện, CSYT với cộng đồng dân cư xung quanh trong công tác giữ gìn môi trường xung quanh, quang cảnh của bệnh viện.
Tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các CSYT, đặc biệt là trên các mạng xã hội (Facebook, YouTube...) để cộng đồng có nhận thức và định hướng thông tin tích cực về công tác QLCTYT tại các CSYT.
PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguyễn Hằng (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)