25/03/2016
Quản lý nguồn nước hiệu quả có thể giúp giảm một nửa tình trạng thiếu hụt lương thực trên toàn cầu như hiện nay. Kết luận này được các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Tác động khí hậu Potsdam (Đức) công bố trên Tạp chí Environmental Research Letters.
Theo tính toán, để có thể nuôi sống dân số trên toàn cầu, con người cần có các biện pháp để tăng sản lượng calo mà cây trồng cung cấp ở tất cả mọi khu vực lên 60 đến 100% vào năm 2050 mà không gây tác động đến các nguồn tài nguyên. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề hạn chế thiếu hụt lương thực, nhưng rất ít trong số này tập trung vào cải thiện các biện pháp quản lý nguồn nước, trong khi nông nghiệp chính là ngành tiêu thụ nước lớn nhất. Do đó, quản lý nước hiệu quả là giải pháp không thể bỏ qua giúp tăng năng suất cây trồng trên diện rộng, tuy nhiên hiện vẫn chưa có nghiên cứu quy mô lớn nào về vấn đề này - ông Jonas Jägermeyr, trưởng nhóm nghiên cứu nhận định.
Xuất phát từ thực tế đó, Jägermeyr và các đồng nghiệp đã thực hiện một ước tính toàn cầu chưa từng có và đưa ra kết luận, quản lý hiệu quả nguồn nước có thể giúp cắt giảm một nửa tình trạng khan hiếm lương thực trên toàn cầu mà không cần đến bất kỳ sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất để mở rộng diện tích trồng trọt hay khoan hút thêm nước từ các mạch nước ngầm.
Ảnh minh họa: conservationmagazine.org
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mô phỏng sinh học trên máy tính để tính toán các kỹ thuật, cách thức quản lý nước (bao gồm cả các biện pháp thô sơ) ảnh hưởng tới nông nghiệp như thế nào ở điều kiện thời tiết kiện tại và cả một loạt các kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai. Các giải pháp quản lý nguồn nước được tính toán đến bao gồm biện pháp duy trì độ ẩm cho đất như để lại tàn dư cây trồng từ vụ trước trên mặt đất hay trộn vào cùng với đất; Các biện pháp quản lý nước như tối ưu hóa các kênh rạch thu hứng nước mưa; Các biện pháp canh tác như làm ruộng theo kiểu bậc thang hay kiểu đường đồng mức để giảm dòng chảy của nước. Ngòai ra, các giải pháp cải thiện hệ thống thủy lợi cũng được tính toán tới.
Ba kịch bản đã được các nhà khoa học đưa ra tùy thuộc vào mức độ thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật. Áp dụng các biện pháp theo kịch bản trung bình, được ông Jägermeyr đánh giá là tuy tham vọng nhưng vẫn khả thi, sẽ giúp tăng năng suất cây trồng lên 41%. Con số này có thể cao hơn ở các khu vực mà khan hiếm nước là hạn chế chính để nâng cao sản lượng ngành trồng trọt.
Tóm lại, cải thiện công tác quản lý nguồn nước đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, trong đó dự đoán hạn hán sẽ ngày một gia tăng và lượng mưa cũng thay đổi thất thường. Đã đến lúc quản lý nước trở thành nội dung quan trọng nhất trong các cuộc thảo luận về an ninh lương thực toàn cầu, ông Jägermeyr nhấn mạnh.
Hồng Nhung