08/03/2018
Ngày 1/3/2018, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội đối với Dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn.
Toàn cảnh Hội nghị
Hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có gần 2.790 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí BVMT đối với nước thải (tổng lưu lượng khoảng 143.430 m3/ngày đêm). Mỗi năm, TP thu về 8 tỉ đồng. Tuy nhiên, các cơ sở y tế có phát sinh nước thải y tế (523 cơ sở, thải hơn 22.260 m3/ngày đêm) và cơ sở xử lý chất thải rắn (thải hơn 7.880 m3/ngày đêm) lại không thuộc đối tượng chịu phí BVMT đối với nước thải. Các cơ sở này có lưu lượng phát sinh nước thải lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không nộp phí là không công bằng. Do đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung 2 nhóm đối tượng này vào danh sách thu phí nước thải công nghiệp.
Ngoài ra, UBND TP cũng đề xuất tăng cách tính phí BVMT đối với nước thải công nghiệp theo hướng thu tăng phí nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí và tác động đến hành vi giảm xả nước thải ô nhiễm. Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5 m3/ngày đêm thì nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Các cơ sở có tổng lượng nước thải từ 5 m3/ngày đêm trở lên thì sẽ áp dụng thêm hệ số K (lưu lượng nước thải). Đặc biệt, mức phí được tính tăng theo tỷ lệ thuận với hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải.
Theo tính toán, sau khi bổ sung, tổng số các cơ sở phải đóng phí là 3.310 cơ sở. Tổng lượng nước thải của các cơ sở thải ra khoảng 173.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, khi thu phí theo phương thức mới, dự kiến TP thu được 60 tỉ đồng/năm.
Phản biện lại nội dung đề xuất trong dự thảo, đại biểu Tống Hữu Châu – Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật và môi trường TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc đưa đối tượng các cơ sở y tế, khám chữa bệnh vào đối tượng bị thu phí nên xem xét lại, bởi trước đây, TP yêu cầu các bệnh viện lớn xây dựng hệ thống xử lý rồi. Vì vậy, theo ông Châu, TP nên có chủ trương bắt buộc các cơ sở y tế nếu chưa có hệ thống xử lý nước thải thì phải xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải trong quý 3 hoặc cuối năm 2018. Đại biểu Châu cũng cho rằng, cần phải tăng hệ số tính ô nhiễm đối với đơn vị xả thải. Nguyên tắc xả thải ô nhiễm càng nhiều thì hệ số tính phải càng lớn. Đặc biệt, danh mục các chất ô nhiễm phải được tăng lên thay vì chỉ có 6 chất như trong đề án.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Thành Hổ - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nên có quy định cụ thể từng loại đối tượng, chất thải chứ không nên chung chung. Ngoài ra, nên quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ và cần có xử phạt lẫn khen thưởng những doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại để xử lý nước thải, tốn kém tiền tỉ.
Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, không nên đánh đồng hệ số K và nên xem mức độ ô nhiễm để đánh giá. Một nơi có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn với một mới có hệ thống xả thải nhưng xả thải không đạt tiêu chuẩn nếu đóng phí giống nhau thì không công bằng. Do đó, phải tính mức độ các chất nguy hiểm ẩn trong hệ số K.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) Vũ Anh Minh cho rằng, nếu xác định hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải đối với cơ sở đã có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn thì cần hướng dẫn chi tiết khi nào tính dựa theo kết quả đo đạc, phân tích mẫu thực tế và khi nào thì áp dụng theo quy chuẩn xả thải để tránh nhập nhằng giữa cơ quan thu phí và cơ sở nộp phí bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đối với cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có mà nước thải đầu ra không đạt chuẩn thì đều bị áp dụng chung khung mức độ ô nhiễm của ngành đặc thù là không công bằng…
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo đề án cần làm rõ cơ sở số liệu để đưa ra, quản lý bao nhiêu đối tượng được thu; xác định lại hàm lượng chất gây ô nhiễm; có biện pháp chế tài và xử lý các đơn vị vẫn xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân cùng tham gia BVMT...
Bình Minh